Có một con đường mang tên Lê Duẩn…
Vì công việc, vì vị trí chỗ ở và cả vì thói quen mà suốt 5 năm nay không ngày nào tôi không ít nhất một lần đi qua đường Lê Duẩn – Hà Nội. Rất nhiều lần đi trên con đường ấy, tôi đã nghĩ về ông – vị cố Tổng Bí thư đặc biệt của chúng ta, người gắn liền với một giai đoạn lịch sử hết sức hào hùng, đặc biệt của chúng ta. Và tôi tự hỏi: Những người con của ông khi đi trên con đường mang tên ông rồi sẽ có cảm xúc gì, suy nghĩ gì?
Thật may là mới đây, qua một cô đồng nghiệp mà tôi đã được ngồi với người con trai thứ của ông, Tiến sĩ Lê Kiên Thành. Và cuộc chuyện trò gần trọn một buổi sáng giữa tôi với Tiến sĩ Thành không ngờ lại diễn ra hào hứng hơn, ý nghĩa hơn, xúc cảm hơn so với những gì tôi tưởng tượng rất nhiều.
Xin chép hầu bạn đọc một phần của cuộc nói chuyện này...
Những trùng hợp kỳ lạ
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Lê Kiên Thành, ông có nhớ lần đầu tiên mình đi trên con đường mang tên cha mình là khi nào không?
+ TS Lê Kiên Thành: Đó là năm 1989, khi tôi về nước sau nhiều năm du học tại Nga. Tôi nhớ là ngày đầu tiên thì tôi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà nghỉ ngơi, và ngày thứ hai thì tôi đi dạo trên các con đường tại TP. HCM và đã đi qua đường Lê Duẩn, nằm ngay cạnh dinh Độc lập.
- Lúc ấy, chắc là một xúc cảm đặc biệt đã ùa lên trong ông chứ...?
+ Đầu tiên là tôi giật mình, vì xưa nay chúng ta vẫn luôn suy nghĩ rằng tên một con đường luôn là tên của một vị tướng oai phong lẫm liệt thời phong kiến, ví dụ như đường Quang Trung, đường Trần Hưng Đạo.
Nhưng bây giờ thì tên một con đường lại là tên một người rất gần chúng ta – gần tới mức cảm giác như người ấy còn chưa ra đi khỏi cuộc đời này. Ba tôi mất năm 1986, đến khi ấy – 1989 nghĩa là mới chỉ có 3 năm trôi qua thôi mà.
- Sau một thoáng giật mình có lẽ là những kỷ niệm?
+ Vâng, những kỷ niệm về ba tôi ùa về. Tôi nhớ lần đầu tiên vào Sài Gòn với ông, năm 1976. Hồi ấy lần đầu tiên tôi biết đến cái nắng Sài Gòn, cái nắng mà trước đó tôi chưa thấy, rồi tôi thấy một cái mùi Sài Gòn rất khác với mùi Hà Nội: một Sài Gòn với mùi xăng, mùi xe – biểu hiện của một thành phố đầy sức sống.
- Cả TP. HCM lẫn Hà Nội đều có những con đường mang tên Lê Duẩn, có bao giờ ông nghĩ về vị trí địa lý của những con đường ấy không?
+ Ở Hà Nội, đoạn đầu của đường Lê Duẩn có ga Hà Nội – cái ga mà ngày xưa đã trở lớp lớp thế hệ bộ đội chiến sĩ ta vào Nam chiến đấu. Và ở Hà Nội, đường Lê Duẩn hướng về phía đường Giải Phóng – con đường Nam tiến ở cửa ngõ Thủ đô. Còn ở TP.HCM, đường Lê Duẩn hướng thẳng vào dinh Độc lập, trước khi mang tên là “đường Lê Duẩn”, con đường này từng có tên là Đại lộ 30/4.
Như thế, xét về mặt vị trí địa lý thì con đường mang tên ba tôi gắn liền với những dữ kiện, những xúc cảm liên quan đến cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam 30/4. Như thế cũng đúng thôi, vì ba tôi gắn liền với giai đoạn lịch sử đó mà.
