Sách cho thiếu nhi:

Cơn sốt truyện tranh đã hạ nhiệt

08:00 03/06/2015
Nếu nhìn vào những câu chuyện buồn về sách thiếu nhi trong thời gian qua, chúng ta sẽ cảm thấy bi quan, nó nghèo nàn, chệch choạc đến thế ư? Và chúng ta lo ngại, những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào với những cuốn sách ấy. Nhưng đó chỉ là những hạt sạn trong thế giới sách phong phú mà trẻ con hiện nay đang sở hữu. Chỉ có điều, không biết, những đứa trẻ và bố mẹ chúng có nhận ra không thôi.

Tôi nhớ, Tiến sĩ Thụy Anh - chủ nhiệm câu lạc bộ "Đọc sách cùng con", người đang nỗ lực truyền cảm hứng đọc sách cho bọn trẻ từng nói rằng, mỗi gia đình hãy tạo một góc đọc riêng trong chính ngôi nhà của mình để trẻ có thói quen đọc sách từ nhỏ. Và nhà trường cũng nên có những tiết thư viện, tiết đọc sách để định hướng cho trẻ đọc sách hơn là nhồi nhét những kiến thức vĩ mô. 

Chúng ta lo ngại những đứa trẻ sẽ sa đà vào truyện tranh, hay những câu chuyện nhảm nhí vẫn lọt lưới nhà xuất bản trong thời gian qua. Chúng ta lo ngại một thế hệ sẽ không biết đọc sách vì chúng  đã quá no nê thời gian với game, với ipad, với tivi. Nhưng chúng ta không phải lo ngại vì thiếu sách hay cho thiếu nhi.

Trẻ say mê đọc sách.

Chưa bao giờ, sách cho trẻ con lại phong phú như hiện nay. Liên tục các đầu sách kinh điển được những nhà làm sách uy tín như Nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty sách Đông A, Công ty sách Nhã Nam tái bản với hình thức đẹp, cẩn thận. Những cuốn sách gối đầu giường của trẻ thơ từ rất xa xưa như "Mít đặc trên cung trăng", "Bác sĩ Aibolit", "Tottochan cô bé bên cửa sổ", "Hai vặn dặm dưới đáy biển", "Tiếng gọi nơi hoang dã"... hay những cuốn mới "Con mèo dạy con hải âu bay", "Nhật ký chú bé nhút nhát", "Nhóc Nichollas"... tái bản liên tục. Bên cạnh đó, sách của các tác giả trong nước cũng được chú trọng.

Bộ sách "Những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi" của Nhà xuất bản Kim Đồng đã lựa chọn và xuất bản lại những tác phẩm "kinh điển" của các tác giả lớn Tô Hoài, Võ Quảng, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ... Nhiều cây bút trong nước cũng dành cho thiếu nhi những tác phẩm thú vị như Nguyễn Nhật Ánh, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Thụy Anh...

Một thế giới sách phong phú được bày ra trước mắt trẻ thơ. Tôi nhớ, thế hệ tôi, được sở hữu một cuốn sách hay, giống như một phần thưởng, một giấc mơ. Nhưng bây giờ, tất cả những đứa trẻ của chúng ta đều có cơ hội sở hữu những cuốn sách hay nhất của thế giới cũng như trong nước. Không chỉ sách văn học, mà khoa học thường thức, sách kỹ năng sống cũng được xuất bản một cách hệ thống.

Tôi nghĩ, không phải những cô bé, cậu bé của chúng ta không có sách để đọc, mà quan trọng hơn là định hướng của bố mẹ cho việc đọc sách của con. Đừng bao giờ bỏ mặc những đứa trẻ với sách. Rồi quay ra trách mắng rằng, bọn trẻ chỉ thích đọc truyện tranh mà hãy đồng hành cùng trẻ, dẫn dắt trẻ đi vào thế giới sách từ những câu chuyện cổ tích, từ những bài thơ...

Những cuốn sách hay trong và ngoài nước liên tục được xuất bản.

Chọn sách gì cho con, khi những đứa trẻ đang đứng trước quá nhiều lựa chọn và chắc chắn, không phải lựa chọn nào cũng an toàn, cũng vô nhiễm với văn hóa độc hại? Tôi nghĩ, câu chuyện đó, thuộc về bố mẹ.

Tôi biết, hàng ngày, hàng đêm, trong những ngôi nhà mang hơi ấm trẻ nhỏ, những câu chuyện vẫn được kể, những cuốn sách hay vẫn được đọc. Có thể những câu chuyện buồn vì những đứa trẻ vô cảm với sách, hay những cuốn sách tạp nham vẫn lọt lưới xuất bản được truyền thông ầm ĩ đưa tin, khiến chúng ta mất niềm tin rằng, trẻ con không đọc sách, trẻ con không có sách hay để đọc. Nhưng thời đó đã qua rồi. Chúng ta có quyền lạc quan, có một thế hệ đang được sở hữu một gia tài sách vô giá, và chúng sẽ rất say mê đọc nếu người lớn biết dẫn dắt, khơi dậy niềm yêu đọc vốn tiềm ẩn trong tất cả những đứa trẻ của chúng ta.

Quỳnh Lê, tác giả cuốn sách "San San chân to đi Xốp":

Khi bắt đầu viết "San San chân to đi Xốp", tôi có trò chuyện với con gái mình và các bé gái bằng tuổi cháu và nhận ra rằng các bạn ấy đều rất thích đọc sách. Bạn bè tôi ở Việt Nam cũng rất chăm chỉ tìm mua sách cho con đọc.

