Cần có Cảnh sát khu vực trên không gian mạng

13:13 10/07/2020
Tiện ích mà mạng xã hội mang lại là chuyện không có gì để bàn cãi. Riêng đối với ngành Công an, việc sử dụng mạng xã hội để phục vụ công tác phòng chống tội phạm cũng đạt được hiệu quả đáng khích lệ. Ở TP HCM đến nay có hơn 80% số lượng phường, xã đã triển khai ứng dụng mạng xã hội zalo và facebook trong công tác phòng, chống tội phạm.


Năm 2019, qua mạng xã hội người dân đã cung cấp 1.224 tin báo có giá trị liên quan đến an ninh trật tự  giúp lực lượng Công an xử lý, khám phá 868 vụ, bắt 925 đối tượng và giải quyết nhiều vụ việc liên quan an ninh trật tự… Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội đã gây phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.

Thời chưa có điện thoại thông minh, bạn bè trong nhóm muốn hội tụ  phải điện thoại năm lần bảy lượt, tốn kém khá nhiều cước phí. Còn bây giờ, khi lập nhóm kín trên zalo, facebook…chỉ cần 1 tin nhắn đã tập hợp được nhau.

Một vụ gây rối ở TP Hồ Chí Minh bắt nguồn từ nhóm kín trên zalo.

Tuy nhiên, sự nhanh chóng và tiện lợi đó nên khi bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích xấu thì tai họa cũng ập đến rất nhanh. Lập nhóm kín để “hú” nhau đi đua xe, chém người, gây rối; mua bán dâm, ma túy; tuyên truyền chống phá nhà nước, khủng bố…thì nguy hiểm khó lường. 

Gần đây nhất, vụ hơn 200 côn đồ mặc đồng phục áo cam gây án ở một quán ốc thuộc quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) cũng là “sản phẩm” của nhóm kín trên mạng xã hội. Một vụ việc điển hình khác, đầu năm 2018, Hoàng Ngọc Thành (SN 1991; quê quán Bà Rịa- Vũng Tàu) làm quản lý cho một khách sạn tại TP Hồ Chí Minh nên quen biết với khá nhiều gái mại dâm và đối tượng tổ chức môi giới mại dâm.

Để kiếm thêm thu nhập, Thành móc nối với các đối tượng này hình thành một đường dây mua bán dâm. Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy môi giới trực tiếp dễ bị Công an phát hiện và không hiệu quả nên y nảy sinh ý định tổ chức môi giới qua mạng xã hội. 

Để thực hiện, Thành liên hệ với các đại lý sim điện thoại trên TP Hồ Chí Minh để thuê một lượng lớn sim (mỗi lần từ 300-1.000 sim) đã kích hoạt sẵn, rồi cung cấp cho các đối tượng môi giới đăng ký tài khoản “ảo” và lập nhóm kín trên mạng zalo để tổ chức môi giới mại dâm. Khi khách có nhu cầu mua dâm, tùy theo “gu” của khách, Thành sẽ công khai thông tin trong nhóm để “tuyển người”.

Các chân rết của Thành có gái mại dâm nào “hợp gu” thì nhận môi giới và thỏa thuận ăn chia tiền bán dâm. Xong xuôi, Thành hướng dẫn khách đến khách sạn đã bố trí sẵn rồi điều gái mại dâm đến. Sau hơn 1 năm hoạt động cho đến ngày bị bắt, Thành thu lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng… 

Để triệt phá đường dây này, các trinh sát đã tốn kém khá nhiều thời gian để lần theo các nhóm kín, thu thập chứng cứ phạm tội của những kẻ sử dụng tài khoản ảo từ sim “rác”. Lúc bị bắt, Thành nói y không ngờ rằng, cả nhóm của mình đều sử dụng sim “rác” và liên tục thay đổi số vậy mà cơ quan Công an cũng lần ra manh mối…

Trong một Hội nghị về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP Hồ Chí Minh năm 2020. Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Công an thành phố thực hiện để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là tập trung triển khai hiệu quả việc nắm tình hình đấu tranh với các hội, nhóm kín trên không gian mạng nhằm phát hiện kịp thời, đấu tranh vô hiệu hóa ngay từ đầu âm mưu hoạt động của các tổ chức phản động trong và ngoài nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy trong thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, quen biết qua mạng xã hội, lợi dụng quan hệ tình cảm, trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng, tin nhắn “rác”, tin nhắn trúng thưởng…

Chính vì sự chuyển dịch đó mà theo các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, công tác quản lý đối tượng phải cả ở thế giới thực lẫn không gian mạng. Nói một cách nôm na, có Cảnh sát khu vực trong thế giới thực thì cũng cần có Cảnh sát khu vực trên không gian mạng. Và khi đã quản được cả hai thế giới này thì chắc chắn hiệu quả sẽ nhân đôi.

Ngày 25-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Công an tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp…

Mã Hải

Ngày 1/1, thông tin từ Công an quận Hải An (TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc một phụ nữ 65 tuổi cùng con trai 36 tuổi tử vong sau bữa ăn trưa.

Ngày 1/1/2025, Công an TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết, vừa đột kích vào quán karaoke Nice (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài), giải cứu nhiều cô gái. Trong đó, có những cô gái chỉ 13 - 15 tuổi bị "sập bẫy" nợ, bị "giam lỏng" trong thời gian dài để buộc làm công việc không mong muốn.

Ngày 1/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Thị Ngọc Ánh (SN 1998, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra về hành vi giết người. Ánh là người dùng dao đâm bạn trai sống cùng mình tại phòng trọ, khiến nạn nhân tử vong.

Vào ngày 5/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ tham gia thi đấu trận chung kết ASEAN Cup lượt về ở Sân vận động Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Sự kiện này đã khiến vé máy bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi Bangkok trở nên "sốt", giá vé tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文