Cà phê đường tàu: An toàn đường sắt có bị “lãng quên”?
Chỉ một đoạn phố Phùng Hưng, nơi có tàu chạy qua dài chưa đầy 500m mà nay có khoảng 20 hàng cà phê được mở ra. Không đơn thuần là nơi dừng chân uống nước, những quán “đường tàu” này đang là một địa chỉ “hit hot” được giới trẻ Hà Nội, thậm chí cả người nước ngoài ngày ngày tìm đến nhằm mục đích “check in”.
Thế nhưng, điều đáng lo ngại không phải ở việc quán mở làm gì, mà chính là việc quán mở sát đường ray, người dân đến uống nước, vô tư chụp ảnh không nắm được giờ tàu chạy; nguy cơ tai nạn, mất an toàn giao thông đường sắt rất dễ xảy ra…
Thú vui mạo hiểm
10h sáng thứ bảy, trời nắng như đổ lửa, nếu không có việc quá cần phải ra đường, dường như ai cũng muốn chọn giải pháp “trốn nắng” ở nhà. Ấy vậy mà đoạn đường sắt đi ngang khu dân cư phố Trần Phú - Điện Biên Phủ - Phùng Hưng vẫn tấp nập người. Những vị khách lớn tuổi có, trẻ có, thậm chí cả khách nước ngoài đổ về khu vực cà phê “xóm đường tàu” để chụp ảnh.
Hàng quán ở đây được người dân tận dụng từ khoảng sân nhỏ hẹp trước nhà cải tạo thành quán kinh doanh, rồi đặt cho quán những cái tên hút khách như như Ga Đông Dương, Ga đường sắt, hay đơn giản chỉ là cái biển gắn số 08 (ví quán như một toa tàu) với những bộ bàn ghế gỗ nhỏ xinh được tận dụng kê sát đường tàu. Ước tính, mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến ngắm tàu chạy, tận hưởng cảm giác mới lạ mỗi lần tàu vụt qua ở khoảng cách tính bằng xen-ti-mét.
Anh Thomas (khách du lịch người Anh) có mặt ở đây từ khá sớm chia sẻ: “Tôi xem cảnh ngồi uống cà phê chờ tàu đến như thế này ở trên tivi, và tôi cảm thấy rất thú vị nên đã tìm đến đây. Tôi thấy đó là cảm giác vô cùng phấn khích hơn là e sợ khi tàu ở gần như vậy”.
Khi được hỏi, trong trường hợp không có người thông báo hoặc quên thông báo về con tàu sắp đến, anh Thomas vẫn rất tự tin: “Dĩ nhiên, nếu có gì nguy hiểm thì sẽ là một điều không may. Nhưng chúng tôi ý thức được việc tìm hiểu kỹ trước khi đến đây, và bạn thấy đấy, ai cũng dạt sang cả hai bên để ngắm nhìn vẻ đẹp của chuyến tàu”.
Cà phê đường tàu. |
Sự tự tin đến mức hồn nhiên của vợ chồng du khách người Anh này khiến công việc của các nhân viên gác chắn đường sắt thêm phần vất vả. Từ ngày các quán cà phê nở rộ ở xóm đường tàu, lượng du khách nước ngoài ghé thăm chụp ảnh, check-in vào giờ tàu chạy tăng đột biến.
Chị Bích Liên, nhân viên gác chắn tại trạm Trần Phú than thở: “Vào ngày thường các chuyến tàu đa phần chạy vào chiều tối nên ban ngày sẽ không quá vất. Thế nhưng riêng thứ 7 và Chủ nhật, từ sáng đến tối, đoạn đường này có 8 chuyến tàu chạy qua lúc 7h05, 7h45, 8h45, 9h17, 11h36; 15h20, 16h10 và 17h45 nên việc nhắc nhở khách phải diễn ra thường xuyên hơn”.
“Người ta hiểu mình thì mới nhắc được, chứ nhắc họ mà họ không hiểu tiếng thì chả biết được. Còn tình huống khách đông quá thì phải tuýt còi cho họ vào. Còn nếu họ vẫn không nghe? Mình đóng chắn cẩn thận, quay biển xong thì phải chạy lại, kéo họ vào để đảm bảo an toàn thôi. Không có cách nào khác”, chi Liên chia sẻ thêm.
Không chỉ là chụp một bức ảnh tàu chạy qua, theo quan sát của phóng viên, có nhiều du khách khi đến khu vực này chụp ảnh vô cùng liều lĩnh. Đa phần đều cố gắng tranh thủ khoảnh khắc tàu sắp đến để kiếm tấm ảnh đứng bên đường ray, có người còn thò tay ra để chạm vào thân tàu, để tăng thêm sự “mạo hiểm” dù biết rằng những hành động này quá nguy hiểm.
Trong khi đó, anh Đỗ Hùng, một phóng viên của thông tấn xã, người từng đi nhiều nước châu Á thổ lộ: “Nhiều quốc gia, ví dụ Đài Loan có hình thức cà phê trên đường sắt cũ, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, đó là đường ray không còn hoạt động, không giống như ở nhiều tuyến phố của ta, tàu vẫn chạy qua đây. Quảng bá du lịch hay trao đổi văn hoá cũng cần tuân thủ pháp luật và tôn trọng tính mạng con người”.
