Công an Tây Ninh tập trung đánh mạnh “tín dụng đen”

13:44 12/05/2019
Tại tỉnh Tây Ninh, trong thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” rất phức tạp. Các đối tượng cầm đầu sử dụng dân “xã hội đen” đi đòi nợ thuê gây mất an ninh trật tự, tạo sự hoang mang cho người dân, thậm chí đẩy một số người vay nợ đến chỗ khánh kiệt phải bỏ xứ đi nơi khác...


Theo Trung tá Đỗ Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tây Ninh, do vẫn còn một bộ phận người dân không có ruộng rẫy để trồng tỉa, phải đi làm thuê, cuốc mướn kiếm cái ăn, cái mặc. Những người này, trong lúc nông nhàn thường tranh thủ đi buôn bán kiếm thêm, nhưng vì không có vốn và thiếu hiểu biết nên đã tìm đến các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. 

Đặc biệt, tại một số khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát, có rất nhiều người nghiện cờ bạc do không đủ điều kiện sang Campuchia đánh bạc nên lén lút tổ chức các sòng lưu động để sát phạt nhau. Các đối tượng này thường không có nhiều tiền, nhưng máu ăn thua có sẵn trong người nên sẵn sàng “vay nóng” của các băng nhóm “tín dụng đen” ngay tại sòng.

Đối tượng Trần Thị Bích Liên và chiếc xe tang vật.

Các đối tượng cầm đầu băng nhóm “tín dụng đen” không đòi tiền từ các con bạc, mà chúng thường tìm đến nhà chìa giấy nợ ra cho cha mẹ hoặc anh chị em buộc phải trả nợ thay cho con bạc.

Trước tình hình phức tạp này, Phòng Cảnh sát hình sự cử trinh sát vào cuộc và ngay từ những tháng cuối năm 2016, đơn vị đã phát hiện một số băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” tại các khu chợ bằng cách cho tiểu thương vay tiền trả góp hằng ngày với lãi suất cao hơn ngân hàng 5-6 lần. 

Tuy nhiên, đa phần tiểu thương chỉ vay dăm ba trăm ngàn cho đến dưới một triệu đồng nên vẫn có khả năng trả nợ và cơ quan chức năng cũng dễ dàng tiếp cận những người cho vay để vận động họ chuyển sang nghề khác hoặc giảm lãi suất cho vay.

 Nguy hiểm nhất có lẽ là những hoạt động cờ bạc trá hình, trong đó có loại hình cá độ ăn thua thông qua game bắn cá. Sau vài tháng xuất hiện ở các khu đô thị, loại hình cờ bạc này đã vươn vòi đến tận các làng ở vùng nông thôn khiến cho nhiều người lớn bỏ bê công việc đồng áng, trẻ em bỏ học, suốt ngày đêm ôm bàn game ăn thua đủ với nhau. Lúc đầu thì mang tiền tích cóp dự phòng đi cá độ. Hết tiền thì cầm cố xe gắn máy, ti-vi, tủ lạnh, giấy tờ nhà đất để vay tiền của các băng nhóm giang hồ với lãi suất “cắt cổ”. 

Chỉ đến khi bị đám chủ nợ tìm đến gây áp lực, thậm chí đe dọa tính mạng buộc phải sang tên nhà đất, ruộng vườn và tài sản để cấn nợ thì những con bạc mới giật mình nhìn nhận thấy chỉ trong thời gian ngắn đã tự tay đẩy vợ con ra ngoài đường mà không biết làm gì để kiếm sống qua ngày.

Tờ quảng cáo cho vay tiền góp được dán khắp nơi ở Tây Ninh.

Thời điểm đó, Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các địa phương mỗi năm triệt phá hàng chục băng nhóm “tín dụng đen” và hàng chục vụ tổ chức đánh bạc có liên quan đến “tín dụng đen” như đá gà, game bắn cá…

Do tập trung đánh mạnh nên loại hình “tín dụng đen” ở Tây Ninh đã lắng xuống một thời gian, nhưng đến nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, các đối tượng cầm đầu trong đó đa phần từ các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, TP. Hà Nội… tìm vào móc nối với một số đối tượng từng có tiền án, tiền sự ở địa phương tung đàn em mở rộng hoạt động trên diện rộng. 

