Cô giáo tật nguyền 40 năm ở vậy thờ "chồng trong mơ"
1. Đến dốc Truông Thọ (xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) hỏi thăm nhà cô giáo Phạm Hoàng Ngân, ai chỉ đường cũng chêm thêm một câu: "Bà ấy khổ lắm, cứ lủi thủi sống một mình mấy chục năm nay rồi". Người phụ nữ này không chỉ được kính phục vì nghị lực phi thường mà còn được người ta nhắc đến bởi câu chuyện tình đẹp như cổ tích.
Căn nhà nhỏ chưa đầy 10 mét vuông nằm đơn độc trong một góc vườn. Bao năm qua ngôi nhà ấy không có chút gì thay đổi, có chăng chỉ là rêu phong bao phủ dày hơn. Nó chẳng khác gì với chủ nhân, già nua và đuối sức. Ngồi một mình bên mâm cơm chiều chỉ với vài hạt lạc rang và đĩa rau muống luộc. Với bà thế cũng coi như xong bữa. Bốn mươi năm qua cuộc sống của bà luôn chỉ có một mình. Thế nên bà đã quá quen với sự cô độc.
Ngước mắt nhìn lên ban thờ, nơi có di ảnh của người lính trẻ, bà Ngân nói như giải thích: "Ông nhà tôi đấy, dù chẳng ở với nhau ngày nào. Cũng chẳng một lần được cưới hỏi nhưng tôi luôn coi ông ấy là chồng mình. Đã là chồng thì mình phải thờ phụng tử tế chứ".
Ngày trước, gia đình bà Ngân được liệt vào hàng khó khăn ở dải đất miền Trung nắng gió. Nhà đông con, bà là người con thứ 3. Ngay từ khi mới sinh ra, chân trái của bà đã bị dị tật co quắp. Tuổi thơ của bà gắn liền với chiếc giường kê gần cửa sổ.
Đến tuổi đi học, ngày ngày nhìn bạn bè cắp sách tới trường cô bé Ngân chỉ ao ước mình cũng có được cái may mắn đó. Nhưng vì đông con, nhà nghèo nên bố mẹ bà cũng không có thời gian để ý tới tâm tư, nguyện vọng của con. Chỉ đến khi bà khóc năn nỉ bố mẹ cho mình được đến trường học chữ như các bạn thì bố mẹ bà mới ngộ ra con đã khao khát thế nào.
Ngôi nhà chưa đầy 10 m² của bà Ngân. |
Những tháng ngày cắp sách tới trường, cô học trò Phạm Hoàng Ngân lúc nào cũng ao ước sau này mình sẽ trở thành cô giáo. Ước mơ ấy tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ thực hiện, bởi bản thân đi lại còn khó khăn nói gì đến việc dạy học. Nhưng may mắn đã mỉm cười khi bà được người thân ở xa hỗ trợ kinh phí để điều trị, chân trái cũng dần ổn định và có thể đi lại dù vẫn rất khó khăn. Lúc này khát khao trở thành cô giáo trong bà lại càng lớn hơn, với quyết tâm không biết mệt mỏi, bà Ngân đã tốt nghiệp tú tài và thi đậu vào trường Trung cấp sư phạm Nam Đàn (Nghệ An).
Dù bị khuyết tật nhưng khi ra trường bà Ngân vẫn sở hữu tấm bằng loại khá mà nhiều bạn bè phải mơ ước. Yêu nghề, yêu học trò nghèo, bà Ngân tự nguyện lên vùng cao cắm bản, mang con chữ đến cho trẻ em nghèo. Nơi đây bà luôn là giáo viên giỏi và đầy nhiệt huyết được học trò và các đồng nghiệp yêu mến.
Cũng chính tại nơi đây, cô giáo trẻ Phạm Hoàng Ngân đã tìm được người đàn ông thật lòng yêu thương và cảm phục mình. Đó chính là anh bộ đội quê gốc Ninh Bình tên Nguyễn Thanh Tùng. Cuộc đời cô giáo trẻ như sang một trang mới, đẹp đẽ hơn, hạnh phúc hơn. Không bận tâm tới vẻ ngoài tật nguyền, anh bộ đội Thanh Tùng yêu nết dịu dàng và nể phục nghị lực vươn lên của cô giáo trẻ Hoàng Ngân. Tình yêu đầu đời khiến cho đôi trẻ ngất ngây trong hạnh phúc.
2. Chống tay khó nhọc để đứng dậy, bà Ngân bước từng bước nhỏ tiến đến trước ban thờ người lính trẻ. Vừa thắp nhang bà vừa nói với khách: "Có ông ấy ở bên cạnh nên tôi chả cảm thấy mình cô đơn đâu. Cũng lạ lắm nhé, trước kia thì tôi sợ bóng tối lắm, không bao giờ dám đi đâu ra ngoài vào buổi tối đâu. Thế mà từ khi có ông ấy, tôi cứ sống một mình trong khu vườn này, xung quanh chả có nhà cửa, hàng xóm láng giềng nhưng không thấy sợ gì hết".
Đầu năm 1972, khi chiến tranh đang đi vào những tháng ngày khốc liệt nhất cũng là lúc tình yêu của bà với người lính trẻ đang ở độ chín nhất. Họ bắt đầu tính đến chuyện làm đám cười thì bất ngờ ông Tùng nhận lệnh phải lên đường nhập ngũ. Bao dự định, bao kế hoạch cho một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc đều phải gác lại. Ông lên đường trong vội vã, họ cũng chẳng kịp có một ngày ở bên nhau trọn vẹn.
