Cần Thơ:

Phá đường dây “bảo kê” cho nhà xe, doanh nghiệp

13:38 12/12/2016
Đến thời điểm này, đã có 7 lãnh đạo, cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở GTVT TP Cần Thơ (1 Phó Chánh thanh tra, 3 Đội trưởng, 2 Đội phó và 1 cán bộ) đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ.


Sự giúp sức cho 7 bị can này là 2 người có vai trò trung gian, chuyên o ép nhà xe, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải tại các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ qua địa bàn TP Cần Thơ để đưa và nhận hối lộ với số tiền gần 4 tỷ đồng...

Mở rộng điều tra vụ án, ngày 7-12, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với Nguyễn Trần Lưu (39 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội TTGT Thốt Nốt), Trần Lập Pháp (30 tuổi, nguyên cán bộ Đội TTGT Cái Răng), Hồ Công Thiện (39 tuổi, nguyên Đội phó Đội TTGT Phong Điền) và Trần Tường An (38 tuổi, ngụ TP Cần Thơ, kinh doanh bên ngoài) cùng về hành vi nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Lưu, Phát, An và Thiện.

Theo điều tra, từ cuối năm 2015 đến những tháng đầu năm 2016, Công an TP Cần Thơ nhận được nhiều thông tin tố giác tội phạm của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải bị các đối tượng bên ngoài xã hội và một số cán bộ TTGT cấu kết với nhau o ép, buộc đóng tiền bảo kê nếu muốn yên ổn làm ăn.

Trực tiếp Đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP Cần Thơ chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh và giao cho Phòng Cảnh sát kinh tế làm chủ công, triệt phá.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, chủ hãng nước đá… phản ánh, họ bị ép buộc phải đóng “hụi chết” cho một thanh niên ở Vĩnh Long là Nguyễn Văn Cần, với số tiền từ 1-3 triệu đồng/tháng.

Cần cung cấp số tài khoản cho các doanh nghiệp này trực tiếp nộp tiền vào tài khoản. Nhà xe, doanh nghiệp nào đóng tiền trễ hoặc không đóng tiền bảo kê lập tức bị gọi điện thoại doạ nạt, hoặc trong quá trình hoạt động kinh doanh, phương tiện lưu thông trên đường sẽ bị một số cán bộ TTGT gây khó dễ.

Để yên ổn làm ăn, nhiều nhà xe, doanh nghiệp đành bóp bụng nộp tiền cho Cần. Riêng trên địa bàn Cần Thơ có hàng chục nhà xe, doanh nghiệp nộp “hụi chết” cho Cần và một số cán bộ TTGT bằng cách chuyển vào tài khoản hoặc đưa tiền trực tiếp.

Sau đó Cần rút tiền chuyển cho người quen biết với cán bộ TTGT hoặc đưa trực tiếp. Suốt nhiều tháng trời, hàng trăm lượt trinh sát được tung đi xác minh điều tra. Cuối tháng 7-2016, Ban chuyên án quyết định triệt phá đường dây nhận tiền bảo kê, hối lộ này.

Chiều 16-7, Lý Hoàng Minh (31 tuổi, Đội phó Đội TTGT Ninh Kiều) đang nhận tiền từ một chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn phường An Khánh, tại con hẻm bên hông Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.

Khi khám xét trên người của Minh, lực lượng tạm giữ số tiền 17,5 triệu đồng, 100 USD cùng nhiều tài liệu thể hiện việc thu tiền của các hãng xe, nước đá, vựa cá…

Tại cơ quan điều tra, Minh khai, chiều cùng ngày đã đến quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Linh nhận tiền của một chủ hãng nước đá. Sau đó, Minh đến tận nhà và cửa hàng vật liệu của hai người khác để nhận tiền “bảo kê”.

Từ lời khai này, kết hợp cùng các chứng cứ đã thu thập được, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối với Nguyễn Văn Cần (29 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) – người đứng ra làm trung gian.

