Chạy đua với thời gian để cứu người trong vụ vỡ đập tại Lào

19:24 30/07/2018
Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm hàng trăm người mất tích trong điều kiện khó khăn sau khi một con đập bị vỡ ở tỉnh Attapeu, phía Đông Nam Lào, làm ít nhất 50 người chết, hàng trăm người mất tích và hàng ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.


Tờ Thời báo Vientiane tiếng Anh số ra ngày 26-7 trích dẫn lời của người đứng đầu huyện Sanamxay, Bounhom Phommasane cho biết, hơn 3.000 người "yêu cầu giải cứu" và khoảng 2.851 người đã được cứu.

Cho đến tối 25-7, lực lượng cứu hộ mới phát hiện được 26 thi thể và đang tiếp tục tìm kiếm hàng trăm người mất tích khác. Khoảng 6.600 người trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đã di dời khỏi nhà của mình.

Những hình ảnh về sự cố vỡ đập ở Lào.

Trả lời tờ Thời báo Vientiane tiếng Anh qua điện thoại di động, ông Bounhom Phommasane cho biết: "Nhiều người đang mắc kẹt trên cành cây và mái nhà cần được cứu sống. Bước tiếp theo chúng tôi cần làm là tìm kiếm và nhận dạng những người đã qua đời. Chúng tôi vẫn đang khẩn trương tìm kiếm những người còn sống trong khu vực".

Trong khi đó, hãng thông tấn Lào PKL cho biết, chính quyền tỉnh Attapeu xác nhận đã có 1.300 ngôi nhà bị hư hại sau sự cố vỡ đập nghiêm trọng tại công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy và kêu gọi cứu trợ gồm nhu yếu phẩm bao gồm thực phẩm, quần áo, thuốc men, nước sạch... cho khu vực huyện Sanamxay, được công bố là vùng thiên tai khẩn cấp.  Chính quyền các cấp của Lào cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố trên.

Tuy nước đang rút giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ, nhưng hệ thống giao thông đường bộ bị phá hủy nghiêm trọng khiến các phương tiện cơ giới lớn không thể đi qua.

Lực lượng cứu hộ chủ yếu vẫn chỉ sử dụng thuyền và trực thăng để tiếp cận người dân. Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu, ông Phonesamay Mienglavan cho biết, trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Attapeu và cụ thể là đơn vị cứu nạn đã huy động nhiều ban, ngành cùng tham gia công tác cứu hộ.

Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người còn đang bị cô lập bởi nước lũ cũng được đảm bảo triển khai liên tục. Khó khăn lớn nhất là thiếu thuyền cứu hộ, khiến diện tích khu vực tìm kiếm bị thu hẹp, nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận trong đó có các điểm nhiều khả năng có người bị mắc kẹt.

Chính quyền tỉnh Attapeu dự kiến công tác cứu hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy đã hoàn thành khoảng 50% và nếu không có gì bất thường và thời tiết thuận lợi, trong 2-3 ngày tới, công tác cứu hộ này sẽ hoàn thành.

Hiện mực nước ở đầu nguồn, khu vực các bản bị ngập đã rút hơn 10m, tuy nhiên khu vực cuối nguồn nước lại dâng cao, khu vực cửa sông Xe Pian nước lại dâng cao.

Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu xảy ra đêm 23-7. Hơn 5 tỉ mét khối nước bị đổ xuống khu vực hạ lưu, gây lũ quét và ngập úng cục bộ cho 6 bản làng thuộc huyện Sanamxay, làm cô lập hoàn toàn huyện này.

Hãng thông tấn KPL (Lào) dẫn thông cáo của Văn phòng Thủ tướng Lào ngày 24-7 cho biết, chính phủ nước này đã công bố khu vực chịu sự ảnh hưởng của ngập lụt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ sự cố vỡ đập thủy điện ở tỉnh này. 

Những hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy do mực nước dâng lên quá cao, những người sống sót đã buộc phải leo lên mái nhà, chờ đợi được thuyền và trực thăng đến giải cứu.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Lào Thongloun Sishoulith đã tạm hoãn cuộc họp thường kỳ của chính phủ và trực tiếp đến khu vực Sanamxay để thị sát và chỉ đạo quá trình cứu hộ các nạn nhân.

Chính phủ Lào đã giao cho Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng và chính quyền tỉnh Attapeu khẩn trương huy động một ủy ban nhằm hỗ trợ linh hoạt về mọi mặt cho các nạn nhân trong vùng thiên tai.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, kiêm Trưởng ban thư ký Ủy ban Bảo vệ và Giám sát thiên tai quốc gia, ông Pasong Vongkhamchan cho biết, ủy ban đang tiếp tục giúp đỡ người bị ảnh hưởng từ sự kiện trên, nhất là về lương thực, chỗ ở, quần áo và thuốc men.

Ban thư ký Ủy ban Bảo vệ và Giám sát thiên tai quốc gia đang phối hợp với lực lượng bộ đội, cảnh sát, các cơ quan đoàn thể, cá nhân và nhân dân sử dụng các phương tiện như máy bay, thuyền để đưa người dân trong khu vực bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy là công trình thủy điện do Công ty Năng lượng Xe Pien-Xe Namnoy (PNPC) thi công. Dự án thủy điện này có công suất lắp đặt 410 MW nằm ở khu vực phía Nam của Lào.

Được ước tính trị giá khoảng 1 tỷ USD, đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các công ty Hàn Quốc liên doanh tại Lào và được bắt đầu xây dựng kể từ tháng 2-2013, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay.

Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nhận định sự cố vỡ đập có thể coi là một cú sốc lớn đối với kế hoạch của Lào nhằm trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Đông Nam Á.

Hiện Công ty SK Engineering & Construction, một trong 3 nhà đầu tư vào dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy đã cử một nhóm cứu hộ khủng hoảng tới Lào và đưa trực thăng từ Thái Lan tới hỗ trợ Chính phủ Lào.

Một công ty khác cũng đầu tư vào dự án này, Korea Western Power, cũng điều trực thăng, thuyền và nhân sự tới tham gia chiến dịch cứu hộ, hỗ trợ chính quyền địa phương sơ tán người dân khỏi khu vực ngập lụt.

Chi Anh (tổng hợp)

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文