Minh Khai, làng đầu nậu rác lớn nhất miền Bắc:

Cơn mê mệt của đời người

13:30 16/01/2014

Ở cái xứ này, hàng chục năm nay, người ta sinh ra đã thấy rác và bới rác. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, mồ mả cũng luẩn quẩn toàn rác. Rác chất đống chất cồn trong ngõ ngoài làng; rác bay lên, quần tụ lút mặt lút mày, cô đặc lấp láp cả mương máng. Rác là hiện thân của sự trù phú, đồng thời cũng là cơn mê mệt của một đời người. Ăn cơm từ rác, sướng vui từ rác, để rồi cụt tay, cụt chân cũng từ… rác. Vẫn biết sinh nghề tử nghiệp nhưng dân làng Khoai, không làm nghề tái chế rác thì biết làm gì?

Một đời bủa vây bởi rác

Để phân biệt làng Khoai (tên gọi khác của thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) với địa danh nào đó trên đất nước ta, tôi sẽ chọn rác. Từ hàng chục năm nay, người dân ở xứ này sinh ra đã thấy rác chất đống chất cồn trong ngõ ngoài làng. Người người bơi bơi, quần quật mưu sinh trong rác. Bảnh mắt ra là rác, tối về tiếc công tiếc việc, nấn ná thêm nữa vẫn là rác. Đến bữa ăn, mâm cơm dọn ra giữa đống rác, đám trẻ con chơi đùa cũng trong… rác. Rác rải dày, bay đầy hai bên đường, lấp láp cả mương máng. Ngay cả ngôi mộ đầu thôn, sau mấy nhà máy công nghiệp, rác cũng quần tụ tơi tả quanh cỏ.

Theo chân các xe tải chở rác phế liệu nhộn nhạo, mỗi ngày có hàng trăm tấn rác được chuyển về đây từ khắp nơi trên cả nước, trong Nam ngoài Bắc đủ cả. Làng Khoai trở thành làng "đầu nậu" rác, là điểm tập kết rác cuối cùng trước khi bị phân loại và tái chế của cả miền Bắc (có thể là của cả nước - ai mà biết được!). Để rồi từ đây, nhiều sản phẩm nhựa cũng như các sản phẩm bao bì, dây ni-lon, màng ni-lon được vận chuyển ngược, cung ứng cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hạt nhựa tái chế của làng cũng được cung cấp cho nhiều nhà máy sản xuất nhựa lớn ở Việt Nam, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài.

Hàng trăm tấn rác theo các xe tải được vận chuyển về thôn Minh Khai mỗi ngày.

Ông Cánh, trưởng thôn Minh Khai cho biết hiện tại trong tổng số 917 hộ dân của làng thì có tới 99%  tham gia kinh doanh và sản xuất dưới mọi hình thức. 1% ít ỏi còn lại chủ yếu là giới công chức. Và trong 4.525 nhân khẩu của làng thì có tới 3.000 lao động trực tiếp làm nghề. Đó là chưa kể có khoảng 1.000 lao động từ các vùng lân cận đến xứ rác làm thuê.

Cả làng có khoảng 70% hộ có máy tái chế với tổng cộng hơn 500 dàn máy khô và máy ướt. Số còn lại vì không có vốn để sắm máy móc nên trở thành những nhân công trong các cơ sở tái chế của người khác. Được biết, để đầu tư làm nghề, điều kiện bắt buộc phải có hơn 1 tỷ đồng, trong đó, 500 triệu để mua máy tái chế và gần 1 tỷ tiền hàng.  Sau khi trừ các chi phí điện nước, nhân công, tùy theo mặt hàng mà lãi nhiều hoặc lãi ít. Mức thu nhập bình quân của dân làng Khoai rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Với nguồn thu nhập như vậy, mấy năm trở lại đây, thôn Minh Khai trở thành một trong những "hiện tượng" của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với nhiều nhà cao tầng mọc lên sin sít. Ngoài "xứ rác", "làng đầu nậu rác lớn nhất miền Bắc", người ta cũng nhắc nhiều đến đến mấy chữ "làng tỷ phú" để nói về sự "thay da đổi thịt" nhờ rác của dân làng Khoai.

