Bức xúc tai nạn giao thông ở một số tỉnh, thành phía Nam
Những con số "biết nói"…
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong và hàng chục người bị thương xảy ra ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh lúc rạng sáng 2-10 vừa qua được xem là vụ TNGT gây hậu quả thảm thương tại địa bàn Tây Ninh. Chiếc xe khách loại 16 chỗ biển số 67B-004.57 do tài xế Nguyễn Văn Hồ (28 tuổi, quê tỉnh An Giang) điều khiển chạy trên đường ĐT 784 theo hướng từ TP Hồ Chí Minh đi Tây Ninh.
Khi còn cách ngã ba Đất Sét khoảng 100m (thuộc ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) thì tông trực diện vào xe khách loại 35 chỗ biển số 70B-015.23 do tài xế Lê Xuân Vinh (44 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển chở theo 5 hành khách đang chạy theo hướng ngược lại.
Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong và hàng chục người bị thương xảy ra tại Tây Ninh. |
Cú tông mạnh khiến phần đầu xe khách 35 chỗ bể nát, đặc biệt là xe ôtô 16 chỗ bị biến dạng hoàn toàn, nhiều người trên xe này văng xuống đường. Tài xế Nguyễn Văn Hồ cùng 5 người trên xe tử vong tại chỗ, 10 nạn nhân khác bị thương. Về nguyên nhân vụ tai nạn, Công an tỉnh Tây Ninh nhận định do tài xế chiếc xe khách 16 chỗ buồn ngủ dẫn đến mất lái chạy xe lấn làn gây tai nạn thảm khốc…
Theo số liệu của Công an Tây Ninh, tính trong 6 tháng đầu năm 2017 (chưa tính vụ TNGT ngày 2-10 kể trên), Tây Ninh đã xảy ra 79 vụ TNGT, làm chết 25 người, bị thương 75 người.
Địa phương có số người chết cao do TNGT là tỉnh Đồng Nai. Theo Công an tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng tính từ tháng 1 đến tháng 9-2017, toàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 263 vụ (chủ yếu là TNGT đường bộ), làm chết 208 người, bị thương 176 người, gây thiệt hại tài sản ước tính 1 tỷ 534 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2016, số liệu chung có giảm (giảm 28 vụ, giảm 18 người chết và giảm 6 người bị thương) nhưng thực tế tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Tại Đồng Nai hiện nay có khá nhiều "điểm đen" và các vị trí tiềm ẩn xảy ra TNGT khiến người dân bất an. Ngay tại TP Biên Hòa, chỉ một đoạn đường ngắn trên quốc lộ 1 từ cầu Sập đến khu vực chợ Thái Bình (phường Tân Hòa) đã có đến ba "điểm đen" thường xuyên xảy ra tai nạn.
Theo người dân địa phương, mỗi khi lưu thông qua đoạn đường từ cầu Sập đến chợ Thái Bình vào giờ cao điểm là một cực hình. Kẹt xe, giao thông lộn xộn khiến phương tiện phải nhích từng chút trên từng mét đường, bụi bặm và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì các xe tranh nhau để thoát ra.
Cách khu vực trên chưa đầy 1km, đoạn trước Công viên 30-4 cũng được coi là nơi có tình hình giao thông phức tạp. Vào ngày 20-7 đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe máy với xe tải khiến 2 người chết…
Trên quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến ngã ba Long Bình Tân (TP Biên Hòa), dù chưa đầy 2km nhưng thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT khiến 6 người chết, 5 người bị thương. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là nút giao thông phức tạp, lái xe qua khu vực này không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường quy định nên dẫn đến tai nạn…
Giải pháp nào để giảm TNGT?
Một địa phương có tình trạng TNGT khá phức tạp là tỉnh Bình Dương. Mới đây nhất, chỉ trong hai ngày 30-9 và 1-10 trên tuyến đường ĐT743 của tỉnh này đã xảy ra hai vụ tai nạn gây chết người thương tâm. Tuyến đường ĐT743 lâu nay được ví như nỗi ám ảnh của người dân bởi mặt đường bị hư hỏng khá nhiều...
