Cần xử lý nghiêm những “bảo mẫu” mất nhân tính
- Khởi tố, bắt tạm giam bảo mẫu hành hạ trẻ em1
- Bảo mẫu hành hạ bé hơn 1 tháng tuổi khai gì trước cơ quan Công an?
Lời ngụy biện của những người mang danh "cô giáo", "bảo mẫu"
Điều đáng buồn là những vụ bạo hành trẻ em mới nhất lại xảy ra ngay trong “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” phát động trên cả nước từ ngày 15-11 đến 15-12.
Để lý giải cho hành vi bạo hành của mình, bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh cho rằng hành vi dùng tay chân, khăn vải, muôi múc canh, chai nhựa… để hành hạ, đánh đập các bé là do “các em còn nhỏ hiếu động nên giáo viên đã dùng các biện pháp này để dọa các bé”. Có thể nói, đây hoàn toàn là những lời ngụy biện một cách vô trách nhiệm, thiếu tình người, thiếu đạo đức!
Chủ cơ sở Mầm Xanh khai nhận tại cơ quan Công an. |
Bởi chúng ta không thể đổ thừa cho việc có nhiều trẻ, bé hư nói không nghe. Và cũng không thể đổ lỗi vì áp lực phải chăm sóc nhiều trẻ và trong lúc nóng nảy không kiềm chế được. Chắc chắn tất cả chỉ là ngụy biện. Bởi đơn giản, các cô bảo mẫu cũng là những người mẹ có con nhỏ. Nếu là con em của các cô cũng bị bạo hành như vậy, các cô nghĩ gì?...
Có lẽ, khi xem những hình ảnh các cô bảo mẫu lớp mẫu giáo Mầm Xanh ở quận 12 mặt đằng đằng sát khí, thẳng tay hành hạ, đánh đập các em bé được gửi tại trường, chắc chắn sẽ chẳng ai có thể cầm lòng được.
Thật khó có thể cưỡng lại sự nóng giận, căm phẫn, không cầm được nước mắt. Nhưng giống như một “vở kịch”, mỗi ngày đằng sau nụ cười niềm nở của các cô bảo mẫu khi đón trẻ từ tay bố mẹ vào lớp là những cái tát, những trận đòn giáng xuống đầu các em bé còn non nớt.
Nhiều người tỏ ý không thể hiểu được tại sao lại có kiểu bảo mẫu quái gở ác độc, bạo hành, đánh, đấm, đá, tung bé, ấn đầu bé đẩy vào tường, đạp vào bụng, cầm chai nhựa đập vào đầu, cầm dao vỗ trên đầu bé, đánh trẻ như đấu vật?
Tại sao khi họ chọn lấy cái nghề cho mình - “bảo mẫu” lại có thể không có một chút tình cảm nào với trẻ và chắc chắn các đứa trẻ chỉ mấy tuổi đầu chẳng có tội tình gì mà lại bị đối xử dã man như thế…
Trong buổi sáng 27-11, chúng tôi có mặt trên đường HT5, đoạn qua trước cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc. Dù cửa cơ sở này đã bị khóa kín và trước cửa cũng có dán thông báo việc lớp bị dừng hoạt động, nhưng hàng chục người dân vẫn đến bàn tán xôn xao về hành vi bạo hành của chủ cơ sở và các nữ nhân viên ở đây.
Bảng thông báo dán trước lớp mẫu giáo Mầm Xanh sáng ngày 27-11. |
Điều đáng nói, ngay trong buổi sáng đó (tức là hơn một ngày sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng), vẫn có một số phụ huynh chưa hay biết, vẫn chở con đến gửi tại lớp như thường lệ.
Ông Nguyễn Văn Trung (41 tuổi, tạm trú phường Hiệp Thành, quận 12) cho hay: “Hai ngày cuối tuần, vợ chồng tôi đưa con về quê có chút việc. Sáng nay tôi đưa cháu đến gửi thì mới biết chuyện này. Chắc chắn khi về tôi sẽ hỏi con lại mọi chuyện và đưa con đi khám. Thực sự nếu đúng như lời kể của mọi người thì quả là kinh khủng, chúng tôi hoàn toàn không biết gì việc con mình bị đối xử tàn ác như vậy”.
Theo tìm hiểu, căn nhà bà Linh dùng để mở lớp mẫu giáo Mầm Xanh là thuê lại của gia đình bên cạnh. Hầu hết người dân nơi đây đều ngỡ ngàng, hoảng hốt vì không biết các bảo mẫu trong lớp này lại hành hạ trẻ mỗi ngày như vậy.
Ngay sau đó, lớp mẫu giáo này đã bị cơ quan chức năng rút giấy phép và giải tán. Đồng thời chuyển 36 em đang theo học tại đây đến học tại trường mầm non Họa Mi 2 trên địa bàn phường Hiệp Thành.
