Chuyện chưa kể về người lính 7 lần chết hụt, chạy xe ôm gom tiền đi tìm hài cốt đồng đội
Trở lại thời bình, người thương binh già mang thương tật vĩnh viễn 81% vẫn len lỏi khắp các ngõ ngách của thành phố Vinh, chạy xe ôm kiếm tiền để xuất bản nhật ký chiến tranh, làm từ thiện và đi tìm đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường ác liệt.
Thời chiến cầm súng làm thơ văn
Sinh năm 1948 tại vùng quê nghèo xã Ân Phú, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ, cậu bé Đặng Sĩ Ngọc đã học rất giỏi, mê thơ văn, thích viết lách. Là con trai độc nhất trong gia đình, Ngọc thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự nhưng tháng 8/1966, khi cuộc kháng chiến đang bước sang giai đoạn ác liệt, chàng thanh niên 18 tuổi đã viết quyết tâm thư bằng máu, xin được ra chiến trường.
Tháng 3/1967, với hành trang là chiếc ba lô, mấy quyển sổ và cây bút, Đặng Sĩ Ngọc gác bút nghiên, hăm hở lên đường, trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 324, trực tiếp chiến đấu tại tọa độ lửa Quảng Trị, nơi bộ đội ta “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”.
Hai tháng sau khi ra chiến trường, trong trận đánh đầu tiên vào tháng 5/1967, người lính trẻ Đặng Sĩ Ngọc bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ chặn bước tiến của địch tại đồi 56, huyện Gio Linh.
Đợt đó, căn hầm của Ngọc bị trúng bom, một cành cây lớn đập vào đầu khiến người lính trẻ chảy hết máu tai, máu mũi. Đơn vị cho anh ra Bắc điều trị nhưng Ngọc nhất quyết không đi mà ở lại cùng anh em.
Hai tháng sau, tại khu vực Cồn Tiên – Dốc Miếu, Đặng Sĩ Ngọc được giao nhiệm vụ trèo lên một cây cao để trinh sát. Bị máy bay địch phát hiện và thả một quả đạn khói, bằng kinh nghiệm, Ngọc biết rằng địch sẽ thả bom liền tuột ngay xuống đất.
Cũng lúc đó, một đoàn máy bay địch bổ nhào xuống khu vực trinh sát, Ngọc trúng bom, bùn đất lấp nửa người. Đồng đội tìm thấy anh trong tình trạng toàn thân đầy máu, ngưng thở nhưng như có phép nhiệm mầu, Ngọc vẫn khỏe lại sau khi được sơ cứu tại chỗ.
Tháng 11/1967, khi đã khỏe mạnh hoàn toàn, đơn vị của Ngọc được giao nhiệm vụ áp tải đoàn xe chở đạn cối vào chiến trường. Khi đi đến đoạn Gio Linh, tổ công tác của Ngọc bị địch phục kích. Ngọc trúng đạn ở cánh tay, không có thuốc cầm máu, đồng đội phải đắp cơm vào vết thương khiến vết thương bị nhiễm trùng nặng, Ngọc buộc phải ra Bắc điều trị. Sau đó anh được kết nạp Đảng.
Điều trị xong vết thương, dù được khuyên ở lại hậu phương nhưng Ngọc tiếp tục xin trở lại chiến trường và được phân vào đơn vị pháo cao xạ thuộc Đại đội 10, tiểu đoàn 15, Trung đoàn 284 - Sư đoàn 673 vào năm 1969.
Khi làm lính cao xạ, Đặng Sĩ Ngọc thêm 4 lần nữa hút chết vì trúng bom của địch. Trong năm 1969, Ngọc trúng bom 2 lần, lần thứ nhất vào đầu tháng 1 khi đang vận chuyển pháo vào trận địa. Lần 2 vào tháng 10/1969, khi đang chiến đấu bảo vệ vùng trời của huyện Lằng Khằng nước bạn Lào, khẩu đội pháo của Ngọc bị trúng bom, nhiều người hi sinh, Ngọc bị ngất lịm, vùi trong lớp bùn nhão nhoét, đồng đội phải hô hấp nhân tạo mới sống được trở lại.
Sau đợt chết hụt vào đầu năm 1972, sức khỏe của Đặng Sĩ Ngọc đã kém hơn rất nhiều nhưng anh vẫn tình nguyện ở lại chiến đấu. Đến ngày 20/7/1972, tại khu vực Ái Tử 1, điểm cao 88, khi đang triển khai trận địa thì Ngọc trúng bom B52.