Theo đó, khoảng 20h ngày 1-10, anh Võ Văn L. (31 tuổi, ngụ quận 8) điều khiển xe máy mang BKS: 59L2-096…, chở vợ và hai con trai chạy trên đường ĐT743 từ hướng Bình Dương về quận Thủ Đức. Khi vừa qua khu vực ngã tư 550 (khoảng 100m) thuộc phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thì bất ngờ bị xe container mang BKS: 51C-655... chạy cùng chiều tông trúng. Vụ việc khiến cả 4 người trong gia đình ngã xuống đường, anh L. và vợ cùng một người con bị thương. Riêng em Võ H.L. (8 tuổi) bị bánh xe cán tử vong tại chỗ…
Trước đó, vào 20h15 ngày 30-9 cũng trên đường ĐT743, thuộc phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, ông Phan Minh H. ( 41 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy cũng tử vong sau một vụ va chạm với một phương tiện giao thông khác…
Theo tìm hiểu, ĐT743 là cung đường huyết mạch nối các khu công nghiệp (KCN) Bình Chiểu, quận Thủ Đức, KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, KCN VSIP tỉnh Bình Dương... Một số người dân ở tuyến đường ĐT743 cho biết con đường này thường ngày có hàng ngàn lượt phương tiện qua lại, chủ yếu là xe chở container, xe tải, xe máy. Thế nhưng hiện nay đã xuống cấp rất trầm trọng, những ngày qua mưa lớn nước không thể thoát, ùn ứ chiếm hết phần đường xe máy, khiến người dân phải đi vào phần đường ôtô.
Các xe lớn chạy nhanh nên tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) thường xuyên xảy ra, hậu quả đã có rất nhiều vụ tai nạn dẫn đến chết người khiến nơi đây trở thành ''điểm đen'' giao thông…
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2017 và tổng kết Kế hoạch số 52 về triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, báo cáo của Công an tỉnh cho biết từ ngày 16-11-2016 đến 15-5-2017, trên địa bàn xảy ra 873 vụ TNGT làm 146 người chết và 993 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT tăng 27 vụ, giảm 23 người chết, tăng 159 người bị thương… Với những con số trên, Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh có số vụ TNGT cao.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng lớn người chết do TNGT. Tại Hội nghị quốc tế về ATGT khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào gần cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, cho biết trên địa bàn thành phố tính từ đầu năm 2017 tới nay đều giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến hết tháng 8-2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 464 người và bị thương 1.957 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 59 vụ, 67 người chết và 107 người bị thương. Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào số người chết cũng có thể thấy tình hình trật tự giao thông ở thành phố này vẫn đầy phức tạp, nguy hiểm.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT ở các địa phương là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, lái xe sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, không đi đúng phần đường quy định, chuyển hướng không quan sát, không nhường đường xe khác, không chấp hành đèn tín hiệu, biển báo giao thông, không tuân thủ các quy định an toàn về đưa phương tiện vào tham gia giao thông…
Thực trạng trên được ông Nguyễn Ngọc Tường đánh giá là một "vấn nạn" của giao thông TP Hồ Chí Minh và qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông -chiếm đến 90%. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, không đúng phần đường...
Hiện trường vụ TNGT kinh hoàng giữa 13 ôtô và xe máy xảy ra trên đường Hà Huy Giáp (quận 12, TP Hồ Chí Minh) vào tối 22-7. |
Trong khi đó, theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nguyên nhân vi phạm tốc độ hiện chiếm trên 10% số vụ TNGT và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng rất cao. So với các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, biển báo…, hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định là vi phạm phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT gây hậu quả nặng nề.
Để kéo giảm TNGT, lực lượng Công an các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, công tác tuần tra kiểm soát giao thông cũng được đẩy mạnh, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm.
Theo Công an Đồng Nai, nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2017 là tăng cường tuần tra lưu động, tập trung tại các đoạn đường nguy hiểm, có nguy cơ cao mất ATGT, xảy ra nhiều vụ TNGT. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dễ dẫn đến TNGT, nhất là dịp lễ tết thường vi phạm nhiều lỗi như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, đi ngược chiều đường, sai làn đường phần đường; vượt ẩu; xe thô sơ, xe môtô 2, 3 bánh chở hàng cồng kềnh; người điều khiển xe không có giấy phép lái xe, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy.
Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Tập trung tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT tại các địa bàn trọng điểm, nơi tập trung đông người tham gia giao thông, xác định các điểm đen về TNGT, bất cập trong tổ chức giao thông để kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục.