Chiều cuối năm trên đỉnh Chànốc
- Bám bản gần dân để dân quý, dân tin
- Bám bản, giữ bình yên nơi phên giậu Tổ quốc
- Bám bản trên những đỉnh núi mù sương
Từ trung tâm xã Chơm, được sự giúp đỡ của anh Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã, chúng tôi men theo con đường dốc đầy đá sỏi để lên đỉnh núi Chànốc cao chạm mây trời, nơi có cột cờ Tổ quốc. Chiều cuối năm sương giăng đầy đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.
Chỉ cách trung tâm xã chừng 5km, song vì đường đi lại khó khăn nên sau hơn nửa giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn Chànốc. Gửi xe lại nhà trưởng thôn Alăng Đón, chúng tôi men theo con đường nhỏ băng qua đồng cỏ tranh để tiến thẳng lên đỉnh Chànốc. Ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, từ xa, cột cờ Chànốc hiện ra trước mắt chúng tôi thật thiêng liêng. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió miền biên ải, khiến chúng tôi đều có chung một cảm xúc tự hào dâng trào...
Dưới lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ Chànốc, anh Vinh cho biết Cửa khẩu phụ Chànốc được chính thức công bố thành lập đầu năm 2013. Sự ra đời của cửa khẩu này đã có cú hích lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện biên giới Tây Giang nói chung và xã Chơm nói riêng. Theo anh Vinh, xã Chơm hiện có 350 hộ dân, với trên 1.600 nhân khẩu. Do đường sá đi lại còn khó khăn nên việc giao thương buôn bán vẫn còn nhiều cách trở.
Công an huyện Tây Giang tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên. |
“Cả xã có diện tích trên 4.500ha, song chỉ có 75ha lúa nước. Thấu hiểu được khó khăn của người dân nên vài năm trở lại đây, chúng tôi đã cho di thực cây táo mèo và phát triển trồng cây bản địa đẳng sâm trên địa bàn, đặc biệt là thôn Chànốc này. Hiện xã đã trồng được 87ha đẳng sâm, trong đó thôn Chànốc có 25ha. Chúng tôi xác định trong tương lai không xa, cây đẳng sâm sẽ là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao khi giá đẳng sâm đạt 100.000-150.000 đồng/kg”, anh Vinh phấn khởi bày tỏ.
Đúng như lời anh Vinh, để đến được trung tâm xã Chơm và cột cờ trên đỉnh núi Chànốc quả không dễ dàng chút nào. Giao thông đi lại khó khăn vẫn là trở lực lớn nhất đối với nơi này. Từ trung tâm huyện Tây Giang là Agrồng lên đến Chơm hơn 50km, song chúng tôi phải đi mất gần 4 giờ đồng hồ với con đường băng qua nhiều dãy núi, vực sâu. Riêng từ xã Axan lên xã Chơm chỉ khoảng 11km, song phải mất 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được nơi. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vượt dốc Minh Thông, dốc núi cao gần 300m. Phải mất 3 nhịp nghỉ, chúng tôi mới vượt hết con dốc này…
Và, trên đường cùng Trưởng thôn Alăng Đón xuống núi, chúng tôi cũng được ngắm thỏa thích những cây táo mèo đã ra hoa kết quả, những vườn đẳng sâm 4-5 năm tuổi, xanh mướt giữa đại ngàn. Thôn Chànốc nhà nối nhà, san sát, sạch tinh tươm. Vừa rót chén nước trong mời khách, anh Đón vừa trò chuyện cho hay, thôn của anh hiện có 101 hộ, với 407 nhân khẩu.
Cây táo mèo phát triển tốt ở xã Chơm. |
“Vài năm gần đây cuộc sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Đáng mừng nhất là phong trào học tập của con em trong thôn rất sôi nổi. Cả thôn có 120 học sinh các cấp học, trong đó có 4 em đi về các thành phố lớn để học đại học. Đây là những “hạt giống đỏ” sau này sẽ làm thay đổi bộ mặt quê hương Chànốc”, với chất giọng đầy tự hào, anh Đón chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Công, Trưởng Công an huyện Tây Giang cho hay, với đặc thù là địa phương biên giới, Công an huyện Tây Giang luôn chú trọng làm tốt công tác phát động và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nét nổi bật của lực lượng Công an huyện là từ nhiều năm nay luôn duy trì và phát huy hiệu quả công tác “3 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm). Nhờ đó, thời gian qua tình hình ANCT, TTATXH, an ninh biên giới, luôn đảm bảo.
Riêng đối với xã biên giới Chơm, hằng năm, Công an huyện đều tổ chức các buổi đối thoại, tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng thường xuyên phối hợp với Công an trong công tác tuần tra, bảo vệ biên giới…
Cột cờ trên đỉnh Chànốc, biên giới Việt - Lào. |
“Chỉ cần có người lạ xuất hiện trên địa bàn thì người dân đã phản ánh ngay đến lãnh đạo xã, Công an xã, huyện. Điều đó cho thấy ý thức cảnh giác của người dân được nâng lên rất cao. Vì vậy nhiều năm nay, ở xã biên giới này chưa từng phải giải quyết một vụ mất cắp hay đánh người gây thương tích nào”, anh Vinh cười vui vẻ.
Nhìn ra cánh rừng xanh thẫm, anh Vinh nói tiếp rằng, ngoài giao thông đi lại khó khăn, xã biên giới Chơm còn khó khăn về điện thắp sáng và điện sản xuất. Và, từ đầu năm 2015 này, điện thắp sáng cũng đã được kéo về từ một nhà máy thủy điện nhỏ có công suất 750K nằm ở xã Gari bên cạnh…
Nhớ lại trước khi chúng tôi lội bộ đường rừng lên đỉnh Chànốc, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, giải bày rằng, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có quy hoạch tổng thể khu kinh tế cửa khẩu Chànốc; đồng thời sẽ nâng từ Cửa khẩu phụ Chơm thành cửa khẩu chính. Về đường giao thông lên Cửa khẩu Chơm, tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư 310 tỷ đồng để làm đường bê tông cấp 6 miền núi, rộng 6m.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có chiều dài 11km từ xã Axan đến trung tâm xã Chơm sẽ khởi công vào năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018; giai đoạn 2 từ năm 2018-2022 sẽ làm đường từ trung tâm xã Chơm vào cửa khẩu với chiều dài 6km… Và như thế, hứa hẹn sự khởi sắc vượt bậc đối với miền đất biên cương trong một tương lai rất gần…
Trong tương lai không xa, Chànốc sẽ là trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu. |
Trời đã ngả bóng hoàng hôn. Mặt trời chiều dần khuất lấp sau những dãy núi cao. Trên đường từ Chànốc ra lại trung tâm xã Chơm, chúng tôi bắt gặp những em nhỏ đang trên đường đi học về. Do ở thôn chỉ có điểm trường dành cho các em từ lớp 1-3, nên các học sinh lớp 4, lớp 5 và học sinh cấp II phải ra trường tại trung tâm xã Chơm để học. Dù đường rừng đi lại khó khăn, song nhìn thấy mấy em học sinh vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường, chúng tôi càng thêm hy vọng về một tương lai tươi sáng sẽ đến với vùng biên ải này…