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng Cảnh sát hình sự đã đề xuất Ban Giám đốc Công an tỉnh mở đợt cao điểm tấn công tội phạm có liên quan đến “tín dụng đen” và triển khai đến tận các huyện, thị, thực hiện từ ngày 16-3 đến hết ngày 15-4-2019.

Chỉ trong vòng một tháng thực hiện cao điểm, phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị đã thực hiện 152 bài tuyên truyền trên các phương tiện đài phát thanh, truyền hình, tổ chức 37 buổi nói chuyên chuyên đề thu hút 3.800 lượt người dân tham gia, phát 13.000 tờ rơi… 

Một số đối tượng hoạt động “tín dụng đen” bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ.

Qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân hiểu và nhận diện được “tín dụng đen” trong đó có rất nhiều bà con sẵn sàng phối hợp với cơ quan Công an trong công tác phòng chống “tín dụng đen”, và tố giác tội phạm nếu phát hiện. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự còn phối hợp tổ chức 440 chuyến tuần tra với hơn 1.738 lượt CBCS tham gia, mời gọi, răn đe đối với 219 đối tượng có liên quan đến “tín dụng đen”, mời làm việc đối với 151 bị hại, trong đó có 79 người dân lao động, 51 đối tượng cờ bạc và 21 đối tượng nghiện hút ma túy có quan hệ với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát hình sự còn lập hồ sơ quản lý, theo dõi đối với các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”…

Chỉ trong một tháng cao điểm, Phòng Cảnh sát hình Sự phối hợp với Công an các huyện, thị và TP Tây Ninh đã triệt phá 9 băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”.

Tại địa bàn huyện Bến Cầu, vào lúc 10h ngày 26-3-2019, trong lúc tuần tra, tổ công tác phòng chống tội phạm, Công an huyện Bến Cầu đã phát hiện Trần Văn Hạnh (tên thường gọi là Sỹ), sinh năm 1980, tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk (tạm trú huyện Bến Cầu) đang thu tiền cả vốn lẫn lãi của một số con nợ trên địa bàn xã Long Khánh. 

Tại thời điểm bị phát hiện, khi các trinh sát yêu cầu về trụ sở để làm việc thì Hạnh liên tục tìm cách chống đối và cho rằng Công an bắt người vô cớ. Chỉ đến khi một số con nợ đứng ra tố cáo, Hạnh mới chịu nhận tội và khai nhận đã hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn các huyện Bến Cầu, Gò Dầu từ tháng 8-2018 đến lúc bị phát hiện với lãi suất dao động từ 25%-35%/tháng. Tổng số người vay tiền của Hạnh lên đến trên 80 người, người vay ít nhất là 2 triệu đồng và người vay nhiều nhất là 10 triệu đồng.

Cũng trong ngày 26-3-2019, Công an huyện Tân Biên đã bắt quả tang Lê Mạnh Hùng, sinh năm 1980, tại Hải Phòng và Lê Thị Tuyết Mai, sinh năm 1986 tại TP Cần Thơ, khi hai đối tượng này đang thực hiện giao dịch cho vay nặng lãi. Vụ việc được phát hiện từ đầu tháng 3 khi một tổ trinh sát trong lúc nắm tình hình địa bàn đã phát hiện hai đối tượng một nam, một nữ có dấu hiệu cho vay nặng lãi đang hoạt động trên địa bàn. 

Tuy nhiên, khi vừa xác minh được danh tính cũng như nơi ở thì hai đối tượng này đột nhiên lặn mất tăm, không thấy đi thu tiền hằng ngày như trước nữa. Rà soát lại toàn bộ quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu, nhận thấy không có gì sơ hở để đối tượng có thể phát hiện, các trinh sát quyết định tiếp cận, vận động một số người vay nợ và được một số người bật mí rằng, Hùng và Mai vừa thực hiện lại một loạt giao kèo cho vay và khi giao tiền cho người vay, chúng đã ngắt luôn tiền lãi của tuần đầu tiên nên mới không đi thu hằng ngày. 

Nhận định chắc chắn hai đối tượng này sẽ quay lại, các trinh sát cắt cử nhau theo dõi 24/24h và quả nhiên đến 15h ngày 26-3 thì Hùng và Mai đã quay lại ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên thu tiền lãi và tiếp tục mồi chài những người có hoàn cảnh khó khăn vay tiền.

