Vụ đốt tàu cát ở Tuyên Quang: Cần dung hòa các lợi ích

15:43 08/10/2017
Hàng chục chiếc tàu, thậm chí cả tàu cuốc kéo nhau về khúc sông (thuộc sông Gâm) khu vực thôn Soi Đát, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để hút cát sỏi khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây đảo lộn. Tiếng máy nổ, đèn pha lia suốt đêm, sạt lở đất bãi bồi khiến dư luận vô cùng bức xúc.


Sau nhiều cảnh báo, nhiều cuộc họp giữa người dân và chính quyền địa phương, rốt cuộc vẫn không tìm ra giải pháp. Và, khi bức xúc được đẩy lên đỉnh điểm, người dân đã tổ chức xua đuổi, đốt cháy chiếc tàu cuốc khi đang thực hiện hút cát. Việc làm tự phát, trái pháp luật này cần được ngăn chặn. Tuy nhiên các cấp có thẩm quyền cần xem xét mọi mặt, tình hình thực tế để đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Không thể để đất của mình ngày một bị thu hẹp

Sau khoảng hai tháng xảy ra sự việc đốt tàu cuốc trên dòng sông Gâm, chúng tôi có đến xã Xuân Vân để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Rõ ràng hành động đốt tàu là trái pháp luật nhưng tất cả người dân ở đây được hỏi họ đều khẳng định sẽ chống trả đến cùng nếu lại tiếp tục có tàu đến hút cát. Có đến đây mới thấy được sự bức xúc của bà con.

Bởi rất nhiều diện tích đất bãi của họ đã bị nước cuốn trôi do nạn hút cát đang diễn ra tại đây. Anh Nguyễn Văn Lý chia sẻ: "Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục dùng các biện pháp cảnh báo, đàm phán, xua đuổi họ đi. Việc làm này là để tự bảo vệ đất của mọi người, chúng tôi không thể đứng nhìn ruộng đất của mình ngày một thu hẹp, không thể đứng nhìn nồi cơm của mình dần một vơi đi được".

Chiếc tàu cuốc bị đốt cháy vào tháng 8 vừa qua.

 Sự việc người dân khu vực thôn Soi Đát tổ chức đốt cháy tàu hút cát trên sông Gâm xảy ra vào chiều 8-8-2017. Một chiếc tàu cuốc khai thác cát sỏi dưới lòng sông Gâm đã bị một số người dân dùng lửa đốt cháy trơ khung sắt. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng đó còn rất bàng hoàng. Ngọn lửa bốc cao, cột khói đen ngùn ngụt cao cả trăm mét làm náo loạn cả một vùng quê nghèo.

Ông Nguyễn Hữu Minh (người dân thôn Soi Đát) kể lại với giọng đầy bức xúc: "Tàu cuốc của họ thuộc loại hiện đại nhất bây giờ, dài có khi phải 30m. Họ đưa về đây đào bới lấy cát sỏi ngày đêm, hai bên bờ sông sạt lở hết, bãi bờ hoa màu mất sạch cả.

Nhân dân chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo nhưng họ vẫn để ngoài tai, chẳng coi chúng tôi ra gì. Càng nói thì họ lại càng làm ác liệt hơn. Việc đốt tàu cát của họ là phạm pháp, cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm vậy. Chúng tôi lo cho tương lai của mình, đặc biệt là của con cháu".

Theo tìm hiểu của phóng viên, xảy ra sự việc này là do bức xúc của người dân lên đến đỉnh điểm, dù chính quyền và người dân đã rất nhiều lần họp hành, bàn bạc nhưng không thống nhất được. Khi chính quyền bất lực dẫn đến sự ức chế tột độ của người dân.

Để chứng minh những chiếc tàu hút cát "nuốt" hết bờ xôi ruộng mật, người dân thôn Vân Giang đưa chúng tôi mục sở thị khu vực bị sạt lở. Theo quan sát, đây là khúc sông khá nhỏ nước lại chảy rất siết. Khu vực bờ sông thuộc địa phận xã Xuân Vân rất nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu cả vào những vạt ngô của bà con.

Việc sạt lở này không chỉ khiến đất màu bị mất mà còn là mối nguy hiểm bởi khi sạt lở nước đập mạnh tạo thành những hàm ếch, hang hốc. Trước kia bãi sông Gâm của các thôn Soi Đát, Vân Giang… rất rộng lớn, là diện tích đất canh tác, chính của nhân dân trong khu vực. Thế nhưng từ khi các tàu về đây khai thác cát diện tích đất này bị xói lở nên chỉ còn khoảng 200m2/người.

Trước tình trạng ngày càng nhiều tàu cuốc cỡ lớn kéo về khai thác người dân lo lắng đến mất ăn mất ngủ, bà Nguyễn Thị Hiền chỉ tay về phía sạt lở lớn nhất nói: "Các anh có thấy chỗ hõm sâu nhất kia không, ngày trước là đất của gia đình nhà tôi. Bao đời nay gia đình tôi không có nghề phụ, tất cả chỉ trông chờ vào miếng đất bãi, giờ chẳng biết làm gì để sống nữa.

