COVID-19 nỗi ám ảnh đói nghèo với hàng trăm triệu người

15:45 14/10/2020
COVID-19 thực sự trở thành cuộc khủng hoảng lớn tác động mạnh mẽ đến người lao động có thu nhập thấp và người nghèo lại càng chìm sâu vào nghèo khổ.

Thiếu tài chính, thiếu việc làm, cùng thực trạng đói nghèo đáng báo động hiện nay đang tác động mạnh mẽ tới những nỗ lực chung trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đặt thế giới trước con đường đầy gian nan, thử thách trong cuộc chiến chống “giặc đói”.

Khi kỹ sư phải về quê cuốc đất

Vào một buổi chiều oi bức tại miền Nam Ấn Độ, Earappa Bawge đang trần lưng đào mương trong trang phục là một chiếc áo sơ mi trắng. Chiếc áo đã bị dính chặt vào lưng vì đẫm mồ hôi. Mỗi một nhát cuốc gợi nhớ cho anh về việc tất cả những hy vọng trước đây về một cuộc sống tốt đẹp đã sụp đổ như thế nào.

Bawge là sinh viên tốt nghiệp đại học thế hệ thứ nhất thuộc một bộ lạc bản địa, một trong những nhóm thiệt thòi nhất ở Ấn Độ. Hoàn thành tấm bằng cử nhân đồng nghĩa với việc hy sinh số thu nhập đáng lẽ có thể nuôi sống gia đình 5 người của anh trong nhiều năm. 

Khi cha mất vào năm ngoái và còn đang học, áp lực đè nặng lên vai Bawge để tìm ra một công việc tốt. Cuối năm ngoái, tương lai của anh dường như rất sáng sủa khi Bawge tìm được công việc tại một công ty ở Bangalore - thủ phủ công nghệ Ấn Độ. Anh hy vọng sẽ làm lâu dài ở đây và thăng tiến lên những vị trí cấp cao hơn.

Chỉ vài tháng trước, chàng kỹ sư 27 tuổi này vẫn còn ngập trong những hồ sơ dự án, ngồi trong căn phòng điều hòa mát lạnh tại một nhà máy ở cách đây hàng trăm cây số. Công việc đó là cánh cửa giúp anh thoát khỏi sự nghèo đói của vùng nông thôn mà quê nhà anh đang sống. Suốt nhiều năm gia đình đã phải hy sinh rất nhiều để giúp anh hoàn thành việc học tập.

Gần 50 triệu người dân châu Phi có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vì COVID-19.

Nhưng mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi khi dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ. Công ty phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa. Việc quay trở lại làm công việc tay chân không phải là một quyết định dễ dàng. "Ban đầu tôi rất buồn vì cảm thấy sự hy sinh mà gia đình đã dành cho mình để đi học giờ tan thành mây khói", Bawge nói.

Cũng như Bawge, Atish Metre, một sinh viên quản trị doanh nghiệp 25 tuổi, giờ cũng đang còng lưng cuốc đất. Tháng 2, anh đã tìm được việc làm nhân viên tư vấn gói vay cho một ngân hàng lớn nhất Ấn Độ ở Bangalore. Công việc giúp anh có thu nhập 200 USD/tháng, đủ để vẫn có thể dành ra một khoản tiết kiệm nhỏ. Anh thích công việc này.

Nhưng vào cuối tháng 3, khi khi lệnh phong tỏa để phòng chống dịch được áp dụng, không một khách hàng nào muốn vay tiền nữa và anh không thể hoàn thành chỉ tiêu và buộc phải nghỉ việc. Anh quay về làng, dự tính ở nhà 1 tháng sau đó quay lại thành phố tìm công việc mới. Tuy nhiên, hiện giờ Metre đang lo lắng về việc các ca nhiễm ở Bangalore đang ngày một nhiều và vẫn không thể quay trở lại đó. "Bạn bè tôi đã sốc khi biết tôi đang phải làm việc này. Họ nói mày học thạc sỹ và giờ như thế này hả", Metre buồn bã nói.

Trong cuộc đại phong tỏa, hơn 120 triệu việc làm đã bị mất, hầu hết trong lĩnh vực lớn của cả nước. Nhiều công nhân đã quay trở lại làm việc với mức lương thấp hơn nhiều. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm điều hành kinh tế Ấn Độ, có tới 21 triệu công việc được trả lương đã bị mất giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 8. Nhóm chịu tác động lớn nhất là những công nhân có chất lượng như kỹ sư, giáo viên, kế toán.

Khi nền kinh tế Ấn Độ phải trải qua một trong những cuộc phong tỏa khắc nghiệt nhất trên thế giới, chương trình tuyển dụng vùng nông thôn đã mở ra cuộc sống cho hàng triệu người thất nghiệp. Hơn 17 triệu người đã nộp đơn tham gia chương trình này từ tháng 4 cho tới giữa tháng 9. Gần 60 triệu hộ gia đình tham gia trong thời điểm đó, cao hơn cả tổng số của cả năm ngoái và là mức nhiều nhất trong lịch sử 14 năm của chương trình.