Theo lời khai của Lê Mạnh Hùng, tháng 9-2018, hắn cùng Nguyễn Xuân Long, sinh năm 1969 tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, đến cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu thăm dò tình hình. Sau một tuần sục sạo khắp các xóm, ấp, cả hai nhận thấy khu vực này đã có nhiều giang hồ đang hoạt động nên đã tìm tới cửa khẩu Xa Mát thuộc huyện Tân Biên tiếp tục thăm dò.

Nhận thấy ở đây có nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn đang cần tiền làm ăn buôn bán, và nhất là đám thanh niên ham mê cờ bạc, bỏ bê ruộng rẫy, ăn theo mấy sòng đá gà, Long quyết định cử Hùng ở lại để mở mang địa bàn, còn mình trở về Hà Nội gom tiền mang vào cho vay. Trong lúc chưa dụ dỗ được mối nào vay tiền thì Hùng gặp Mai, là một đối tượng cho vay tiền trả góp trôi dạt từ Cần Thơ lên và cả hai đã nhanh chóng bén duyên rồi thuê nhà sống chung như vợ chồng ở huyện Tân Biên.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, chỉ vài tuần sau khi kết hợp với nhau, Hùng và Mai đã dụ được gần năm chục người vay tiền. Nếu người vay cần số tiền ít thì chỉ cần thế chấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân, nếu cần số tiền lớn thì thế chấp giấy tờ xe, sổ đất… Người vay sẽ phải thanh toán cho chúng theo hình thức góp cả vốn lẫn lãi mỗi ngày và lãi suất có thể dao động từ 35-60%/tháng. 

Hằng ngày, Long sẽ nhắn tin họ tên và địa chỉ nhà con nợ để Hùng đi đòi tiền, nhưng trước khi đi phải ghi ra mảnh giấy nhỏ rồi xóa tin nhắn trên điện thoại và nếu bị Công an phát hiện thì bỏ luôn miếng giấy vào miệng nhai nát nuốt vào bụng. Ngoài ra, Long cũng thỏa thuận cho Hùng hưởng thù lao cứng 8 triệu đồng/tháng và được thêm hoa hồng nếu không để con nợ giật tiền.

 Băng nhóm “tín dụng đen” mà Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an TP Tây Ninh triệt phá vào ngày 2-4 là lớn nhất. Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 3, trong lúc thực hiện cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, một tổ trinh sát phát hiện Trần Thị Bích Liên, sinh năm 1978, ngụ khu phố Hiệp Thạnh, phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh, có dấu hiệu hoạt động cho vay nặng lãi. Sau hơn một tuần triển khai các biện pháp nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, các trinh sát quyết định thực hiện phương án đấu tranh, triệt phá và đến 11h50 ngày 2-4-2019 thì bắt quả tang Liên đang thực hiện giao dịch cho vay tiền. 

Khám xét nơi ở của Liên, thu giữ 103 cuốn sổ hộ khẩu, 105 giấy chứng minh nhân dân, 20 giấy phép lái xe, 6 xe môtô và 1 xe ôtô của người vay nợ thế chấp, ngoài ra còn có 62 giấy mượn nợ, 179.310.000 đồng tiền mặt. Đặc biệt, trong két sắt của Liên còn cất giấu 121 cuốn sổ ghi chép tiền vay có tên của 1.898 con nợ với số tiền lên đến trên 18,3 tỷ đồng..

Theo lời khai ban đầu của Liên, cô ta bắt đầu thực hiện việc cho vay nặng lãi từ đầu năm 2017 cho đến lúc bị bắt. Thời gian đầu, cô ta trực tiếp đi cho vay và thu tiền góp hằng ngày. Đến giữa năm 2017, khi số người vay lên đến con số hàng ngàn thì cô ta chỉ ngồi nhà nghe điện thoại, ghi chép sổ sách rồi cho đàn em mang tiền đi cho vay và thu tiền góp mang về nộp cho cô ta. Đối tượng mà Liên cho vay chủ yếu là dân cờ bạc và những người mua bán nhỏ lẻ ở chợ Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, TP Tây Ninh.

ĐỨC CƯƠNG

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文