Ký ức chùa làng

11:16 06/02/2019
Chùa làng tôi có lẽ là ngôi chùa điển hình đậm nét đồng bằng Bắc bộ. Vâng, một ngôi chùa nhỏ nằm ở cuối làng. Chùa nằm im lìm núp dưới bóng hàng cây nhãn xum xuê cành lá. Quê tôi nổi tiếng với giống nhãn nức tiếng, nhãn lồng Hưng Yên cùi dày hạt nhỏ lại đen nhanh nhánh.


Trong trí nhớ của tôi, của thằng bé còm nhom đen nhẻm của hơn năm mươi năm về trước thì thích nhất là được theo mẹ lên chùa.

Chùa làng tôi có lẽ là ngôi chùa điển hình đậm nét đồng bằng Bắc bộ. Vâng, một ngôi chùa nhỏ nằm ở cuối làng. Chùa nằm im lìm núp dưới bóng hàng cây nhãn xum xuê cành lá. Quê tôi nổi tiếng với giống nhãn nức tiếng, nhãn lồng Hưng Yên cùi dày hạt nhỏ lại đen nhanh nhánh. 

Hồi bé tôi có lần theo mấy anh lớn tuổi nhè lúc tối trời lén lút trèo lên cây nhãn. Ngồi núp trên cành, lắng tai nghe tiếng bầy dơi bay ra săn muỗi, lũ trẻ chúng tôi hí ha hí hứng đưa tay vặt từng quả nhãn rồi kheo khéo đưa sát vành môi, cắt một miếng rõ chắc, chao ôi, hương thơm và vị cùi nhãn ngọt lịm từ từ chui xuống cuống họng. 

Đang tưng tửng thưởng thức thứ vị ngon nhất trên đời ấy thì sư trụ trì bước ra. Bà đã biết tỏng tòng tong là trên cành cây um tùm ấy có mấy thằng nhóc “ăn trộm” nhãn chùa. Vị sư trụ trì dường như không ngước mắt lên vòm cây, bà cặm cụi nhặt mấy hạt nhãn vừa rơi xuống gốc nói bâng quơ: “Ơ bọn dơi dạo này ăn nhãn khéo thế. Chúng lại còn biết nhằn hạt nữa”. 

Chỉ nghe vị sư trụ trì nói thế, lũ chúng tôi đã vội tụt nhanh xuống. Thằng Cam con ông Bưởi nhanh nhẩu nhất bọn đứng khoanh tay trước mặt vị sư trụ trì: “Chúng con xin lỗi nhà chùa ạ”. Vị sư trụ trì vẫn không ngẩng mặt lên, bà nói như chẳng nói với ai: “Biết ăn thì cũng nên biết ơn người trồng cây”.

Câu nói ấy theo tôi suốt bao nhiều năm quân ngũ. Câu nói nhỏ nhẹ nhưng đầy ân cần, nhắc nhở ấy đủ để chúng tôi đem vào hành trang cuộc đời. Chỉ tiếc rằng thời gian của một đời người là hữu hạn. Ngày chúng tôi khoác ba lô trở về làng thì vị sư trụ trì đã đi xa. Bà đã mất nhưng tôi vẫn đau đáu, tiếc là mình chưa đưa ra được câu trả lời với bà ngày bà đã nói với “lũ trộm nhãn chùa” chập tối hôm xưa.

Đi lễ chùa ngày xuân là một tục lệ đẹp của người dân.

Chùa làng tôi nhỏ, một ngôi chùa Bắc bộ ẩn khuất cuối làng chỉ râm ran lên khi những ngày cuối năm chợt tới. Cuối năm cũng là dịp dân làng tôi có lệ dắt díu nhau lên chùa. Người nải chuối vườn nhà. Kẻ đem mấy thẻ hương. Ít ỏi vậy thôi nhưng sư trụ trì vui ra mặt, bà nói: “Lên chùa đâu phải để khoe khoang. Lên chùa là để tĩnh tâm, để tinh thần thanh nhẹ”.

Giờ sư trụ trì đã đi xa nhưng những gì nhà sư nói thì tôi nhớ mãi. Nhớ nhất là lời căn dặn của mẹ nuôi tôi. Bà là người nhà quê đặc sệt nhưng lại có cái tên nghe “kêu” chẳng kém người trên tỉnh. 

Mẹ nuôi tôi tên là Minh Châu. Có lần mẹ nuôi tôi giải thích: “Tên của bu là ngọc sáng. Một viên ngọc sáng con ạ”. Ơ mà quê như bu cũng là ngọc sáng được kia á? Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Mẹ nuôi tôi mắng yêu: “Cha bố nhà anh. Bu có sáng thì mới thay mẹ anh nuôi anh bằng ngần này chứ”. 

Ấy là mẹ nuôi tôi nói khiêm tốn thế thôi chứ bao nhiêu năm mẹ tôi hết đi công tác rồi đi học nếu không có mẹ nuôi tôi chăm sóc tôi chắc gì tôi được như ngày hôm nay.

Mẹ nuôi tôi là người hay đi chùa nhất làng. Ngày rằm, chẳng khi nào mẹ nuôi tôi vắng mặt trên chùa. Bận việc mấy cũng để đấy đã. Mẹ nuôi tôi lên chùa trước là thắp mấy nén nhang rồi sau là giúp sư trụ trì quét lá dọn cỏ. Việc chỉ có thế nhưng mẹ nuôi tôi “chăm chỉ” lắm. 

Mẹ nuôi tôi bảo “chùa làng như cái hồn của làng ấy. Làng có chùa là làng có phúc bởi thế chùa làng còn thì bu con mình mới sống được qua gian khó. Chùa làng mà không còn thì làng lấy đâu ra chỗ để dựa để nương”. 

