Chuyện tình đặc biệt của cụ ông thuộc làu “Truyện Kiều”

10:50 09/08/2018
Ngày xưa, hình ảnh những người lớn tuổi ngâm nga những câu thơ trong “Truyện Kiều” để ru con cháu không lạ nơi thôn dã, nhưng để thuộc làu hết 3.254 câu thơ ấy thì rất hiếm người. Vậy mà nay, cụ Phạm Trung Tiên (93 tuổi, ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn rành rọt nhớ từng câu thơ trong tác phẩm nổi tiếng ấy của đại thi hào Nguyễn Du.


Điều đặc biệt là cụ lấy được vợ cũng nhờ thuộc “Truyện Kiều”, và nghiệt ngã khi bị địch tra tấn dã man cũng vì ngâm Kiều…

1. Gặp khách lạ hay khách quen, nói chuyện một hồi, cụ Tiên lại xen vào những câu thơ phú khiến câu chuyện trở nên thanh nhã. Không chỉ Kinh Thi, thơ Nôm, thơ cổ, cụ còn đưa cả hò vè, đối đáp, hát duyên, hát ghẹo, hát kết vào câu chuyện. 

Cụ Tiên bảo, mình xuất thân trong một gia đình trí thức thời xưa. Cha là cụ Phạm Hiệp nổi tiếng khắp vùng do thông thạo văn chương và viết chữ Hán rất đẹp. Nhờ lĩnh hội vốn kiến thức của cha nên ngay từ nhỏ, cậu bé Tiên tỏ ra thông minh, hiếu học và được cha truyền dạy văn chương chữ nghĩa. 

Cậu được cha cho đi học chữ Quốc ngữ ở một trường địa phương. Sau khi thi đậu Yếu lược, cụ Hiệp lại cho con theo học thầy Mười Phán để tiếp tục học chữ Hán.

Tuy tinh thông chữ Quốc ngữ và chữ Hán nhưng mỗi khi về nhà, cậu học trò này lại quăng mình vào tìm hiểu chữ Nôm. Do vậy đến năm 14 tuổi, Tiên đã đọc vanh vách những cuốn truyện thơ Nôm mà cha có được như “Truyện Kiều”, “Lâm Xanh Xuân Nương”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”… 

Đến năm 15 tuổi, Tiên đã thuộc làu tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. “Năm 14 tuổi, tôi say mê “Truyện Kiều” lắm, đi đâu cũng giấu cuốn “Truyện Kiều” ở trong mình, hễ có thời gian rảnh là đem ra đọc. 

Một năm sau, tôi khoe với cha là đã thuộc làu “Truyện Kiều” nhưng ông không tin, thế rồi cả đêm tôi ngồi đọc cho cha nghe, khi đó ông mới tin. Tôi mê Truyện Kiều vì mộ cái tài của đại thi hào Nguyễn Du, vì mê lời hay, ý thơ đẹp. Giọng văn dễ nhớ, dễ đọc, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người quá”, cụ Tiên chia sẻ.

Cụ Tiên dành thời gian chép lại “Truyện Kiều”.

Trong thời gian theo học ở nhà thầy Mười Phán, cậu học trò Tiên tỏ ra thông minh và hiểu biết hơn người. Trong lớp học, Tiên học chữ Hán, bình Kinh Thi, nhưng mỗi khi có dịp lại mang Truyện Kiều ra ngâm cho bạn bè đồng môn nghe. 

Lúc đó, có cô cháu gái của thầy Mười Phán là Đặng Thị Khuôn, nhỏ hơn Tiên 2 tuổi, xinh đẹp có tiếng trong vùng, ngày ngày đứng phía sau cửa lớp nghe chú giảng bài và những lần nghe Tiên ngâm “Truyện Kiều”. Từ chỗ mê thơ, cô gái tuổi cập kê đã “tình trong như đã mặt ngoài còn e” với người ngâm thơ.

Năm 18 tuổi, trong một lần bạn bè rủ nhau ra đầm Trà Ổ ngắm trăng, đối đáp văn thơ, khi tới lượt đáp thì chàng trai Tiên đáp bằng những câu Kiều. Khi đối đáp xong, bạn bè chọc ghẹo chàng với cô Khuôn xinh đẹp. Lúc đó, cả hai nhìn nhau đầy ái ngại. Từ lần đó, đôi “trai tài gái sắc” này bắt đầu những đêm hẹn hò.

