Cấp phép ca khúc: Ðừng kéo lùi sự phát triển âm nhạc

17:02 08/06/2017
Riêng chuyện cấp phép ca khúc với bao nhiêu lình xình, nực cười, cũng như lối ứng xử thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn của các lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn đã khiến cho các nhà hoạt động âm nhạc phải thở than, chao ôi, họ cấp phép ca khúc hay là họ đang kéo lùi sự phát triển của âm nhạc.


Châm ngòi lửa cho những cuộc bàn tán xôn xao, bất bình trong dư luận những ngày qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã tự đánh một dấu hỏi lớn về năng lực quản lý văn hóa của chính mình, cũng như vai trò thực sự của họ trong đời sống văn hóa nghệ thuật. 

Riêng chuyện cấp phép ca khúc với bao nhiêu lình xình, nực cười, cũng như lối ứng xử thiếu chuyên nghiệp, chuyên môn của các lãnh đạo Cục này đã khiến cho các nhà hoạt động âm nhạc phải thở than, chao ôi, họ cấp phép ca khúc hay là họ đang kéo lùi sự phát triển của âm nhạc.

Nhập nhèm cơ chế xin - cho

Cho dù Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương đã lên tiếng trước công luận, xin lỗi về những sai sót trong khâu quản lý liên quan đến việc 300 ca khúc Cách mạng, trong đó có bài hát “Tiến quân ca”, làn sóng phản ứng trong dư luận vẫn không hề lắng xuống. 

Ông Nguyễn Ðăng Chương.

Ông Cục trưởng có giải thích bao nhiêu đi nữa về hai khái niệm “phổ biến” và “cấp phép” thì người ta vẫn nhìn thấy một sự nhập nhèm trong công tác quản lý của Cục. Đó chính là sự nhập nhèm của cơ chế xin - cho, vốn được xem như một “hủ tục”, từ lâu đã được các cơ quan quản lý nhà nước giảm thiểu, loại trừ, thì không hiểu sao nó vẫn tồn tại ở Cục NTBD. 

Hàng loạt những việc làm khó hiểu ở Cục trong một thời gian ngắn, liên quan đến vấn đề được lưu hành hay không lưu hành những ca khúc thậm chí đã nằm lòng khán giả suốt hàng nửa thế kỷ. Cá biệt hơn, có ca khúc đã trở thành một phần đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người nghe, chẳng hạn “Tiến quân ca”, hay “Nối vòng tay lớn”. 

Hồi tháng 3 vừa rồi, Cục bỗng dưng yêu cầu tạm dừng lưu hành ca khúc trước 1975 với những lý do không thuyết phục, có phần mập mờ. Khi dư luận lên tiếng gay gắt, cực chẳng đã, chính Cục lại phải có văn bản cho lưu hành lại những ca khúc này. 

Sau sự việc đó, chẳng có sự rút kinh nghiệm nào từ phía các nhà quản lý của Cục, bài hát “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tiếp tục bị Cục… “thổi còi”. Bài hát đã có một đời sống bền đến mức thế hệ này qua đi, thế hệ khác đã thuộc, đã hát, đã ảnh hưởng tình yêu, tư tưởng đoàn kết thương yêu từ người nhạc sĩ, nay Cục tạm dừng với lý do cần xin phép. 

Rồi sau đó là hàng loạt ca khúc đã được biểu diễn, thu âm trong rất nhiều chương trình ở Trung ương và địa phương bỗng dưng nằm trong diện chưa được lưu hành khiến cho dư luận hoang mang, còn các nhà kinh doanh dịch vụ liên quan đến âm nhạc, các nhà tổ chức biểu diễn rối mù lên như canh hẹ, không biết đâu mà lần. 

Nên mới có chuyện, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đồng ý cấp phép cho đêm diễn nhạc Trịnh có bài hát “Ca dao Mẹ”, nhưng đến đêm nhạc Trịnh ở một trường đại học thì “Ca dao Mẹ” lại bị dừng, không được phép hát, lý do là bài hát chưa nằm trong mục được lưu hành của Cục NTBD. 

Giới bầu sô ca nhạc, các nhà tổ chức xưa nay đang yên đang lành làm ăn, giờ đứng ngồi không yên khi có sự kiện, vì phải quan tâm xem các bài hát mà ca sĩ sẽ trình bày trong mỗi chương trình đã có tên trong danh mục ca khúc được lưu hành của Cục hay chưa. Mà danh mục của Cục thì cập nhật chậm như rùa bò. 

Đơn cử việc đưa danh sách 300 ca khúc nhạc Cách mạng được phép lưu hành ra là một ví dụ. Con số 300 đó, đến một em học sinh cũng hiểu rằng, nó chẳng thấm vào đâu so với đời sống nhạc Việt cả thế kỷ đã qua. Con số bài hát đã ngân lên, đã có đời sống trong công chúng chắc chắn phải lớn hơn con số 300 kia nhiều lần. 

Vậy không lẽ, trong lúc Cục chưa cập nhật hay cấp phép, cả đời sống âm nhạc sôi động phải dừng lại, loanh quanh trong từng đấy ca khúc. Thử hỏi, trên đất nước hơn 80 triệu dân, 64 tỉnh thành này, mỗi ngày có bao nhiêu sự kiện liên quan đến âm nhạc diễn ra. Làm như vậy, Cục có góp phần vào thúc đẩy đời sống văn hóa, âm nhạc phát triển hay không, hay là kéo tụt lùi, làm chậm lại sự phát triển của đời sống âm nhạc?

