Chuyện nghề của lính cứu nạn
Bắt đầu tham gia công tác PCCC&CNCH từ khi 21 tuổi, Nguyễn Chí Thành tâm sự, trước khi gắn bó với công việc này, trong gia đình anh đã có hai trường hợp đuối nước, chính vì thế anh đã sớm có suy nghĩ và mong ước sẽ được làm công việc này, sẽ giành lại sự sống cho một ai đó, hoặc ít nhất cũng giúp các nạn nhân đã mất được trở về với gia đình họ.
1. Từng trực tiếp tham gia cứu nạn hàng trăm vụ, như vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) ngày 29-10-2002; vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn khiến 16 người tử vong xảy ra vào năm 2011… nhưng hai vụ CNCH nạn nhân rớt xuống hang sâu tại Cao Bằng (tháng 11-2019) và Hà Giang (tháng 3-2020) là khiến anh Thành nhớ nhất với những ấn tượng đặc biệt, bởi thực tế trước đó bản thân anh chưa bao giờ thực hiện nhiệm vụ ở địa hình hang sâu, có nhiều đá sắc nhọn, thiếu dưỡng khí…
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (bên phải) trong chuyến cứu hộ ở hang Cốc Chia, Cao Bằng. |
Tháng 11- 2019, nam thanh niên tên Hoàng Văn Thái ở thôn Cả Poóc, xã Mã Ba bỗng nhiên mất tích bí ẩn. Nghi ngờ việc mất tích của nạn nhân liên quan đến một vụ án mạng, Công an địa phương vào cuộc điều tra và phát hiện một số đồ vật nghi của nạn nhân nằm gần miệng hang Cốc Chia.
Do hang sâu, địa hình phức tạp, Công an tỉnh Cao Bằng báo cáo Bộ Công an, xin chi viện các đơn vị cứu nạn để vào hang tìm kiếm chứng cứ, nạn nhân, hỗ trợ công tác điều tra. Nhận lệnh, tổ công tác gồm 6 cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh nhanh chóng đến hiện trường, thực hiện các biện pháp CNCH.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ công tác do anh Thành chỉ huy đã gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hang sâu thẳng đứng (độ sâu khoảng 220m) không ánh sáng, miệng hang hướng phía trên chỉ có kích thước khoảng 8m2 (4x2m), xuống phía dưới khoảng 15m thì kích thước hang còn 4m2 (2x2m), càng xuống sâu hang càng hẹp và thẳng đứng; đồng thời chưa xác định được chính xác khoảng cách từ miệng hang đến vị trí thi thể nạn nhân. Khi vào hang, bộ đàm và các thiết bị thông tin đều không thể liên lạc ra ngoài.
Khó khăn lớn nhất mà lực lượng tìm kiếm phải đối mặt là địa chất quanh miệng hang có nhiều đất, đá nên có nguy cơ sụp đổ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia tìm kiếm khi ở dưới hang sâu là rất lớn; nhiệt độ trong hang xuống dưới 11°C, thiếu dưỡng khí kết hợp với điều kiện thời tiết mưa và nước chảy liên tục vào hang nên đã gây khó khăn và áp lực rất lớn cho việc triển khai các biện pháp tìm kiếm.
Những hình ảnh trong chuyến cứu hộ tại hang sâu 280m thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang. |
Với địa hình phức tạp như vậy, việc tiếp cận vào hang rất khó khăn. Tuy nhiên, khi bàn phương án triển khai, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành đã xung phong nhận nhiệm vụ dẫn đầu hai nhóm chiến sĩ vào hang. Sau gần 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành và các đồng đội đã tìm thấy thi thể nạn nhân (đã phân hủy) ở độ sâu cách miệng hang hơn 200m.
Việc tìm kiếm đã khó, quá trình đưa hài cốt nạn nhân ra ngoài còn gian nan hơn. Do hang có nhiều đoạn rất hẹp, thẳng đứng, nên để di chuyển ra khỏi hang an toàn, các chiến sĩ phải chui, bò, đu dây, đặc biệt không ít lần phải dùng tay điều chỉnh kích thước bao đựng hài cốt. Sau khi đưa được hài cốt lên mặt đất, các chiến sĩ đã bàn giao cho các cơ quan chức năng và gia đình làm các thủ tục tiếp theo.
"Nói thật, lúc tìm thấy thi thể nạn nhân trong tình trạng đã phân hủy, giữa hang tối, tôi có chút lạnh người. Tuy nhiên, nghĩ đến việc nạn nhân bị kẻ xấu tấn công, chết oan ức, tôi quyết tâm tìm mọi cách để đưa nạn nhân lên mong đòi lại công lý cho anh. Cuối cùng, bao lo lắng, nguy hiểm rồi cũng qua, nhiệm vụ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hang cũng hoàn thành", anh Thành giãi bày.