Biết được tình ý của cháu gái, phần cũng vì mến mộ tài đức của cậu học trò cưng, nên khi Tiên sắp hoàn thành chương trình học thì thầy Mười Phán ướm lời gả cháu gái. 

Được chính thầy mình làm mai mối nên Tiên mừng lắm và báo cho cha mẹ để mang lễ sang dạm hỏi, rước cháu gái của thầy về. Từ đó, Tiên có một mái ấm gia đình hạnh phúc bên người vợ vừa xinh đẹp, vừa hiền lành lại vừa đảm đang.

Cho đến hôm nay, khi nhắc đến cái “duyên kỳ ngộ” này, cụ Khuôn vẫn không giấu được niềm xúc động: “Hồi đó, ổng cũng bình thường chứ không đẹp trai như những bạn bè trong lớp, nhưng mỗi lần nghe ổng ngâm Kiều là tôi chết mê chết mệt. Rồi từ đó, tôi đem lòng thương nhớ ổng và ổng cũng biết được nên dần dần cả hai đến với nhau. 

Đám bạn bè của ổng ai cũng bảo số ổng có phước cưới được cháu của thầy Mười Phán nhưng thực ra tôi cũng thương ổng lắm. Ổng là người ở đầm nên ăn to nói lớn nhưng khi ngâm Kiều là giọng ngọt ngào đến lạ thường, cô gái nào khi nghe ngâm cũng phải mê chứ không phải mình tôi”.

“Truyện Kiều” do cụ Tiên chép.

2. Nên duyên vợ chồng được mấy năm, chàng Tiên phải lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tiên chia tay gia đình và vợ để tham gia đoàn giải phóng quân. Địa bàn hoạt động ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai. Buổi chia tay đầy bịn rịn nhưng vợ không quên dặn dò, khuyên nhủ, đừng vì cực khổ mà theo địch. 

Xúc động, anh giải phóng quân Phạm Trung Tiên liền làm một bài thơ tặng để vợ yên lòng: “Anh về trại giải phóng quân/ Em về em nhập vào quân vệ đoàn/ Nước nhà mình phải lo toan/ Làm cho cơ sở hoàn toàn tự do/ Ra đi em cố dặn dò/ Đừng làm nô lệ giúp cho giặc ngoài/ Em về em hẹn hôm mai/ Cùng chàng cứu nước chớ sai tấc lòng”.

Năm 1954, khi đang hoạt động ở vùng rừng núi tỉnh Gia Lai thì Tiên bị địch bắt và giam giữ. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng anh em đồng chí lúc bấy giờ ai cũng không hề nào núng, cam chịu mọi đòn roi của kẻ thù. 

Trong một đêm trăng, quân địch cho tù nhân ra hát hò văn nghệ, các anh em đồng chí thay nhau hát hò, riêng chàng Tiên lại ngồi một mình ngâm Kiều. Nghe Tiên ngâm Kiều, quân địch liền để ý và theo dõi. Sau lần đó, địch thường xuyên chú ý đến Tiên. Và, sau nhiều lần ngâm Kiều trong nhà tù cho đồng chí đồng đội nghe, Tiên đã bị địch bắt giam riêng...

Sau khi phát hiện ra cán bộ quân giải phóng, địch liền bắt Tiên ra chụp hình rồi gửi cho cấp trên báo rằng đã bắt được “Thường vụ Huyện ủy” rồi chờ đợi để lĩnh thưởng. 

Tuy nhiên, khi tra cứu hồ sơ, cán bộ cấp trên của địch phát hiện Tiên không phải là cán bộ nên đem nhốt ở phòng nhì, đánh đập dã man rồi thả Tiên ra. Ra khỏi nhà giam của địch, Tiên trở về địa phương và hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc đói, giặc dốt” của Bác Hồ nên tham gia dạy bình dân học vụ ở quê nhà. 

Học trò theo học ngày càng nhiều, trẻ con có, người trung niên có, người già có. Ông Nguyễn Văn Mận (72 tuổi, một học trò của cụ Tiên ngày ấy) cho biết: “Thầy Tiên không những dạy chữ mà còn dạy cách làm người, dạy đạo lý nhân gian, dạy con đường làm cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Học trò ngày ấy ai cũng yêu mến thầy. Chúng tôi học mà không hiểu điều gì là thầy giải đáp ngay. Thầy bảo, không biết thì hỏi chứ đừng giấu cái dốt, giấu dốt là không yêu nước. Từ đó, chúng tôi càng cố gắng phấn đấu học tập rồi đi theo đường lối của Đảng”.