Thật ra chọn sách cho các con cũng không khó lắm, chỉ là hơi mất thời gian một chút vì bố mẹ nên đọc trước hay xem qua nội dung để có thể biết được mình sắp dẫn dắt các con vào một thế giới như thế nào. Và quan trọng nhất là việc lựa chọn những quyển sách đầu tiên, vừa dựa vào nội dung vừa dựa trên mức độ phù hợp với tính cách của con mình để có thể làm nhen nhóm niềm ham mê đọc sách của cháu.

Ở Thụy Sỹ, các bạn nhỏ đều có thói quen đi thư viện đọc sách từ khi còn nhỏ. Gần như tuần nào, các ông bố bà mẹ cũng dành ra vài tiếng đưa con đi thư viện ở gần nhà. Ở trường học cũng vậy, thường xuyên có những tiết sinh hoạt ở thư viện giúp cho các em được thư giãn và cùng thảo luận với thầy cô về những chủ đề mà các em yêu thích. Sách chọn không nhất thiết là các tác phẩm văn học, mà còn là sách dạy làm thủ công, làm bánh, làm ảo thuật và tìm hiểu về thiên nhiên… để các cháu có thể tiếp cận với mọi mặt của cuộc sống và thúc đẩy tính sáng tạo của mỗi cá nhân.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao khi viết San San, tôi không một mực trung thành với hình ảnh một bé gái thời bao cấp bị trói buộc với những kỷ luật trong trường học và cuộc sống chật hẹp nhiều khó khăn để thoải mái phát huy trí tưởng tượng về một thế giới đầy màu sắc và mơ ước.

San San không phải là một cô bé xinh đẹp hay thành tích nổi trổi ở trường học. Đó là một đứa con gái gầy gò, tóc bay tán loạn, chân hơi to quá cỡ, trong đầu lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn và những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nó thích đi lang thang trên mái nhà, trèo rào, nuôi một con mèo ú hay ăn vụng, làm bạn với một con chó rụng răng ngồi canh gốc cây chùm ruột và một con heo chuyên đi tìm nấm truffle. Con bé lớn lên trong một ngõ nhỏ ở Hà Nội vào một thời điểm đặc biệt, như Marcel Proust nói, trong một quãng thời gian đã mất.

Với "San San chân to đi Xốp", tôi vốn hy vọng các bậc cha mẹ có thể tìm lại cho mình một đoạn ký ức. Còn các cô bé cậu bé ngày nay có thể hình dung ra một chút về thời thơ ấu của cha mẹ mình những năm tháng trước.

Nhiều học sinh xếp hàng chờ chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng Ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Quỹ Đô -rê-mon (NXB Kim Đồng):

Có một thời gian, các NXB xuất bản hơi ồ ạt truyện tranh, xuất bản hơi thiếu cân bằng. Một thế hệ đọc truyện tranh là chính. Hiện nay theo tôi thấy, mặt bằng xuất bản, lượng xuất bản đã được cân bằng lại. Bên cạnh những truyện tranh (thể loại trước đây sốt thì hiện nay đã hạ nhiệt rồi) thì khi một số NXB cho in lại những cuốn sách cho lứa tuổi thiếu niên được xem là hàng "kinh điển" của Việt Nam như "Đất rừng phương Nam", 'Lá cờ thêu sáu chữ vàng", "Dế mèn phiêu lưu ký"… vẫn được nhiều người yêu thích. Ngoài ra, sách dịch cũng có nhiều sách có chất lượng tốt. Đó hầu hết là những tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới.

Khi đi mua sách, bố mẹ nên cùng đi với con. Giữa biển sách mênh mông thế, khi chọn sách, phụ huynh nên tùy lứa tuổi. Chẳng hạn, với lứa tuổi 4-6 tuổi, lựa chọn sách ít chữ thôi. Cũng nên chú ý thơ ca vì lứa tuổi này rất cần thơ ca. Phải thơ hay các cháu mới đọc. Nạn thơ dở bây giờ nhiều lắm. Đặc biệt đối với trẻ em, không nên cho các cháu đọc thơ dở.

Hiện nay, lực lượng trẻ viết thơ thiếu nhi có nhưng tác phẩm chưa hay và viết cũng chưa nhiều, thường xuyên. Những tập thơ mới, chưa thử thách được trong bạn đọc trẻ tuổi. Người ta vẫn hướng về những tác giả thơ truyền thống như Trần Đăng Khoa, Võ Quảng, Định Hải…  Sự mới mẻ phá cách của các tác giả trẻ hiện nay chưa vào được thế giới trẻ em.

Ngoài độ tuổi, bố mẹ cũng phải dựa vào sở thích con mình. Nếu cháu thích học toán, môn khoa học tự nhiên… thì các ông bố bà mẹ có thể tìm những cuốn sách về khoa học, tự nhiên, xã hội cũng như kĩ năng sống.

Đồng thời, nên hướng đến sách văn học, có thể tìm truyện cổ tích hay những tác phẩm được khẳng định qua thời gian cho con mình.

Nếu con không thích đọc sách, phụ huynh nên dành thời gian cho con nhiều hơn. Các bà mẹ nên tỉ tê ôm con vào lòng rồi đọc cho các con nghe. Bắt đầu từ truyện cổ tích chẳng hạn.

Trẻ con đại đa số đều thích cầm ipad. Tuy nhiên, khi có quyển sách, các em có thể quay sang đọc sách. Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng trẻ em hiện nay vẫn còn yêu sách. Tất cả các cháu biết chữ đều thích đọc. Vớ được cái gì có chữ là đọc. Vấn đề là các cháu đọc gì, đọc như thế nào mà thôi.

Hà - Dung

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文