Cùng bé vẽ lại “màu xưa” với tranh Tết Việt

14:18 04/01/2016
Dự án mỹ thuật dành cho các em thiếu nhi trên địa bàn TP Hà Nội mang tên “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” sẽ bắt đầu khởi động từ ngày 17/1 tới. Tham vọng của những người thực hiện dự án là thông qua câu chuyện thế hệ để có thể lấp dần những khoảng trống về các giá trị văn hóa dân gian trong dòng chảy đời sống đương đại.
Một không gian văn hóa khác biệt

Tranh Tết là nét đẹp không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống  của người Việt. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các làng tranh xưa lại rộn rịp in, quẩy tranh đi bán khắp các nẻo đường, mang hương xuân sắc tết đến từng nhà. Tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc, tranh làng Sình ở miền Trung, Huế là những dòng tranh nổi tiếng với những nét nghệ thuật đặc trưng.

“Chỉ là những bức vẽ đơn sơ, nhỏ bé nhưng chính những đường nét mộc mạc, sắc màu tự nhiên đã hình thành nên một thế giới quan thu nhỏ, chứa đựng những tinh hoa, tư duy và triết lý sống của người Việt. Mỗi bức tranh cũng là một thông điệp, một lời cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn”, TS Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm dự án cho biết. 

Những thành viên của dự án.

Để công chúng nói chung, đặc biệt giúp thế hệ trẻ hiểu hết các giá trị, ý nghĩa của các dòng tranh dân gian Việt, tôn vinh và khơi gợi niềm yêu thích của các em nhỏ với văn hóa truyền thống, dự án “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” do TS Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi một không gian văn hóa khác biệt.

Không chỉ  tìm hiểu tranh dân gian thông qua sách vở và hình ảnh, không gian trải nghiệm này còn mang đến những cảm giác sáng tạo thú vị đối với các em nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán. Các hoạt động như tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian; đố vui về tranh dân gian… sẽ giúp các bé được  trực tiếp tham gia vào những hoạt động chuẩn bị cho một không gian văn hóa Tết đậm đà bản sắc dân tộc.

Dự án với sự tham gia của các họa sĩ đồ họa cũng sẽ giúp các em nhỏ làm nên những sản phẩm đậm chất đương đại như thiệp chúc Tết,  bao lì xì năm mới hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian… Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng, trong sự “đứt gãy” của những giá trị văn hóa truyền thống, những dự án nghệ thuật như thế này có thể xem như nỗ lực của các nghệ sĩ tạo hình nhằm đưa các giá trị văn hóa dân gian trở về và sống trong lòng văn hóa đương đại. 

Với vai trò là diễn giả, trong khuôn khổ chương trình, TS Trang Thanh Hiền  sẽ có một buổi trò chuyện về ý nghĩa và giá trị của tranh Tết dân gian. Những bức tranh qua quá trình lịch sử đã trở thành một thành tố không thể thiếu của đời sống Việt, mang đậm hồn Việt. Sự khác biệt của các dòng tranh dân gian Việt cũng sẽ được chia sẻ trong buổi nói chuyện này.

Không chỉ tạo ra sân chơi cho các bé, dự án cũng là hoạt động tiếp tục hướng đến  mục tiêu thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Các bé tham gia sự kiện đồng thời đã đóng góp một phần kinh phí giúp các bạn nhỏ vùng cao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa đông giá rét, đón cái Tết cổ truyền bên gia đình.

Một thành viên của dự án đang chuẩn bị làm khuôn cho ngày diễn ra sự kiện.

Dự án cũng tổ chức hoạt động bán tranh dân gian cùng tác phẩm của một số họa sĩ tham dự chương trình nhằm gây quỹ thiện nguyện, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có được một cái Tết ấm áp yêu thương.

Dự án chính thức được triển khai vào ngày 17/1 tới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” được tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các câu lạc bộ mỹ thuật ở Hà Nội như: Trung tâm nghệ thuật Xanh Green Art, Rainbow Art, Vừngs Friend Club, Creative Colour, cliptretho.com…

Sau buổi khai mạc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoạt động này sẽ được tiếp tục triển khai tại số 5 Đào Duy Từ, trong khuôn khổ triển lãm “Nét Xuân”, dự kiến sẽ triển khai vào những ngày gần Tết Âm lịch. Toàn bộ kinh phí thu được từ chương trình sẽ được Ban Tổ chức gửi tặng các bé ở các điểm trường xã Yên Lạc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đây là dự án thứ 2 của nhóm “Cùng bé sáng tạo” sau dự án đầu tiên là “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” vào mùa Trung thu vừa qua. Hạt nhân của dự án là TS Trang Thanh Hiền cùng giảng viên, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam – những người nặng lòng với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Khơi gợi tiềm thức đối với văn hóa dân tộc

PV: Đây không phải là dự án khơi gợi lại giá trị truyền thống đầu tiên của cả nhóm. Văn hóa cổ truyền hẳn là một kho tàng vô tận, thưa chị?

TS Trang Thanh hiền (TS TTH): Tôi cho rằng, còn rất nhiều, rất nhiều những kho tàng nghệ thuật dân gian hiện nay chưa thực sự được khai thác trong giáo dục nghệ thuật. Nếu nói là vô tận thì cũng không sai, nếu ta biết tiếp cận kho tàng đó bằng những cách khác nhau.

Một bức tranh thuộc dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

PV: Bây giờ người ta chạy theo những xu hướng tân thời là chính, việc nhóm dự án đi ngược “mốt xã hội” ấy có già nua, lạc hậu quá không?

TS TTH: Tôi cho là không. Cách làm của chúng tôi là cách làm đã được nhiều các nước châu Á đưa vào dạy trong cách trường phổ thông.

PV: Sau dự án đầu tiên là “Cùng vẽ mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu”, kết quả thu được lớn nhất theo chị là gì? Việc thay đổi nhận thức của trẻ em thông qua những câu chuyện thế hệ như thế mang lại một tác động tích cực nào không?

TS TTH: Niềm vui lớn nhất đối với tôi sau dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt vui Tết Trung thu” có lẽ là dự án đã khơi gợi lên một tiềm thức đối với văn hóa dân tộc và sự sẻ chia giữa các thế hệ. Dự án là một sự kết nối trên nhiều mặt, giữa văn hóa đương đại và văn hóa truyền thống. Không chỉ các bé được tham dự vào cuộc chơi mà chính các vị phụ huynh đã đồng hành với con mình khám phá lại văn hóa, mỹ thuật Việt. Có nhiều phụ huynh sau dự án nói với tôi rằng, khi xem, khi cầm một chiếc mặt nạ giấy bồi thấy bình thường và hầu như chẳng có suy nghĩ gì, nhưng khi được bắt tay vào bồi, rồi cùng con vẽ, sáng tạo nên chúng mới thấy thật kỳ công; hay: những chiếc mặt nạ tưởng chừng như chỉ là đồ chơi trẻ con, không ngờ lại mang nhiều ngữ nghĩa văn hóa. Tôi cho rằng, sự thành công của dự án không chỉ là ý tưởng, cách tiếp cận mới, mà còn là do chúng tôi đã khơi được tình yêu đối với văn hóa Việt của những bậc làm cha mẹ. Họ đóng vai trò quan trọng để định hướng và làm giàu những hiểu biết cho con em mình.

Mục đích của dự án là mang đến cho các em thiếu nhi một không gian văn hóa khác biệt.

PV: Trước cơn bão kinh tế thị trường trùm lấp và tưởng chừng có thể nghiền nát những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nỗ lực tìm về những giá trị cũ mà nhóm đang thực hiện có phải là một khát vọng nhằm thay đổi tình hình?

TS TTH: Sau dự án đầu tiên rất tốt đẹp, chúng tôi lên ý tưởng khởi động dự án thứ 2, lại được mọi người ủng hộ rất nhiệt thành. Tôi cho rằng, nếu ta biết cách chia sẻ văn hóa truyền thống một cách hấp dẫn nhất thì văn hóa truyền thống sẽ có một chỗ đứng rất vững vàng. Đơn giản là văn hóa luôn năng động trong sự cộng nhập và tiếp biến, do đó chúng tôi thực sự lạc quan khi khơi lại những nét đẹp của cha ông. Trong dự án lần này, bên cạnh việc giới thiệu những cách thức in, vẽ tranh Tết của các dòng tranh dân gian, chúng tôi còn mở ra một không gian cho các con trải nghiệm tiếp cận với nghệ thuật đồ họa hiện đại từ di sản của cha ông.

PV: Vì sao đối tượng hướng đến luôn luôn là trẻ em?

TS TTH: Đơn giản là nếu khơi nguồn hướng về truyền thống cho các em từ tấm bé thì đó sẽ là hành trang cho các em trong tuổi trưởng thành sau này. Một hành trang cần thiết nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa Việt.

Đậu Dung

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文