Chuyện về đại tá Công an Lào làm con gia đình nông dân Việt

15:24 02/02/2019
Đã 14 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình bà Giáp Thị Trong, ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, lại đón gia đình người con cả về ăn tết. Tết là dịp sum vầy, con cái về với cha mẹ là chuyện bình thường, nhưng người con cả của gia đình bà Trong lại đặc biệt bởi đó là Đại tá Thoongkhên Bunmặn, Giám đốc Công an tỉnh Viêng Chăn, Lào.


Thoongkhên Bunmặn đã trở thành con cả của gia đình bà cách đây 40 năm, khi anh còn là một lưu học sinh ở Trường 12-75 (trường đào tạo cán bộ cho Công an Lào)… 

1. Năm nay đã 78 tuổi nhưng bà Giáp Thị Trong vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn. Trong ngôi nhà khang trang ở xã Cao Xá một ngày cuối năm, nghe chúng tôi hỏi chuyện người con nuôi, bà Trong cười bảo: “14 năm rồi cứ 28 Tết là bố nó lại đưa vợ con về đây ăn tết với tôi. Mẹ nó về chỉ thích ăn bánh chưng nên năm nào các em cũng gói rất nhiều để sau Tết còn cho bố mẹ nó mang đi Lào. Nhà tôi Tết vui lắm, con cháu ở xa cũng về hết nên chỉ người nhà thôi mà bữa nào cũng cũng phải nấu chục mâm cỗ”.

Nghe bà gọi vợ chồng người con nuôi là “bố nó”, “mẹ nó” rất tự nhiên, thân thương, chúng tôi nhớ hôm gặp Thoongkhên Bunmặn ở Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), khi nhắc tới gia đình bố mẹ nuôi, anh cũng kể với giọng hồ hởi và thân thương như thế.

Anh Thoongkhên Bunmặn (thứ 2 bên phải) và gia đình bà Giáp Thị Trong.

Cái duyên để Thoongkhên Bunmặn có thêm một gia đình ở Việt Nam cũng rất tình cờ. Đó là năm 1977, anh sang Việt Nam học tiếng Việt và học nghiệp vụ Công an ở Trường 12-75. Cũng phải mở ngoặc một chút về ngôi trường đặc biệt này. Trường 12-75 Việt Nam (1976-1991) được thành lập theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn với nhiệm vụ đào tạo học viên Công an Lào đặt tại xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc (cũ). Năm ấy, Thoongkhên Bunmặn vừa tròn 20 tuổi, là 1 trong số 148 học viên được Bộ An ninh Lào đưa sang đào tạo lớp dài hạn đầu tiên với thời gian 7 năm. 

Ngày ấy trường ở cách nhà bà Trong chừng 3km. Xa nhà nên ngoài giờ học, chàng học viên Lào thường vào các xóm gần trường chơi với thanh niên địa phương. Và trong số ấy Thoongkhên Bunmặn rất quý Nguyễn Mạnh Thường, kém anh một tuổi. Sau vài lần đến nhà Thường chơi, Thoongkhên Bunmặn được cả gia đình quý vì chàng thanh niên người Lào này rất chịu khó, thấy nhà có việc là xắn tay cùng làm ngay mà chẳng nề hà gì nên ông bà coi như con cái trong nhà.

Nhắc lại chuyện xưa, bà Trong cười bỏm bẻm kể: “Ngày ấy ông nhà tôi làm kế toán hợp tác xã, mấy mẹ con tôi làm ruộng, nhà 6 đứa con nên vất vả lắm. Ông nhà tôi là bộ đội phục viên nên rất quý các cháu học sinh Công an. Vì thế khi thằng Thường đưa Thoongkhên Bunmặn về chơi, ông ấy quý lắm, sau thấy hợp tính nết nên ông ấy nhận luôn làm con nuôi. Bố nó hơn thằng Thường một tuổi nên ông ấy bảo nó làm anh cả trong gia đình. Suốt mấy năm học, được nghỉ hè 1 tháng thì nó về ở luôn với gia đình tôi. Bố nó chịu khó lắm, mà rất thạo cày bừa, cấy gặt. Cuối năm rét mướt thế nhưng cuối tuần được nghỉ học về vẫn đi cấy cho bố mẹ, mà cấy nhanh lắm, có hôm còn rủ cả nhóm bạn về làm giúp bố mẹ”.