Cứ với tình trạng hút cát như hiện nay, chẳng mấy chốc mà người dân ở đây không còn đất để trồng trọt.

Từ ngày có tàu về hút cát, nhà tôi gần như mất sạch, mặc dù vẫn còn chút ít nhưng cũng chẳng dám ra mà làm vì sợ sụt lún, nhỡ may thụt xuống có khi còn bỏ mạng. Chúng tôi tha thiết mong chính quyền các cấp có biện pháp xử lý để cho người dân đỡ khổ. Những người hút cát nói là họ có giấy phép, được phép hoạt động ở đây. Cho là như vậy đi thì các cấp cũng phải xem xét tình hình thực tế ở đây để rút lại giấy phép của công ty, cứu giúp bà con chứ".

Trước những bức xúc của nhân dân, đã có rất nhiều cuộc họp diễn ra để tìm phương án, thậm chí UBND xã cũng đã tiếp nhận ý kiến của nhân dân khi không đồng ý việc khai thác cát sỏi. Ông Nguyễn Ích Thắng chia sẻ: "Đây là khúc sông hẹp, nước lại chảy rất siết, nếu cứ khai thác cát sỏi nhiều như hiện nay thì không mấy nước sông sẽ "nuốt chửng" bãi bồi, ăn vào tận móng nhà. Không những vậy những âm thanh của các con tàu này phát ra cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống vốn yên bình nơi đây. Chúng tôi bức xúc lắm, đã báo lên chính quyền địa phương về tình trạng trên nhưng vẫn không có phương án nào".

Theo người dân chia sẻ, khu vực bãi sông này cách đây 3-4 năm đã từng bị khuấy đảo bởi nạn khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, việc khai thác vàng chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chứ không làm mất quá nhiều đất như thời điểm hiện tại. Bởi những chiếc tàu đãi vàng sau khi đi họ thường để lại cát sỏi xuống lòng sông.

Ông Nguyễn Ích Thắng chỉ về khúc sông ngầu đục, nói: "Việc khai thác cát sỏi ồ ạt như hiện nay sẽ không tránh khỏi tình trạng sụt lún, sạt lở đất bãi. Những chiếc tàu hút cát này là của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Toàn Thắng.

Người dân vô cùng bức xúc khi đất bãi của họ bị sạt lở do tình trạng hút cát sỏi đang diễn ra.

Đã rất nhiều lần chúng tôi cử đại diện đến cảnh báo công ty này nhưng đều bất thành. Không làm gì được chúng tôi đã tổ chức mọi người đi thuyền ra xua đuổi các tàu đang hoạt động. Thế rồi cũng chỉ được có vài hôm, yên ắng họ lại kéo nhau đến đây. Chúng tôi có cảm giác, người dân càng ngăn cản, càng phản đối thì họ lại càng làm mạnh hơn lần trước".

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Nguyễn Duy Hậu, Trưởng thôn Vân Giang cho hay, do quá bức xúc nên người dân của 3 thôn quanh khu vực nhiều lần tổ chức kéo nhau ra đuổi tàu. Tình hình an ninh của địa phương rất ổn định, người dân thuần nông. Tuy nhiên từ khi có tàu cuốc về hút cát đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. Nguyện vọng của người dân là muốn tàu hút cát rút khỏi địa phương, trả lại sự bình yên để bà con an tâm lao động sản xuất.

Mới đây (25-7), UBND xã Xuân Vân đã thành lập Tổ công tác kiểm tra những khu vực doanh nghiệp được cấp phép khai thách. Tại thời điểm kiểm tra đơn vị này chưa khai thác nên chưa thể thả phao báo ranh giới khai thác cát sỏi theo đúng mốc tọa độ được cấp phép. Đồng thời đơn vị này cũng chưa có thông báo để UBND xã kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động khai thác.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết: "Sau sự việc này về phía Đảng ủy cũng đã chỉ đạo cho MTTQ và các đoàn thể, phối hợp cùng với chính quyền xuống với nhân dân để tuyên truyền vận động bà con, chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trước sự việc trên UBND xã Xuân Vân đã tuyên truyền, vận động người dân không nên có hành động quá khích gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương".

Được biết Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Toàn Thắng đã được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Gâm tại khu vực xã Xuân Vân. Tuy nhiên, việc cấp phép này lại vướng phải sự phán đối kịch liệt của người dân. Khi đơn vị này khai thác cát sỏi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bãi bồi, nơi sản xuất đất nông nghiệp; ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân địa phương từ nhiều đời nay.

Chính vì thế để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, ổn định cuộc sống cần phải có sự hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Đây là lúc cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang phải sớm có biện pháp phù hợp để tháo gỡ nút thắt ngày một căng thẳng này.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên quang cho biết: "Sự việc đốt tầu khai thác cát sỏi của Cty TNHH Toàn Thắng trên sông Gâm ở Xuân Vân, Yên Sơn đang được cơ quan CSĐT tiến hành điều tra làm rõ. Việc có giấy phép hay không cơ quan Công an sẽ làm rõ. Khi nào có thông tin chúng tôi sẽ cung cấp cho báo chí".
Phong Anh

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文