Cuộc chiến bền bỉ với chất cấm, chất thải nguy hại

22:00 01/02/2016
Trong những năm gần đây, vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Một số nhà sản xuất công nghiệp đã lợi dụng sự ưu đãi trong chủ trương mở cửa, không thực hiện đúng các yêu cầu về quy trình xử lý nước thải, chất thải nguy hại mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, trên diện rộng.


Nhiều nhà buôn cố tình nhập lậu các loại thực phẩm kém chất lượng và nhiều loại nội tạng động vật thiu thối được tẩy rửa bằng hóa chất độc hại trước khi tung ra thị trường. Đặc biệt là những doanh nghiệp sản  xuất, những cơ sở chăn nuôi tại nhiều địa phương đã trộn chất tạo nạc Sanbutamol và các loại chất cấm khác vào thức ăn gia súc, gia cầm, gây nguy hại cho người tiêu dùng.

1.Trong sản xuất công nghiệp, lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước cùng với những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thiện và các cơ sở nằm trên lưu vực sông, kênh, rạch.

Cụ thể vào ngày 8 tháng 1 năm 2016,  các trinh sát Phòng 2 - Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường 6 (C49 – Bộ Công an) phát hiện Công ty Pou Hung Việt Nam tại khu công nghiệp Chà Là, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh có hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường với thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Đại tá Võ Văn Đông, Phó cục trưởng Cục C49.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện nước thải sinh hoạt và nước thải, bùn thải trong ngành thuộc da có chứa các loại hóa chất Clo, FeSo4, phèn và cặn Polymer của Công ty Pou Hung tại một số phân khu không được dẫn vào hệ thống thu gom nước thải, mà chỉ được bơm thêm một ít nước giếng ngầm để pha loãng rồi xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống cống thoát nước mưa.

Với hàng chục ngàn công nhân và rất nhiều phân xưởng thuộc da, mỗi ngày, Công ty Pou Hung phải cần đến hàng trăm mét khối nước để duy trì hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt, do đó lượng nước thải cần phải xử lý sẽ là rất lớn.

Nước thải chưa qua xử lý được xả vô tội vạ trên mặt đất.

Sau nhiều tháng trốn tránh, thực hiện hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nguồn nước của hệ thống kênh tưới tiêu chạy dọc theo Công ty Pou Hung và khu dân cư xung quanh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Qua công tác trinh sát, ngày 20-1-2015, các trinh sát Phòng 2 – Cục C49 phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Công ty TNHH Quốc tế DONA Quế Bằng có trụ sở tại tỉnh lộ 788, ấp 5, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nghiêm trọng quy trình xử lý nước thải trong công nghiệp thuộc da.

Trinh sát Cục C49B phát hiện nước thải chưa qua xử lý tại Công ty DONA Quế Bằng.
Phát hiện Công ty SeaBird mua bán trái phép chất Sanbutamol.

Qua kiểm tra thực tế, lực lượng phối hợp phát hiện nước thải không thông qua hệ thống xử lý mà được đưa vào hai  đường ống thoát nước mưa có đường kính 400mm và 600mm xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước thải sau khi thu gom vào hồ chứa sẽ được xử lý theo quy trình: Điều chỉnh độ pH – Keo tụ - Tạo bông – Lắng – Lọc – Xử lý sinh học – Lắng rồi sau đó mới được thải ra môi trường, nhưng tại đây, toàn bộ hệ thống xử lý nước thải với công suất 80m3/ngày đã quá cũ kỹ, không vận hành được, nhiều thiết bị đã bị hoen gỉ, đứt gãy. Các bồn chứa dung môi đã bị lấp đầy bằng đất sét khô cứng từ lâu, hệ thống mô tơ không được đấu nối với nguồn điện…

Dưới hồ chứa, ống dẫn nước thải có chứa các loại hóa chất Clo dùng để khử trùng da, FeSo4, phèn và cặn Polymer đặc quánh, nồng nặc mùi hôi thối cứ liên tục xả vào rồi mặc nhiên tràn vào hệ thống cống thoát nước mưa. Thậm chí nhiều lúc quá tải, nước thải tràn ra làm ngập khắp mặt sân, các lối đi gây ô nhiễm cho chính các công nhân đang làm việc trong các phân xưởng. 

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Minh Hiền – Tổng Giám đốc Công ty DONA Quế Bằng cho rằng công ty không có ý định xả chất thải nguy hại và nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, nhưng vì mới mua lại cơ sở vật chất của Công ty Hào Dương (một công ty đã bị cấm hoạt động vì nhiều lần vi phạm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường) có hệ thống xử lý nước thải quá cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên mới xảy ra tình trạng này. Tuy nhiên trước những chứng cứ mà các trinh sát thu thập được trong gần hai tháng, cuối cùng bà Hiền cũng đã công nhận thực tế vi phạm của Công ty.

2. Chất tạo màu vàng ô vốn chỉ được sử dụng trong công nghiệp nhuộm, chất cấm Salbutamol vốn chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y tế nhưng lại được tuồn ra thị trường dưới dạng sản phẩm siêu tăng trọng, tiêu tan mỡ dùng trong thức ăn chăn nuôi lợn. Những hóa chất độc hại này tồn dư trong thực phẩm là một trong những tác nhân gây bệnh ung thư đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là dịp Tết cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao.

