Bi - hài chuyện dạy và học trực tuyến

08:49 16/04/2020
Trong lúc dịch COVID-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp thì dạy và học trực tuyến có lẽ là giải pháp phù hợp nhất. Tuy nhiên, do điều kiện của mỗi học sinh, lại là lần đầu tiếp cận, giải pháp dạy và học này đã gặp không ít những khó khăn và cả bi hài.


Bi hài muôn kiểu học online

Gần 1 tháng nay, cứ chuẩn bị đến giờ con gái lớp 3 học online, gia đình chị Nguyễn Thuý Hồng, 32 tuổi (Sơn Công, Ứng Hoà, Hà Nội) lại cuống cuồng các tiết mục chuẩn bị. 3 chiếc điện thoại thông minh luôn trong tình trạng "ứng trực khẩn cấp" để phòng trường hợp máy này không vào được thì sẽ có ngay máy khác thay thế. Vậy mà đã có lúc cả 3 máy điện thoại nhà chị Hồng đều không thể vào được. Lý do là bởi mạng wifi bị "đơ".

Do điều kiện học sinh tại Việt Nam, việc học online gặp không ít những khó khăn.

"Khổ lắm, mỗi khi đến giờ con học online cả nhà cứ như trực chiến ấy. Nếu chẳng may vào chậm khoảng 5 phút là cô đã khoá phòng rồi nên vợ chồng tôi rất căng thẳng. Con thì bé nên nó chưa thể chủ động được những việc đó. Chả biết các con học có hiệu quả hay không nhưng thực sự thấy thương chúng nó quá. Tự nhiên dịch bệnh, mang tiếng được nghỉ nhưng hết học trên truyền hình lại học online khiến bọn trẻ lúc nào cũng căng thẳng", chị Hồng chia sẻ.

Cũng như gia đình chị Hồng, gia đình bà Lê Thắm, 65 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) thật sự vất vả mỗi khi chuẩn bị đến giờ học của đứa cháu nội. Cháu học lớp 2, được bố mẹ gửi về tránh dịch. Bà Hồng cho biết: "Do vợ chồng tôi già nên không biết gì về máy tính thành ra cứ chuẩn bị đến giờ học của cháu lại phải vác máy sang nhà hàng xóm nhờ người ta đăng nhập vào lớp cho. Họ làm xong tôi lại mang máy tính về để cháu còn kịp học. Có lúc mang về nó lại không vào được. Khổ, có hôm phải chạy đi chạy lại mấy lần mới trôi. Cháu học mà ông bà cũng toát mồ hôi".

Bi đát hơn cả có lẽ là nhà anh Lê Phúc Thành (Thanh Oai, Hà Nội). Vợ chồng anh Thành quanh năm cũng chỉ biết cấy vài sào ruộng để có cái ăn. Hai vợ chồng anh trước giờ mỗi người cũng chỉ có 1 chiếc điện thoại đen trắng để liên lạc với người thân.

Nay dịch bệnh, con phải học online khiến vợ chồng anh đành phải đi vay tiền mua một chiếc điện thoại thông minh để cho con học bài. Thế nhưng, có điện thoại mà lại không có wifi nên mỗi khi đến giờ con học vợ chồng anh lại phải dẫn con sang nhà hàng xóm xin dùng ké wifi.

Vì điều kiện khó khăn, một sinh viên người Mông đã dựng lều giữa lưng chừng núi để bắt 3G học trực tuyến.

Anh Thành tâm sự: "Giờ học hành nó thế mình cũng phải cố gắng để con không thua thiệt so với bạn bè, chứ thực sự là khó khăn ghê lắm. Mới hôm qua tôi có bảo mẹ chúng nó mua cái sim rồi nhờ họ đăng ký gói V90 cho mạng 4G nó khỏe. Giờ thì vào được mạng ngon rồi, không phải đi xin dùng ké wifi nữa. Chúng tôi cũng chỉ mong sớm hết dịch để mọi thứ trở lại như xưa, chứ thế này mãi làm sao vợ chồng tôi chịu được".

Vì chưa quen với cách học online nên nhiều học sinh khi đã vào Zoom vẫn để micro khiến mọi âm thanh sinh hoạt đời thường của gia đình mình đều được thu vào phòng học nhiều khi khiến các thầy cô phải đỏ mặt. Cô Lê Thị Ninh, giáo viên thanh nhạc Trường Tiểu học Phú La (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Có hôm mình đang dạy các con hát thì nghe được phụ huynh của một em nói vọng vào "cô âm nhạc gì mà hát dở thế".

Thực sự lúc đó mình ngại quá nhưng đành phải lờ đi coi như không nghe thấy gì. Lần khác, bố của một học sinh nhìn vào màn hình rồi hồn nhiên nhận xét: "Ôi, cô giáo vừa trẻ lại vừa xinh, không biết là có chồng chưa nhỉ".

Mỗi lần như thế lớp lại ồ lên và phải mất một lúc lâu mới ổn định lại được". Sau vài lần bị như vậy nên trước khi vào lớp cô Ninh luôn yêu cầu học sinh của mình phải tắt micro để không cắt ngang lời cô và cũng là để tránh phải nghe những lời thiếu duyên của một số phụ huynh.

Bên cạnh những khó khăn về chủ quan thì đã có rất nhiều phụ huynh, học sinh phản ảnh về chất lượng dạy và học qua ứng dụng Zoom hiện nay. Chị Lê Thu Ngân (có con học tại một trường tiểu học quận Hà Đông) cho biết, ngày 4-4 cô giáo và phụ huynh đã test trước phần mềm Zoom, khi đó cũng khá chập chờn. Vào hôm test một số phụ huynh thắc mắc về chất lượng kém thì cô giáo giải thích là do nhà trường dùng bản free nên chất lượng không được tốt.