“Sau tiếng nổ long trời, hai người đồng đội ngồi cạnh tôi trong trận địa hi sinh mà không kịp nói lời nào còn tôi bị thương ở ổ bụng, ngất lịm 3 ngày vì mất máu. Sau khi được khâu lại ổ bụng, lấy mảnh bom ra ngoài, tôi được đưa ra Bắc điều trị và phải bó bột toàn thân. Điều này cũng có nghĩa là cơ hội trở lại chiến trường của tôi sẽ chấm dứt. Người lính trong chiến trận mà phải trở về hậu phương thì coi như anh ta đã chết” - ông Ngọc tâm sự trong tiếc nuối.
Sau nhiều lần thoát hiểm ngoạn mục trên đường ra Bắc điều trị, đến cuối năm 1972, thương binh Đặng Sĩ Ngọc được nhập viện ở Hà Nội để điều trị. Sau 8 lần phẫu thuật chân phải để lấy mảnh bom, đạn ra khỏi chân, Đặng Sĩ Ngọc đã xin Hội đồng giám định thương tật giảm số % thương tật xuống để được tiếp tục ra trận. Nhưng sau 7 lần trúng bom, Đặng Sĩ Ngọc được xác định thương tật vĩnh viễn 81%, không thể trở lại chiến trường và phải có người chăm sóc, phục vụ.
“Nhận được kết quả, tôi như đứt từng khúc ruột. Trúng bom trúng đạn cũng không đau đớn bằng lúc nhận quyết định vào trại an dưỡng thương binh. Hôm đó, một mình tôi đi ra sông Hồng, nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu định gieo mình xuống sông để chết vì quá buồn, quá nhớ đơn vị”, ông Ngọc kể, nước mắt rưng rưng.
Không thể trở vào chiến trường lại nhận được tin cô gái mình thầm yêu trộm nhớ năm xưa đã đi lấy chồng, người thương binh Đặng Sĩ Ngọc buồn đến nao lòng. Trở về điều trị tại Trạm điều dưỡng thương binh Quân khu 4, Đặng Sĩ Ngọc gặp lại chị Nguyễn Thị Vân - cô gái cùng trường năm xưa giờ đã trở thành một nữ điều dưỡng đẹp người đẹp nết. Vốn cảm phục chàng trai yêu văn thơ, học giỏi từ khi đang ngồi trên ghế nhà trước, nay gặp lại trên giường bệnh, chị Vân đã yêu người thương binh lúc nào không hay.
Suốt một quãng thời gian dài gắn bó, tìm hiểu, cho tới năm 1975, họ tổ chức đám cưới trong sự chúc phúc của bạn bè, người thân. Sau đó, Đặng Sĩ Ngọc cũng xin rời khỏi trạm thương binh, trở về sống với vợ con.
Chồng là thương binh nặng, lương của vợ ba cọc ba đồng ọp ẹp, không đủ để trang trải cuộc sống và nuôi 3 người con ăn học, Đặng Sĩ Ngọc đã quyết tâm đứng dậy, ra đường làm nghề xe ôm kiếm sống. Ngày nắng cũng như mưa, từ hàng chục năm qua, hình ảnh người thương binh già với đôi tai điếc đặc cần mẫn chạy xe ôm đã trở thành quen thuộc với nhiều người dân khu vực phường Hưng Dũng.
Cũng vì điếc đặc nên người xe ôm già đã 2 lần chết hụt. Lần thứ nhất vào năm 2001 bị một bạn nghề đánh đến nỗi phải vào nhập viện vì nghĩ rằng bác Ngọc phá giá xe ôm, lần thứ 2 là bị tai nạn trên đường khi đang chở khách vào năm 2005.
Thời bình chạy xe ôm gom tiền làm từ thiện, tìm hài cốt đồng đội
“Người lính ở chiến trường không tiếc máu xương thì ở thời bình cũng không được đầu hàng số phận. Đời tôi quá nhiều lần chết hụt rồi nên chắc sẽ sống dai lắm, còn sống được ngày nào tui vẫn sẽ tiếp tục chạy xe ôm”, ông Ngọc tâm sự.
Mấy năm gần đây, khi không phải lo lắng bươn chải vì cơm áo, gạo tiền nên toàn bộ số tiền kiếm được từ việc chạy xe được ông cho vào một chiếc ống tre tiết kiệm. “Lúc đầu, thấy tôi mang một cái ống tre như cái điếu cày về nhà, ai cũng tò mò tưởng tôi tập hút thuốc Lào”, ông cười lớn.