Mở chiếc hòm gỗ cũ, bà Ngân cho chúng tôi xem chiếc khăn - kỷ vật duy nhất mà ông Tùng để lại, bà nói: "Ông ấy đi chỉ để lại chiếc khăn với lời nhắn: "Em ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe và công tác tốt, gắng đợi anh 3 năm nhé, nhất định anh sẽ về". Dẫu buồn, dẫu tủi vì xa cách, nhưng cô giáo trẻ Hoàng Ngân vẫn cố gắng công tác thật tốt và chờ ngày đoàn viên. "Dù chúng tôi không được ở bên nhau nhưng ông ấy quan tâm và lo lắng cho tôi lắm. Tình yêu gửi trao qua những cánh thư. Mỗi lần có đồng đội về quê, ông ấy đều chuẩn bị quà cho tôi, dù đơn giản nhưng tôi luôn cảm nhận được sự quan tâm và chu đáo của anh ông ấy" - bà Ngân kể.
Một ngày đợi chờ tưởng như dài cả thế kỷ, dù biết chưa đến hẹn ngày trở lại nhưng ngày nào bà cũng ra đầu ngõ ngóng tin ông. Hai năm trôi qua, bà Ngân bất ngờ nhận tin dữ từ đơn vị rằng ông đã hy sinh trong trận đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam. Cầm tờ giấy báo tử trên tay mà bà không tin vào mắt mình. Bà chạy khắp nơi để dò hỏi tin tức của ông nhưng tất cả đều rơi vào vô vọng.
"Mọi thứ dưới chân như sụp đổ, cầm tờ giấy báo tử mà mắt cay sè, không nhìn thấy đường. Tôi đạp xe lên Nghĩa Đàn để kiểm tra lại thông tin. Tất cả những hy vọng của tôi trở thành con số không, ông ấy hy sinh là sự thực"- bà Ngân rưng rưng.
Bà Ngân hạnh phúc khi luôn cảm giác có ông Tùng ở bên. |
Những tháng ngày sau đó, như một kẻ mất hồn, cô giáo trẻ quyết định xin nghỉ phép để tự trấn an tinh thần. Nghị lực phi thường của người con gái miền Trung không thể gục ngã, bà tự nhủ với mình phải sống, phải sống thật tốt để người yêu yên lòng. Bà Ngân quyết định xin gia đình cho lập bàn thờ riêng cho người yêu. Tự tận tâm can mình, bà đã coi ông là chồng, bà nguyện ở vậy hương khói thờ chồng, giữ vẹn lời thề sắt son.
Vốn là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, lại công việc ổn định nên không ít lần có người đến ngỏ ý muốn lấy bà làm vợ. Thế nhưng bà Ngân một mực từ chối, bà bảo: "Dù chưa một ngày được làm vợ ông ấy nhưng tôi nguyện là người của ông ấy rồi. Tôi nguyện làm người đàn bà góa, thờ chồng trọn đời này".
Là phụ nữ, lại bị tật nguyền, việc bà Ngân từ chối nhiều người đến xin cưới khiến gia đình phản đối quyết liệt. Người thân lúc thì động viên bà chấp nhận lấy tấm chồng, sinh con để có chỗ dựa khi về già, lúc lại nặng lời, mắng mỏ bà là ngu muội.
Hàng xóm láng giềng nhiều người không hiểu thì nói bà bị “điên”. Họ bảo không lấy được người này thì lấy người khác hà cớ gì cứ phải sống chết với người đã hy sinh. Rồi họ còn bảo bà thiển cận vì đã không nghĩ chuyện xa xôi. Thân gái một mình đã khổ, đằng này lại không được lành lặn như người thường đến khi về già thì biết nhờ cậy ai. Nhưng bỏ qua tất những phản đối của người thân và dị nghị của người đời bà vẫn một lòng son sắc với người đàn ông mà mình đã hết lòng yêu thương.
Thời gian trôi qua, "người đàn bà góa" giờ cũng 68 tuổi, mọi chuyện cũng thuận theo tự nhiên, mọi người chỉ thấy thương và thán phục người phụ nữ thủy chung. Nhiều người vẫn thường hỏi bà Ngân rằng làm thế nào để bà vượt qua những năm tháng dài mà chỉ có một mình. Mỗi lần như thế bà chỉ cười bảo, khi thật lòng yêu thương một ai đó thì chỉ hướng về người đó thôi.
Ngày ngày bà Ngân vẫn thắp nhang và trò chuyện với "chồng". Bà kể cho ông Tùng nghe chuyện bà thương nhớ ông nhiều như thế nào. Chuyện mấy ngày hôm nay trời trở gió đôi chân bà đau nhức ra sao. Chia sẻ với ông mọi chuyện nên bà chưa bao giờ có cảm giác cô độc trong căn nhà nhỏ ấy.
Bà Ngân tâm sự: "Chỉ cần trong lòng tôi luôn có ông ấy là quá đủ rồi. Đã chắc gì tôi lấy một người đàn ông khác sẽ có hạnh phúc hơn là cảm giác tôi có được với ông ấy bây giờ. Dù ông ấy chẳng thể sống bên cạnh tôi nhưng ông ấy hay về thăm tôi trong những giấc mơ lắm. Thế nên tôi chưa bao giờ có cảm giác bớt gần gũi với ông ấy cả. Sau này khi già hơn tôi sẽ vào trung tâm dưỡng lão sống nốt quãng đời còn lại".