Cần hiểu đúng về chuyện bỏ hộ khẩu và chứng minh nhân dân
Tuy nhiên, không ít cơ quan báo chí truyền thông cũng như dư luận, người dân đã hiểu chưa đúng về thông tin cho rằng sẽ bỏ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân (CMND)…
Vô số rắc rối từ sổ hộ khẩu
Ngày 30-10-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an với phương án về các lĩnh vực cụ thể (nhấn mạnh đây mới chỉ là phương án).
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng đã ký quyết định về việc bãi bỏ văn bản liên quan đến hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức cho thành phố từ ngày 1-11. Các Nghị quyết, quyết định này được dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến bàn luận.
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng sẽ đảm bảo những người không có hộ khẩu được tuyển dụng một cách công bằng. |
Thực tế câu chuyện về hộ khẩu trong quản lý hành chính đã được bàn đi, xới lại nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay hộ khẩu vẫn có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống dân sinh như: mua nhà, mua xe, học hành, cơ hội việc làm...
Bản thân hộ khẩu ra đời với mục đích chính là quản lý nhà nước, quản lý dân cư. Song sau một thời gian khá dài, cho đến thời điểm này, việc quản lý bằng hộ khẩu đã bộc lộ không ít bất cập.
Trước đây, không chỉ riêng tuyển dụng công chức, viên chức, thu hút chuyên gia giỏi yêu cầu hộ khẩu mà nhiều cơ quan, tổ chức vẫn đòi hộ khẩu trong các lĩnh vực khác như lắp đặt điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch, mắc điện thoại cố định…
Thậm chí có những tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp cũng đòi phải có hộ khẩu, ưu tiên cho người có hộ khẩu ở thành phố. Đối với các thủ tục hành chính thì việc yêu cầu phải có hộ khẩu khi thực hiện các giao dịch là khá phổ biến, như thủ tục công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch, vay vốn ngân hàng, hồ sơ, lý lịch...
Anh Nguyễn Minh Thành (25 tuổi, quê Phú Yên) hiện đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, do hộ khẩu vẫn ở quê nên mỗi lần làm gì liên quan đến giấy tờ anh đều phải về tận nơi hoặc gửi về nhờ người thân xác nhận sơ yếu lý lịch rồi công chứng sổ hộ khẩu photo, CMND photo. "Những lần như vậy thường phải mất mấy ngày, thậm chí cả tuần mới xong các thủ tục giấy tờ vì phải chờ người thân gửi vào", anh Thành than thở.
Hiện việc quản lý bằng hộ khẩu giấy đã bộc lộ không ít bất cập. |
Một trường hợp khác khá đặc biệt là vợ chồng anh Phạm Thanh Luân và chị Vũ Thị Huế (nhà ở quận 12). Do cả hai đều là dân ngoại tỉnh, chưa có hộ khẩu thành phố nên đứa con của anh chị muốn được đi học gần chỗ làm của mẹ để tiện đưa đi về phải có hộ khẩu thành phố.
"Cái khó ló… cái nhiêu khê", anh chị đã quyết định nhờ một người quen ở quận Gò Vấp cho con mình có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình họ. Trên cơ sở đó, con anh chị Luân - Huế mới được nhận vào một trường ở Gò Vấp…
Còn nhiều trường hợp "rắc rối" liên quan đến sổ hộ khẩu mà không ít thì nhiều "dân tỉnh" sẽ phải trải qua, từ việc làm thủ tục khai sinh, mua nhà đất, chứng nhận giấy tờ, làm hộ chiếu, mua xe…
Nhiều chuyên gia cho rằng, về bản chất, sổ hộ khẩu là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình, cá nhân và đây là nghiệp vụ của lực lượng Công an, và nó thật sự cần thiết để quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Tuy nhiên, hiện nó đã và đang bị lạm dụng, thậm chí làm cho "biến tướng" khiến hộ khẩu bị hiểu sai, không còn đúng như vai trò vốn có. Nhiều ngành, nhiều nơi đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt ra ngoài mục đích quản lý con người mà lực lượng Công an đặt ra.
Thực tế, hộ khẩu không tạo ra sự bất bình đẳng cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ nếu người dân cư trú tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, nếu người dân cư trú thực tế và đăng ký hộ khẩu thường trú ở hai nơi khác nhau thì họ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ và dễ phát sinh tiêu cực.
Quay trở lại câu chuyện TP. Hồ Chí Minh, theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, quyết định bãi bỏ điều kiện có hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng công chức, viên chức cho Thành phố được thông báo rộng rãi trong các kế hoạch tuyển dụng công chức viên chức từ ngày 1-11-2017 trở đi.
"Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị để triển khai kế hoạch thi tuyển cạnh tranh, công khai minh bạch đối với công chức của năm 2017 theo nhu cầu của các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã. Và các đơn vị sẽ tuyển dụng, xét tuyển viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay cho đến những năm tiếp theo", ông Lê Hoài Trung cho biết.
Cũng theo ông Lê Hoài Trung thì việc TP. Hồ Chí Minh bỏ điều kiện hộ khẩu thường trú trong tuyển dụng sẽ đảm bảo những người không có hộ khẩu vẫn được tuyển dụng một cách công bằng.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia và các nhà quản lý thì khi bỏ điều kiện hộ khẩu, tỷ lệ "chọi" hay sự cạnh tranh trong các kỳ thi tuyển công chức, viên chức dự báo sẽ cao hơn. Như thế chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực sẽ được nâng cao hơn.
Chuyển hình thức quản lý dân cư tiện lợi hơn
Dù thông tin về chuyện TP. Hồ Chí Minh chỉ bỏ một trong những điều kiện khi tuyển dụng là có hộ khẩu thành phố, và Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an với các phương án về các lĩnh vực cụ thể, tuy vậy những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn rộ lên thông tin tới đây sẽ bỏ sổ hộ khẩu, CMND.
Trước những băn khoăn của dư luận xung quanh việc bỏ sổ hộ khẩu thu hút sự chú ý của dư luận, sáng 7-11, Bộ Công an đã tổ chức họp báo để "nói lại cho rõ" xung quanh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Theo đó, hoàn toàn không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu cũng như CMND.
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) nhấn mạnh: "Các nước trên thế giới không nước nào bỏ sổ hộ khẩu cả, chẳng qua là quản lý bằng công nghệ thông tin. Ở đây là thay đổi quản lý. Người dân sau này chỉ khai một lần, từ đó về sau cơ quan quản lý nhà nước cập nhật thông tin. Không có chuyện bỏ sổ hộ khẩu.
Về sau sẽ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy, còn Bộ Công an vẫn quản lý. Khi thu thập xong Cơ sở dữ liệu dân cư, đưa vào ứng dụng rồi thì mới bỏ sổ hộ khẩu giấy. Khi đó sẽ dùng số định danh cá nhân để thực hiện các giao dịch".
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, hiện công tác quản lý dân cư tại Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện, để đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân và quản lý nhà nước. Mỗi công dân đang có nhiều giấy tờ với nhiều mẫu khác nhau: giấy khai sinh, học bạ, sổ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… nhưng dùng theo kiểu thủ công. Đồng thời khi tiến hành thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều giấy tờ gây phiền hà.
Tỷ lệ "chọi" giữa các ứng viên sẽ cao hơn nhiều khi bỏ điều kiện hộ khẩu. |
Do vậy, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư. Hiện Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Để thu thập thông tin về một con người, phải có 15 trường thông tin. Sau này dựa trên thông tin thu thập được, Bộ Công an sẽ cấp mã số định danh trong một thẻ căn cước để công dân có thể thực hiện bất cứ giao dịch nào mà không phải mang nhiều loại giấy tờ khác nhau. Người dân chỉ khai lần đầu và từ đó về sau, cơ quan Nhà nước dựa vào cơ sở dữ liệu đó để thực hiện các giao dịch.
Trung tướng Trần Văn Vệ cũng khẳng định, ở đây chỉ là thay đổi cách làm từ thủ công sang công nghệ. Sau này bỏ CMND sang căn cước công dân. Hiện cấp căn cước công dân mới thực hiện thí điểm ở 16 tỉnh, thành phố.
Tới 1-1-2020 sẽ cấp căn cước trong toàn quốc, nếu người dân nào không muốn chuyển đổi sang căn cước thì vẫn được quyền sử dụng CMND. Về sổ hộ khẩu, sau ba năm nữa, khi Bộ Công an có dữ liệu công dân thì khi các bộ, ngành có giao dịch gì chỉ cần vào lấy thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không gây phiền hà cho người dân.
"Chắc chắn tới năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an sẽ đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang quản lý bằng công nghệ. Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, không có quốc gia nào bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu cả. Ở đây chỉ là chuyển hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang công nghệ", Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định.
Cũng cần phải nói rõ là việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp CMND sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân c ư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Theo Bộ Công an, sau khi các dự án hoàn thành, hình thức quản lý dân cư sẽ thay đổi từ thủ công sang điện tử. Thông tin cơ bản về công dân được thu thập và quản lý đầy đủ, chặt chẽ trên hệ thống, trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú giấy. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là chủ trương, nhưng phải có lộ trình và không thể bỏ công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư.
Như vậy, có thể thấy cơ quan chức năng vẫn quản lý hộ khẩu chứ không phải không quản lý! Vấn đề chỉ là sắp tới sẽ thay đổi từ quản lý bằng giấy tờ chuyển sang công nghệ thông tin.