Và phần nổi của tảng băng chìm là gì, có lẽ nhiều người đều đoán ra ngay. Vấn đề cấp phép ca khúc sẽ được đặt ra. Ai muốn ca khúc nhanh chóng được cấp phép thì phải đến Cục. “Xin - cho” là ở đấy. “Xin” thì phải mất cái gì đó, mà “cho” thì phải được cái gì đó. Bằng không, cụm từ “ca khúc chưa có trong danh mục được phép lưu hành” cũng sẽ khiến cho bao người sáng tác cùng với gia đình của họ lo lắng. 

Cùng với đó, ca sĩ, diễn viên sẽ khó khăn trong lựa chọn ca khúc để biểu diễn, các nhà tổ chức âm nhạc sẽ khó chiều lòng công chúng, khi mà tác phẩm được họ yêu cầu có khi lại chịu cái án “chưa được cấp phép” của Cục.

Lạm quyền và vấn đề văn hóa của người lãnh đạo văn hóa

Cục NTBD có quyền cấp phép cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, nhưng không có nghĩa quyền đó là vô biên, vô lối, thích làm gì thì làm. Không vô lối, vô biên, thì làm cách nào giải thích cho việc ông Cục trưởng bỗng một ngày lại đi “cấp phép” cho ca khúc “Tiến quân ca”, bài hát đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài hát Quốc ca. 

Nghĩa là “Tiến quân ca” không chỉ là một bài hát đơn thuần, nó đã trở thành tài sản bất khả xâm phạm của quốc gia, một di sản tinh thần mà hàng triệu triệu người Việt đã hát trong hơn nửa thế kỷ qua. 

Vô lối làm sao một ngày, “di sản tinh thần thiêng liêng” của đất nước lại được Cục NTBD “cấp phép lưu hành”. Ai cho Cục quyền cấp phép đó? Và việc cấp phép đó liệu có thể xem là một sai sót trong khâu quản lý không hay còn có ý đồ nào khác? Vì sao một Cục trưởng lại có hành vi vi phạm pháp luật, vi hiến như vậy?

Đến đây, có thể đặt ra vấn đề văn hóa của người lãnh đạo văn hóa. Một người làm quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mà không có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa đất nước, không nhìn thấy quá trình phát triển của văn hóa để có những quyết sách phù hợp thì rất có thể sẽ để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Người ta tự hỏi, sao lãnh đạo Cục NTBD lại chọn một cách giải quyết vấn đề tù mù, rối rắm trong vấn đề cấp phép ca khúc như vậy. 

Tại sao thay vì đưa ra một danh mục bài hát bị cấm và cập nhật thường xuyên trên trang web của Cục những tác phẩm không được lưu hành, Cục lại chọn giải pháp đưa danh sách những bài hát được lưu hành lên hệ thống của mình. 

Hành động này được ví như, lẽ ra nhặt sạn ra khỏi thúng thóc thì Cục lại thích làm kiểu ngược đời, nhặt thúng thóc ra khỏi sạn. Mà sạn thì bao giờ chả ít hơn thóc. Ai có thể đảm bảo anh nhặt hết thúng thóc ra khỏi một nắm sạn thì mất bao lâu thời gian, và liệu có không để sót hạt thóc nào?

Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn đồng hành cùng sự phát triển của đời sống. Thực tế đó yêu cầu những người làm quản lý văn hóa phải luôn nhìn thấu đáo cuộc sống trong chiều dài lịch sử phát triển, để không chỉ bằng những kỹ năng cứng như cấm đoán, cho phép, mà còn bằng cả những kỹ năng mềm uyển chuyển để đưa ra những quy định phù hợp lòng người, phù hợp với xu thế phát triển của văn hóa. Quản lý là khâu giúp cho cái xấu bị hạn chế, cái tốt được khơi gợi, kích thích phát triển. 

Chẳng hạn như vấn đề ca khúc Cách mạng ở nước ta, do yếu tố lịch sử, thời chiến tranh, rất nhiều ca khúc được các nhạc sĩ viết chưa ráo mực đã được ca sĩ hát ngay lập tức và truyền đi trên làn sóng đài phát thanh để đến với đồng bào chiến sĩ cả nước, cổ vũ tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của đồng bào. 

Thời đó không có xin phép và cấp phép. Nhưng cùng với năm tháng, những bài hát đó đã làm nên tinh thần một thời đại, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, ý chí cho hàng triệu đồng bào, trở thành một phần đời sống tinh thần của dân tộc, thì chẳng có quyền nào của một Cục nào có thể đặt lại vấn đề cấp phép hay không cấp phép. 

Và một khi vấn đề đó được đặt ra, dư luận trước tiên đặt dấu hỏi vào văn hóa của người làm lãnh đạo, về trình độ thẩm định văn hóa của người được trao quyền cầm cân nảy mực. 

Hơn thế nữa, những bức xúc của dư luận sẽ giống như một cơn sóng lớn, nhấn chìm uy tín, danh dự của người đưa ra quyết định nực cười, đi ngược với sự phát triển văn hóa đó. Mà câu chuyện vừa qua ở Cục NTBD là một ví dụ....

Diễn biến mới đây nhất, bắt đầu từ ngày 1-6 ông Nguyễn Ðăng Chương thôi giữ chức Cục trưởng Cục NTBD, chuyển về làm việc ở Văn phòng Bộ VH-TT&DL. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên sẽ kiêm vai trò Cục trưởng Cục NTBD. Ông Vương Duy Biên là người đã từng giữ vị trí này trước khi trở thành Thứ trưởng. 

Hy vọng với kinh nghiệm quản lý của mình, ông Vương Duy Biên sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của Cục NTBD để không còn những chuyện không hay, gây hoang mang dư luận như thời gian qua nữa.

Vũ Quỳnh Trang

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文