Công an các địa phương nỗ lực tham gia phòng, chống dịch
- Theo chân cán bộ Công an chống dịch COVID-19 tại các bến xe
- Công an Bình Dương ra quân tuyên truyền phòng chống “tín dụng đen” và COVID-19
Dồn sức chống dịch
Hai tuần qua, tại quận Ba Đình, nơi lực lượng chức năng thực hiện việc cách ly 66 hộ và 189 nhân khẩu tại phường Trúc Bạch sau khi phát hiện trường hợp bệnh nhân thứ 17 trú tại phường Trúc Bạch, với vai trò là lực lượng tham mưu và cũng là lực lượng chủ chốt đảm bảo ANTT, Công an quận Ba Đình luôn bám sát địa bàn, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức được sự lây lan của dịch COVID-19.
Thượng tá Hứa Việt Hưng, Phó trưởng Công an quận Ba Đình, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Ba Đình cho biết, ngay trong đêm 6/3, khi nhận được thông tin bệnh nhân số 17 cư trú tại phường Trúc Bạch, Công an quận đã thành lập các tổ công tác, triển khai 7 chốt cùng với sự tham gia của 40 CBCS và cán bộ của UBND phường Trúc bạch, Ban Chỉ huy quân sự quận Ba Đình thường xuyên liên tục 24/24h để thực hiện nhiệm vụ.
Sau khi dịch COVID-19 có chiều hướng bùng phát và làn rộng trên toàn thế giới, Ban chỉ huy Công an quận xây dựng kế hoạch, thực hiện phân công các lực lượng rà soát người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú trên địa bàn quận Ba Đình; rà soát số người Việt Nam trên địa bàn quận trở về từ vùng dịch để kịp thời giải quyết tình huống phát sinh dịch bệnh…
Thượng tá Võ Xuân Đương, Phó trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ hàng đầu, cần huy động quân số tối đa cho các lực lượng chức năng và đặc biệt là có sự hợp tác tham gia của người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch cho cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
Cán bộ Công an quận Ba Đình luôn trực tại khu vực cách ly ở phường Trúc Bạch. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại trụ sở UBND phường Trúc Bạch, nhiều cán bộ chiến sĩ Công a quận Ba Đình và các lực lượng chức năng thuộc các tổ công tác luôn túc trực tại chỗ 24/24h để làm nhiệm vụ. Đây chính là kế hoạch vận dụng phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; vật tư và hậu cần tại chỗ) của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của quận Ba Đình.
Thiếu tá Đào Công Chiến, Cảnh sát khu vực (CSKV) Công an phường Trúc Bạch cho biết, là thành viên trong tổ công tác tham gia túc trực 24/24h, đảm bảo ANTT và cách ly khu vực Trúc Bạch. Tuy nhiên, sau ca trực Thiếu tá Đào Công Chiến vẫn xuống địa bàn phụ trách để nắm bắt tình hình. Sau gần 10 ngày (từ ngày 7/3 đến nay), các cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác chưa hề về nhà. Mọi sinh hoạt đều thực hiện ngay tại trụ sở UBND phường Trúc Bạch.
Dù nhà không cách xa đơn vị là mấy, thế nhưng một phần vì nhiệm vụ, một phần cũng vì làm ở “điểm nóng” nên cũng phải cách ly để đảm bảo an toàn cho chính cả người thân và cộng đồng xã hội.
“Trước diễn biến phức tạp của virus SARS-CoV-2, với vai trò là lực lượng tham mưu, chủ chốt nên việc chủ động nắm bắt, trao đổi thông tin với người dân là điều hết sức cần thiết, đồng thời phối hợp tuyên truyền khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không nên quá lo lắng hay hoang mang trước diễn biến của dịch COVID-19. Do vậy, ngoài việc tham gia chốt trực thì CSKV vẫn phải sát sao với địa bàn, kịp thời trao đổi thông tin với người dân”, Thiếu tá Đào Công Chiến chia sẻ.
Cán bộ y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân trong khu vực cách ly. |
Đại úy Đỗ Quốc Minh, Phó trưởng Công an phường Trúc Bạch cho biết, để đảm bảo công tác ANTT và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn có hiệu quả, Ban chỉ huy Công an phường đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ bám địa bàn, đặc biệt là CSKV, đồng thời thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên người dân yên tâm, tin tưởng vào các phương án, kịch bản đã được thành phố, quận xây dựng, tổ chức luyện tập sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, CAP cũng chủ động nắm bắt, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn thông tin không chính xác qua mạng xã hội, internet, dẫn đến hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, gây bất ổn về trật tự xã hội.
Công an TP HCM đảm bảo an toàn các khu cách ly
Trưa 13/3, trước cửa khu cách ly Trung tâm Dạy nghề / giáo dục thường xuyên Nhà Bè đóng tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, hai cán bộ Công an thuộc Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự Công an huyện Nhà Bè và một Công an viên của xã Nhơn Đức đang túc trực tại đây.
