Chuyện buồn ở xã tảo hôn

12:34 26/08/2013

Thời gian cứ vụt trôi, những trai thanh gái lịch của miền đại ngàn bên con sông Sê San hùng vĩ đã trở thành ông thành bà chỉ ở độ tuổi… ngoài 30. Rồi đến con cái của họ cũng sẽ sinh con khi vẫn còn đang trong độ tuổi rất trẻ. Trải qua hàng chục thế hệ như thế, đến nay hủ tục này của các đồng bào dân tôc thiểu số ở Kon Tum vẫn còn tồn tại rất phổ biến. Đấy là nỗi buồn mà cứ mỗi lần có ai hỏi đến là những người làm công tác dân số ở huyện Sa Thầy (Kon Tum) lại nhăn mặt kể lại.

Những con số giật mình

Nằm cách trung tâm huyện lỵ Sa Thầy 17km, Rờ Kơi được xem là xã khó khăn của huyện Sa Thầy. Đến nay, Rờ Kơi vẫn còn 703/1.101 hộ nghèo, chiếm 63,85% dân số trong toàn xã. Thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh Kon Tum tại xã Rờ Kơi thì trong 333 đối tượng được khảo sát đã có tới 269 đối tượng tảo hôn, chiếm 80,78%; trong 269 đối tượng tảo hôn thì nữ chiếm 76,95%, nam chiếm 23,05%. Trong số 333 đối tượng được hỏi thì có 156 người (chiếm 46,84%) không biết Luật Hôn nhân và Gia đình, không biết qui định tuổi của nam và nữ là bao nhiêu thì được phép kết hôn. Trong số 333 người được hỏi thì có đến 93,39% lấy nhau do tự nguyện, 193 người chưa đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn.

 Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Rờ Kơi, 6 tháng đầu năm 2013, toàn xã có gần 10 trường hợp tảo hôn. Đặc biệt, tháng 6/2013 có một trường hợp kết hôn khi cô gái mới 15 tuổi... Nhưng, đó chỉ là phần nổi trong báo cáo, còn trên thực tế số lượng tảo hôn ở Rờ Kơi rất nhiều. Chị Y Kher, Chi hội trưởng Phụ nữ làng Kram cho chúng tôi biết, chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay, làng Kram có đến 23 trường hợp tảo hôn. Trong đó, có 7 trường hợp 15 tuổi là các cháu Y Kăn, Y Lão, Y Trĩa, Y Nhung, Y Trẻ, Y Nhải, Y Na. Trong đó, Y Na là trường hợp kết hôn đầu tháng 6/2013.

Trong đợt khảo sát vào tháng 7/2011, xã Rờ Kơi có 48 trường hợp tảo hôn, trong đó có 8 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Nếu cộng thêm những trường hợp kết hôn năm 2012 và 2013, con số đó lớn hơn rất nhiều. Từ những con số trên cho thấy, tình trạng tảo hôn ở Rờ Kơi rất đáng báo động. Và thực tế con số thống kê miệng của cán bộ thôn cho thấy: cả xã đã có tới 70 trường hợp tảo hôn!

Bắt chồng nhanh kẻo… ế!

