Bi kịch của những người đi lao động "chui" ở nước ngoài

11:27 13/03/2019
Giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, khi mọi nhà đang hồ hởi chuẩn bị đón Tết thì gia đình ông Mai Văn Nghị, ở xã Nga An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, lại chật vật để lo tiền sang Trung Quốc mang xác người con trai về nhà lo mai táng.


Tháng 12-2017, con trai ông Nghị là anh Mai Văn Dũng sang Trung Quốc làm bốc vác thuê. Trong quá trình làm việc, do bất đồng với một đồng nghiệp, ngày 12-1-2019, anh Dũng bị người này dùng dao nhọn đâm tử vong. Vì là lao động “chui” nên chủ sở hữu lao động đã không bị ràng buộc trách nhiệm. Để đưa được thi thể anh Dũng về quê mai táng, gia đình đã phải gom góp, vay mượn 150 triệu đồng để chi phí đi lại, thuê phiên dịch, trả tiền thuê thùng lạnh bảo quản, giám định ADN… Sau khi hoàn thiện các thủ tục mãi đến ngày 1-2-2019 (27 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019) gia đình mới đưa được thi hài Dũng về quê nhà mai táng.

Mất mạng, mang nợ vì đi làm chui

Cũng như trường hợp của gia đình anh Dũng, tháng 2-2014, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thọ và chị Nguyễn Thị Do, ở xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá, sang Trung Quốc tìm việc làm. Vừa sang chưa được bao lâu, sợ bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ, nên cả hai đi đâu cũng phải chui lủi và tìm cách đối phó. Trong một lần đi kiếm việc, cả hai vợ chồng và người cùng xóm gặp tai nạn giao thông và bỏ mạng bên xứ người.

Nhắc lại lần sang Trung Quốc mang thi hài của vợ chồng người em về, ông Nguyễn Văn Định cho biết: “Sau khi vợ chồng chú Thọ chẳng may thiệt mạng, gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền nong và cử người sang đưa thi thể của hai vợ chồng về quê an táng. Phải mất 3 tháng sau khi chết, gia đình mới hoàn tất thủ tục và đưa được thi thể cô chú ấy về nên tiền bảo quản thi thể và chi phí đi lại rất tốn kém. Gia cảnh đã khó khăn, bố mẹ đều thiệt mạng nên mọi nợ nần, con cái của chú ấy và người thân trong gia đình đều phải gánh vác”.

Vợ chồng anh Thọ mất để lại ba đứa con; hai con gái lớn vào miền Nam làm công nhân, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày; còn đứa con út là cháu Nguyễn Văn Thành đang học lớp 12. Hai chị không nuôi được em ăn học, giờ đây cháu Thành phải sống nhờ vào họ hàng.

Vợ chồng anh Thọ, chị Do mất, giờ đây anh Nguyễn Văn Bảnh thay anh chị nuôi cháu.

Anh Nguyễn Văn Bảnh (em trai anh Thọ) thở dài bảo rằng: “Gia đình tôi dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng giúp cháu để cháu không thất học. Từ một đứa trẻ lanh lợi, nhưng chứng kiến hoàn cảnh gia đình như vậy nên giờ đây cháu lầm lỳ, ít nói, có biểu hiện như người trầm cảm, học hành chậm chạp. Chúng tôi cũng cố gắng lo cho cháu ăn, học đến hết lớp 12 để cháu có tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 rồi ra xã hội có thể kiếm được việc làm, tự lo liệu cho bản thân”.

Bỏ cả vợ mang bầu để thoát thân

Năm nay chưa đến 40 tuổi nhưng anh Nguyễn Hữu An, ở TP Thanh Hóa, trông già hơn chục tuổi. Trước khi sang Trung Quốc làm thuê, anh An mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Đang làm ăn yên ổn, đầu năm 2011, vợ chồng anh An bán hết đồ đạc, gửi 2 đứa con thơ dại cho bà nội và theo chân sang Trung Quốc để làm việc trong một công ty ván ép tại Quảng Đông.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ nát, An kể rằng chỉ vì tin người quen nói rằng sang bên Trung Quốc làm lương cao nên vợ chồng anh quyết định đi với hy vọng đổi đời. Khi đi, mỗi người phải đóng cho “cò” 5 triệu đồng, sau đó họ gom nhóm hơn chục người và dùng thuyền máy để đưa cả nhóm qua sang bên kia biên giới.

Có lần cả nhóm gần 20 lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trong đó chủ yếu là phụ nữ đang lênh đênh giữa sông để sang bên kia biên giới thì bị công an Trung Quốc phát hiện. Lo sợ bị bắt, cả nhóm tán loạn bỏ thuyền lao hết xuống sông để thoát thân, mấy chị em phụ nữ không biết bơi chới với giữa dòng được mấy người đàn ông níu lại nên may mắn thoát nạn.

Chị Nguyễn Thị Hồng, vợ anh An, kể rằng cuối năm 2018, đang trên đường về quê ăn Tết thì nhóm của chị bị Công an Trung Quốc phát hiện, mọi người bỏ chạy hết. “Chồng tôi thấy thế cũng bỏ chạy, để mặc tôi bụng mang dạ chửa ở lại. May lần đó tôi có giấy thông hành nên sau khi kiểm tra thì họ cho đi”.