Đường Lê Duẩn – một trong những con đường đẹp nhất TP. HCM. |
- Ông vừa nhắc tới cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, tôi chợt nghĩ: tên ông – Lê Kiên Thành liệu có liên quan gì tới cuộc chiến tranh này không nhỉ?
+ Mẹ tôi đặt tên là Lê Kiên Thành với ý nghĩa “Kiên quyết hoàn thành cách mạng miền Nam”. Có một sự thực như thế này: Sau hiệp định Geneve năm 1954, ba tôi từng dự cảm với ông Lê Đức Thọ rằng: Không phải sau 2 năm, mà phải sau 20 năm chúng ta mới có thể thống nhất nước nhà.
Tôi sinh vào 11 giờ ngày 17 tháng 4 năm 1955. Và như thế so với cái mốc 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì ngày sinh của tôi và ngày giải phóng miền Nam chỉ lệch có 13 ngày 30 phút.
- Đấy là một sự trùng hợp ngẫu nhiên…?
+ Vâng, có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Trong cuộc đời của ba ông, còn có những sự trùng hợp ngẫu nhiên nào tương tự như vậy nữa không?
+ Ba tôi kể rằng hồi nhỏ, ba được ông nội một lần dẫn tới chùa thắp hương. Vì còn nhỏ nên ba tôi không biết tại sao người ta cứ phải chắp tay khấn vái trước những chiếc tượng gỗ và cứ coi những chiếc tượng ấy là thần thánh.
Thế là ba tôi tự hỏi: “Nếu thần thánh có thật thì có biết ta là ai không?”. Ngay sau đó thì ông nội tôi có xin một quẻ thẻ, và lạ là trong quẻ thẻ ấy có một câu: “Ngươi là ai thì tự biết, cớ sao phải hỏi ta”. Sau này thì tôi có hơn một lần hỏi lại ba câu chuyện này, và ba tôi cho rằng đó nhất định chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Vậy cá nhân ông có nghĩ, đấy là sự trùng hợp ngẫu nhiên không?
+ Tôi thì nghĩ có thể là có, mà cũng có thể là không, vì đến lúc này, trong cuộc sống này vẫn có nhiều điều mà chúng ta không giải thích được cơ mà.
Tôi đã đưa con ra…Côn Đảo
- Thưa ông Lê Kiên Thành, có lẽ không chỉ tôi, mà rất nhiều người luôn tò mò muốn biết xem: làm con của một người đang lãnh đạo cả một đất nước liệu có khác biệt gì so với việc làm con của một người cha bình thường, giản dị hay không?
+ Thú thật là hồi tôi còn nhỏ, ba ít chuyện trò, gần gũi với tôi lắm. Có lần ba còn hỏi: Con học lớp mấy rồi nhỉ? Và tôi nhớ là trong các câu hỏi dành cho tôi lúc đó, ba luôn hỏi đại loại: Các bạn ở lớp con như thế nào? Các bạn có đói, có khổ không?
Tôi còn nhớ là khi người bác sĩ riêng của ba qua đời thì ba đã gần gũi vỗ về người con của ông bác sĩ ấy. Ba thậm chí còn chơi bóng đá với cậu ấy. Chứ với tôi, chưa bao giờ được như thế cả.
Tiến sĩ Lê Kiên Thành. |
Có lần tôi chạy qua nhà ông Lê Đức Thọ, thấy ông Thọ vỗ về, gần gũi với con mình lắm, và tôi tự hỏi: Tại sao ba mình lại không như thế với mình?
- Lúc ấy, cậu bé Lê Kiên Thành chắc không tránh khỏi một thoáng chạnh lòng?
+ Vâng, một thoáng chạnh lòng…
- Những lúc như thế, có bao giờ ông nghĩ: Ước gì mình không phải con của ông Lê Duẩn hay không?
+ Không! Không bao giờ tôi nghĩ thế.
- Vậy có bao giờ ông thắc mắc trực tiếp với cha vì cái sự thiếu tình cảm, thiếu gần gũi của cha không?
