Cô hầu gái mù chữ trở thành nữ hoàng nước Nga

12:55 03/02/2012

Từ một cô hầu gái không biết đọc biết viết, Marta trở thành trợ thủ đắc lực cho chồng là Pyotr đại đế, và lên ngôi nữ hoàng ngay khi chồng còn sống. Marta Elena Skavronskaya chính là tên thật của nữ hoàng Nga Ekaterina đệ nhất, người vợ mà Pyotr đại đế, ông vua vĩ đại nhất nước Nga, yêu thương, trân trọng đến cuối đời.

Cô hầu gái mù chữ trở thành tình nhân của hoàng đế

Marta sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề nông ở Latvia. Cha mẹ mất sớm nên cô đã phải sống một cuộc sống tự lập từ bé. Cuộc sống mưu sinh khiến cô không có cơ hội được học hành, chăm sóc và lớn lên trong sự bao bọc như những đứa trẻ khác. Không được học hành, không người thân thích nên Marta phải đi làm giúp việc cho gia đình một vị giáo sỹ. Hàng ngày Marta phải lăn lộn với công việc và không có cơ hội được đi học nên đến tuổi trưởng thành cô vẫn là một cô gái ngây ngô, không biết đọc, biết viết.

Năm Marta 17 tuổi, nguyên soái Boris Petrovich Sheremetev đã đóng quân tại nơi cô đang ở và Marta đã trở thành người hầu gái cho vị nguyên soái này. Một thời gian ngắn sau đó, Marta, lúc này đã đổi tên thành Ekaterina, lại trở thành gia nhân của đại thần Menshikov, một người bạn thân của Sa hoàng Pyotr đệ nhất và chính vì vậy, cô mới có cơ duyên được gặp hoàng đế.

Các mối quan hệ của Ekaterina trước khi trở thành tình nhân của Pyotr đại đế khá mơ hồ. Có rất nhiều thông tin liên quan đến mối cơ duyên này, có tài liệu thì cho rằng bà từng đính hôn hay kết hôn với một anh lính Thụy Điển đóng trong vùng, nhưng mối quan hệ này sớm kết thúc khi quân Thụy Điển rút lui. Người ta cũng nghi bà từng là tình nhân của các ông chủ như nguyên soái Sheremetev và đại thần Menshikov, nhưng thực tế thì không có bằng chứng để có thể chứng minh được những thông tin này là hoàn toàn chính xác.

Những mối tình của cô hầu gái Marta trước đây đã là đề tài để nhiều người, nhiều thế hệ tranh cãi. Những câu chuyện liên quan đến cô hầu gái mù chữ này được nhiều người nhắc đến bởi cô đã lọt vào tầm ngắm của vị Sa hoàng đệ nhất 31 tuổi tài hoa và đa tình. Lúc đó Ekarterina 19 tuổi, khuôn mặt trẻ trung xinh xắn cùng vóc dáng nở nang và hấp dẫn đã khiến Sa hoàng Pyotr đệ nhất mê đắm. Nhiều người cho rằng đấy là một mối tình không biên giới nhưng thực sự ngọt ngào và hạnh phúc. Bên cạnh đó cũng không ít kẻ gièm pha bởi họ cho rằng, ngoài hình thức xinh đẹp thì Ekarterina hoàn toàn trống rỗng bởi cô không biết đọc, biết viết.

Mặc dù vậy nhưng vị Sa hoàng 31 tuổi này vẫn không chịu lung lay để mất đi tình yêu mãnh liệt của mình. Đây không biết là mối tình thứ bao nhiêu của nhà vua nhưng trái tim của ông vẫn rung lên trước cô gái thôn quê này. Chia tay người vợ đầu của mình đã lâu và đây là lần đầu tiên ông bị một người phụ nữ chinh phục. Một năm sau ngày họ dành tình yêu cho nhau, vào năm 1704, Ekarterina đã sinh cho Sa hoàng Pyotr một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Đến khi 22 tuổi, Ekarterina đã có ba người con với Sa hoàng. Khi Ekarterina tròn 23 tuổi, cô hầu gái thôn quê không biết chữ đã trở thành người vợ thứ hai của Sa hoàng Pyotr đệ nhất sau một đám cưới bí mật được nhà vua tổ chức.

Sa hoàng bị khuất phục trước "cô hầu" không biết chữ của mình

Là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và năng động, Ekarterina luôn biết phát huy thế mạnh của mình để có thể cùng chồng gánh vác được trọng sự. Ekarterina khôn ngoan và khéo kéo, mặc dù có uy lực nhưng không bao giờ tỏ ra là người lấn lướt chồng. Lúc nào cô cũng là người phụ nữ núp sau vẻ uy nghi, lịch lãm của chồng nhưng thực tế thì Ekarterina có một uy lực lạ lùng đối với hoàng đế Pyotr.

Mặc dù là người nổi tiếng oai phong với những cơn giận giữ không ai bằng nhưng khi đứng trước vợ, nhà vua lại trở thành một chàng trai ngoan ngoãn và dễ bảo đến mức không ngờ. Thực ra không cần phải có tài cán hay bí quyết gì ghê gớm để có thể khuất phục được hoàng đế, với sự thông minh và tình yêu của mình, Ekarterina đã nắm chặt được trái tim hoàng đế. Thậm chí có những đêm Pyotr và các sĩ quan chui vào một căn phòng đóng chặt cửa để chè chén, đánh bài thâu đêm, nhưng chỉ cần Ekaterina đến bên ngoài, nhẹ nhàng nói rằng đã đến lúc phải trở về là lập tức cánh cửa bật mở, Sa hoàng xuất hiện ngoan ngoãn theo vợ về nhà.

Những lúc đức ông chồng nóng giận, Ekaterina luôn giữ vẻ hòa nhã và không giận dỗi, cũng không tỏ ra sợ hãi. Ekarterina biết tiến biết lui để "trị" chồng và giúp đỡ ông trong công việc. Có lần Sa hoàng nổi giận đùng đùng khi vợ cố thuyết phục một việc mà ông không muốn nghe và nhất định không thể làm theo, Sa hoàng đã đập vỡ một tấm kính rất đẹp và quát: "Trẫm có thể phá hủy thứ đẹp nhất trong cung điện của mình". Hàm ý cảnh cáo trong câu nói không làm Ekaterina run rẩy, Ekarterina điềm tĩnh nói: "Làm như thế, bệ hạ đã làm cho cung điện đẹp hơn sao?".  Và thế là hoàng đế phải bình tĩnh lại.

Lần khác, khi Pyotr giận dữ cấm mọi người can gián về việc ông sắp trị tội nặng một triều thần mà ai cũng cho là bị oan, Ekaterina đã khôn khéo mượn danh nghĩa… con chó cưng Lisette của hoàng đế để cầu xin. Hôm đó Sa hoàng trở về nhà, thấy trên cổ con chó cưng của mình đang mừng rỡ chạy ra đón có buộc một mảnh giấy. Ông mở ra xem, thì đó là bức thư mượn lời chú cún bày tỏ lòng trung thành với nhà vua, và đưa ra những bằng chứng rõ ràng cho thấy vị quan kia vô tội, cầu xin nhà vua tha thứ. Đọc xong, Pyotr mỉm cười nói: "Thôi được, Lisette, vì đây là lần đầu tiên ngươi cầu xin, ta chấp nhận lời thỉnh cầu của ngươi".

Sa hoàng mắc phải chứng bệnh động kinh nên rất hay lên cơn co giật. Những lúc như vậy, người đầu tiên và duy nhất ông cần chính là Ekarterina. Cho dù ông bị bệnh ở bất cứ nơi đâu thì người hầu cũng đều thông báo cho Ekarterina. Biết chồng cần mình, Ekarterina không bao giờ để ông một mình mỗi khi đau ốm. Khi bị lên cơn co giật, Ekarterina đến ngay, giữ chặt cho Pyotr nằm xuống, đặt đầu nhà vua vào lòng mình và nhẹ nhàng vuốt ve cho đến khi cơn co giật dịu đi. Pyotr ngủ yên trong khi Ekarterina ngồi yên lặng vỗ về hàng giờ. Những người hầu trong cung đều thực sự cảm động và ngưỡng mộ tình cảm của hai người dành cho nhau.

