Câu chuyện tình đầu xuân ở thiên đường "vua khỉ"
- Phát hiện đàn Voọc quý hiếm tại khu vực núi đá vôi Quảng Bình
- Bình Định: Phát hiện một cá thể voọc chà vá đặc biệt quý hiếm
- Xông đất “Vương quốc… voọc”
"Nữ hoàng" ở thiên đường “vua khỉ”
Đậm người, giọng Quảng đặc sệt, nụ cười tươi rói, đó là ấn tượng đầu tiên về cô gái Lê Thị Trang (30 tuổi), 1 trong 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới do Future for Nature (Quỹ tương lai cho môi trường tự nhiên) bầu chọn. Câu chuyện của Trang và tôi suốt con đường dốc cao quanh co, ngập sắc sim tím và bồng bềnh hoa lau trắng cũng vẫn là Voọc chà vá chân nâu, còn được mệnh danh là "Nữ hoàng linh trưởng", hay vua của loài khỉ tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Trang kể, tích rằng Sơn Trà đẹp nhất có bãi Tiên Sa. Cũng bởi vì quá mê đắm vẻ đẹp hoang hoải, thần tiên đó mà mỗi khi trời đất giao thoa, đón những tia nắng xuân ấm áp đầu tiên, những nàng tiên trên trời lại trốn Ngọc Hoàng, xuống đắm mình giữa núi rừng hùng vĩ và bờ cát trắng xóa bên triền núi Sơn Trà. Còn ngày nay, du khách thường cho rằng, nếu chưa rong ruổi trên con đường rừng đẹp như tranh của Sơn Trà, chưa một lần diện kiến "Nữ hoàng linh trưởng" thì không thể nói là đã "đặt chân đến Đà Nẵng". Bởi Đà Nẵng không chỉ là thành phố du lịch thân thiện môi trường và hiện đại với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nổi tiếng mà Đà Nẵng còn chứa trong mình một "báu vật" của thiên nhiên, là nơi bảo tồn lớn nhất của loài linh trưởng quý hiếm, linh hồn của Bán đảo Sơn Trà.
Voọc chà vá chân nâu, “nữ hoàng linh trưởng” của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, TP Đà Nẵng. |
Thật vậy, Voọc ngũ sắc ở Việt Nam chiếm tới 83% số lượng trên thế giới, tập trung chủ yếu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Loài Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà được phát hiện, nghiên cứu từ năm 1969. Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Voọc chà vá quốc tế cũng như những nghiên cứu mà các chuyên gia trong nước công bố mới đây, trong khi loài linh trưởng này có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới thì tại bán đảo Sơn Trà, chúng lại đang phát triển ổn định. Từ 200 con năm 2007, đến nay, đàn Voọc ngũ sắc ở Sơn Trà đã tăng lên khoảng 350 con với 18 gia đình.
Nhiều năm nghiên cứu Voọc ngũ sắc, nên Trang còn thích thú kể cho tôi: Voọc rất sành điệu và yêu cảnh sắc thiên nhiên. Có lẽ vì thế mà chúng chỉ kén chọn được Sơn Trà, nơi phong cảnh hữu tình được thiên nhiên ưu ái. Tập trung nhiều nhất tại sườn phía Đông Bắc núi Sơn Trà giáp biển Đông, phong cảnh hữu tình, một vùng non nước ở đây như riêng biệt có đến hàng trăm loài thực vật quý hiếm, 4 mùa xanh tốt, khí hậu hài hòa.
Hạ về, rộn rã tiếng ve, hoa sim khoe sắc tím, từng đàn khỉ nô đùa, tự do tự tại hái quả và thân thiện với du khách; Sang thu, cả khu rừng Chò chai, Dẻ cau khoác lên mình màu đỏ rực; Cuối đông vào xuân, một lần nữa rừng thay lá xanh mơn mởn, mọng ướt sương mai, và đâm chồi trổ lộc… khắp các triền núi trập trùng, biển biếc trải dài… như tựa chốn bồng lai, tiên cảnh. Không chỉ du khách, các dân phượt thủ mê đắm cảnh sắc Sơn Trà, mà còn có nhiều cặp tình nhân chọn Sơn Trà làm nơi tình tự, nơi ghi lại những khoảnh khắc ngọt ngào, thần tiên cho ngày cưới của mình.