Chúng tôi được anh Nguyễn Đình Thìn, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của xã đưa đến làng Kram, nơi các “gia đình trẻ con” đang sinh sống. Hai bên đường xuống làng, những ngôi nhà xiêu vẹo, mái tôn hoen gỉ, vách được che chắn bằng gỗ đã mục nát. Thiếu nữ nơi đây thường lấy chồng ở trong độ tuổi 13-16. Bởi quá tuổi này thì mỗi lần ra đường sẽ phải cúi mặt xuống đất mà đi vì xấu hổ. Nhiều thiếu nữ nơi đây nếu không nhanh tay “bắt” cho mình tấm chồng thì có nguy cơ bị “ế” rất cao. Những thiếu nữ quá 16 tuổi ở đây không được các chàng trai ngó tới nữa vì họ cho rằng đó là những cô gái già, sẽ không có chồng. Đó là thông tin đầu tiên khi chúng tôi đến với xã Rờ Kơi của huyện Sa Thầy (Kon Tum) mà chị Y Chít, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho chúng tôi biết. Rờ Kơi là một xã vùng biên cách trung tâm huyện Sa Thầy gần 20km với hơn 90% đồng bào dân tộc HLăng sinh sống, với phương thức canh tác chủ yếu bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Cuộc sống của họ hết sức đơn giản nên họ rất ít tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Buổi chiều nhập nhoạng, bà mẹ trẻ Y Linh mới đi lên rẫy về với đứa con ra tận đầu làng đón mẹ.

Trong khi với người HLăng, chuyện kết hôn của họ là chuyện do tổ tiên truyền cho con cháu. Hôn nhân là ý riêng của mỗi người thích thì lấy, chứ không theo quy định bắt buộc của luật pháp. Vậy nên các sơn nam, sơn nữ ở đây khi đến tuổi dậy thì là họ nhanh chóng xây dựng cuộc sống vợ chồng mà không chú trọng gì đến tuổi tác.

Chị Y Chít dẫn chúng tôi vào thăm những gia đình “trẻ con” ấy. Y Nhải sinh năm 1996, nhưng đã có con được gần một tuổi rồi. Trong khi đó chị của Y nhải là Y BRíu sinh năm 1989 nhưng có con trai đầu hơn 7 tuổi (tức có chồng lúc 16 tuổi). “Tính cả bố mẹ, vợ chồng, con cái của Y Nhải và Y BRíu nữa thì nhà tao có đến 12 miệng ăn, nhưng chỉ có ba sào đất rẫy trồng mỳ (sắn)... nên cứ thiếu đói quanh năm”, chồng của Y Nhải thật thà cho biết. Cạnh nhà Y Nhải không xa là nhà của Y Linh cũng “bắt” chồng sớm từ năm 15 tuổi. Y Linh sinh năm 1994, học chưa xong lớp 6 thì bỏ học lấy chồng, con gái của Y Linh nay cũng đã hơn 4 tuổi.

Ở một thôn khác, ngôi nhà nhỏ như nhà kho chứa lúa của đồng bào nơi đây là tổ ấm của Y Nhung và Y Bắc, mới lấy nhau được hơn 3 năm nhưng đã có 2 mặt con. Đứa con mới sinh nhỏ như con mèo con cứ khóc ngằn ngặt trên tay mẹ vì đói. Chồng của Y Nhung đi hái cà phê thuê cho người ta. Một mình Y Nhung ở nhà chăm hai đứa con. Đập vào mắt tôi là tấm ảnh cưới treo trên vách tường. Trong ảnh, cô dâu có khuôn mặt đầy đặn, nước da nâu sậm đặc trưng, đôi mắt sáng vương nét tinh nghịch trẻ thơ. Đó là lúc Y Nhung tuổi 16. Còn Y Nhung bây giờ, dù mới sang tuổi 19 nhưng đôi má tóp vào, thân hình khẳng khiu. “Hồi đó bọn mình lấy nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Ở riết đến giờ, dù đã 2 mặt con mà mình cũng chưa có mảnh giấy chứng minh là vợ chồng. Ở đây cũng nhiều người như mình lắm!”, Y Nhung thổ lộ. Theo Y Nhung cho biết thì trong thôn này có đến 6 cặp vợ chồng khác cũng kết hôn sớm như thế.

Ngôi nhà của Y Linh.

Y Nhung cũng thẹn thùng nói thêm: “Người mình lấy chồng sớm lắm. Để quá tuổi thì không ai lấy nữa đâu. Lúc ấy thì buồn lắm thế nên thấy người ta bắt chồng, mình cũng bắt chồng. Lấy chồng sớm cũng được mà! Mình là người lấy chồng muộn nhất trong đám bạn cùng trang lứa trong làng. Bạn bè của mình lấy chồng, mình cũng lấy chồng thôi. Những đứa bạn bằng tuổi mình trong làng lấy chồng hết rồi. Mình còn lấy muộn hơn bọn nó, nhiều đứa bằng tuổi mình mà nó lấy chồng trước mình 1, 2 năm cơ!”.

Sở dĩ các đôi trai gái ở địa phương này lập gia đình sớm là do thời xưa, các ông bà già thường đi uống rượu chung với nhau rồi hứa gả con cho nhau khi chúng đến tuổi lập gia đình. Ngoài ra, do người dân ở đây ít tiếp xúc với cộng đồng nên họ không am hiểu về luật pháp. “Con gái đang đi học nhưng cũng bỏ học để lấy chồng, ai mà biết được. Do bố mẹ không nhắc nhở với con cái, họ không tiếp xúc với cộng đồng nên cho rằng lấy chồng càng sớm càng tốt, vì có thêm người đi làm rẫy. Con cháu nó thích nhau, muốn lấy nhau thì cha mẹ cũng kệ thôi, chứ vì sao nó lấy sớm thì đâu có ai biết đâu!”, chị Y Chít nói.

Theo thông tin của chị Y Chít cho biết, thì thời gian gần đây trong xã có đến 7 cô gái lấy chồng ở tuổi vị thành niên. Cô lớn nhất cưới chồng khi tròn 16 tuổi, còn cô nhỏ nhất khi vừa bước sang tuổi 14. Tất cả đều bỏ học ở lớp 6, lớp 7, cũng có cô theo được đến lớp 9 nhưng chỉ học được vài hôm rồi cũng theo bạn đi “bắt chồng”. Ông A Him, Chủ tịch xã Rờ Kơi cho biết: “Toàn xã Rờ Kơi hiện có hơn 20 trường hợp “bắt chồng” ở độ tuổi từ 17 trở xuống. Không riêng gì ở Rờ Kơi, mà các xã lân cận khác của huyện Sa Thầy như Ya Tăng, Mo Ray (Sa Thầy, Kon Tum) hay Ya Ly, Ya Xia (Chư Păh, Gia Lai)... cũng đều xảy ra tình trạng trên”.

Vợ chồng Y Hằng bên căn nhà sống cùng nhiều người của mình

Hệ lụy khôn lường

Khi đem chuyện tảo hôn và những con số này trao đổi với Y Chít - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rờ Kơi, Y Chít cho biết: “Địa phương cũng đã thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên trách DS, KHHGĐ xuống tận thôn làng tuyên truyền cho chị em hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình; lồng ghép trong các cuộc họp để tuyên truyền cho bà con nhân dân và chị em phụ nữ về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, nhưng bọn trẻ không chịu lắng nghe và tiếp thu. Hiện tại, xã và thôn chưa có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn!”.

Khi được hỏi về trách nhiệm của già làng, trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể và phụ nữ trong các thôn làng khi để tảo hôn diễn ra như thế, Y Vuông, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn Kram cho biết: “Mình cũng thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng thôn đi tuyên truyền, vận động nhưng bọn chúng chỉ cười. Còn cha mẹ chúng không ai ngăn cản con cái cả!”. Khi được hỏi vì sao mình không nghiêm cấm và tổ chức phạt nặng những trường hợp lấy chồng sớm trong làng?

Già làng A Híp cười và cho biết: “Mình cũng đã nhắc nhở gia đình không cho chúng nó lấy nhau quá sớm nhưng chúng nó không nghe. Ngăn cấm nó sau này không lấy được chồng thì mình lại mang tiếng nên mình cũng không ngăn cản!”.

