Cái nhìn của sĩ quan quân báo về “kéo pháo” và “ngày N” ở Chiến dịch Điện Biên Phủ

14:28 10/06/2014
… Ngày 6/12/1953, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị hạ quyết tâm: tập trung quân chủ lực đánh Điện Biên Phủ, lấy chiến dịch này làm đòn quyết định giành thế chủ động chiến lược, xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (anh Văn), Tổng Tư lệnh được cử làm Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng uỷ Mặt trận. Sở Chỉ huy còn có anh Hoàng Văn Thái (Phó Tổng tham mưu trưởng, phụ trách Tham mưu mặt trận), Lê Liêm (Phó Chủ nhiệm TCCT, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận), Đặng Kim Giang (Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, phụ trách Hậu cần).

“Ngày N”

Ngày 5/1/1954, anh Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi được lệnh đi cùng Đại tướng ra Sở Chỉ huy Mặt trận (SCHMT) ở hang Thẩm Púa do các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm cùng cố vấn Mai Gia Sinh (Tham mưu trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc) và anh Bằng Giang (Tư lệnh quân khu Tây Bắc) đã chuẩn bị trước ở vùng Tuần Giáo.

Từ núi rừng bạt ngàn Việt Bắc ra đường lớn, tôi bàng hoàng và xúc động trước bao cảnh tượng khác thường: bộ đội hành quân theo xe Mô-lô-tô-va nhập vào lớp lớp dân công đồng bằng, quân dân đông vui sống động, tràn ngập các bìa rừng ven đường… Tôi chợt sáng ra thêm: Ta đang tiến vào một trận đánh lớn “không như trước”, một trận đánh tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong thời buổi các cuộc chiến tranh, xung đột đang được quốc tế hóa, cộng đồng hoá ở mức độ cao, ở cả 2 phía địch-ta… mà cán bộ chúng tôi còn thiếu hiểu biết rất nhiều.

Vừa háo hức phấn khởi vừa lo lắng nhưng không được lơ là. Hằng ngày tôi vẫn phải nắm chắc và nhận báo cáo diễn biến chiến sự ở Trung Lào, đồng thời giữ liên lạc thường xuyên với anh Cao Pha (Cục phó Quân báo, mật danh Ban 2) ở Lai Châu. Lệnh nghiêm ngặt của anh Văn: Quân báo phải đảm bảo nắm chắc và kịp thời mọi triệu chứng, ý định của địch RÚT hay KHÔNG RÚT khỏi Điện Biên Phủ – tâm điểm chú ý của bộ thống soái tối cao khi ta đã bắt đầu xuất tướng, ra quân.

Suốt đường đi, dưới bom đạn, điện báo hàng giờ của anh Cao Pha khẳng định: Sau khi rút khỏi Lai Châu, quân Pháp đang trụ lại, tổ chức bố phòng ở Điện Biên Phủ! Tổng Tư lệnh yên tâm và thực sự hài lòng. Tôi phấn chấn thêm…

Đến hội nghị chiến dịch ở hang Thẩm Púa ngày 15/1/1954, bản báo cáo về “địch tình và binh địa” của Ban 2 được đánh giá cao. Anh Cao Pha nắm tập đoàn cứ điểm như trong lòng bàn tay đã trình bày một cách có hệ thống trên sa bàn lớn: Trên tuyến vành đai, hệ thống các cụm cứ điểm mạnh bao quanh cánh đồng Mường Thanh từ Bắc sang Đông xuống Nam, nhưng điểm yếu nhất của địch là vùng bản Hồng Lếch về phía Tây rất gần khu trung tâm Mường Thanh, nơi Sở Chỉ huy của tướng De Castries (GONO) đóng, binh lực bảo vệ, công sự còn sơ sài… Và điểm chủ chốt nổi bật trong kế hoạch tấn công được SCHMT phê duyệt là: Quyết định bố trí Đại đoàn Quân tiên phong F308 vào vùng bản Hồng Lếch làm mũi chủ công 11 theo chiến thuật công kiên nổi tiếng của Quân giải phóng Trung Quốc: “nhất điểm lưỡng diện, mũi nhọn đuôi dài”, tức là vào thời điểm và nơi quân ta tiến công tập trung dày đặc nhất để xung phong vào tung thâm; đến ngày “N” đột phá mãnh liệt thẳng vào GONO với sự hợp đồng yểm trợ của pháo binh và F312. Như thế chỉ trong 3 đêm 2 ngày đảm bảo sẽ tiêu diệt GONO và sau đó là cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tổng Tư lệnh cùng Đảng uỷ mặt trận, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh và các tướng tá chỉ huy đã hoàn toàn nhất trí với phương án tác chiến do các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Liêm cùng đồng chí Mai Gia Sinh… dày công xây dựng một cách kĩ càng.