Trong hai ngày 18 và 20-7, cơ quan điều tra tiếp tục bắt giữ đối với Võ Hoàng Anh (34 tuổi, Đội trưởng Đội TTGT Ninh Kiều) và Đoàn Vũ Duy (38 tuổi, Đội trưởng Đội TTGT Bình Thủy). Quá trình điều tra đã làm rõ, Cần mở 3 tài khoản ngân hàng.

Thời điểm bị bắt giữ bên trong 3 tài khoản có số tiền khoảng 3 tỷ đồng (tài khoản do Cần đứng tên có trên 1 tỷ đồng và 2 tài khoản do đứng tên người khác mở tại Cần Thơ và Vĩnh Long, có số tiền trên 1,9 tỷ đồng).

Cần khai, các tài khoản này do mình trực tiếp quản lý và cho số các tài khoản để các nhà xe, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn TP Cần Thơ nộp tiền vào. Sau đó, Cần chuyển số tiền này cho Minh, Anh hoặc thông qua người khác. Tổng số tiền, Minh và Anh nhận trên 3,4 tỷ đồng từ các nhà xe...

Từ trái qua: Lưu, Phát, An và Thiện.

Đại tá Trần Ngọc Hạnh cho biết, qua điều tra đường dây do một số cán bộ TTGT móc nối với các đối tượng bên ngoài để “bảo kê” hoạt động kinh doanh vận tải qua địa bàn thành phố là có tổ chức.

Còn chủ mưu là ai và chủ mưu cỡ nào thì vẫn đang được cơ quan điều tra chứng minh làm rõ. Vì vụ án liên quan đến rất nhiều người, với số tiền lớn nên quá trình điều tra được thực hiện rất chặt chẽ, không bỏ lọt tội phạm.

Quá trình điều tra mở rộng, các cán bộ thanh tra như: Anh, Minh và Duy đã khai Dương Minh Tâm, Phó Chánh Thanh tra Sở nằm trong đường dây này. Sau khi củng cố hồ sơ, chứng cứ đã thu thập, ngày 15-9, cơ qua điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Tâm.

Tại cơ quan điều tra, Tâm thừa nhận có bảo kê riêng cho 9 doanh nghiệp, chiếm hưởng số tiền trên 360 triệu đồng. Số tiền này, nằm ngoài số tiền hơn 3,4 tỷ đồng mà cơ quan điều tra đã chứng minh trước đó.

Sau Tâm, rồi đến Lưu, Phát (3/11 cán bộ bị luân chuyển) và Thiện cũng bị khởi tố bắt giam vì liên quan đến việc nhận hối lộ “bảo kê” cho các nhà xe, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với nguyên Phó chánh Thanh tra Dương Minh Tâm.

Đến nay, cơ quan điều tra đã làm việc với trên 250 người có liên quan, đại diện cho 120 tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải đã đưa hối lộ từ Đồng Nai, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Đồng thời, phát hiện có 24 tài khoản khác nhau đã thực hiện hàng ngàn giao dịch liên quan đến việc nhận hối lộ với số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Đồng thời, chứng minh được Nguyễn Trần Lưu, Hồ Công Thiện và Trần Lập Pháp nhận tiền của các tổ chức, các nhân viên kinh doanh vận tải thông qua hình thức trực tiếp nhận tiền mặt và chuyển khoản.

Trong đó, An có vai trò trung gian và mở 2 tài khoản để nhận tiền trực tiếp từ Nguyễn Văn Cần, đồng thời nhận tiền mặt trực tiếp từ các cá nhân, tổ chức giúp cho Đoàn Vũ Duy.

Vậy ai “bật đèn xanh” cho nhóm TTGT nhận tiền, và sử dụng tiền hối lộ hàng tỷ đồng để làm gì... là những ẩn khuất cần được tiếp tục làm rõ.

Văn Vĩnh

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文