"Chạy" dự án để… sang tay kiếm lời

17:13 19/06/2018
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, tại TP HCM hiện có khoảng 500 dự án "treo", trong đó nổi lên tình trạng chủ đầu tư "xí phần" dự án, nhưng không triển khai mà chờ chuyển nhượng, bán qua tay chủ đầu tư khác kiếm lời.


Tình trạng này kéo theo khá nhiều hệ lụy, không chỉ gây ảnh hưởng chung đến quy hoạch phát triển đô thị của Thành phố mà còn gây thiệt hại cả cho người bị giải tỏa, di dời cũng như người mua đất nền, căn hộ.

Khốn khổ vì lỡ "mua đất trên giấy"

Làm đơn tố cáo với cơ quan chức năng về dấu hiệu lừa đảo trong việc kinh doanh bất động sản của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại dự án khu dân cư lô số 4, khu 6B ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Quang Huy (57 tuổi, ngụ quận 7), một người đã góp tiền mua đất nền tại dự án trên cho biết từ năm 2007, ông ký hợp đồng mua lại một nền đất có diện tích 125m², trị giá 4,1 tỷ đồng của bà Lê Thị Diệu Minh - người trực tiếp ký hợp đồng góp vốn mua nền với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.

Khi ký hợp đồng, ông Huy được Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hỗ trợ làm thủ tục, kèm theo bản đồ lô đất rõ ràng và được ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Tổng giám đốc công ty ký xác nhận việc chuyển nhượng này vào tháng 8-2008.

Dự án khu nhà ở Thanh Niên triển khai từ năm 2001 đến nay vẫn chưa xong

Nội dung Hợp đồng cũng ghi rõ trong vòng 5 tháng kể từ ngày ký, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng để giao mặt bằng cho người mua. Song đến nay, sau nhiều lần liên hệ với công ty để giải quyết và bị né tránh, ông Huy vẫn không nhận được đất nền khiến mất nhiều thời gian và tài sản.

Đến năm 2015, ông Huy có được tài liệu từ Đại hội cổ đông của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vào ngày 27-6-2015, trong đó xác định "Khu nhà phố 6B đã có quyết định thu hồi và giao đất, đã triển khai hạ tầng kỹ thuật và dự kiến quý 4-2015 sẽ hoàn thành".

Từ đó, ông Huy tiếp tục liên hệ với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thì được công ty này cử Giám đốc pháp lý Trần Thanh Tuấn nhiều lần giải quyết nhưng đến nay vẫn không có kết quả cụ thể.

 Quá bức xúc, tháng 5-2016, ông Huy đã phải gửi văn bản yêu cầu ban lãnh đạo Công ty CP Quốc Cường Gia Lai và cá nhân bà Nguyễn Thị Như Loan - người ký trên hợp đồng góp vốn mua đất nền phải trả lời bằng văn bản khi nào giao đất nền cho ông.

Dù vậy, trong văn bản trả lời ông Huy ngày 1-6-2016, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường vẫn không đưa ra được mốc thời hạn giao đất cho khách hàng. Ngược lại, ông Cường đổ lỗi cho chính sách của Nhà nước nên không thực hiện được hợp đồng này.

Theo ông Huy, đây là dấu hiệu Công ty CP Quốc Cường Gia Lai vi phạm pháp luật ông và những khách hàng khác theo bản đồ khu đất (L3, 6B NCP) gồm 72 lô đất được công ty cung cấp kèm theo hợp đồng.

Kết quả xác minh về pháp lý của dự án do cơ quan công an thực hiện tại Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam TP Hồ Chí Minh cho thấy, dự án khu dân cư lô số 4 - khu 6B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thuộc Khu đô thị mới Nam thành phố mới chỉ chính thức được UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty CP Đầu tư kinh doanh nhà (Intresco) làm chủ đầu tư vào ngày 22-10-2010.

Bốn năm sau, vào ngày 17-3-2014, UBND TP Hồ Chí Minh có Quyết định "Phê duyệt cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội tại dự án Chung cư lô A - Khu dân cư lô số 4 - khu chức năng 6B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - Khu đô thị mới Nam thành phố do Công ty Intresco làm chủ đầu tư"…

Điều đáng nói là trước đó, ngày 29-6-2007, Intresco đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án lô số 4 - khu 6B này với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Theo hợp đồng này, Công ty Quốc Cường Gia Lai góp 95% vốn trong tổng mức đầu tư tạm tính của dự án khoảng 155 tỷ đồng (tương ứng hơn 147 tỷ đồng) để được trọn quyền kinh doanh dự án và hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn.

Sau đó, đến cuối tháng 8-2014, Intresco tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong dự án cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 12,9 tỷ đồng.

Từ việc chuyển nhượng này, tháng 6-2015 Ban Quản lý khu Nam đã có quyết định "Phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết" và sửa đổi, bổ sung các quyết định phê duyệt dự án trước đó để Công ty Quốc Cường Gia Lai chính thức làm chủ dự án.