Ngày “N” cuối cùng được ấn định vào ngày 25/1/1954! - Một sự nhất trí đáng ghi nhớ.

Sau hội nghị, chúng tôi rất phấn khởi, khẩn trương di chuyển SCH tiền phương ra phía trước. Các đơn vị chiến đấu cũng được lệnh sẵn sàng vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công. Pháo binh đã lập kì công nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc kéo vào trận địa. Tham mưu và chính trị tăng cường động viên, kiểm tra.

Mật lệnh: hoãn ngày “N”, rút quân, kéo pháo ra!

SCH tiền phương chuyển tiếp đến bản Nà Táu.

Sáng 20/1, tôi hội ý với anh Quang rồi cùng đến báo cáo anh Văn: Quân Pháp đêm 19, 20 đã phát lệnh mở chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Tướng Navarre sau khi biết quân chủ lực của ta F308 đã rời Trung Du lên đường đi Tây Bắc, cho rằng quân ta sẽ bị kẹt ở vùng rừng núi đó (coi như không còn bị uy hiếp) nên tập trung quân cơ động chiến lược rút từ đồng bằng Bắc bộ tung đòn tiến công chiến lược đánh trước vào vùng tự do Trung bộ theo kế hoạch Navarre vạch ra đã được tướng O Daniel (Trưởng đoàn cố vấn Mỹ MAAG) chấp thuận.

Không giấu được vui mừng, tôi báo cáo thêm: Pháp sẽ phải tập trung vào chiến dịch Atlande ít nhất 2/3 khối binh đoàn cơ động chiến lược và lực lượng không quân trong vòng từ 1 đến 2 tháng. Trong khi quân chủ lực của ta đã sẵn sàng ra đòn quyết định ở Điện Biên Phủ chỉ trong vòng 1 tuần nữa!

Mọi người phấn chấn hẳn lên. Anh Văn ra lệnh: Các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Cao Pha… tiếp tục ra ngay trận địa, trực tiếp đôn đốc kiểm tra. Đặc biệt Tổng Tư lệnh không quên đốc cụ Hoàng Đạo Thuý (Cục trưởng Cục 3) “ngày đêm ôm tổng đài, thông tin liên lạc phải sẵn sàng triển khai mạng thông tin chiến đấu”; đồng thời một số khẩu đội pháo cuối cùng còn chậm phải kịp vào trận địa trước ngày 25.

Ngày hôm sau, tôi và cả Ban 2 bấn lên để đối chiếu, chỉnh lí cả đống tin mới nhận được. Mặc dù đã thức suốt đêm, sáng 23 tôi vội cùng anh Quang đến hầm chỉ huy của Tổng Tư lệnh. Cố giữ bình tĩnh, tôi trình bày mạch lạc: Tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó.

Theo tin trinh sát kĩ thuật: quân Pháp đã bắt được chiến binh của F308 và F312, khi họ vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, đưa về Hà Nội. Và ngay sau đó BCH Bắc bộ đã ra lệnh:

1, Trong ngày 23 thả 1 tiểu đoàn dù xuống Mường Thanh để chốt giữa Mường Thanh và bản Hồng Lếch (trước mũi F308).