Có quá nhiều hoài bão và tham vọng, Pyotr là một người quyền lực, không có thời gian sa đà vào chuyện sắc dục, nhưng đôi khi ông cũng không thể tránh khỏi những cám dỗ và sự yếu đuối của bản thân. Khi biết được, Ekaterina không ghen tuông lồng lộn hay vật vã đau khổ về chuyện đó. Chính vì vậy mà Sa hoàng càng ngày càng nể phục người vợ xinh đẹp của mình hơn, không người phụ nữ nào có thể thay thế Ekarterina trong lòng Sa hoàng.

Trở thành nữ hoàng ngay khi chồng còn sống

Pyotr đại đế cần tới Ekaterina không chỉ ở sự chăm sóc chu đáo, mà còn cần cả trí tuệ thông minh của người phụ nữ từng không biết đọc biết viết này. Ông bàn bạc với vợ các dự định của mình, các vấn đề của đất nước. Những khi hoàng đế xuất chinh, Ekarterina thường tháp tùng chồng. Ekarterina cũng cưỡi ngựa mấy ngày liền, ngủ trong lều giữa tiếng gầm của đạn pháo như chưa từng sống trong cung điện xa hoa. Chính vì thế nên Pyotr ngày càng yêu thương Ekaterina sâu sắc và lo lắng cho vợ.

Bốn năm sau khi bí mật cưới Ekarterina, trước lúc lên đường đánh Thổ Nhĩ Kỳ, Sa hoàng đã giới thiệu Ekaterina với gia tộc, yêu cầu coi Ekarterina như hoàng hậu của nước Nga, và nếu ông chết, Ekarterina sẽ là quả phụ chính thức của ông. Sau chiến dịch đó, vào năm 1712, Pyotr đại đế làm đám cưới với Ekaterina lần nữa một cách thật hoành tráng để bá cáo thiên hạ, và Ekarterina chính thức trở thành hoàng hậu.

Họ có với nhau đến 12 người con, nhưng 10 lần phải cùng nhau chia sẻ nỗi đau vì con qua đời khi còn trứng nước. Vào năm 1719, sau khi thái tử Alecxey (con người vợ trước của Pyotr) bị tử hình do làm phản, Sa hoàng chỉ còn duy nhất một người con trai để nối dõi, đó là hoàng tử Pyotr Petrovich mới 2 tuổi do Ekaterina sinh ra. Nhưng người con này cũng nhanh chóng qua đời khiến Pyotr đại đế điên cuồng vì đau khổ, tuyệt vọng. Sau những ngày nhịn ăn, nhốt mình trong phòng kín, đập đầu vào tường, khi quyết định trở lại với công việc do sự thúc ép của triều thần, điều đầu tiên Pyotr làm là dẫn họ đến thăm hoàng hậu. Nhà vua dịu dàng ôm lấy vai vợ, nói: "Chúng ta đã tự làm khổ mình quá lâu. Ta không nên than trách Thượng đế nữa".

Với tình cảm sâu sắc đó, Pyotr thậm chí còn làm một điều cổ kim hiếm thấy: chia sẻ ngai vàng với người vợ của mình. Tháng 11 năm 1723, Pyotr đại đế ra chiếu ban tước vị Nữ hoàng cho Ekaterina, một quyết định mà nhiều người cho là nguy hiểm khi đặt một phụ nữ Latvia lên ngôi báu nước Nga. Sau lễ đăng quang vào tháng 1/1724, Ekaterina chính thức cai trị đất nước bên chồng. Để đề cao địa vị của vợ trước thần dân, trong lễ đăng quang, khi ông đặt vương miện lên đầu vợ, Ekarterina xúc động quỳ xuống định hôn tay chồng, Pyotr đã tránh ra và nâng cô đứng dậy.

Tháng 8/1725, Pyotr đại đế qua đời. Nhiều người muốn Ekaterina là người ngồi trên ngôi báu nước Nga, nhưng một số rất đông ủng hộ cháu nội của Pyotr và vợ cũ là hoàng tôn Pyotr Alexeevich. Trong đêm khuya, khi các bên đang tranh cãi thì quân cảnh vệ bao vây bên dưới. Quân lính hô lên, nhiều người đẫm nước mắt: "Cha chúng ta đã chết, nhưng mẹ chúng ta vẫn còn sống". Và với sức ép đó, quả phụ 42 tuổi của Pyotr đại đế đã thắng. Ekaterina đệ nhất cai trị nước Nga cho đến khi qua đời hơn hai năm sau đó

Phương Mai

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文