Cơ quan chức năng khó xử lý
Xóm cà phê đường tàu từng bị nhắc đến như một địa điểm cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, theo thời gian, nơi này càng ngày càng đông khách hơn, đặc biệt là những vị khách nước ngoài đến để trải nghiệm.
Để tạo ra nét độc đáo riêng, có cửa hàng đã từng bày cả bàn lên đường ray nhưng trước khi tàu đến khoảng 15-20 phút, chủ hàng sẽ chủ động ra dọn bàn và nhắc nhở khách đứng gọn vào trong. Dù cửa hàng này sau đó đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi.
Khách quan mà nhìn nhận, các trường hợp ngồi uống cà phê, mua bán, chụp ảnh bên đường tàu không khác gì “thách thức với tử thần”, vô cùng nguy hiểm và cần sớm loại bỏ. Tại “xóm đường tàu” ven đường Điện Biên Phủ, Phùng Hưng… đã không ít lần cơ quan chức năng đến làm việc, lập biên bản xử lý các hàng quán kinh doanh. Song, chỉ một thời gian sau, hoạt động kinh doanh bên đường tàu lại tấp nập, nhộn nhịp trở lại.
Một lãnh đạo Công an phường Hàng Bông cho biết: “Việc các hộ dân và du khách vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn như mở quán kinh doanh đồ ăn, uống ngay sát đường tàu và du khách đứng trên đường ray để chụp ảnh xuất hiện trên địa bàn khoảng gần 2 năm.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Công an phường thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt và thu giữ các phương tiện vi phạm của các hộ dân. Tuy nhiên, do chủ yếu du khách vi phạm là người nước ngoài nên cũng ít nhiều gây khó khăn trong công tác vận động, nhắc nhở.
Thẳng thắn hơn, theo đồng chí Nguyễn Hồng Giang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng CSGT Hà Nội) bức xúc: “Để đạt chuẩn an toàn đường sắt, khoảng cách tối thiểu tính từ mép đường ray sang 2 bên là 5,5m, trong khi ở đây người ta ngang nhiên mang bàn ghế ra bày trên đường ray. Từ đầu năm 2019 đến nay, đội CSGT đường sắt đã chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên 6 tuyến đường sắt đi qua địa bàn thành phố, đặc biệt là các điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, đã có gần 400 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 60 triệu đồng. Riêng khu vực“xóm đường tàu” thì xử lý vi phạm không hề dễ vì chế tài xử phạt không đủ sức răn đe.
Đặc biệt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tư an toàn giao thông đường sắt việc đảm bảo thi hành Quyết định xử phạt còn gây khó khăn như: Hành vi bán hàng trên đường sắt chỉ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000đ đối với cá nhân và 600.000đ đến 1.000.000đ đối với tổ chức, việc tạm giữ đồ vật, phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt không rõ ràng.
Hay như việc xử lý các hộ kinh doanh chưa được cấp phép và thu hồi giấy phép kinh doanh, xử phat hộ kinh doanh cà phê chưa được UBND phường quan tâm chỉ đạo dẫn đến sự việc còn diễn ra…”.
Nhiều người không ngại mạo hiểm chờ tàu qua để check in. |
Chính vì thế gần đây Đội CSGT đường sắt đã tiến hành làm việc với 4 phường liên quan đến xóm đường tàu mà các cơ quan chức năng phản ánh là Khâm Thiên, Văn Miếu, Điện Biên - Ba Đình, Hàng Bông - Hoàn Kiếm, đề nghị công an phường , UBND phường chỉ đạo tổ dân phố, nhắc nhở tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt làm nơi kinh doanh, buôn bán.
Bên cạnh đó là yêu cầu các phường này lắp đặt biển cảnh báo cấm, nguy hiểm,các chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm như: Đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt… tại khu vực “xóm đường tàu”.
Đồng thời, Đội CSGT đường sắt cũng đã cùng Phòng Thanh tra an toàn 1-Cục Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải, Công an phường Hàng Bông thực hiện kiểm tra và yêu cầu các hộ dân kinh doanh giải khát, cà phê, đồ ăn nhanh ký cam kết về đảm bảo trật tự, văn minh đô thị, không lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường sắt để kinh doanh du lịch, không để bàn ghế trong lòng đường sắt và hai bên đường sắt để phục vụ khách du lịch vì hành vi trên đe dọa an toàn chạy tàu, đe dọa an toàn tài sản, tính mạng của khách du lịch nước ngoài.
Thiết nghĩ, luật đã có và để đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, bên cạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành đúng quy định của người dân, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm để giảm thiểu những tai nạn không đáng có trên đường ray.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt chạy qua với tổng chiều dài hơn 160 km. Đặc biệt, tại đây có đến 560 giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Vấn đề an toàn đường sắt luôn được nhắc đến nhưng một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, “bỏ quên” an toàn tính mạng của mình mỗi khi tàu chạy qua. |