Cảnh giác với các chủ đầu tư bán nhà đất… trên giấy

22:23 29/11/2017
Có nhiều dự án chưa đủ điều kiện mở bán nhưng doanh nghiệp vẫn làm liều, "câu" khách nhận đặt cọc, giữ chỗ, góp vốn... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn mạo nhận là chủ đầu tư quảng bá dự án nhằm… "bán vịt trời".


Thực trạng này khiến cho thị trường bất động sản trở nên bất ổn, tiềm ẩn nhiều rắc rối, phức tạp, người mua phải chịu rất nhiều rủi ro, "tiền mất tật mang"… Và vụ việc liên quan đến Công ty CP địa ốc Alibaba đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm!

Nhiều cơ quan, tổ chức liên tục cảnh báo khẩn cấp

Mấy ngày nay, thị trường bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh "nóng" lên một cách đặc biệt khi nhiều cơ quan, tổ chức của thành phố liên tiếp phát đi thông báo khẩn về những thông tin sai sự thật của hai công ty: Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh (Công ty CP Alibaba Tây Bắc) và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty CP địa ốc Alibaba). Đặc biệt, mới đây nhất là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an, đã vào cuộc điều tra những hoạt động bất thường của Công ty CP địa ốc Alibaba.

Theo đó, Cục C46 đã cử tổ công tác làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai nhằm thu thập thông tin phục vụ quá trình điều tra. Ngoài ra, tổ công tác của Cục C46 cũng đã làm việc với đại diện Công ty CP địa ốc Alibaba (trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).

Phối cảnh nhà phố khu dân cư và "view" ra kênh Đông do Công ty CP Alibaba Tây Bắc tự phác họa.

Theo trình bày của bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Giám đốc Pháp lý, người được Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Lĩnh ủy quyền làm việc với tổ công tác của Cục C46 về đầu tư, kinh doanh dự án tại Khu đô thị Tây Bắc (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), Công ty CP địa ốc Alibaba đã làm việc với Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc (BQL KĐT Tây Bắc) để đề nghị hợp tác đầu tư dự án. 

Tiếp đó, Công ty CP địa ốc Alibaba đã nộp hồ sơ đề xuất dự án đầu tư cho UBND TP Hồ Chí Minh và BQL KĐT Tây Bắc. Và dù chưa được chấp thuận, Công ty CP địa ốc Alibaba vẫn cho lập sơ đồ phân lô dự kiến (tỷ lệ 1/500) và phiếu đặt chỗ để nhân viên kinh doanh giao dịch với khách hàng. Số tiền đặt chỗ là 50 triệu đồng mỗi sản phẩm đặt chỗ.

Khi khách hàng quyết định giao dịch sản phẩm đã đặt chỗ trong ngày công bố mở bán (dự kiến 26-11) thì Công ty CP địa ốc Alibaba sẽ chuyển 50 triệu đồng đặt chỗ thành số tiền đặt cọc. Nếu khách hàng quyết định hủy bỏ giao dịch thì Công ty CP địa ốc Alibaba sẽ hoàn trả lại tiền đặt chỗ cho khách hàng trong vòng 48 giờ kể từ ngày mở bán.  

Tính đến ngày 21-11, Công ty CP địa ốc Alibaba đã nhận đăng ký đặt chỗ của 493 khách hàng với tổng số tiền hơn 16,6 tỷ đồng trong dự án Khu đô thị Tây Bắc.

Trong biên bản làm việc, bà Trinh đã cung cấp nhiều tài liệu liên quan cho Cục C46.

Trong khi đó, ngày 23-11, UBND huyện Củ Chi đã có báo cáo lên UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc Công ty CP địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi là trái pháp luật.

Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành công văn khẩn gửi các sở, ban, ngành yêu cầu kiểm tra hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc trong việc thu tiền đặt cọc, giữ chỗ dự án Alibaba Tây Bắc huyện Củ Chi. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), BQL KĐT Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc về dự án Alibaba Tây Bắc huyện Củ Chi. Từ đó, có báo cáo, đề xuất hướng xử lý lên UBND TP. Hồ Chí Minh…

Cùng thời điểm, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh cũng có thông báo trên website của cơ quan này cảnh báo khẩn cấp đến người dân và các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra khi bỏ tiền ra để đặt cọc giữ chỗ ở dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3" do Công ty CP Địa ốc Alibaba rao bán khi chưa đầy đủ thủ tục cần thiết.

Đồng thời, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh còn gửi kèm văn bản của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) phát đi trước đó, cảnh báo về những thông tin sai sự thật của Công ty CP Alibaba Tây Bắc và Công ty CP Địa ốc Alibaba với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cung cấp một số thông tin chi tiết về dự án này: đây là dự án có diện tích 91,45 ha, thuộc một phần khu VIII khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mục tiêu dự án là xây dựng nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị, y tế. Nó là một trong 133 dự án được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11-10 vừa qua.