Cụt hai tay vì rác

Nhưng mà phía sau khung cảnh có vẻ trù phú đó, còn là những hố sâu thăm thẳm của một đời người. Sướng sung gì cái nghề bới rác của thiên hạ làm "cơm" của mình? Vì thứ cơm rác của thiên hạ ấy mà họ đã lao vào vòng xoáy mưu sinh mê mệt từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ. Và cũng vì thứ cơm rác mà người ta đã vứt đi còn dân làng Khoai lại nhặt về ấy mà có không ít người đã bị máy tái chế rác sém một cái rất "ngọt", lấy đi cánh tay, bàn tay và ngón tay của họ.

Theo số liệu thống kê mà chị Nguyễn Thị Hiền, Phòng Văn hóa - Xã hội, thuộc UBND thị trấn Như Quỳnh cung cấp thì: "Có 3 trường hợp thôn Minh Khai bị tai nạn lao động với mức độ nặng khi đang sử dụng máy tái chế rác là chị Nguyễn Thị Hòa (30 tuổi, cụt bàn tay phải), anh Phùng Đức Vương (36 tuổi, cụt mất 3 ngón) và bà Đào Thị Thanh Hương (48 tuổi, cụt bàn tay trái). Còn lại, toàn là bị cụt 1 vài ngón, cụt vài đốt lóng tay… đếm không xuể. Mà làm cái nghề này, ai chẳng bị. Cứ cho tay vào máy là bị. Không tránh khỏi được!". Tuy nhiên, khi về hỏi dân làng Khoai thì chúng tôi được biết rằng danh sách trên không dừng lại ở đó. Và nếu nói về trường hợp bị nặng nhất, phải kể tới chị Vy (đội 3, thôn Minh Khai) khi bị lưỡi hái chiếc máy tái chế tử thần ngốn mất cả 2 cánh tay.

Mặc dù bàn tay phải bị cụt, để mưu sinh anh Ngoan vẫn tiếp tục bám trụ vào rác.

Ngồi đối diện với tôi trong ngôi nhà có lẽ là nghèo nhất thôn Minh Khai, người đàn bà có cái tên rất đẹp ấy nhòe nước mắt khi nói rằng chỉ vì đôi bàn tay này mà cả gia đình chị sạt nghiệp. Ông trời cho chị hai bàn tay thì cả hai đều bị máy tái chế nhựa "ăn" rất "ngọt". Nửa cánh tay phải trở xuống bị cụt hơn 3 năm về trước.

Nỗi đau vẫn còn đó thì 3 tháng trước, cái nghề mài rác ra cơm này lại "ăn" nốt bàn tay còn lại của chị, vết thương hiện giờ vẫn đang được băng bó và sưng nhức. Tất cả cũng chỉ vì cái điều mà chị tự gọi cho mình là "tham thì thâm" ấy, rằng do tham công tiếc việc, sau khi công nhân về, chị nấn ná ở lại một chút để dọn dẹp.

Khi tôi thắc mắc là tại sao bị cụt một tay rồi mà chị không thấy sợ, vẫn chưa từ bỏ cái công việc này thì chị nói rằng tất cả cũng chỉ vì chữ nghèo đè nặng trên vai hai vợ chồng. "Sợ lắm chứ. Nhưng nhà nghèo, không có cái gì ăn thì phải lăn ra làm. Có miếng ăn miếng để thì làm làm gì? Với hai tay bị cụt như thế này, đến ăn, cầm cốc uống nước còn không được nói gì tắm giặt, vệ sinh cơ thể. Đã thế, chết dở, lại phải thêm một người ở nhà trông mình, mình muốn gì còn giúp. Hai lần nằm viện, tốn hết tổng cộng 140 triệu đồng. Chỉ vì hai cánh tay này mà cả gia đình tôi sạt nghiệp. Tôi giờ thì lực bất tòng tâm, chỉ trông cậy vào anh ấy. Mà anh ấy cũng bị cái máy đó "ăn" 3 ngón tay rồi. Chẳng biết như thế nào nữa?".

Một trường hợp trong làng cũng bị chiếc máy tái chế ngốn mất bàn tay trái là anh Ngoan (40 tuổi). Tai nạn xảy ra từ năm 2004, tính đến nay tròn 10 năm. Con cái còn nhỏ, mặc dù cụt mất một bàn tay nhưng anh vẫn phải nai lưng ra tiếp tục cái công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Chỉ vì không ai làm thì anh phải làm. Mà dân làng Khoai, không làm nghề này thì biết làm gì để sống đây? Đồng ruộng không có, trình độ văn hóa cũng không. Giống như con đường một chiều, họ chỉ có thể đi mà không có lựa chọn nào khác…

Người dân làng Khoai sinh ra đã thấy rác chất đống chất cồn trong ngõ ngoài làng.

