Chỉ "cắt ngọn" sẽ khó xử lý triệt để vi phạm trật tự xây dựng
Đề cập tới hàng loạt công trình thách thức dư luận, cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, đây chính là sự yếu kém của các cơ quan quản lý; điều cần thiết hơn có lẽ là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện.
Theo ông Nhân, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế. Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật,... mà báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị đã nêu thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị xem thường.
"Những nguyên tắc, quy định liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng vướng mắc chỗ nào để sinh ra 8B Lê Trực, HH Linh Đàm, các tuyến đường sắt hay hàng ngàn chung cư sai phạm mà báo cáo giám sát đã nêu?", ông Nhân nói.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nếu chỉ dừng ở mức "cắt ngọn" các công trình sai phạm thì cũng chỉ là một dạng "phạt cho tồn tại", rất dễ sinh ra tiêu cực. Vì thế, ông đề nghị sửa luật làm sao để ngăn chặn sớm, triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai.
"Cử tri đề nghị, nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra những vi phạm đó. Chúng ta hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp "cắt ngọn" vì có công trình xây dựng sai trái nữa", ông Trí nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy tình trạng vi phạm trật tự xây dựng xảy ra ở hầu hết các địa phương, nhưng nhức nhối nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nơi "tấc đất tấc vàng" thì không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng sẵn sàng vi phạm để có thêm diện tích kinh doanh.
Tuy nhiên, trách người dân hay doanh nghiệp 1 thì phải trách cơ quan quản lý 10. Bởi nếu không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay của cán bộ thực thi công vụ thì sẽ không có công trình vi phạm nào có thể tồn tại.
Bởi trong khi người dân chỉ cần đổ một đống cát ra ngõ cũng lập tức có cán bộ phường tới kiểm tra thì không có lý gì cả toà nhà ngất ngưởng ngay trên những trục phố chính lại có thể ngang nhiên vi phạm mà chính quyền không biết.
Như tại Hà Nội, vi phạm trật tự xây dựng hiện tập trung ở 4 nhóm: Các công trình vi phạm lâu rồi nhưng chưa được xử lý hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; các vi phạm mới hoàn toàn không bị xử lý; vi phạm trên đất nông nghiệp; và một vấn đề hoàn toàn mới là các công trình vi phạm tại các khu đô thị.
Theo lãnh đạo HĐND thành phố Hà Nội, những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều mức độ khác nhau. Chỉ tính 3 năm qua, còn nhiều công trình phát sinh và vi phạm nghiêm trọng, đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí, đặc biệt là nhiều kiến nghị của cử tri.
Cụ thể, năm 2016 có 2.469 trường hợp vi phạm (chiếm 13,5%), năm 2017 có 1.916 trường hợp (chiếm 10,99%), năm 2018 có 1.065 trường hợp (chiếm 5,22%), 6 tháng đầu năm 2019 lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp...
Rõ ràng, mấu chốt vẫn là từ cán bộ. Vì thế, ngoài việc cắt ngọn công trình vi phạm, để giữ kỷ cương phép nước, cần phải cắt chức cả người đứng đầu chính quyền nơi có công trình vi phạm.