Cụ Tiên bảo, đây là khoảng thời gian vui nhất của đời cụ, bởi cụ đã thỏa được ước nguyện của mình là dạy học. Được đem những kiến thức, chữ nghĩa, văn chương để truyền đạt lại cho bà con quê hương là niềm vui vô bờ đối với cụ. Rồi những lúc rảnh rỗi, những đêm trăng thanh gió mát, cụ lại lẩy Kiều, bình Kinh Thi cho vợ con và bà con trong thôn xóm cùng nghe. Ai ai cũng hào hứng, thích thú.

Cụ Tiên chia “Truyện Kiều” ra thành 15 mục.

3. Bây giờ, ở cái tuổi “gần đất xa trời”, “Truyện Kiều” cứ trôi chảy trong huyết quản cụ Tiên. Theo thời gian, “Truyện Kiều” cứ mãi ngân vang mọi lúc mọi nơi cụ đến, cụ đi qua. 

Có lần lên trạm xá xã khám bệnh, bà con biết tài cụ, nói thích nghe cụ ngâm “Truyện Kiều” để chờ đến lượt khám, thế là cụ mê mẩn đến độ quên lượt khám của mình. Cụ còn ngâm ở ngoài đồng, bên bờ ruộng, giúp vui đám thanh niên cày ruộng dưới nắng trưa lưng ướt đẫm mồ hôi.

“Truyện Kiều” như ăn sâu vào trí nhớ, thấm vào từng làn da, thớ thịt của cụ Tiên. Không chỉ ngâm nga, cụ còn phân tích ý thơ, bày tỏ tâm sự cõi lòng mình qua từng câu chữ, từng tính cách nhân vật khiến những người chưa biết nhiều về Truyện Kiều cũng phải lắng lòng nghe, đồng cảm cùng nàng Kiều tài hoa bạc mệnh...

Tuổi già, vợ chồng cụ Tiên vui với “Truyện Kiều”.

Kể một chuyện vui trong lần cán bộ tỉnh Bình Định về dự Lễ hội Đèo Nhông - Dương Liễu (huyện Phù Mỹ) mùng 5 Tết Nguyên đán cách đây hơn 10 năm. Cụ Tiên bảo, khi ấy có một cán bộ tỉnh ra vế đối: “Núi Ông Nhạc, Truông Bà Đờn, Tây Sơn bừng nổi dậy” thì các bậc bô lão đến dự lễ không ai đối được. 

Chờ một lát không có ai đối nên cụ mới đối lại: “Sông Cha Khúc, Quang Con Rắn, Trưng Vương chìm đắm đuối”. Nghe cụ đối, cán bộ tỉnh trầm trồ khen hay. Sau lần đó, lâu lâu có mấy cán bộ ở huyện, ở tỉnh về thăm và nhờ cụ ngâm Kiều cho nghe.

Không chỉ thuộc Kiều, ngâm Kiều, bây giờ tuy đôi tay đã run run nhưng khi có thời gian cụ Tiên lại đem sổ ra chép lại “Truyện Kiều” và đặt thành 15 mục lần lượt là: Kiều đẹp, Kiều chơi xuân, Kiều gá duyên, Kiều mắc oan, Kiều bán mình, Kiều về Mã Giám Sinh, Kiều dựa Thúc Sinh, Kiều bị đánh, Kiều bị đuổi, Kiều ưng Bạc Hạnh, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo oán, Kiều bàn Từ Hải đầu thú, Kiều nhảy sông, Kiều về nhà. 

Đến nay, cụ đã chép hơn 50 bản “Truyện Kiều” để tặng cho những người yêu thơ. Bên cạnh đó, cụ Tiên còn làm thơ. Đó là những bài thơ lục bát gần gũi với đời sống hàng ngày. Trong những dịp giỗ, Tết, khi con cháu về đông đủ là hàng đêm lại “bắt” cụ ngâm Kiều, đọc thơ cho nghe. Đó là thú vui tuổi già của cụ.

Lúc chúng tôi ra về, cụ Tiên khoe, vợ chồng cụ có tất thảy 4 người con trai và 4 người con gái. “Gia tài” tuổi già của vợ chồng cụ là 27 người cháu gọi bằng nội, ngoại và 48 đứa cháu cố. Con cháu đều đi làm ăn xa, mỗi dịp Tết, giỗ mới về thăm hai cụ. Người dân địa phương rất trân quý vợ chồng cụ vì nếp ăn ở mẫu mực, vì sự hiểu biết sâu rộng với văn hóa dân gian Việt, với tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Phan Nhuận Phin

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文