Và họ cứ thế, mê mệt và vần xoay suốt một đời. Một đời bủa vây bởi rác. Một đời chỉ có rác và rác; phủi bụi, quần quật trên mỗi phận người như canh bạc đỏ đen. Anh Ngoan bảo: "Nhìn vào thì làng tôi trông có vẻ giàu có, trù phú. Thế nhưng, thực chất, tất cả là tiền đi vay vốn ngân hàng làm ăn, nhiều nhà vỡ nợ, ngân hàng đến đòi lúc nào chẳng biết. Đó chỉ là những xác nhà của một xứ rác bay bay mà thôi".

Ông Cánh, Trưởng thôn Minh Khai cho biết:

Về những tai nạn lao động trong quá trình sản xuất và tái chế, đó là những điều không thể tránh khỏi. Bất cứ nghề nào cũng thế, không cẩn thận đều gặp rủi ro. Còn về mức độ ô nhiễm và những cảnh báo về sức khỏe với người dân, đặc biệt là các em nhỏ khi sống dưới một bầu không khí ngập ngụa trong rác và bụi bẩn, dân làng ai cũng biết. Nhưng cũng chỉ là biết thế thôi, còn làm thì vẫn phải làm vì không làm nghề này thì lấy gì để sống? Trước mắt, thời gian tới, xóm sẽ cấm dân làng đốt rác, tránh tình trạng khói bay rợp trời.

Đồng thời, vận động bà con đưa rác xuống khu xử lý rác tập trung ở Đại Đồng và năm 2014, kiên quyết đưa rác ra khỏi làng Khoai. Trước có đưa vấn đề này ra trong các buổi họp dân, tuy nhiên mọi người đều không đồng ý vì chi phí đắt đỏ. Nhưng sắp tới, chi phí cao cũng phải làm. Nếu không chấp hành, BCH xóm sẽ cho Cảnh sát môi trường vào làm việc và gọi thợ điện vào cắt điện.

Đó là biện pháp cuối cùng và tối ưu. Nếu ai vi phạm, sẽ bị phạt từ 500 - 1 triệu đồng. Ngoài luật của quốc gia còn có lệ làng. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa mọi hoạt động sản xuất vào khuôn phép. Hiện tại, có một khu công nghiệp sản xuất tập trung, cách xa khu dân cư. Tuy nhiên, khu này chỉ đảm bảo được cho 143 hộ. Mà làng Khoai có tới 917 hộ nên chúng tôi đang triển khai xây tiếp các khu CN tập trung khác nữa". 

Không chỉ bị khuyết tật tay chân vì nghề, ô nhiễm ở làng Khoai đã đến lúc báo động khi cơ quan y tế của tỉnh đã thống kê được rằng hơn 40% dân bị mắc bệnh về đường hô hấp, hơn 30% bị giảm thính lực, thị lực. Tất cả các ao, kênh, chuôm trong làng đều ô nhiễm. Nguồn nước ăn của dân làng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, bên cạnh "làng rác", "làng cụt tay", làng Khoai sẽ trở thành làng của ô nhiễm và bệnh tật. Thông qua Chuyên đề CSTC, chúng tôi xin chuyển vấn đề của dân làng Khoai tới những cơ quan, đơn vị chức năng có thẩm quyền quan tâm và giải quyết.

Đậu Dung

Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng này là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.

Lâu nay, các tổ chức như Phóng viên không biên giới, tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng Việt và một số tổ chức, cá nhân thù địch, phản động khác luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam.

Chính quyền địa phương cho biết lũ lụt kỷ lục ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil đã khiến ít nhất 75 người thiệt mạng trong 7 ngày qua và 103 người khác được báo cáo mất tích.

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Miền Trung đang bước vào đợt cao điểm nắng nóng, đây cũng là thời điểm liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại các tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm xuất phát từ việc chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán các loại thực phẩm trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Gần nửa năm sau khi chính thức chia tay HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa tìm được “thuyền trưởng” mới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không có nhiều động thái tìm người trong thời gian này khiến người yêu mến bóng đá nữ phiền lòng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là điều tốt cho đội bóng áo đỏ.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文