Chương trình này của chính phủ nhắm tới việc bảo đảm 100 ngày làm việc không kỹ năng tại những vùng nông thôn nhắm tới việc chiến đấu với đói nghèo, giảm sự bất ổn về lương. Giờ đây, công việc của Bawge và Metre là hằng ngày đào đất theo một chương trình hỗ trợ việc làm công cộng của chính phủ. Cùng làm với họ còn có một thầy thuốc thú y và 3 sinh viên thạc sỹ kinh doanh.

COVID-19 khiến hơn 11 triệu lao động Mỹ Latinh rơi vào cảnh thất nghiệp.

115 triệu có thể lâm vào nghèo đói cùng cực

Nhưng không chỉ ở Ấn Độ, các tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo, đại dịch COVID-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cho những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị gián đoạn, cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm. 

Nhiều người dân trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị đẩy vào tình trạng đói nghèo cùng cực, điều này đã và đang tạo ra thách thức lớn cho cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu. Dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, hủy hoại những tiến bộ thế giới đạt được trong hàng chục năm qua ở các lĩnh vực chống nghèo đói, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. 

Những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện SDGs có thể bị gián đoạn hơn nữa trong thời gian ngắn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những nước nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bao gồm trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư và người tị nạn.

Ngày 7-10, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 vừa qua.

WB cho biết đại dịch và tình trạng suy thoái kinh tế có thể đẩy thêm 1,4% dân số thế giới rơi vào cảnh nghèo đói, tức khoảng 88 - 115 triệu, trong đó riêng vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi chiếm khoảng 40 triệu người. 

Nếu không bị tác động của dịch, tỷ lệ nghèo đói dự báo giảm còn 7,9%, song hiện con số này đã lên mức 9,4%. Cứ theo đà này, trong năm 2021 sẽ có khoảng 150 triệu người phải sống dưới mức nghèo đói, ít hơn 1,9 USD mỗi ngày. 

Đây là sự đảo ngược những tiến bộ đạt được sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm nghèo của thế giới. Đáng lo ngại hơn khi có tới 40% người nghèo đang phải đối mặt với cả kinh tế khó khăn lẫn xung đột. Bên cạnh đó, tỷ lệ người nghèo cùng cực ở khu vực đô thị đang gia tăng, đe dọa các chương trình hỗ trợ hiện nay vốn được thiết kế cho người dân vùng nông thôn.

Dân làng Ấn Độ chờ nhận tiền lương tại một cơ sở việc làm ở Chawmanu, bang Tripura.

Giám đốc WB David Malpass cho rằng để đảo ngược sự tụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo, các quốc gia cần chuẩn bị cho nền kinh tế hậu COVID-19, bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới. 

Sự phản ứng chính sách cũng cần phải tương xứng với tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, bao gồm việc hiện đại hóa giáo dục, học tập trực tuyến, triển khai công nghệ mới để mở rộng phạm vi các chương trình bảo trợ xã hội.

Tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới với những nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng) cũng đã dẫn nghiên cứu của Đại học King ở Thủ đô London (Anh) và Đại học Quốc gia Australia ước tính, đại dịch COVID-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói. 

Đây là nghiên cứu đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến tình trạng nghèo khổ toàn cầu trên cơ sở ngưỡng thu nhập 1,9 USD, 3,2 USD và 5,5 USD/ngày theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB). 

Các phân tích cho biết, theo kịch bản tồi tệ nhất, nếu mất 20% thu nhập, số người phải sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng từ 434 triệu người lên 922 triệu người trên thế giới. Kịch bản tương tự cũng xảy ra khi số người sống dưới ngưỡng 5,5 USD/ngày sẽ tăng thêm 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người.

Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng gần gấp đôi trong năm 2020, lên 265 triệu người do suy thoái kinh tế vì đại dịch COVID-19.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện có khoảng hơn 2 tỷ người trên toàn cầu cần có thu nhập hằng ngày để tồn tại, song tại nhiều khu vực trên thế giới lượng người thất nghiệp đang gia tăng từng ngày, từng giờ do COVID-19 khiến cho vấn đề nghèo đói càng trở nên trầm trọng hơn. 

Hoạt động kinh tế giảm mạnh kéo theo thất nghiệp gia tăng và việc làm thiếu thốn. ILO đưa ra dự báo số người thất nghiệp trên thế giới có thể tăng 5,3 triệu người theo kịch bản lạc quan và tăng 24,7 triệu người trong kịch bản bi quan dựa trên số liệu thất nghiệp 188 triệu người năm 2019.

Giờ đây, khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp thì không ít kỹ sư như Bawge đành phải chấp nhận ngày ngày cuốc đất để cuối ngày mỗi người nhận được 3,7 USD. Với Bawge công việc này giúp gia đình anh vẫn có đồ ăn. 

Anh vẫn giữ hy vọng rằng nhà máy sẽ gọi anh quay trở lại. Họ đã mở cửa trở lại khi lệnh cấm được dỡ bỏ nhưng các quản lý nói rằng chưa đủ việc để gọi tất cả các công nhân quay trở lại. 

Minh Trang (Tổng hợp)

Chiều 10/1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Nam, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文