Tối 8-12-2015, các trinh sát Cục C49 phối hợp với Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bất ngờ ập vào trụ sở Công ty SeaBird tại số 98/15, đường Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh do ông Trần Văn Bùi làm Giám đốc. 

Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện một thùng nhựa để sau nhà vệ sinh chứa 17,5kg Sanbutamol được che đậy  kín, nhãn hiệu bên ngoài có ghi chỉ số chất cấm có xuất xứ từ Ấn Độ. Bên cạnh có nhiều chai nhựa đựng hóa chất không niêm yết hạn sử dụng. 

Trước đó vào lúc 10 giờ 30 cùng ngày, các trinh sát bắt quả tang Võ Văn Thanh, ngụ quận 12 đang mua 2kg Sanbutamol của ông Bùi mang xuống quận 5 bán lại cho một người khác.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Bùi quanh co rằng đã mua thùng Sanbutamol trên của một người bán dạo không rõ danh tính. Chỉ đến khi các trinh sát đưa ra những chứng cứ thu thập được trong thời gian trước đó, ông Bùi mới  khai nhận đã mua thùng Sanbutamol của Công ty dược Minh Anh trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh với giá 5 triệu đồng/kg mang về bán lại với giá từ 7,5-8 triệu đồng/kg và đã bán được 7,5kg thì bị phát hiện.

Ngoài những loại chất cấm đã được người chăn nuôi lén lút đưa vào thức ăn gia súc, nhiều cơ sở sản xuất vì lợi nhuận trước mắt đã bất chấp đạo đức kinh doanh sử dụng những loại nguyên liệu tái chế để sản xuất ra các loại nước mắm, nước tương không bảo đảm tiêu chuẩn mang bán cho người tiêu dùng. 

Cụ thể vào ngày 8-1-2016, Cục C49 phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra đột xuất hộ sản xuất kinh doanh nước mắm Quả Chuông Vàng có địa chỉ tại C5/28K, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B. huyện Bình Chánh và phát hiện hộ gia đình này đang sử dụng các loại nguyên liệu là bã đậu nành, bã đậu phộng (đã qua công đoạn ép lấy tinh dầu) đã bị mốc, thậm chí có chỗ đã bị thối đem trộn với một loại hóa chất nhập từ Trung Quốc có tên SODA ASH LIGHT để chế biến ra các loại nước mắm, nước tương và nước tương chay. 

Mặc dù theo quy định của Bộ Y tế, loại hóa chất này chỉ được phép sử dụng trong công nghệ tẩy rửa thủy tinh và công nghiệp nhuộm sợi vải nhưng trước cơ quan Công an, chủ cơ sở vẫn điềm nhiên cho rằng không chỉ một mình cơ sở Quả Chuông Vàng mà có hàng trăm cơ sở khác có quy mô sản xuất lớn hơn rất nhiều cũng sản xuất theo quy trình như vậy trong hàng chục năm qua mà có thấy người sử dụng khiếu kiện gì đâu và cũng không thấy ai chết vì ăn nước tương, nước mắm này…

Theo Đại tá Võ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục C49 cho biết: Trong những năm qua, tình hình chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải rắn và xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường diễn ra hết sức phức tạp. Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lợi dụng sự ưu đãi trong mở cửa kêu gọi đầu tư của các địa phương đã không thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn mà đem chôn lấp sơ sài ngay trong khu vực nhà máy sản xuất của mình. 

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành thuộc da, dệt, nhuộm, xi măng… không tiến hành xử lý nước thải có nhiễm các loại hóa chất độc hại, bùn thải mà cho thiết kế hệ thống cống ngầm có van hai chiều xả thẳng ra ruộng đồng, sông, suối gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và môi trường. 

Đặc biệt có những doanh nghiệp chỉ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu Sanbutamol phục vụ trong ngành dược phẩm với số lượng hạn chế đã lén lút nhập vượt giấy phép với số lượng lớn rồi đem bán lại cho các cơ sở chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm mang cho heo, gà, thậm chí cho cả các loài thủy sản ăn. Loại chất này khi cho heo ăn, chỉ trong ít ngày phần mỡ sẽ được chuyển đổi thành thịt nạc và nhanh chóng tăng cân nên được người chăn nuôi gọi là chất tạo nạc. 

Tuy nhiên dư lượng chất Sanbutamol sẽ không thể chuyển hóa hết mà đọng lại trong cơ thể heo, gà khiến cho người tiêu dùng sử dụng nhiều lần có thể gây bệnh ung thư và một số loại bệnh nguy hiểm khác (theo khuyến cáo của Bộ Y tế).

Trước thực trạng này, trong những năm qua, Cục C49 đã phối hợp với Công an các địa phương và các ban ngành có liên quan tích cực vào cuộc. Mỗi năm trên cả nước phát hiện, xử lý từ 5.000-6.000 vụ vi phạm về quy trình xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn và xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, ngăn chặn hàng chục ngàn vụ mua bán, vận chuyển các loại nội tạng động vật thiu thối và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mỗi năm cũng đã xử lý hàng ngàn vụ vi phạm các loại. Ngoài việc trực tiếp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật, Cục còn tích cực xây dựng phương án tuyên truyền đến tận nơi sản xuất giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao đạo đức kinh doanh để từ đó họ xây dựng quy trình xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy trình.

Đức Cương

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文