Cần ngăn chặn việc mua bán sổ BHXH không chính chủ

07:16 19/10/2020
Tình trạng mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) để thu gom mua, bán, thế chấp sổ BHXH trước thời hạn ở Bình Dương từng xảy ra đã bị xử lý nhưng mới đây tình trạng này đang sôi động trở lại. Đối tượng để các “đầu nậu” tập trung nhắm đến là sổ BHXH của những công nhân mượn hồ sơ đi làm, không chính chủ. Từ thực tế cho thấy có nhiều dấu hiệu có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi…


"Giao sổ là có tiền"

“Bạn có sổ BHXH (bảo hiểm xã hội) do mượn hồ sơ đi làm mà không lấy được tiền bảo hiểm cần thanh lý, cứ inbox (nhắn tin, nói chuyện riêng qua mạng) mình thu gom nhé. Có sổ là có tiền, thủ tục nhanh gọn khi giao sổ là có tiền liền”. “Em nhận thu gom tất cả các sổ BHXH…”, một số tài khoản Facebook như Diễm Mi, Hồng Pinky… viết như quảng cáo trên các tài khoản riêng hoặc “tag” vào một số nhóm, diễn đàn trên Facebook.

Tương tự, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Anh Tuấn đã tag mời chào trong nhóm Nhà đất Mỹ Phước 1, 2, 3, 4: “… Có sổ là có tiền. Thủ tục nhanh gọn giao sổ là có tiền liền. Ai mượn hồ sơ đi làm mà không rút được tiền bảo hiểm thì cứ nhắn với em”. Tuấn cũng lưu ý những công nhân nào cần bán thì chụp hình sổ BHXH gửi qua Zalo với số điện thoại công khai là 0969838xxx để Tuấn xem trước rồi chỉ dẫn tiếp…

Những lời mời chào mua bán sổ BHXH không chính chủ xuất hiện công khai trên mạng xã hội.

Qua ghi nhận, không ít tài khoản Facebook liên tục công khai đăng tải vào các nhóm công nhân ở tỉnh Bình Dương như: Công nhân KCN Mỹ Phước Club; Công nhân KCN Bàu Bàng Group; Nhà đất Mỹ Phước 1, 2, 3, 4... thông tin mời chào mua sổ BHXH không chính chủ (những người lao động mượn hồ sơ đi làm, làm hồ sơ giả để đăng ký vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty)... Những thông tin trên đã thu hút rất nhiều người vào hỏi thủ tục, giá cả và cách giao dịch để bán sổ BHXH không chính chủ.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã liên lạc với số điện thoại trong các mẩu rao và nhắn tin với một số tài khoản Facebook kể trên và đều được những người này nhấn mạnh chỉ thu mua sổ BHXH của người mượn hồ sơ đi làm, chứ không mua hồ sơ chính chủ (lý do chính có lẽ  việc gom mua sổ BHXH chính chủ đã bị cơ quan chức năng chú ý và đã có phương cách dẹp yên trước đó)… và người này cũng đều yêu cầu chụp sổ gửi qua cho xem trước…

Cần nói rõ là sổ BHXH không chính chủ là sổ BHXH của những người lao động mượn hồ sơ của người khác đi làm. Khi đi làm với một cái tên khác, công ty tham gia BHXH cho người có tên trên hồ sơ. Khi nghỉ việc hoặc chuyển đổi công việc phải tiến hành điều chỉnh, việc điều chỉnh này phải tuân thủ các quy định của BHXH Việt Nam ban hành. Tuy nhiên, vì e ngại thủ tục và sợ rắc rối, nhiều người lao động đã không làm thủ tục thay đổi, vẫn giữ các sổ BHXH không chính chủ.

Theo ghi nhận riêng tại tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều khu công nghiệp và thu hút số lượng rất lớn công nhân, việc mua bán sổ BHXH đã diễn ra từ khá lâu và có nhiều rủi ro trong quá trình mua bán. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, có hàng ngàn công nhân lao động trên địa bàn Bình Dương bị giảm hoặc mất việc làm. Có những công nhân lâm vào cảnh khó khăn cần tiền gấp đã phải tính đến chuyện bán sổ BHXH để có tiền ngay trang trải cuộc sống.

Trong số người lao động làm việc tại Bình Dương, thì có không ít người không có hồ sơ nhân thân, nhiều người chưa đến tuổi lao động nên phải mượn hồ sơ của anh, chị hoặc em… nhằm mạo danh để được vào công ty làm việc. Trải qua quá trình dài, nhiều công nhân đã được doanh nghiệp đóng BHXH với tên và hồ sơ mượn. Hậu quả là vừa làm việc vừa lo nơm nớp sau này không giải quyết được quyền lợi chế độ BHXH, BHYT…

Và được tag vào một số diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội.

Đáng nói, không chỉ Bình Dương mà nhiều tỉnh, thành khác, tình trạng người lao động mượn hồ sơ của bạn bè, người thân đi làm không phải hiếm. Nhiều người làm việc với tên của người khác trên cả chục năm, tương đương với từng đó thời gian được tham gia BHXH.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, năm 2016, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn xử lý. Theo đó, người mượn hồ sơ cần đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh - nơi làm việc để trình báo về việc đi mượn hồ sơ của người khác để làm việc, sau đó Sở sẽ tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với người mượn hồ sơ. Tiếp đến, căn cứ vào biên bản và phiếu nộp phạt vi phạm hành chính, người mượn hồ sơ sẽ mang đến BHXH tỉnh kèm theo các hồ sơ để làm thủ tục hiệu chỉnh hồ sơ BHXH, cấp lại (hoặc cấp mới) sổ BHXH…

Tuy nhiên, rất nhiều người lao động vì nhiều lý do như ngại đối diện các thủ tục hoặc vướng bận công việc. Đặc biệt khi nghe đến “xử phạt hành chính” và rất nhiều giấy tờ xác nhận nên đã không đổi mà giữ luôn sổ BHXH không chính chủ dù biết rằng nếu không đổi sẽ không được cộng dồn thời gian đóng BHXH hoặc nhận BHXH một lần… nên đã không thực hiện điều chỉnh hồ sơ BHXH theo tên chính chủ cho mình.