Có truyền thuyết còn kể rằng, nếu cặp trai gái nào yêu nhau, được cùng nhau ngắm bình minh trên bãi Bắc và Nam của Sơn Trà, may mắn được gặp Nữ hoàng linh trưởng thì sẽ gặp nhiều may mắn, được tình duyên trọn vẹn. Cũng bởi vì vẻ đẹp và sự thủy chung của những gia đình Voọc đó, chúng được "người hâm mộ" ví như những "ông Tơ bà Nguyệt" đặc biệt xe duyên, minh chứng cho hạnh phúc trọn vẹn của mình…
Chuyện xe duyên đặc biệt của "ông Tơ bà Nguyệt"
Một trong những chuyện tình yêu đẹp, được "Nữ hoàng linh trưởng" se duyên mà tôi muốn chia sẻ chính là Trang, cô gái bảo tồn và chàng trai yêu thiên nhiên Nguyễn Hữu Thọ (SN 1982). Cái duyên với Voọc và chuyện tình của Thọ - Trang rất lạ kỳ. Tốt nghiệp ngành Công nghệ môi trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), nhưng Trang lại xin vào Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV).
"Mình mê động vật từ nhỏ, nhưng ngành học của mình chẳng liên quan gì đến động vật cả. Vì thế, mình xin vào làm ở ENV với mong muốn được tiếp xúc với "các bạn ấy" nhiều hơn. Mỗi lần lên rừng, mình được biết đến nhiều loài quý hiếm như loài Voọc chà vá chân nâu, tê tê, khỉ vàng… những chuyến đi đó là những trải nghiệm thú vị" - Trang tâm sự.
Riêng chuyện tình với Hữu Thọ, chàng tình nguyện viên yêu thiên nhiên của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) lại đặc biệt không kém. Quen nhau từ năm 2011, Thọ và Trang cùng là những tình nguyện viên đầy tâm huyết của ENV bấy giờ. Nhiệm vụ của Trang và Thọ tại ENV là nghiên cứu các hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời kết hợp với cơ quan chức năng tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ động vật.
Vợ chồng Trang - Thọ trong một lần dẫn đoàn khảo sát, bảo tồn linh trưởng do Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức. |
Để có số liệu điều tra chính xác về các loài động vật, hai anh chị cùng các thành viên ENV khác thường có những chuyến đi dài ngày đến những cánh rừng xa xôi, nguy hiểm ở nhiều tỉnh thành. Thậm chí, không ít lần phải đối mặt sự dò xét, trả thù của các đối tượng săn bắt, mua bán động vật trái phép. Chính những chuyến băng rừng, cứu hộ loài Voọc suốt dọc các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên từ Quảng Trị cho đến tận vùng núi Gia Lai, cùng niềm đau đáu với công tác bảo tồn và ngăn chặn bọn săn bắn ĐVHD đã khiến hai bạn trẻ có sự đồng cảm, gắn bó với nhau hơn.
Nhưng chỉ đến khi cùng chung niềm đam mê với loài linh trưởng ở Sơn Trà, thì sự gắn kết nên một câu chuyện tình yêu đẹp mới thực sự diễn ra. Đó là khi Trang được nhận vào Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) từ năm 2013, thì Thọ cũng trở về Đà Nẵng làm tình nguyện viên của Trung tâm trong các hoạt động truyền thông và giáo dục.
Tay luôn cầm chắc cặp ống nhòm trước ngực, đôi mắt luôn hướng về đàn Voọc đang đuổi bắt trên những rặng cây Chò, anh chàng tình nguyện viên Hữu Thọ cũng say sưa không kém khi kể cho tôi nghe về mối kỳ ngộ mà "ông Tơ, bà Nguyệt" Voọc đã xe duyên. "Khi đó, do tính chất công việc của những người làm trong các tổ chức xã hội có một đặc thù là lo cho xã hội nhiều hơn cho gia đình. Cũng vì niềm đam mê trong công việc "ở và sống với rừng" nhiều hơn ở nhà, nên em nghĩ có một người bạn đời đồng hành cùng mình, không những là thông cảm, mà còn tham gia cùng mình để hiểu, thậm chí cũng yêu công việc đó, thì là một điều thật may mắn...
Chia tay vợ chồng Trang - Thọ khi hoàng hôn vừa nhạt nắng phía bên kia triền bãi Bắc. Vọng trên núi đâu đó tiếng gọi bạn tình trở về tổ ấm của những đàn Voọc trẻ. Hoa lau phủ trắng rừng Sơn Trà, theo gió lưu luyến tiễn chân tôi về với thành phố biển. Thêm một mùa xuân Bính Thân lại về, phủ màu xanh yên bình khắp trên bán đảo Sơn Trà, nơi đầu mũi hòn Nghê, hòn Ngọc và hòn Súng luôn hướng đầu ra biển Đông của chủ quyền Tổ quốc. Và câu chuyện tình của hai nhà bảo tồn ĐVHD cùng "người mai mối" kỳ lạ của họ sẽ mãi là một câu chuyện "ngôn tình" đầu năm mới đẹp nhất mà tôi từng gặp.