Ngoài chốt gác mới được dựng lên để đảm bảo ANTT khu cách ly, cán bộ Công an còn phải kiểm soát địa bàn, không để kẻ xấu lợi dụng mùa dịch hoạt động phạm tội. Bên trong cánh cổng được đóng im ỉm là cuộc sống khá yên ắng của những người đang được cách ly tại đây. Có thể dễ dàng thấy được mọi người đang sinh sống một cách bình thường, không bị xáo trộn mấy.
Công an TP HCM phát khẩu trang chống dịch. |
Cách không xa khu cách ly ở xã Nhơn Đức là Bệnh viện Dã chiến cơ sở 2 đóng tại Trung đoàn Bộ binh 10 (Bộ Tư lệnh TP HCM) nằm trên tuyến đường Phạm Thị Quy, xã Phú Xuân. Bệnh viện dã chiến này có quy mô 200 giường bệnh, có ít nhất 20 giường hồi sức tích cực.
Tại khu cổng trước của Bệnh viện Dã chiến 2, lúc chúng tôi đến, cũng có hai cán bộ Công an trực chiến tại đây. Ngoài chiếc bàn xi măng của nhà dân thì các anh còn được người dân cho mượn một chiếc võng để mắc nằm nghỉ tạm những lúc mỏi mệt.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh, Cán bộ Công an huyện Nhà Bè, cho biết anh em CBCS ở đây trực theo ca đã được phân công. “Thời tiết mấy ngày nay rất nóng nực và một số điều kiện ăn uống hạn chế, việc anh em phải trực ngày đêm cũng khá mệt mỏi, nhất là ban đêm có muỗi nhiều phải đốt nhang muỗi để tránh nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo ứng trực đầy đủ, đảm bảo ANTT, kịp thời giải quyết những chuyện bất thường xảy ra”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh cho biết.
Theo chỉ huy Công an huyện Nhà Bè, trên cơ sở kế hoạch của Công an TP HCM và của UBND huyện Nhà Bè, Công an huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh triển khai thực hiện trong Công an huyện. Theo đó, Công an huyện Nhà Bè cũng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Công an huyện phân công CBCS trực chốt đảm bảo ANTT tại hai điểm là khu cách ly tại Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Nhà Bè và Bệnh viện Dã chiến 2 ở Trung đoàn 10. Lực lượng trực chốt tham gia chia làm 3 ca/ngày, mỗi ca hai CBCS, phân đều cho tất cả đơn vị, bao gồm cả Công an hai xã Nhơn Đức và Phú Xuân – nơi có điểm khu cách ly và bệnh viện dã chiến, trong đó mỗi ca trực là 8 tiếng. Bắt đầu thực hiện ứng trực từ ngày 28/2 đến nay.
Cũng theo đại diện Công an huyện Nhà Bè, hiện CBCS cũng cần được cung cấp thêm trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ để bảo đảm an toàn ở những nơi khá nhạy cảm và dễ lây nhiễm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, TP HCM có ba khu cách ly tập trung ở Nhà Bè, Củ Chi và Bệnh viện quận 7, hiện đã trang bị nhiều thiết bị tiện nghi như ti vi, tủ quần áo, wifi, nhà vệ sinh trong phòng riêng, quạt máy… Bên cạnh đó, những đồ dùng sinh hoạt cá nhân cho người được cách ly cũng được quan tâm trang bị đầy đủ. Tất cả chi phí ăn uống và dụng cụ cá nhân mà người cách ly tập trung sử dụng đều được miễn phí.
Công an phường 14 và các lực lượng khác tăng cường đến khu Chung cư Hòa Bình đảm bảo ANTT. |
Thời gian qua, Công an TP HCM đã liên tục triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng, chống dịch COVID-19. Thượng tá Thái Thanh Xuân, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết đến nay tất cả các đơn vị trực thuộc Công an TP HCM đã triển khai công tác quán triệt, tuyên truyền thông tin về dịch COVID-19 đến CBCS, nhất là kiến thức phòng, chống dịch COVID-19 CBCS biết chủ động phòng ngừa và hướng dẫn người dân trên địa bàn quản lý, người dân đến trụ sở cơ quan Công an tiếp xúc làm việc, người thân trong gia đình... các biện pháp phòng tránh.
Công an quận, huyện đã triển khai thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị; tổ chức lập danh sách số CBCS đã đi đến các vùng dịch bệnh hoặc nghi vấn tiếp xúc với người nhiễm bệnh… để theo dõi, triển khai các phương án xử lý khi phát hiện CBCS phát bệnh.
Đặc biệt, Công an TP HCM cũng đã phát hiện, xử lý một số trường hợp phát tán thông tin xuyên tạc tình hình dịch bệnh; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh…