CPTPP một “TPP không Mỹ”

15:40 20/03/2018
Ngày 8-3 vừa qua, Việt Nam cùng 10 quốc gia khác đã chính thức ký kết Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thành phố Santiago, Chile.


Việc 11 thành viên ban đầu còn lại của TPP vẫn có thể đi đến bước cuối cùng trong việc hoàn thành một hiệp định tự do thương mại khu vực Thái Bình Dương, bất chấp sự rút lui của Mỹ, phản ánh một xu thế không thể bị đẩy lùi, đó chính là toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, với việc thiếu đi nước Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới và chiếm đến 62% tổng GDP của TPP, liệu CPTPP có còn nhiều hấp dẫn?

Vẫn được đánh giá cao

Theo giới chuyên gia, dù vắng Mỹ, CPTPP vẫn trở thành một trong những liên minh kinh tế được đánh giá cao trong khu vực và trên thế giới. Thứ nhất, vì sự kiện này đã đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Thứ hai, CPTPP là một sân chơi mới của các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, trong đó có thể kể đến Nhật Bản, Úc, Canada, Singapore… 

Thứ ba, sự hình thành của CPTPP sẽ là một minh chứng cụ thể và động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chứ toàn cầu hóa không bị dừng lại như nhiều người vẫn nghĩ.

Các nước thành viên CPTPP tại lễ ký kết hiệp định ngày 8-3 tại Santiago, Chile. Ảnh: Reuters 

Ngoài ra, việc 11 nước thành viên còn lại vẫn quyết tâm "cứu" TPP và đi đến chặng đường cuối cùng này dù không có sự tham gia của Mỹ như là một lời nhắc nhở, khuyến khích Mỹ quay trở lại. 

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia. 

Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

Mỹ muốn quay lại

Có lẽ vì tầm quan trọng của CPTPP, vào ngày 25-1- 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc phỏng vấn đã thông báo rằng Mỹ có thể vào lại (CP)TPP nếu đó là một thỏa thuận tốt hơn đáng kể cho Mỹ. "Tôi sẽ vào TPP nếu chúng ta có thể thực hiện một thỏa thuận tốt hơn đáng kể. Thỏa thuận trước đây thật khủng khiếp, cách nó được cấu trúc trước đây là khủng khiếp. Nếu chúng ta có một thỏa thuận tốt hơn đáng kể, tôi sẽ mở cho TPP", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Tại cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng cho biết: "Tôi thích song phương, bởi vì nếu bạn có vấn đề, bạn sẽ chấm dứt... Bạn không có lựa chọn tương tự với các thỏa thuận đa phương”. Ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP từ thỏa thuận ban đầu vào tháng 1-2017. 

Việc ông Trump rút khỏi TPP và ưu tiên quay lại đàm phán song phương bị nhiều người chỉ trích là một ý tưởng thụt lùi, bởi nền kinh tế thế giới ngày nay đã liên kết với nhau hết sức chặt chẽ đến nỗi những cuộc đàm phán song phương khó có thể xử lý được. Chẳng hạn, xe Toyota là thương hiệu của Nhật nhưng thực tế lại không phải hoàn toàn của Nhật, mà là chuỗi giá trị toàn cầu.

 Dù sao, toàn cầu hóa vẫn là xu thế của thế giới. Xu hướng bảo hộ thương mại dù có biểu hiện gia tăng trong thời gian gần đây, nhưng chỉ nằm ở một số ngành rất cụ thể, chẳng hạn Mỹ bảo hộ ngành sắt thép, chứ không phải trên bình diện toàn nền kinh tế. 

Hơn nữa, các tập đoàn đa quốc gia lớn của Mỹ đã khai thác quá nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa từ trước đến nay, cho nên họ không dễ dàng bỏ qua cho quyết định làm tổn hại tới lợi ích của mình. Vừa qua có hàng chục Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bắt đầu lên tiếng kêu gọi ông Trump quay lại TPP. Đằng sau những người này chính là các tập đoàn kinh tế.

Cơ hội cho Trung Quốc?

Cũng có quan điểm cho rằng, khi Mỹ rời bỏ TPP, Trung Quốc sẽ thay chân Mỹ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tự do thương mại không phải là con đường mà Bắc Kinh muốn đi. Trung Quốc hiện nay đã và đang đi theo con đường của riêng mình, họ khai thác lợi ích của toàn cầu hóa theo cách riêng. Lựa chọn chiến lược của Trung Quốc ngày nay sẽ không phải là TPP, mà là "Một vành đai, một con đường" (OBOR).

Cách Trung Quốc tận dụng lợi ích từ toàn cầu hóa cũng khác với các nước. Họ dùng các "quả đấm thép", là những tập đoàn kinh tế nhà nước, tiên phong mở đường ra các thị trường, sau đó đi theo là dòng chảy hàng tiêu dùng phân khúc dưới. Trung Quốc khó có thể tham gia TPP, bởi TPP là sân chơi của những nền kinh tế thị trường phát triển với nhiều quy chuẩn chặt chẽ về doanh nghiệp quốc doanh, chế độ bảo hộ, trợ cấp, sở hữu trí tuệ… đòi hỏi đáp ứng cao theo nguyên tắc thị trường - những thứ mà Trung Quốc không dễ dàng chấp nhận. 

CPTPP mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam. 

Việt Nam trong sân chơi mới

Việt Nam được cho sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP thành hiện thực. Tuy nhiên, với CPTPP thì những kỳ vọng này bị suy giảm đáng kể. Đối với thương mại, ngành may mặc và giày dép là lĩnh vực hết sức quan trọng vì nó đem lại nhiều lợi ích về tạo việc làm và thu nhập cho chính người Việt, và cũng là lĩnh vực được xem là sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Số liệu thống kê năm 2015, tổng xuất khẩu giày dép, may mặc chiếm tới 21,2% tổng xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của điện tử là lớn nhất chiếm 36,5% tổng xuất khẩu, nhưng đây là phần thuộc về FDI là chủ yếu và cũng không thể so với ngành dệt may về mặt tạo việc làm cho người Việt.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành may và giày dép lại là Mỹ chiếm tới 42,47% thì lại không được hưởng vì Mỹ không nằm trong CPTPP. Thị trường còn lại lớn nhất trong CPTPP là Nhật Bản cũng chỉ chiếm 11,38%. Tất cả các thành viên còn lại trong CPTPP chiếm tỷ trọng không đáng kể. 

CPTPP hình thành cũng sẽ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, tuy nhiên, cơ hội này là không nhiều. Bởi hiện nay các nước CPTPP chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 16% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam năm 2017. Đặc biệt, trong đó Nhật Bản hiện vốn đã có FTA với Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Do đó, phần mở rộng xuất khẩu sau CPTPP không cao.

"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với sự trợ giúp của CPTPP đến năm 2030 sẽ tăng ít nhất là 1,1% so với năm 2010". Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam.

Xét về đầu tư, thì 10 nước trong CPTPP đang đầu tư vào Việt Nam khoảng 112 tỷ USD, chỉ tương đương 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Tương tự như đối với thương mại, dòng vốn FDI đang hoạt động từ Nhật Bản vào Việt Nam chưa cần đến CPTPP là rất lớn lên tới 42 tỷ USD. Và trong năm 2017, Nhật Bản đã vượt Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Nói cách khác, dư địa mở rộng FDI nhờ CPTPP không lớn.

Tuy nhiên, so với các hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam đã ký trước đây, CPTPP là một loại hình mới, là "luật chơi" mới, trình độ cao của thời đại toàn cầu hóa. Điều này sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn lao, một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách điều hành và quản lý nền kinh tế ở Việt Nam. 

Bộ quy tắc của CPTPP được xem là một khung pháp lý để vận hành một nền kinh tế hiện đại. Đó là một bộ quy tắc chi tiết, để điều tiết và dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam vào một sân chơi bình đẳng với các nước phát triển. 

Đó là một lộ trình thiết kế các quy tắc cho một nền kinh tế mở theo những tiêu chí cao của thế giới, một môi trường kinh tế sạch và lành mạnh. 

Đó là một hệ thống những cam kết mạnh về nghĩa vụ và quyền lợi để tiến tới thực hiện một khu vực mậu dịch tự do trên phạm vi rộng. Đó là một lộ trình từng bước nâng cao năng lực kinh tế của Việt Nam. 

Nếu như Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) trước đây tạo sức ép Việt Nam rời khỏi nền kinh tế bao cấp thì sức ép mới của CPTPP sẽ đẩy Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường hiện đại. Chẳng hạn, trong tài liệu của TPP ghi rất rõ về vấn đề tham nhũng: chống tham nhũng là gì, các đối tượng nào, chủ thể nào trong nền kinh tế hay ăn hối lộ, tham nhũng xảy ra do những kẽ hở nào của chính sách… Vì vậy, nếu Việt Nam thực hiện nghiêm túc những điều khoản này thì tình trạng tham nhũng sẽ giảm.

Vinh Trang

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文