Khi được hỏi mức thu nhập của mình, anh An cho biết: Nếu công việc đều đặn, không ốm đau thì mỗi năm hai vợ chồng cũng dành dụm được gần 100 triệu. Đó là thời gian gần đây, chứ những năm trước công ty ít việc nên lương chỉ đủ ăn. Vì thế, sau gần 10 năm “xuất ngoại” làm ăn, vợ chồng anh An vẫn chưa đủ tiền sửa lại căn nhà cấp 4 lụp xụp.

Không phải miền đất hứa

Nhưng đó chỉ là vài trường hợp trong hàng số hàng nghìn người ở Thanh Hoá đi lao động chui ở Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 2.560 người bị cơ quan chức năng của Trung Quốc bắt, giam giữ, trao trả, hoặc đẩy đuổi trở lại qua biên giới; 29 người bị phía Trung Quốc đưa ra xét xử; 41 người chết; hàng chục người khác mất tích chưa rõ nguyên nhân khi đang lao động, làm việc tại Trung Quốc. 

Điều đáng nói là số công dân Thanh Hóa thiệt mạng, mất tích bên Trung Quốc đều là lao động “chui” nên không nhận được sự hỗ trợ nào của chủ sử dụng lao động phía Trung Quốc và sự bảo hộ quyền lợi của chính quyền Trung Quốc nên cuộc sống đã khó khăn lại thêm khó khăn hơn.

Công an huyện Hậu Lộc phát hiện, ngăn chặn 17 công dân trên địa bàn chuẩn bị vượt biên sang Trung Quốc lao động trái phép.

Trước thực trạng này, tháng 3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị Số 12/CT-UBND về việc “Tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép”. 

Để ngăn chặn các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo người dân đi lao động bất hợp pháp, Công an tỉnh Thanh Hoá đã điều tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, lôi kéo, tổ chức đưa người khác sang nước ngoài trái pháp luật. 

Từ năm 2015 đến nay đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài; xử lý hành chính 43 trường hợp công dân xuất cảnh trái pháp luật sang Trung Quốc. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 1.800 công dân đang lao động trái phép bên Trung Quốc, tập trung nhiều ở các huyện: Hậu Lộc, Quảng Xương, TP Sầm Sơn, Hà Trung, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thường Xuân…

Trung tá Vũ Đức Tĩnh, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an Thanh Hóa, cho biết: Qua điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái pháp luật thì thủ đoạn của các đối tượng thường là gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Mục đích của các đối tượng là dụ dỗ, lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng tốt, nhằm hưởng hoa hồng và thù lao.

Tuy nhiên, qua thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn công dân sang Trung Quốc lao động trái pháp luật, thì vấn đề mấu chốt để công dân không sang Trung Quốc một cách trái pháp luật vẫn là vấn đề công ăn, việc làm tại quê nhà.

Tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, thời điểm năm 2015 trên địa bàn xã có tới gần 300 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. 

Ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho biết: Trước thực trạng công dân trên địa bàn xã sang Trung Quốc lao động trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn, cấp ủy chính quyền xã đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục đến toàn thể nhân dân trong xã. Bên cạnh đó, xã đã liên hệ với những công ty xuất khẩu lao động chính ngạch đưa được 253 lao động sang các nước lao động hợp pháp; đồng thời tạo việc làm mới cho 360 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận; xã đã xây dựng được 53 dự án tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại thu hút hàng trăm lao động vào làm việc với mức thu nhập ổn định. Chính vì thế nhiều lao động sang Trung Quốc trái phép trước đây đã ở lại địa phương làm việc, không sang Trung Quốc bất hợp pháp nữa.

Từ thực tế này, điều quan trọng nhất vẫn là các cấp chính quyền cần phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người dân, để họ không phải lo li hương đi theo lời dụ dỗ về một miền đất hứa để rồi tiền mất nợ mang.

Đình Hợp

Trưa 16/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá đường dây vận chuyển 58 kg ma túy.

Dù 930 căn hộ đã được bàn giao cho cư dân từ năm 2019, nhưng đến tháng 5/2023 chủ đầu tư chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức là Công ty CP BĐS Hiệp Phú Land (HPL) mới có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho cư dân. Tình trạng này khiến người mua nhà phản ứng gay gắt về việc chậm được cấp sổ hồng…

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã vận dụng tối đa nguồn lực, trở thành điểm tựa, hỗ trợ cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lao động vươn lên trong cuộc sống…

Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế, với giải pháp hai nhà nước được nhiều người coi là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh và đau thương, phần lớn người Palestine đã mất niềm tin vào giải pháp này, cho rằng đó là một giấc mơ không thể thành hiện thực.

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất một số giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chùa Xuân Lũng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Sáng 16/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết, vừa phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Văn Thanh (SN 1989, ngụ Trà Vinh), Chung Diệu Long (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra, làm rõ hành vi trộm và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Một buổi tối trung tuần tháng 11/2024, lớp học tình thương nằm bên đầm Sam (thuộc đầm phá Tam Giang) ở khu tái định cư (TĐC) Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) sáng trưng ánh đèn điện cùng nhiều tiếng cười nói của các em học sinh. Như thường lệ, cứ vào buổi tối có 20 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ở khu TĐC Đập Góc lại mang sách vở đến lớp học miễn phí này để được thầy Hòa dạy kèm viết chữ, tập đọc và làm Toán. Bên trong phòng học rộng gần 50m2 với những bộ bàn ghế gỗ được kê san sát, các em học sinh cần mẫn ngồi viết chữ theo hướng dẫn của thầy Hòa. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文