Nhắc tới người anh nuôi, anh Nguyễn Mạnh Thường kể: “Tôi phục nhất ông ấy tài bắt ếch. Mùa hè, nhiều hôm hai anh em tôi đi soi ếch cả đêm. Nhiều lần ông ấy đi từ trường về đến nhà có 3 cây số thôi mà bắt được cả xâu ếch. Lúc tôi lấy vợ ra ở riêng, để xây nhà thì phải tự đóng gạch, ông ấy cứ rảnh lại về đóng gạch với tôi, có hôm còn rủ thêm mấy chục người trong lớp về giúp tôi đóng gạch đủ để tôi xây nhà”.

Suốt 7 năm học ở Việt Nam, Thoongkhên Bunmặn không về Lào lần nào, nhưng nỗi nhớ nhà cũng được vợi bớt bởi ở làng quê này, anh đã có một gia đình mới, với bố mẹ và các em rất mực yêu thương. Thoongkhên Bunmặn kể rằng, cho tới bây giờ, anh vẫn nhớ những cái Tết thời khốn khó ấy, dù thiếu thốn vật chất nhưng luôn ấm áp.

Năm 1984, Thoongkhên Bunmặn tốt nghiệp trở về nước công tác. Bữa chia tay, cả nhà ai cũng bùi ngùi vì ngày ấy đi lại trong nước còn khó khăn chứ nói gì ra nước ngoài nên ai cũng hiểu để có ngày gặp lại sẽ rất khó. Sau khi về Lào, Thoongkhên Bunmặn công tác ở nhiều đơn vị, nhiều địa phương; rồi sau đó anh được cử sang Liên Xô học tiếp. Vì thế, dù vẫn luôn nhớ về gia đình bố mẹ nuôi ở Việt Nam nhưng anh không có cơ hội quay lại thăm gia đình.

Mãi tới năm 2003, Thoongkhên Bunmặn mới trở lại Việt Nam để học Tiến sĩ tại Học viện An ninh nhân dân. Và việc đầu tiên là anh về Bắc Giang nhờ anh em ở Công an tỉnh tìm giúp gia đình bố mẹ nuôi.

Nhắc lại lần gặp gỡ sau gần 20 năm xa cách, anh Thường kể: “Hôm ấy mùa hè, tôi đang đi chăn bò thì thấy có người gọi về nhà có khách. Về nhà, thấy một đoàn đi xe biển xanh đang chờ trước cổng. Dù gần 20 năm mới gặp lại nhưng tôi vẫn nhận ra anh ấy ngay. Bố mẹ tôi thì mừng lắm, vì mấy chục năm rồi mới gặp lại con nuôi. Gia đình rất vui vì thấy anh ấy thành đạt”.

Tết năm 2006, lần đầu tiên Thoongkhên Bunmặn đưa vợ con từ Lào về Việt Nam ăn Tết với bố mẹ nuôi. Nhưng cũng chỉ được vài cái tết sum vầy, đông đủ ở nhà ông Nguyễn Trí Thức, bởi năm 2010 thì ông qua đời. Ngày bố nuôi mất, Thoongkhên Bunmặn về chịu tang. Suốt từ ngày đến giờ, Tết năm nào vậy, đúng ngày 28 tháng Chạp là anh lại đưa vợ con về ăn tết với “bà nội” và các em. Bởi giờ đây anh có một “nhiệm vụ” rất thiêng liêng chỉ giành cho người con trưởng trong những gia đình Việt: thắp hương cúng tổ tiên đêm Giao thừa. Không những thế, con trai của anh Thoongkhên Bunmặn sau này cũng được bố cho sang học đại học tại TP Hồ Chí Minh; giờ đây, anh lại gửi một cháu là con em gái sang học ở Thái Nguyên. Vì thế mỗi dịp lễ Tết, các cô chú lại lên đón cháu về thăm “bà nội”. 