Cần có hành động cụ thể để bảo vệ trẻ
Chiều 27-11, tại cuộc họp báo do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bức xúc: “Xem clip, tôi không hiểu những người đánh trẻ có còn chút nhân tính nào hay không…”.
Theo bà Thu, việc bạo hành trẻ em tại những điểm giữ trẻ như thế này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu mà còn hình thành một nhân cách có xu hướng bạo lực. Vô tình, chúng ta lại cho ra đời một lớp trẻ hung hăng. Điều này là vô cùng nguy hiểm.
Nhiều người dân và phụ huynh vẫn đến trước cơ sở Mầm Xanh để bàn tán, tỏ thái độ bức xúc. |
Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ và hoàn tất hồ sơ, Công an quận 12 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ cơ sở Mầm Xanh là bà Phạm Thị Mỹ Linh để điều tra về tội “Hành hạ trẻ em”. Ngoài ra, hai bảo mẫu và các cháu bị đánh đập cùng phụ huynh cũng được cơ quan Công an mời lên để lấy lời khai.
Theo kết quả thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hồ Chí Minh, cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh (hoạt động từ năm 2014) giữ 36 trẻ, trong đó có 25 trẻ độ tuổi từ 3-5 tuổi, 11 trẻ từ 18-36 tháng, chủ yếu là con của các công nhân sinh sống trên địa bàn quận.
Trong khi đó, phía Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, trong lần kiểm tra cơ sở mới nhất vào ngày 23-11, đoàn kiểm tra không phát hiện hành vi bạo hành trẻ em nhưng phát hiện hai bảo mẫu không có chuyên môn nghiệp vụ nuôi dạy trẻ theo quy định.
Sau đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở là bà Linh phải thực hiện theo quy định sau khi bà này nêu nguyên nhân là do giáo viên nghỉ việc nên bà tuyển hai người vào làm bảo mẫu mà chưa ký hợp đồng lao động, hai người này cũng chưa có chuyên môn nghiệp vụ… Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau thì sự thật đau lòng đã bị phơi bày.
“Tôi không muốn có thêm một trường hợp Mầm Xanh nào khác trong thời gian tới nữa. Chúng ta cần phải có hành động cụ thể và triệt để”, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Theo đó, bà Thu đã chỉ đạo cần phải xử lý dứt điểm sự việc ở cơ sở Mầm Xanh. Bà Thu cũng đề nghị Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị liên quan, tiến hành ngay việc lắp camera tại các cơ sở mầm non, trước mắt là vận động sau đó là bắt buộc trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Có thể nói, việc lắp đặt camera tại các lớp, nhóm trẻ mầm non được xem là giải pháp cần thiết, góp phần ngăn chặn trẻ bị bạo hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì thực tế phương tiện công nghệ kỹ thuật chỉ hỗ trợ một phần, còn lại vẫn phải dựa vào luật pháp. Nhưng có lẽ cần phải thêm một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng, đó chính là ý thức, là tình cảm, là đạo đức của các cô giáo, các bảo mẫu khi chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các trẻ.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Quan điểm của Bộ là những vi phạm tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh cần phải xử lý nghiêm. Rất tiếc cô chủ nhóm trẻ được đào tạo bài bản lại là người chủ trì trong đánh đập, hành hạ trẻ.
Để xảy ra rồi mới xử lý là hơi muộn. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý ở các địa phương, cũng như việc tăng cường kiểm tra, rà soát, cấp phép cho các nhóm lớp theo quy định để nâng cao hiệu quả, đồng thời xử lý các sai phạm. Từ việc này, không chỉ TP. Hồ Chí Minh mà tại các địa phương cũng cần nghiêm túc chấn chỉnh và nâng cao quản lý”.
Bảng thông báo dán trước lớp mẫu giáo Mầm Xanh sáng ngày 27-11. |
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho biết hiện Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị ban hành chương trình hành động về phòng chống bạo lực học đường và bạo hành trẻ em gửi cho các địa phương, yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình, Hội Luật sư TP. Hồ Chí Minh, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ riêng biệt. Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế bảo vệ quyền trẻ em để thấy được vai trò đặc biệt của trẻ em. Việc các cô bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ em đã được pháp luật xử lý nghiêm minh như hai bảo mẫu trước đây ở Thủ Đức. Vì vậy, các hành vi của các bảo mẫu ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh cần phải được xử lý nghiêm nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
Có thể nói, trẻ em được ví như búp non trên cành, là thế hệ tương lai của đất nước, nhưng các em chưa có khả năng tự vệ, với tâm hồn non nớt, mong manh, vô tội. Vì vậy, các em luôn cần được bảo vệ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Việc hành hạ, ngược đãi trẻ em chính là hành vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được.