2, Điều binh đoàn cơ động ở Thượng Lào do Đại tá Créve Coeur chỉ huy từ Mường Khoa (Lào) cấp tốc hành quân về hướng Điện Biên Phủ để chiều 24 có mặt ở tuyến sau F308.

3, Điều chỉnh các kế hoạch binh, hỏa lực và sẵn sàng chờ lệnh vào “ngày 25”.

Anh Văn thoạt nghe có hơi bị sốc, tức khắc ra lệnh: Anh Phạm Kiệt, Cục phó Bảo vệ, đi kiểm tra ngay việc chiến binh F308, F312 mất tích ở trận địa xuất phát tiến công. Tôi lập tức phải ra đài quan sát của C45, D426 trinh sát ở trên núi phía Đông sân bay Mường Thanh, tận mắt kiểm tra việc địch đang thả quân dù. Đích thân Tổng Tư lệnh đến gặp tổ kĩ thuật để các anh Bách, Tân giải trình một số bản tin “kĩ thuật mã thám”.

Sau khi tổng hợp tình hình, tôi bình tĩnh khẳng định những tin tức đã báo cáo với SCHMT là chính xác và đáng tin cậy. Anh Văn điềm tĩnh hơn, lắng nghe và suy nghĩ cân nhắc. Biết anh còn nhiều điều phải lo lắng: “hậu cần”, “pháo”… Tôi cũng cảm thấy tình hình thực sự nghiêm trọng nên cố gắng trình bày nhưng thận trọng nhấn thêm (bằng cách nhắc lại) điều mà Quân báo đã tổng kết về cách đối phó mới của địch: tập trung cao độ binh hỏa lực, phi pháo “giập” mũi tiến công ở ngay đột phá khẩu vào giờ “G” ngày “N”.

- Được rồi! – Anh dứt khoát ngắt lời và ra lệnh tiếp - Không được phép tiết lộ các tin cụ thể trên nếu không được phép!

Tôi hiểu kỉ luật chiến trường cấm không được phát ngôn hay hành động có thể làm dao động quyết tâm của người chỉ huy trước giờ nổ súng!

Đảng uỷ mặt trận được triệu tập gấp. Các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang từ trận địa trở về, chưa nắm ngay được tình hình chung nên rất thận trọng. Không thể không cân nhắc về “cái giá 100% chắc thắng” của trận đánh mà không mất “vốn” xương máu của hàng vạn cán binh lúc đó. Cộng với tin do anh Phạm Kiệt cung cấp sau khi đi thị sát về: các trận địa pháo quá lộ liễu, sẽ tổn thất lớn nếu đánh… Sau cuộc hội ý kéo dài mới thực sự thống nhất ý kiến, ngày “N” phải hoãn sang ngày 26.

Sau cuộc họp, anh Văn cùng đồng chí Hoàng Minh Phương (Tổ trưởng phiên dịch) đến gặp đồng chí Vi Quốc Thanh. Sau này tôi được biết: Vi Trưởng đoàn đã hoàn toàn đồng ý với Võ Tổng và sẽ “đả thông cho đoàn cố vấn” về việc phải thay đổi kế hoạch tiến công theo ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp đề xuất.

Đây là một biểu hiện quý giá về sự hợp tác giúp đỡ chân thành và hiệu quả của tình hữu nghị Việt - Trung. Các “đồng chí Bạn” vốn có tác phong tuyệt đối phục tùng cấp trên, chắc chắn sẽ có khó khăn khi chấp nhận tại chỗ ý kiến của phía Việt Nam đề xuất. Trong lúc đó ở Bắc Kinh xa xôi đang trông chờ một sự kiện nổi bật ở biên giới Việt - Trung vì đúng ngày 25/1 sẽ khai mạc ở Berlin (CHDC Đức) Hội nghị các cường quốc về vấn đề Triều Tiên mà CHND Trung Hoa lần đầu tiên tham dự trong vị thế cường quốc.

Cho đến trưa 26, vào lúc 11 giờ (6 tiếng trước giờ nổ súng theo kế hoạch mới), mệnh lệnh lịch sử đã được phát ra: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo về khu tập kết!

Anh Hoàng Văn Thái lệnh cho anh Lê Trọng Tấn và anh Trần Độ (F312) cùng anh Lê Liêm giúp cho anh Phạm Ngọc Mậu chỉ huy việc rút pháo trong tình huống cực kì nguy hiểm này.

Anh Văn trực tiếp qua điện thoại với anh Vương Thừa Vũ: “Lệnh cho F308 cho “một bộ phận lực lượng” quặt ra phía sau đánh vào cánh quân từ Thượng Lào sang, để hỗ trợ an toàn cho việc lui quân!”. “Báo cáo rõ. Xin chấp hành ngay lập tức!”, anh Vũ dõng dạc trả lời, mặc dù chưa được phổ biến tin tức địch ở mặt Thượng Lào và cũng chưa biết “một bộ phận” là bao nhiêu.

Đánh về phía Tây…

Ngay chiều 26, bộ đội tìm cách đánh cánh quân từ Thượng Lào tới. Nhưng vừa tiếp cận chúng đã chạy tán loạn và tan biến vào rừng. Được tin, anh Văn ra lệnh cho anh Vũ đưa cả F308 vượt biên giới tấn công truy kích. Cùng bộ đội Pathet Lào, F308 vừa tìm địch vừa đánh đã thọc một mạch như chẻ tre hơn 200 cây số đường xuyên rừng tới gần Luang Prabang và Mường Sại. Trận đánh hỗ trợ đã chuyển thành một đòn đột kích chiến lược lớn dọc sông Nậm U, nhằm vào kinh đô nước Lào vừa mới được chính phủ Pháp công nhận là một thành viên Khối Liên hiệp Pháp.

Cả chiến trường Đông Dương rúng động. Giới lãnh đạo Pháp, Mỹ cùng các giới báo đài các nước ầm ĩ đưa tin: Việt Minh cắt Đông Dương làm đôi (couper en deux), “Congsan” đã tiến đến bờ sông Mekong sát biên giới Thái Lan, sắp tràn vào Đông Nam Á…

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Pleven cùng Tổng Tham mưu trưởng P. Ely vội bay qua Mỹ rồi sang Việt Nam và Lào. Ngoại trưởng Mỹ Dulless và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ bàn chuyện trực tiếp can thiệp và tăng viện trợ quân sự, thêm phi cơ B26 cho quân đội Pháp…

Nhưng trước tình hình quân sự suy sụp, tướng Navarre phải ra lệnh đình chỉ cuộc tiến công Atlande mới mở ở Tuy Hoà, phân tán khối binh đoàn cơ động chiến lược, tổ chức các cầu hàng không mới để lập và cứu giữ các trung tâm đề kháng mới ở Luang Prabang, Mường Sại (Thượng Lào), Savakhet (Trung Lào), tăng cường trở lại cho chiến trường đồng bằng Bắc bộ và Điện Biên Phủ… Pháp chuyển sang thế phải cấp bách đối phó phòng ngự ở nhiều mặt trận, đồng thời tăng cường khả năng chi viện về binh lực và hàng không cho Điện Biên Phủ không chỉ từ các căn cứ ở đồng bằng Bắc bộ mà cả từ phía Luang Prabang.