2. Nghe chúng tôi hỏi đã sang thăm nhà con cả mấy lần rồi, bà Trong cười bảo: “Tôi cũng sang được hai lần rồi. Lần gần đây nhất là bố nó vào nhà mới, nhà to lắm. Hôm ấy họ hàng bên Lào đến ai cũng bất ngờ khi gặp gia đình ở Việt Nam sang. Hôm tôi về, mẹ nó cứ ôm lấy bà khóc làm tôi cũng khóc theo”.  

 Anh Nguyễn Tiến Linh, con út của bà Trong, hiện là Giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội, kể anh đã vài lần sang Lào thăm gia đình “bác cả”. Vài năm nay, cứ đúng 28 tháng Chạp, anh gác lại mọi công việc để lên sân bay đón anh chị với các cháu về ăn tết.

Nhắc lại những cái tết Việt ở gia đình bố mẹ nuôi, Thoongkhên Bunmặn nói như “khoe” rằng từ nhiều năm nay, bữa cơm tất niên bao giờ cũng rất đông bởi ngoài các em, con cháu trong nhà, “bà nội” còn mời cả họ hàng sang nên vui lắm. Trước hôm gia đình anh về Lào, bà lại làm cơm mời hết họ hàng đến chia tay. Chính cái tình cảm quyến luyến ấy khiến anh cứ mỗi dịp Tết Việt Nam, dù công việc của Giám đốc Công an tỉnh rất bận rộn, nhưng vẫn thu xếp để có những ngày nghỉ sum họp bên gia đình. 

Có lẽ vì có duyên nợ với Việt Nam mà năm 1989, trong một lần đi công tác ở tỉnh Sầm Nưa, Thoongkhên Bunmặn gặp một người Việt Nam. Nghe anh nói tiếng Việt, ông mời về nhà chơi và kể rằng ông quê ở Thanh Hóa, vốn là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang Lào từ những năm đánh Mỹ. Hết chiến tranh, gia đình ở quê không còn ai nên ông ở lại Lào, lấy vợ người Lào. Sau lần gặp ấy, Thoongkhên Bunmặn thường đến nhà ông chơi và rồi người đàn ông ấy sau này đã trở thành… bố vợ anh. 

Từ nhiều năm nay, mỗi khi chuẩn bị về Việt Nam đón Tết, chị Khăm Sỉ, vợ anh, lại dành thời gian để lựa chọn thực phẩm và tự tay làm các món truyền thống của Lào như lạp sườn, thịt hun khói để mang về Việt Nam. Mỗi lần về là chị dâu cả với các em cô lại tíu tít bếp núc nấu đủ các món ăn Lào - Việt. Các con anh giờ đây dù cũng đã đi làm, nhưng cũng vì yêu quý gia đình ở Việt Nam nên dành thời gian nghỉ để lại cùng bố mẹ “về quê” Việt đón Tết.

Nhưng tình thân với Việt Nam của Thoongkhên Bunmặn không chỉ có thế, từ nhiều năm nay, Công an tỉnh Viêng Chăn, nơi anh làm Giám đốc, đã kết nghĩa với Công an tỉnh Hải Dương. Đại tá Thoongkhên Bunmặn và Ban Giám đốc Công an tỉnh Viêng Chăn đã chỉ đạo các đơn vị của Công an tỉnh phối hợp có hiệu quả với Công an tỉnh Hải Dương và các đơn vị khác của Bộ Công an Việt Nam trong hợp tác phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực hợp tác mà Bộ Công an hai nước đã thống nhất.

Trước lúc chia tay, bà Trong nói với chúng tôi: “Tết này bố mẹ nó với bọn trẻ con lại về ăn tết với bác, các cháu về đây chơi nhé”. Trong ngôi nhà ở làng quê Việt này, tình hữu nghị Việt- Lào luôn nồng ấm bằng tình cảm gia đình thiêng liêng như thế.

Nguyễn Thiêm - Quỳnh Anh

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文