Làm việc với cơ quan Công an, ông Trần Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Kinh doanh - dịch vụ hậu mãi của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã thừa nhận công ty chỉ mới nhận chuyển nhượng dự án này từ Intresco vào năm 2014.

Đồng thời ông Tuấn cũng khẳng định Quốc Cường Gia Lai có sai sót trong việc bán đất nền và chậm giao nền cho khách hàng. Lý do dẫn đến tình trạng này được ông Tuấn cho rằng do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai gặp khó khăn, vướng mắc do giá tiền sử dụng đất phải nộp đã tăng lên 40-50 lần so với trước và bị một số hộ dân đã nhận đền bù tái lấn chiếm nên chưa thể thực hiện dự án.

Từ kết quả xác minh và làm việc với đại diện chủ đầu tư, cơ quan, công an kết luận rằng Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã lợi dụng hợp đồng hợp tác đầu tư dự án này với Công ty Intresco, để ký với các cá nhân hợp đồng kinh tế góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự án lô số 4 - khu 6B, thực chất đây là hình thức mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần.

Thời điểm ký hợp đồng, chủ đầu tư dự án là Intresco chưa được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; chưa có quyết định giao đất cũng như chưa hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng và chưa được cấp sổ đỏ.

Do đó, việc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng dự án đất nền tại khu dân cư lô số 4 - khu 6B để huy động vốn khi chưa đảm bảo các điều kiện pháp lý, vi phạm quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006…

Nhiều hệ lụy từ việc "xí phần" dự án để chuyển nhượng kiếm lời

Có thể nói, vụ việc này thêm một ví dụ điển hình cho thấy hệ lụy từ việc TP Hồ Chí Minh giao dự án cho những doanh nghiệp không có thực lực làm chủ đầu tư.

Từ đó, tạo cơ hội để những doanh nghiệp kiểu này đem chuyển nhượng, mua bán lòng vòng dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng chung đến quy hoạch phát triển đô thị của Thành phố, lãng phí tài nguyên đất mà còn gây thiệt hại cả cho người bị giải tỏa, di dời cũng như người mua đất nền, căn hộ.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã gửi báo cáo tới UBND TP Hồ Chí Minh, nêu rõ tình trạng hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 500 dự án "treo"; trong đó nổi lên tình trạng chủ đầu tư "xí phần" dự án nhưng không triển khai mà chờ bán qua tay chủ đầu tư khác để kiếm lời.

Khu vực thực hiện dự án khu dân cư 6B

Trong đó, các dự án "treo" tập trung nhiều nhất ở hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh, với khoảng 85 dự án, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân. Ngoài Dự án khu dân cư lô số 4, khu 6B ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh kể trên, còn có thể kể thêm hàng loạt các dự án khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như Dự án khu nhà ở Thanh Niên tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, có quy mô 35ha triển khai từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa xong; Dự án khu nhà ở xã Phước Kiển (Công ty CP đầu tư Minh Thành làm chủ đầu tư); khu dân cư xã Phước Kiển (do Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư)... được công bố gần chục năm nay nhưng hiện vẫn trong cảnh hoang tàn.

Đặc biệt, vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian gần đây là việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đã chuyển nhượng phần diện tích đất hơn 30ha tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL) với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Mức giá này được cho là thấp hơn nhiều mặt bằng giá thị trường và gây thiệt hại cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng và dĩ nhiên, thời gian hoàn thành dự án cũng kéo dài trong nhiều năm…

Vụ việc này đã và đang được xử lý theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh và ý kiến chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố là hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa đôi bên và khắc phục những hậu quả của vụ chuyển nhượng này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thành phố đã thu hồi 576 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, với tổng diện tích khoảng 5.900ha.

Trong đó, đã tổ chức bán đấu giá nhiều lô đất lớn, thu về cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Sắp tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức rà soát các dự án đang triển khai, kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xử lý, chấm dứt các dự án của chủ đầu tư yếu năng lực, thi công kéo dài.

Theo các nhà quản lý và chuyên gia bất động sản thì lý do dẫn đến tình trạng các dự án "treo" kéo dài là vì ách tắc đền bù giải tỏa bởi giá bán trước đây thấp, giờ giá đất lên, người dân đòi đền bù cao nên chủ đầu tư chưa thương thảo được.

Ngoài ra, giá bồi thường còn nhiều bất cập, chưa sát với giá thị trường khiến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài.

Đặc biệt, có tình trạng chủ đầu tư chủ yếu "xí đất" rồi bỏ đó chờ lên giá, sang tay kiếm lời. Điều đáng nói là đa số các chủ đầu tư dạng này lại là các doanh nghiệp có vốn nhà nước, ít tên tuổi, không có tiềm lực tài chính để thực hiện dự án đúng thời hạn.

Thực trạng này rất cần các cơ quan, ban, ngành vào cuộc rốt ráo để giải quyết một cách căn cơ.

Ánh Xuân

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文