Ngày ngày, tiền công có được sau những cuốc xe ôm, ông đều cho hết vào chiếc ống tre. Thỉnh thoảng các con gửi tiền về cũng được ông cho vào chiếc ống. Khi ống đầy, ông lại bổ ra để làm lộ phí đi tìm mộ đồng đội và làm từ thiện.
Trong đợt lũ lịch sử 2010, quê hương Vũ Quang của ông ngập chìm trong nước, dù chiếc ống tre chưa đầy nhưng hai vợ chồng ông vẫn bổ ống, góp thêm tiền để mua gần 100 bộ quần áo mới cùng nhiều lúa gạo, mì tôm mang về quê cứu trợ cho người nghèo…
Cùng với một gia đình hạnh phúc, ấm êm, các con đều tốt nghiệp đại học loại xuất sắc thì điều mà bác Ngọc tự hào nhất sau những năm ở chiến trường là 19 tập nhật kí chiến tranh được người chiến sĩ gan dạ, can trường viết lại một cách tỉ mỉ, đầy cảm xúc về đất nước quê hương, về đồng đội, về mẹ già và về trận chiến.
Năm 2006, nhà văn Đặng Vương Hưng tiếp cận được với những tập nhật kí và đã biên soạn 3 cuốn nhật kí, xuất bản thành sách Nhật kí chiến tranh “Trời xanh không biên giới” nằm trong tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” khiến hàng triệu triệu con tim xúc động.
Hiện nay, cùng với những mảnh đạn pháo gắp ra từ cơ thể, tấm biển hiệu thu được từ một phi công Mỹ và những tấm huy hiệu, huy chương, bằng khen thì 16 cuốn nhật ký chiến trường viết tay vẫn được ông nâng niu trân trọng như những tài sản lớn nhất của cuộc đời.
Cũng nhờ những dòng nhật kí, những đoạn ghi chép tỉ mỉ mà một mình ông Ngọc đã tìm được 6 ngôi mộ của những đồng đội mình đã hi sinh, 5 ngôi mộ trong số đó đã được thân nhân các liệt sĩ đưa về quê an táng. Để tìm được mộ của đồng đội, sau khi lần tìm những chi tiết trong các cuốn nhật kí, ông bổ ống tre, gom những đồng tiền lẻ rồi nhảy tàu vào Quảng Trị để tìm kiếm. Bất kể nắng hay mưa, hay gió rét, chỉ cần nhận được thông tin, ông lại lên đường. Tất cả những lần cơm đùm cơm nắm đi tìm mộ của ông đều rất bí mật, kể cả với vợ con.
“Giờ thì đã quen với cảnh ông Ngọc đi tìm mộ một mình nhưng nhớ lại lần đầu tiên ông ấy đi tìm đồng đội, cả gia đình ai cũng lo lắng. Đợt đó, khi đi làm về thấy nhà trống trơn, chiếc xe máy để ngoài sân nhưng không thấy chồng ở đâu, sang ngày hôm sau cũng không thấy về khiến chúng tôi hoảng loạn. Khi cả gia đình đang tá hỏa, thắp hương cầu khấn thì nhận được điện thoại của ông ấy thông báo là đã một mình đi tìm mộ đồng đội ở Quảng Trị”, bác Nguyễn Thị Vân, vợ ông Ngọc kể lại.
Sau khi liên lạc được với các thân nhân liệt sĩ để cất bốc đưa được 5 đồng đội về quê, đầu năm 2011, ông tiếp tục lên đường tìm kiếm những đồng đội khác dựa vào những ghi chép của các cuốn nhật ký. Hiện nay, ông đã xác định được vị trí chính xác ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Minh (quê ở xã Thanh Khê, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cũng là người anh kết nghĩa của ông khi ở chiến trường nhưng chưa tìm được thân nhân.
Bước sang tuổi 63, đôi tai đã điếc đặc, thỉnh thoảng những vết thương lại tái phát nhưng ông vẫn miệt mài chạy xe ôm với tâm nguyện góp thêm được nhiều tiền để làm từ thiện, để đi tìm đồng đội và để xuất bản nốt 16 cuốn nhật kí chiến tranh còn lại của mình cho con cháu thế hệ sau biết về sự khốc liệt của chiến tranh, sự quả cảm của những người lính cụ Hồ trên mọi chiến trường.
Sau những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, người thương binh Đặng Sĩ Ngọc nhận được hàng chục giấy khen, bằng khen, hàng chục huân, huy chương và kỉ niệm chương cùng huy hiệu các loại như 2 Huân chương Kháng chiến hạng II, III, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, bằng khen của của Thủ tướng chính phủ, bằng khen của của UBND tỉnh Nghệ An… |