Vậy đấy, người đàn bà quê một cục, nói một tiếng đầu làng cuối làng nghe rõ, đi một bước cả làng đều biết, chữ thì không viết nổi tên mình, thế mà ăn nói cứ như người học hành giỏi giang lắm. Mà mẹ nuôi tôi giỏi giang thật. 

Chồng mẹ đi bộ đội từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến, rồi ông nằm lại bên đường số 4. Mẹ nuôi tôi ở vậy nuôi hai người con một trai một gái đâu vào đấy. Mẹ còn nhận nuôi thêm tôi chỉ với một lý do “Để mẹ đẻ con yên tâm công tác”. Thế thôi, mẹ nuôi tôi giỏi quá.

Chùa làng lưu giữ hồn làng.

 Sau này lớn lên tôi mới thấm thía vì sao mẹ nuôi tôi vất vả rồi đơn thân ấy vậy mà mẹ nuôi tôi chẳng khi nào nhãng chuyện chùa làng. Đời cho mẹ những đứa con nhưng đời mẹ lam lũ, mẹ đã lấy chuyện vui chùa để tự vui mình, để truyền cái niềm vui nho nhỏ ấy cho con cho cháu.

Mãi sau này tôi mới hiểu, chùa làng như một “đại diện” cho đạo Phật ở chốn quê mùa. Đạo Phật tuy du nhập vào Việt Nam những hơn hai ngàn năm nhưng cũng như đời người đã trải bao thăng trầm, trải bao phen biến cải, trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển của đất nước. Phật giáo từ lâu đã đi vào quần chúng làng quê Việt, gắn bó với sinh hoạt cộng đồng của người Việt, một sự gắn bó tự nhiên không có sự áp đặt của chính quyền hay nhà nước, ngay cả khi đạo Phật được coi là Quốc giáo.

Sự tồn tại lâu dài của đạo Phật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đã đem lại những đóng góp đáng kể cho đời sống văn hóa, tư tưởng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam. Ngày nay ở khắp các vùng miền, ở khắp các địa phương của Việt Nam dấu tích và nét văn hóa Phật giáo Việt Nam đã và đang đóng góp vào đời sống tinh thần của xã hội. Những ngôi chùa có từ xa xưa hay những ngôi chùa mới phục dựng đều cho thấy nét văn hóa dân tộc Việt Nam ghi dấu đậm nét.

Tuy nhiên trong những ngôi chùa đó không phải ai cũng hiểu được và hiểu đủ về những giá trị văn hóa Phật giáo đã ghi dấu như: Tượng Phật, câu đối, kiến trúc, bài trí, đồ vật thờ cúng, bài kinh, bài trí cảnh quan vân vân và vân vân. Do đó việc làm cho dấu ấn văn hóa Phật giáo đó được sáng tỏ và lan truyền, cũng như những dấu ấn văn hóa đó đi vào đời sống xã hội được lành mạnh và nhân rộng rất cần được giảng giải, phân tích và mở rộng phạm vi nhận thức cho quần chúng.

Tôi đã nhận thức ra điều đó. Phật giáo mà những ngôi chùa là hiện thân của một đức tin có ý thức. Ý thức ở đây giản dị như câu nói của mẹ nuôi tôi “Chùa là hồn làng”. Hồn làng, hồn của làng hay nói cách khác đấy là “chỗ dựa” tinh thần rất Việt bởi chùa làng đâu to cao bề thế hay hoành tráng cao sang. Chùa làng nhỏ nhỏ nép cuối làng như một “chốt chặn” để người dân dù có “lùi” hay có “thoái” thì đã có chùa làm nơi nương tựa.

Năm rồi tôi tình cờ tới vãng chùa Cầu Bây, một ngôi chùa dường như còn giữ được “vẻ” chùa làng bởi chùa nằm sát những thửa ruộng rau. Tôi cứ thắc mắc vì sao vị sư nữ từng trụ trì chùa này được Nhà nước truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, và một nhà sư trẻ từng tu tại đây được công nhận là Liệt sĩ. 

Hỏi ra mới biết, vị sư trụ trì hồi đầu Cách mạng Tháng Tám đã nhặt ngoài chợ Đường Cái bên Hưng Yên một thằng bé mồ côi sắp chết đói về nuôi. Sư đặt cho thằng bé đó họ Thích của nhà Phật. Rồi thằng bé sắp chết đói lớn lên xung phong đi bộ đội và anh dũng hy sinh. Chuyện đời giản dị mà cao quý biết bao. Chùa đâu chỉ là nơi ta lên đó thắp hương niệm Phật. Ta lên chùa, ta vãng cảnh chùa cũng là để nhận về mình những cảm tình cùng bao điều khuyên nhủ.

Cuối năm vãng cảnh chùa làng hay đầu năm lên chùa chính là để ta thêm một lần hiểu về ý nghĩa câu nói “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”. Dân tộc đã tạo dựng nên những ngôi chùa làng để cho ta nhận về mình trách nhiệm là góp phần đẩy mạnh văn hóa Phật giáo dân tộc Việt Nam, góp phần đẩy lùi xu hướng tiếp thu văn hóa nước ngoài không phù hợp, góp phần nâng cao tinh thần xã hội, thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao chủ nghĩa yêu nước chân chính thông qua việc tiếp nhận đúng đắn các giá trị văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Trọng Văn

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

Sáng ngày 18/12/2024, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Huy (SN 1997), cư trú xã Cửa Dương, TP Phú Quốc (Kiên Giang) tổng cộng 26 năm tù về 2 tội “Giết người” và  “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Nạn nhân trong vụ án này là Nguyễn Thị Ngọc T (SN 2006), ngụ xã Hàm Ninh (TP Phú Quốc). 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文