Chuyện những cô bé học sinh lớp 7, lớp 8 đang học, rồi nghỉ giữa chừng để “bắt” chồng vẫn là chuyện bình thường, hiển nhiên không có gì phải đem ra cân nhắc. Việc tảo hôn lâu đời ở Sa Thầy khiến nhiều đứa trẻ ở HLăng phải làm cha làm mẹ rất sớm. Và họ cũng nhanh chóng lên “chức” ông bà khi tuổi đời còn rất trẻ. Cha mẹ của Y Nhung là A Păh và Y Sin chỉ mới 41 tuổi, nhưng đã có đến 8 người con. Y Nhung là con thứ 4 trong gia đình và cũng có con cách đây hơn 3 năm, như thế là A Păh và Y Sin đã trở thành ông bà ở tuổi 38.

Ở đây, số người hơn 30 tuổi có cháu là rất đông, xã thôn nào cũng có. Ở xã, học sinh cấp 2 đang học thì nghỉ ngang để lấy chồng. Một phần do các em không muốn học nữa, các em ở đây không ham học và có học cũng không vô nên lấy chồng sớm để làm nương rẫy. Với tập quán thích là cưới, cưới nhau về để có người làm rẫy, học cũng chẳng để làm gì, lấy nhau và sinh con là chuyện của trời nên cuộc sống của người dân HLang cứ mãi xoay quanh vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học.

Chính vì lập gia đình sớm và không biết làm gì ngoài việc nương rẫy nên các cặp vợ chồng ở đây sinh con rất nhiều. Mỗi cặp vợ chồng bình quân sinh từ 7 – 8 con. Cứ đến tối là các đôi nam nữ mới học lớp 6, lớp 7, tuổi còn rất nhỏ nhưng đã bắt đầu hẹn hò và dắt nhau đi chơi tình tứ rồi. Bây giờ tỷ lệ tảo hôn giảm so với trước đây, nhưng chuyện những cô gái có thai trước khi cưới lại xuất hiện và ngày càng nhiều hơn.

Chưa đến tuổi kết hôn đã phải lấy chồng, chưa sẵn sàng cho việc mang thai đã trải qua cuộc đẻ, trẻ tuổi vị thành niên tảo hôn ở Sa Thầy (Kon Tum) với tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, chưa được trang bị hành trang để đối mặt với những nguy cơ, thách thức lâu dài. Bác sĩ Võ Văn Quang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy chia sẻ: “Trước mắt, làm vợ, làm mẹ ở tuổi còn quá trẻ như thế, vị thành niên còn xấu hổ, giấu việc mình mang thai, ngại tiếp cận, thăm khám. Nhiều em do chưa biết cách chăm sóc bản thân, nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề chăm sóc thai nghén cũng chưa đến nơi đến chốn dẫn đến nguy cơ cuộc đẻ nhiều tai biến, một vài trường hợp phá thai ở cơ sở y tế tư nhân bị tai biến dẫn đến vô sinh. Kỹ năng nuôi con sau đẻ của người mẹ trẻ cũng rất yếu nên đứa con dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi cọc. Với trường hợp trẻ vị thành niên sinh nở, trạm y tế cơ sở ít dám tiếp nhận, thường tư vấn đẻ ở bệnh viện tuyến huyện hoặc tuyến cao hơn để tránh tai biến sản khoa”.

Ông Vũ Mạnh Hải, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy thổ lộ: “Phải thừa nhận rằng, tập tục này khiến cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện rất chậm. Chúng tôi đang cố gắng tuyên truyền, vận động người dân sống theo nếp sống mới tuân thủ pháp luật, đủ tuổi hãy kết hôn và sinh ít con!”. Nhưng có một điều may mắn là rất hiếm có cặp vợ chồng nào ở Rờ Kơi lại bỏ nhau, khi đã trở thành vợ chồng của nhau thì sự thủy chung được họ nâng niu nhất. Họ biết quan tâm cho nhau từ những việc rất nhỏ trong cuộc sống. Người dân ở đây chưa bao giờ biết đến khái niệm ly hôn hay ngoại tình.

