Cần nhiều giải pháp ngăn chặn nạn phá rừng

14:00 25/06/2018
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm đến nay, cả nước trồng được gần 11 triệu cây lâm nghiệp phân tán, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.


Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, chiếm đất, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung và khu vực Tây Bắc, với hàng chục héc-ta rừng bị phá. Riêng khu vực Tây Nguyên, thời gian qua đã mất hơn 40% diện tích rừng tự nhiên…

Tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp

Tại cuộc Hội thảo “Tuyên truyền pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm” do Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát có tham luận gửi đến hội thảo với chủ đề “Bảo vệ môi trường, tài nguyên và bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập”.

Kho gỗ lậu của Phượng “râu”.

Trong đó, Trung tướng Trần Văn Vệ nhận định tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm hiện đang diễn biến hết sức phức tạp, phổ biến trong các lĩnh vực như khai thác trái phép tài nguyên, nhất là tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản…

Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong tháng 4 vừa qua, cả nước đã phát hiện hơn 1.140 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đưa tổng số vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng trong 4 tháng đầu năm 2018 lên hơn 4.220 vụ, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 252ha.

Đáng chú ý, riêng tháng 4, cả nước đã xảy ra 200 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị thiệt hại 86ha. Có thể nói, tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật diễn ra với quy mô và thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Điện Biên…

Trong đó, tình trạng phá rừng trái pháp luật ở khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp; tập trung nhiều nhất là tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng...

Có thể kể gần đây nhất là vụ mua bán, vận chuyển, khai thác gỗ trái phép quy mô lớn, nghiêm trọng nhất tại Vườn quốc gia Yok Đôn, giáp ranh tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông vừa bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an phát hiện ngày 27-4-2018.

Theo đó, Cục C49 phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động - Bộ Công an đã bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển gỗ trái phép trên hai xe ôtô mang BKS 61C-07270 và 61L-3057 tại khu vực thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút, Đắk Nông).

Đối tượng Phượng “râu”, trùm gỗ bị bắt.

Tại đây, các đối tượng khai nhận số gỗ trên hai xe này được vận chuyển từ khu vực lán trại thuộc tiểu khu 464 Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk) gần đồn Biên phòng 747 của Công ty TNHH Thảo Trúc do đối tượng Phan Hữu Phượng (còn gọi là Phượng “râu”, ngụ thị trấn Ea TLinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) làm chủ.

Từ lời khai của các đối tượng, cơ quan chức năng đã tiếp cận lán trại của lâm tặc nằm trong rừng. Tại đây, Công an phát hiện hàng chục xe, máy cày, máy kéo, xe kéo, xe nâng, xe cẩu như một đại công trường.

Còn các cây gỗ thu được từ bãi tập kết gỗ của Phượng có nhiều chủng loại như: hương, căm xe, cà te... Đường kính các cây gỗ khoảng 30-50cm, dài từ 5 - 8 mét, thậm chí có cây dài đến hơn chục mét…

Sau đó, các đơn vị đã phối hợp điều tra làm rõ và truy bắt các đối tượng lâm tặc bỏ trốn và xử lý trách nhiệm các cá nhân và tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ việc này.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, trước đó, ngày 28-2-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Tiến (38 tuổi) và Hoàng Ngọc Vũ (37 tuổi), cùng trú tại xã Đắk Nang, huyện Krông Nô để điều tra, làm rõ về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.

Theo đó, Tiến, Vũ đã cùng với một số đối tượng khác sử dụng 4 xe càng và mang theo 3 cưa xăng, dao phát vào suối Đắk Meng khai thác gỗ, thuộc Tiểu khu 1612 và Tiểu khu 1323 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn và UBND huyện Krông Nô quản lý.

Sau 3 ngày, các đối tượng đã khai thác được 3 cây gỗ (1 cây gỗ sấu, 1 cây gỗ vàng và 1 cây gỗ giẻ) xẻ được 11 hộp gỗ rồi chia nhau. Đêm 24-2, các đối tượng dùng xe công nông (xe càng) vận chuyển gỗ ra đến khu vực xã Đắk Nang, huyện Krông Nô thì bị Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Nông, bắt giữ cùng tang vật gồm 8,5m3 gỗ hộp (quy tròn là hơn 13m3 gỗ các loại).

Theo kiểm đếm chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, gần 400 cây thông đã bị cưa hạ, trong đó gần 130 gốc tươi, đường kính từ 20-50cm. Ngoài số lượng gỗ đã được vận chuyển đi tiêu thụ, tại hiện trường còn lại khoảng 130m3 gỗ…

Cần xóa các "điểm nóng" về phá rừng

Từ những vụ việc cụ thể kể trên cộng với tình hình thực tế, có thể thấy, tội phạm và vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản đang diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tình hình khai thác, mua, bán lâm sản trái phép có chiều hướng gia tăng, ngày càng tinh vi và có tổ chức nhằm đối phó với các cơ quan chức năng, gây không ít khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh xử lý các loại tội phạm này.

Đáng lo ngại là nhiều vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép có tổ chức, diễn ra công khai, ngang nhiên, thậm chí ngay gần trụ sở của cơ quan chức năng, có dấu hiệu tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong lực lượng bảo vệ rừng.

Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, thái độ hung hãn, liều lĩnh và manh động, sẵn sàng dùng hung khí để chống trả quyết liệt lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh này là 368 vụ, trong đó: phá rừng trái pháp luật 213 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 81,41ha; lấn chiếm đất rừng: 7 vụ, diện tích lấn chiếm 3,56ha; khai thác rừng trái phép 35 vụ; vận chuyển trái phép gỗ, lâm sản: 48 vụ; mua bán, cất giữ lâm sản trái với các quy định của Nhà nước 53 vụ… Tổng khối lượng tang vật vi phạm 207,643m3 gỗ các loại, 474 cây lồ ô. Từ đó, đã xử lý hành chính 307 vụ, xử lý hình sự 23 vụ.

Một hình ảnh về nạn phá rừng ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Trước tình hình phức tạp như vậy, ngày 10-5-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công điện khẩn số 3542 tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tràn lan như kể trên.

Công điện nêu rõ tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng có tính nghiêm trọng ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Kiên Giang... Các vụ vi phạm chậm bị phát hiện, xử lý; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong xã hội.

Để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật, khai thác lâm sản trái phép, đồng thời khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cùng với biện pháp kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần xóa các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Theo đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương trong thời gian qua; làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng vi phạm, nhất là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn để kịp thời phát hiện, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp; kiên quyết xóa bỏ các cơ sở chế biến gỗ không phù hợp quy hoạch, tiêu thụ gỗ bất hợp pháp.

Phối hợp các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu tại khu vực biên giới, để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái pháp luật.

Về phía Bộ Công an và Công an các địa phương, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, các đơn vị cần triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018 liên quan đến tội phạm khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép.

Cơ quan Công an cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Hải quan… nhằm tăng cường quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ lâm sản trái phép; tăng cường trao đổi thông tin, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới cũng như kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với các loại tội phạm thuộc lĩnh vực này.

Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nắm và hiểu được pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với công tác bảo vệ môi trường; đồng thời, tuyên truyền để người dân thấy rõ được nguy cơ và các hiểm họa về thiên tai do hành vi khai thác, phá rừng bừa bãi gây ra.

Phú Lữ - Công Bình

Chỉ trong thời gian ngắn của những ngày cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文