Đặc biệt, dự án này chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch Khu đô thị… 

Ngoài ra, dự án cũng chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông kết nối với các dự án đang được kêu gọi đầu tư. Vì thế, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh ra văn bản cảnh báo, cho rằng Công ty CP Địa ốc Alibaba, Công ty CP Alibaba Tây Bắc chưa phải là chủ đầu tư nên không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.

Tiếp đó, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có công văn gửi các cơ quan, ban, ngành thành phố để báo cáo về hoạt động kinh doanh bất bình thường của Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc.

Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, tổ chức này đã nhận được nhiều thông tin phản ánh của doanh nghiệp và người tiêu dùng về trường hợp Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc có những dấu hiệu nghi vấn về việc tăng vốn điều lệ "ảo"; công bố bán nền nhà, thu tiền trước của khách hàng "kiểu kinh doanh đa cấp" tại nhiều dự án đất nền chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An và tại TP Hồ Chí Minh.

Có dấu hiệu lừa đảo

Về phía BQL KĐT Tây Bắc, cơ quan này cũng đã có công văn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề cập về việc Công ty CP Alibaba Tây Bắc tự nhận là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng là trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Trong khi đó, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cũng bắt đầu vào cuộc tiến hành kiểm tra toàn bộ vụ việc và sẽ xử lý theo quy định pháp luật …

Trước khi bị cảnh báo về những lùm xùm ở dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3" thì Công ty CP Địa ốc Alibaba cũng đã khá tai tiếng tại thị trường đất nền khu vực huyện Nhơn Trạch, Long Thành, tỉnh Đồng Nai, khi công ty này đã tự xưng mình là chủ đầu tư của nhiều dự án "bánh vẽ" và thoải mái rao bán. Mới đây, chính quyền huyện Long Thành đã trả lời báo chí khẳng định rằng không có dự án nào do Công ty CP Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư trên địa bàn.

Trước các cảnh báo của nhiều cơ quan, tổ chức, lãnh đạo Công ty CP Địa ốc Alibaba đã gửi thư xin lỗi. Trong đó, ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Địa ốc Alibaba, đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đối tác về những việc ồn ào tại dự án Tây Bắc Củ Chi...

Tuy vậy, theo thông báo rộng rãi của Công ty CP Địa ốc Alibaba, đến ngày 26-11, công ty này vẫn dự kiến tổ chức lễ công bố dự án rầm rộ tại một trung tâm hội nghị lớn ở quận Gò Vấp. Thậm chí, lãnh đạo của công ty này còn tuyên bố tại buổi lễ này sẽ đưa ra bằng chứng để chứng minh rằng công ty của mình không hề làm sai các quy định của pháp luật(?).

Sơ đồ phân lô nền dự kiến do Công ty CP Địa ốc Alibaba đưa ra đối với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Trước đó, Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát và Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát cũng đã ký kết thực hiện một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng dự án BĐS tại các dự án thuộc tỉnh Đồng Nai và Long An. Trong quá trình giao dịch bán hàng, Kim Phát và Việt Hưng Phát có hành vi gian dối trong quá trình tổ chức môi giới tư vấn, tiếp thị các dự án bất động sản để khách hàng tin tưởng ký kết hợp đồng. 

Bên cạnh đó, thay vì ký hợp đồng mua bán theo đúng quy định pháp luật thì hai công ty này đã tổ chức ký kết hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tất cả hợp đồng này đều trái với nội dung các hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư dự án. Sau đó, Kim Phát và Việt Hưng Phát đã thu tiền, chiếm đoạt tài sản của khách hàng…

Liên quan đến vụ việc này, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để điều tra.

Theo các luật sư, trong bối cảnh thông tin trên thị trường BĐS chưa được minh bạch và tồn tại không ít rủi ro thì người dân cần phải thận trọng khi đóng tiền đặt chỗ, đặt cọc hay ký hợp đồng góp vốn kinh doanh khi doanh nghiệp chưa được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án để tránh việc mất tiền oan và khó giải quyết khiếu nại về sau.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia đình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, các hành vi công ty dùng các thủ đoạn gian dối không đúng sự thật như thông tin sai về dự án, không phải là chủ đầu tư nhưng vẫn nhận đặt cọc, huy động vốn trái pháp luật bằng hình thức hợp đồng, có nhiều chính sách quảng cáo, thông tin không đúng; có các văn bản từ các cơ quan về việc thông tin của Công ty CP địa ốc Alibaba cung cấp là sai, chưa tuân thủ quy định pháp luật hiện hành; hành vi của người đứng đầu công ty này tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà có thể bị xử lý tương ứng.

"Theo tôi, các hành vi kể trên có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, công ty còn có thể chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản khi vừa là một bên môi giới, vừa là một bên nhận cọc, vi phạm Luật Quảng cáo khi quảng cáo sai sự thật; vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi xâm phạm đến quyền và lợi ích người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ, các quy định pháp luật liên quan... và trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành khi có hành vi vi phạm trong giao dịch, ký kết hợp đồng", luật sư Trần Minh Hùng nhận định.

Phú Lữ

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文