Những sơn nữ sớm làm mẹ ở tuổi 15.

Tất cả các trường hợp tảo hôn mà chúng tôi gặp khi được hỏi vì sao lấy chồng lấy vợ sớm, họ đều cho biết là không biết tác hại của việc kết hôn sớm, sinh con ở tuổi vị thành niên là rất nguy hiểm, và vì phong tục tập quán của người dân như thế. Tôi hỏi chị Y Chít: Lúc họ cưới nhau chính quyền địa phương có biết không? Chị nói: “Lúc cưới, họ không những không giấu mà còn mời cả cán bộ xã, thôn đến dự. Nhưng đến lúc ấy thì sự việc đã rồi, vì họ có đi đăng ký kết hôn đâu mà biết. Hầu hết các gia đình “tảo hôn” đều rất khó khăn. Nhiều gia đình còn ở chung trong ngôi nhà chật hẹp. Như gia đình Y Hằng cả thảy 12 người đều sống chung trong nhà, lại quanh năm thiếu đói. Còn gia đình Y Nhung thì không có ruộng, chỉ có một ít đất đồi trồng mỳ, ăn ngày nào lo ngày đó thôi”.

Phần lớn những gia đình trẻ con ở xã Rờ Kơi đều có cuộc sống khó khăn. Hiện tại, những cặp vợ chồng này vẫn chưa có giấy chứng nhận kết hôn; con cái sinh ra không được khai sinh, không được chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ nên ốm nheo ốm nhóc. “Đã tảo hôn thì họ đâu có đến đăng ký, kê khai nên địa phương không thể kiểm soát, thống kê đầy đủ và chính xác!”, một cán bộ thôn cho biết.

Cũng vì bỏ học để lấy chồng sớm nên phần lớn trong số này chỉ học hết lớp 7, lớp 8. Điều đáng nói là, sau khi xây dựng gia đình họ phải sống chung nên không có đất sản xuất. Hàng ngày, người chồng phải đi làm thuê kiếm sống, người vợ ở nhà trông con. Nhiều ông chồng không có việc làm suốt ngày lao vào rượu chè say xỉn. Nạn tảo hôn ở Rờ Kơi còn xuất phát từ tư tưởng muốn kết hôn sớm để gia đình có thêm người làm việc. Do vậy, tình hình kế hoạch hóa gia đình ở đây vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Bình quân mỗi hộ dân tộc thiểu số ở Rờ Kơi có sáu nhân khẩu, nghĩa là mỗi cặp vợ chồng có bốn con trở lên. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ đói nghèo của xã hiện vẫn còn rất cao, gần 70% số hộ. Bên cạnh đó, những “bà mẹ trẻ” không có kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con nên trẻ thường đau ốm, còi cọc, suy dinh dưỡng.

Một cán bộ trung tâm y tế xã đưa ra con số khiến chúng tôi giật mình: 90% trẻ em, con của các "bà mẹ trẻ” đều suy dinh dưỡng. Rất nhiều đứa trẻ không có khai sinh nên cũng gian nan con đường đến lớp. Cha mẹ không biết đường, biết luật để khai sinh cho con, chính quyền địa phương cũng ngạc nhiên không biết rằng những cô bé kia sinh con tự bao giờ, nên... thua!

Việc kết hôn quá sớm như vậy khiến cuộc sống của những cặp vợ chồng ở đây cũng chỉ dừng ở việc quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thui thủi bên núi đồi. Chính vì lấy nhau khi chưa đủ tuổi pháp luật cho phép nên các cặp vợ chồng trẻ khi lấy nhau thì sẽ không được làm giấy đăng ký kết hôn, chưa được tách khẩu. Vì vậy, họ cũng mất nhiều quyền lợi từ chính những chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Gia Ly – Thanh Thảo

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文