Điều trái ngược là nếu quy trình đổi sổ BHXH không chính chủ chặt chẽ đến nỗi khiến người lao động nản lòng thì có thể các đối tượng thu gom lại thấy đây là thị trường tiềm năng. Câu hỏi đặt ra là nếu các đối tượng này không hợp thức hóa được hồ sơ từ chính cơ quan BHXH để lấy lại được tiền thì các đối tượng này thu gom để làm gì. Trong khi hợp thức hóa hồ sơ sổ BHXH không chính chủ còn phức tạp hơn cả thủ tục ủy quyền nhận BHXH một lần.

Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ

Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, cho biết, bà chưa nghe và chưa được báo cáo về tình trạng này xảy ra trên địa bàn.  Theo bà Lý, tình trạng thu gom mua bán sổ BHXH đã xảy ra trên địa bàn hồi tháng 4-5/2020 và được cơ quan chức năng của tỉnh giải quyết ổn thỏa, nhất là BHXH tỉnh Bình Dương đã cho tiến hành xác minh thông tin và có công văn gửi Sở Thông tin - Truyền thông và Công an tỉnh Bình Dương báo cáo về tình hình trên, đề nghị cơ quan Công an phối hợp vào cuộc để điều tra làm rõ…

Thời điểm đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 và cuộc sống khó khăn của công nhân, một số đối tượng đã mạo danh lập ra trang Facebook mang tên BHXH Bình Dương để rao thu mua sổ BHXH trái phép với giá trị chỉ từ 40% - 50% giá trị thực tế người lao động được hưởng và trả tiền mặt ngay cho người lao động, kèm theo ràng buộc, ép buộc người bán sổ phải làm giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng chế độ cho đối tượng.

Do chính sách cải cách thủ tục hành chính, một năm sau, đối tượng có thể làm thủ tục hưởng chế độ một lần ở bất kỳ BHXH cấp huyện nào ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước, nên chúng sẽ rải người đi lãnh tiền ở khắp nơi (không tập trung vào một người, một chỗ làm khó phát hiện hành vi đầu nậu thu gom sổ).

Một sổ BHXH được gửi để “đầu nậu” thẩm định.

Về hành vi cầm cố và thế chấp sổ BHXH, giống như hình thức cho vay tiền, họ cũng sẽ định giá mức cho vay từ 40% - 50% giá trị sổ, nếu người lao động muốn chuộc lại thì cũng bị lãi mẹ đẻ lãi con khó có khả năng chi trả và cuối cùng cũng bị ép bán sổ cho họ.

Các hành vi trên xem như là thu lợi bất chính, trên mồ hôi công sức và tiền chế độ BHXH của người lao động, họ chỉ nhận lại khoản tiền trước mắt bằng 40% - 50% giá trị được hưởng. Mức thiệt hại cụ thể căn cứ vào quá trình đóng BHXH dài hay ngắn, tiền lương cao hay thấp thì mức hưởng sẽ cao hoặc thấp tương ứng. Ngoài ra, nếu sổ BHXH đó người lao động chưa kịp hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau nghỉ việc, trong thời gian cầm cố không lấy sổ ra được sẽ không được hưởng BHXH thất nghiệp…

Trước đó, BHXH Bình Dương cho biết, qua việc thực hiện số hóa để quản lý đảm bảo mỗi người chỉ có một mã số BHXH duy nhất xuyên suốt, cơ quan BHXH Bình Dương đã phát hiện khoảng 800 hồ sơ có thông tin cá nhân không trùng nhau. Mục tiêu đến cuối năm 2020, cơ quan BHXH Bình Dương sẽ giải quyết cho tất cả trường hợp công nhân lao động “mượn danh” người khác khi đi làm.

Phú Lữ - Thọ Phạm

Mỹ và Trung Quốc ngày 12/5 đã nhất trí đình chỉ hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa của nhau trong một động thái cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu lắng dịu.

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã có hành vi cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần y dược LanQ, dùng thủ đoạn gian dối, lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. 

Ngày 12/5, Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện kế hoạch tuần tra đảm bảo TTATGT tại địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì (Hà Nội), trong đó tập trung xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ba gác, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh gây mất ATGT khiến người dân bức xúc.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đang điều tra vụ án "Tổ chức đánh bạc; đánh bạc" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các cá nhân ra trình diện, hợp tác với Cơ quan ANĐT Bộ Công an, làm rõ các nội dung có liên quan đến vụ án để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật

Chiều 12/5, Thượng tá Huỳnh Minh Thơ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Hậu Giang cho biết đơn vị vừa phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh triệt phá 2 nhóm thanh niên đánh nhau, thu giữ nhiều súng, ma túy và hung khí nguy hiểm. 

Liên quan vụ sụp lún đường dẫn cầu Hòa Bình xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Khu Quản lý đường bộ IV và Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, yêu cầu khắc phục giao thông để đảm bảo an toàn, thông suốt. Công an tỉnh Tây Ninh đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác điều tra, trưng cầu giám định để làm rõ chất lượng công trình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An. Trong đó, bị can Phạm Thái Hà (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước 96,8 tỷ đồng và hưởng lợi 750 triệu đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.