Nhưng khi chỉ còn cách 15-20km, trước Luang Prabang đang hoảng sợ và sơ tán, “Sư đoàn thép 308” nhận được lệnh ngừng truy kích và rút về tập trung ở khu vực quanh Điện Biên Phủ. Trước Tết Nguyên đán đã kết thúc trận tập kích chiến lược hết sức táo bạo. Võ Tổng đã dám tung “con át chủ bài” Đại đoàn quân tiên phong 308 vào một trận đánh lớn không dự kiến trước, không có chuẩn bị đảm bảo hậu cần và tình báo như ở các chiến dịch trước nhưng hoàn toàn bất ngờ đối với đối phương và đã được Bộ Chính trị chấp thuận, khuyến khích. Và nếu như lúc đó F308 vấp phải khó khăn, bị tổn thất thương vong thì hệ quả tai hại đối với chiến dịch chính và cả chiến cuộc Đông Xuân sẽ ở mức chưa thể lường hết được.

Vĩ thanh

Khi kể lại tình hình ở thời điểm này, lính quân báo cảm thấy tự hào về sự đóng góp của ngành mình trong một đội quân nhân dân đích thực. Anh em kháo nhau:

- Miếng võ mở đầu ngoạn mục của quân ta “KÉO PHÁO RA Ở ĐIÊåN BIÊN, THỌC SÂU QUẢ ĐẤM THÉP TỚI KINH ĐÔ LÀO” quả là lợi hại. Nó đã đảm bảo ta thu quân an toàn, đồng thời làm thất bại thảm hại hiệp đầu kế hoạch Navarre muốn giành chủ động tiến công chiến lược trước ta.

- Đó cũng là một chiến tích tuyệt vời của quân tướng Việt Nam, cả Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận, đã “dám” quyết định và hành động dũng mãnh, sáng tạo, căn cứ vào thực tiễn chiến trường để tránh cho quân ta rất có thể phải trả một giá bằng xương máu rất lớn ngay trong trận đầu khi mới ra quân.

- Và nghiêm chỉnh thực hiện thành công lời chỉ dẫn quý báu của Bác (khi nghe báo cáo về kế hoạch Navarre, tháng 11/1953): “Khi quân địch hung hăng muốn chủ động giành thắng lợi quân sự, ta buộc chúng phải lâm vào thế bị động. Navarre muốn tập trung quân cơ động chiến lược thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh”.

Tết Giáp Ngọ, thấy tình hình Luang Prabang tạm yên, mặt trận Điện Biên Phủ chưa nổ súng, tướng lĩnh Pháp giở đòn chiến tranh tâm lí cho phát thanh rầm trời, rải truyền đơn trắng rừng “thách tướng Giáp dám đánh vào Điện Biên Phủ thì Việt Minh sẽ bị đập nát”.

- Hãy đợi đấy! – Anh trinh sát trẻ tinh nghịch đang dự liên hoan quân dân vui miệng giỡn với chữ “casser du Viet” rồi hồn nhiên vác cây đàn nhập vào nhảy sạp với chị em người dân tộc cùng đồng bào từ hậu phương lớn lên chúc mừng thắng lợi xuân Giáp Ngọ.

Giới thiệu về Đại tá Lê Trọng Nghĩa (tên thật Đoàn Xuân Tín), học sinh Bonnal, Hải Phòng. Tham gia Việt Minh, bị bắt đầu 1942, bị tống giam Hỏa Lò. Đêm 11/3/1945 bảo vệ “tử tù” Trần Đăng Ninh vượt ngục theo đường trèo rào.

Tháng 8/1945, được Việt Minh cử đi thương thuyết với cụ Phan Kế Toại, Khâm sai Đại thần và Thủ tướng Trần Trọng Kim. Tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, được cử đi đối thoại với đại diện quân đội Nhật, tránh đổ máu trong ngày 19/8/1945.

Cục trưởng Cục Tổng vụ (Chánh văn phòng) Quân sự Ủy viên hội (3/1946 – 11/1946); Chánh văn phòng Bộ Tổng chỉ huy (5/1947 - 8/1948); Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng – Tổng Chỉ huy (8/1948 - 11/1948).

Cục phó Cục Quân báo (1950), theo Đại tướng tham gia các chiến dịch.

Cục trưởng Cục Quân báo (1960-1967). Nghỉ hưu tại Hà Nội

L.T.N.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文