+ Tôi đã thắc mắc điều đó trong một bức thư gửi tới ba khi tôi đang đi bộ đội ở Bình Đà (Hà Tây cũ). Sau đó thì tôi được biết, ba có đi qua xã mà tôi đóng quân, nhưng chỉ đi qua thôi, chứ không vào thăm.
Và ba viết lại cho tôi một bức thư, trong đó có một ý rằng: “Ba mẹ mà không thương chính con cái mình thì không thể thương được những đồng bào của mình”. Lớn lên rồi thì tôi hiểu tình thương của ba mẹ không cứ nhất nhất phải là những cái vỗ về nhỏ nhẹ, mà còn có thể được biểu hiện ở nhiều cái lớn lao khác. Ba luôn hướng chúng tôi nghĩ và hành xử một cách lớn lao.
- Trở lại với câu chuyện về những con đường mang tên cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, có bao giờ ông nghĩ, nếu ba ông còn sống thì ba ông sẽ nghĩ thế này thế khác về những con đường đó hay không?
+ Tôi nghĩ rằng nếu còn sống, và nếu biết ai đó có ý định lấy tên mình đặt tên cho một con đường thì ba tôi sẽ nói: “Đừng làm như thế”. Vì nhìn lại cả một cuộc đời của ba, không chỉ tôi mà nhiều người đều thấy ba là người giản dị vô cùng.
Giản dị tới mức, hồi mới ra Hà Nội làm việc, ba toàn đạp xe đạp, và sau này trong mọi hoạt động khác, ba hoàn toàn không phải tuýp người thích phô trương.
- Nghe ông kể, tôi lại muốn hỏi thêm: Trong cái ngày về chịu tang cha, trên xe ôtô từ sân bay Nội Bài về nhà mình ở đường Hoàng Diệu, ông nghĩ tới điều gì nhiều nhất? Và khi vào tới nhà thì ông làm gì trước tiên?
+ Dĩ nhiên là khi đi ôtô về nhà thì tôi nghĩ đến rất nhiều hình ảnh và câu chuyện về ba. Còn khi vào nhà rồi, tôi chạy ngay tới phòng làm việc của ba, và đã cất ngay một cuốn sổ tay của ba còn đặt ở trên bàn.
Đấy là một cuốn sổ ba ghi ra tất cả những suy nghĩ của mình về đất nước, về dân tộc. Có những trang viết dài, có những nét chữ viết vội, có những điều ba đã chia sẻ với chúng tôi khi còn sống, có những điều ba chưa nói bao giờ.
Bây giờ thì tôi cất cẩn thận quyển sổ của ba - bút tích của ba - tư tưởng của ba ở một chỗ trang trọng trong tủ sách của mình. Và thi thoảng tôi lại mở quyển sổ ấy ra như để được nhìn thấy từng hình ảnh, từng lời nói, từng cử chỉ của ba.
- Rõ ràng là ba ông đã có những ảnh hưởng quá lớn đối với ông và các anh chị em ông – tất nhiên rồi, vậy còn con cái ông bây giờ thì sao? Có bao giờ hình tượng ông nội tác động tới ý nghĩ và hành động của chúng hay không?
+ Tôi chỉ xin kể một câu chuyện rất cụ thể, đơn giản thế này: Trước khi đứa con trai đầu lòng của tôi đi du học ở Mỹ, tôi đã đưa cháu ra thăm Côn Đảo – nơi ông nội và những đồng chí của ông nội cháu từng nằm một thời gian trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Tôi không rõ là lúc ấy những xúc cảm từ ông nội, từ những người cộng sản có khiến cháu rung cảm mãnh liệt và sâu sắc về những vấn đề liên quan tới đất nước, dân tộc hay không, nhưng sau này, trong suốt quãng thời gian học tập ở Mỹ, và có nhiều cơ hội ở lại làm việc tại Mỹ thì cháu cũng cương quyết không ở lại.
Trong cháu chỉ có duy nhất một suy nghĩ: Nhất định phải về đây, về với quê hương mình, với Tổ quốc mình, với dân tộc mình!
- Xin cảm ơn ông!