Mong bố mẹ thông cảm cho khó khăn của nhà trường và hợp tác cùng cô giáo. Vào một buổi học chính thức lúc 8h sáng 10-4, lớp đông gần 40 em, học bản Zoom miễn phí nên con nào đăng nhập vào lớp sau là bị báo lỗi, hàng chục phụ huynh liên tục chat vào group phụ huynh của lớp: "Cô ơi, sao con không vào được" (trong lúc cô đang giảng bài).

Có nhiều em học hết nửa tiết mới vào được lớp do bị lỗi đăng nhập, hoặc lỗi vượt quá số lượng. Do là bản miễn phí nên cứ 40 phút thì phần mềm lại tự out ra và phải đăng nhập lại. Tiếng thì lúc được lúc mất, hình thì thỉnh thoảng rung giật. Hết 2 tiết đầu tiên của cô giáo chủ nhiệm, đến môn Tin học (phải đăng nhập vào một ID và mật khẩu khác) thì tới giờ học cả lớp đều không thể đăng nhập vào ID của cô giáo Tin học.

Phụ huynh lại lao xao trong group, hết 15p cô giáo chủ nhiệm lại quay lại giảng môn của cô do không tìm được cô giáo dạy Tin theo lịch học. Chị Nguyễn Thị Minh (có con là học sinh tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân) cho hay: "Tôi cũng không hiểu gì về công nghệ nhưng đúng là phần mềm Zoom nay rất khó chịu. Đăng nhập rồi lại bị out ra, hoặc đăng nhập chậm cũng ko được vào nữa".

Gặp khó khăn vì điều kiện học sinh

Mới đây, Sở Giáo  dục  và  Đào tạo (GD & ĐT) Hà Nội có văn bản hướng dẫn, đặt ra mục tiêu bằng mọi biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho 100% học sinh được học tập qua Internet. Để đạt mục tiêu này, Sở GD&ĐT Hà Nội hướng dẫn các phòng GD&ĐT, các đơn vị, trường học thực hiện theo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về học liệu, về tổ chức hoạt động dạy học và quản lý học sinh… Sở này cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trường học… xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến và báo cáo bằng văn bản về Sở trước ngày 10-4.

Phần mềm Zoom học trực tuyến bị nhiều phụ huynh, học sinh phản ánh không ổn định.

Về vấn đề này đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, các thầy cô giáo thậm chí cả các phụ huynh học sinh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội thì việc học trực tuyến rất khác nhau ở các nhà trường. Dù là Thủ đô nhưng địa bàn rất rộng, điều kiện cũng rất khác nhau. Không phải gia đình nào cũng có Internet cũng như thiết bị để học trực tuyến.

Hà Nội đã gặp khó nhưng các tỉnh miền núi còn khó khăn hơn rất nhiều. Như ở huyện Con Cuông (Nghệ An), toàn huyện có tới 44 trường trực thuộc huyện và chỉ có 8 trường thuận lợi để triển khai phương pháp dạy học trực tuyến vì phụ huynh có điều kiện hơn. Các trường còn lại phần lớn chưa thể dạy và học trực tuyến vì điều kiện là quá khó khăn.

Bà Lê Thị Thủy, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu chia sẻ với truyền thông rằng, Sở đã làm việc với Đài Truyền hình tỉnh về dạy học trên truyền hình tỉnh, mỗi ngày khoảng 30 phút. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ ở vùng sâu không có tivi, việc triển khai giải pháp này là khó khả thi.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho rằng dạy học trên truyền hình với các tỉnh miền núi như Điện Biên "là một thử thách, khi kinh nghiệm chưa có. Các thầy, cô giáo phải vừa làm vừa dò, chứ chưa thể làm tốt được ngay".

Không chỉ do điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình học sinh mà kinh nghiệm xây dựng, thiết kế các bài giảng trực tuyến cũng là vấn đề cần phải cải thiện. Một giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: "Mỗi giờ học trực tuyến thời gian kéo dài hơn nhiều, điều này không phải vì bài giảng dài mà do cô trò đều chưa quen với việc trực tuyến. Việc chờ các em đăng nhập, điểm danh xong có thể mất vài chục phút. Chưa kể, trong quá trình học còn trục trặc về kết nối mạng, đường truyền, micro của học sinh phát biểu mà cô không nhận được".

Rõ ràng việc học trực tuyến hiện nay chỉ là giải pháp tình thế trong lúc đại dịch tràn đến. Nhà trường, giáo viên và cả học sinh vẫn chưa chuẩn bị kịp kịch bản sư phạm, thậm chí còn chưa được đào tạo cụ thể. Theo Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), mỗi tiết dạy trực tuyến chỉ nên kéo dài không quá 40 phút.

Bởi học sinh sẽ không thể ngồi nghe giảng trực tuyến được quá lâu. "Nên chọn phương án tương tác không đồng bộ với học sinh, tốt nhất là qua nhóm email của từng lớp, từng giáo viên qua mạng xã hội, qua nhóm chát... để trả lời thắc mắc, để kiểm tra kiến thức học sinh qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm. Việc này sẽ không lo bị mạng nghẽn, không lo phải chờ đủ học sinh. Thậm chí học sinh không cần dùng webcam", Tiến sĩ Ngọc chia sẻ.

Học trực tuyến là giải pháp tốt nhất vào lúc này, nhưng việc lựa chọn phần mềm, nhà cung cấp nào để đạt chất lượng cho học sinh là việc các nhà trường cần cân nhắc để thuận tiện cho học sinh, phụ huynh, đảm bảo chất lượng dạy học.

Phong Anh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文