Trong khi đó, vụ việc tìm kiếm cứu nạn tại một hang sâu thuộc địa bàn xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (tháng 2-2020) còn khó khăn, gian nan hơn rất nhiều. Hang sâu 280m và hang nguyên thủy, chưa ai xuống dưới hang này và bản thân người dân ở địa phương cũng chưa biết hang sâu bao nhiêu và có dưỡng khí hay không. Tuy vậy, chính anh cũng đã trực tiếp khảo sát thực địa và xác định đây là một hang đá rất sâu, địa hình rất phức tạp, thành đá trơn trượt.
Đáng nói, khi triển khai lực lượng tiếp cận thì cũng gặp phải thời tiết mưa rất lớn kèm theo đất đá, nước chảy xiết từ đỉnh đồi xuống miệng hang, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của anh và đồng đội khi xuống hang.
Nhưng với kinh nghiệm thực tế, anh đã thận trọng di chuyển xuống đáy hang với độ sâu 280m, tìm kiếm và phát hiện được thi thể nạn nhân đang trong tình trạng phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối do nạn nhân đã rơi xuống gần 10 ngày.
Sau khi thấy rõ thực tế, anh lại phải lên để xin ý kiến Ban chỉ huy đoàn công tác và mang theo dụng cụ để xuống đưa thi thể nạn nhân lên. Khi anh xuống lần thứ hai, cùng thời điểm này thì trời đổ mưa, nước từ đỉnh đồi đổ xuống dội trực tiếp vào hang rất mạnh, kéo theo đất đá cũng rơi xuống hang, khiến anh phải ép sát vào các ngách của hang để tránh.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (ngồi giữa) giao lưu tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc" giai đoạn 2015-2020. |
Cùng lúc đó do mưa lớn, nên tín hiệu bộ đàm cũng bị mất tín hiệu, chưa kể thiết bị để anh di chuyển cũng bị sự cố không hoạt động ngay được. Những sự cố này đã khiến anh bị mắc kẹt dưới hang hơn nửa tiếng đồng hồ, đáng nói mùi hôi trong hang phát ra từ thi thể nạn nhân lúc này càng thêm nồng nặc khiến anh khó thở. Tất cả những chuyện này thực sự đã khiến anh có phần hoang mang, lo lắng nhưng rồi anh vẫn cố trấn tĩnh trước hiện trạng đầy khó khăn mà mình đang đối mặt…
Sau khi mưa tạnh, tín hiệu bộ đàm có trở lại thì anh ngay lập tức tiến hành báo cáo ban chỉ huy đoàn công tác về phương án sẽ đưa thi thể nạn nhân và anh cùng lên một lúc.
Điều đáng sợ là trong quá trình đưa thi thể nạn nhân bị trương sình vào trong bao, nước trong người nạn nhân bắn ra ngoài, bắn cả vào người anh. Và cũng do thi thể nạn nhân khá nặng trong khi anh chỉ có một mình trong hang sâu nên việc bỏ được thi thể vào bao là rất khó khăn và mệt mỏi.
"Khi tôi đưa thi thể nạn nhân lên được tới miệng hang, thì hầu như tất cả các đồng đội của tôi đều ói mửa tại chỗ vì không chịu nổi mùi hôi của thi thể nạn nhân…", anh Thành kể lại.
2. Nhưng đó chỉ là hai trong số rất nhiều nhiệm vụ gian khổ, nguy hiểm mà bản thân anh cũng như lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc các yêu cầu nghiệp vụ đề ra.
Thiếu tá Thành bảo rằng lúc chưa có vợ con, thì anh cũng giấu cha mẹ. Nhưng sau đó cha mẹ cũng biết rõ, mẹ anh lo lắng khóc nhiều vì biết công việc của con trai mình quá nguy hiểm, độc hại. Nhưng rồi qua nhiều lần anh giải thích và thời gian sau cha mẹ anh thấy và hiểu công việc của con mình có nhiều ý nghĩa nên cũng ủng hộ và giờ thì cha mẹ anh thấy rất tự hào về con trai mình.
"Sau khi tôi có gia đình riêng thì vợ tôi cũng rất am hiểu về công việc của chồng nên cũng thường động viên, chia sẻ, chủ yếu dặn dò tôi cẩn trọng và giữ gìn sức khỏe, cố gắng an toàn trong mọi tình huống", anh Thành kể.
Mới đây, tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua "Vì An ninh Tổ quốc" giai đoạn 2015-2020 của Công an TP Hồ Chí Minh, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành là một trong ba gương điển hình tiên tiến được chọn để giao lưu.
Thượng tá Dương Văn Thành, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: "Thiếu tá Nguyễn Chí Thành luôn xông xáo, tự giác trong mọi vụ việc. Có gì đó luôn cuốn hút đồng chí tham gia bằng nhiệt huyết, bằng lòng yêu nghề, yêu ngành".
19 năm qua, luôn phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nguy hiểm, và mỗi vụ việc có những sự nguy hiểm, khó khăn khác nhau, bản thân anh nói riêng và đồng đội ở Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hồ Chí Minh nói chung, luôn thể hiện bản lĩnh nghiệp vụ trong công tác, với ý chí, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.