Cùng bé vẽ lại “màu xưa” với tranh Tết Việt

14:18 04/01/2016
Dự án mỹ thuật dành cho các em thiếu nhi trên địa bàn TP Hà Nội mang tên “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” sẽ bắt đầu khởi động từ ngày 17/1 tới. Tham vọng của những người thực hiện dự án là thông qua câu chuyện thế hệ để có thể lấp dần những khoảng trống về các giá trị văn hóa dân gian trong dòng chảy đời sống đương đại.
Một không gian văn hóa khác biệt

Tranh Tết là nét đẹp không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống  của người Việt. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các làng tranh xưa lại rộn rịp in, quẩy tranh đi bán khắp các nẻo đường, mang hương xuân sắc tết đến từng nhà. Tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ rồi tranh Kim Hoàng ở đất Bắc, tranh làng Sình ở miền Trung, Huế là những dòng tranh nổi tiếng với những nét nghệ thuật đặc trưng.

“Chỉ là những bức vẽ đơn sơ, nhỏ bé nhưng chính những đường nét mộc mạc, sắc màu tự nhiên đã hình thành nên một thế giới quan thu nhỏ, chứa đựng những tinh hoa, tư duy và triết lý sống của người Việt. Mỗi bức tranh cũng là một thông điệp, một lời cầu chúc cho năm mới gặp nhiều may mắn”, TS Trang Thanh Hiền, Chủ nhiệm dự án cho biết. 

Những thành viên của dự án.

Để công chúng nói chung, đặc biệt giúp thế hệ trẻ hiểu hết các giá trị, ý nghĩa của các dòng tranh dân gian Việt, tôn vinh và khơi gợi niềm yêu thích của các em nhỏ với văn hóa truyền thống, dự án “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” do TS Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi một không gian văn hóa khác biệt.

Không chỉ  tìm hiểu tranh dân gian thông qua sách vở và hình ảnh, không gian trải nghiệm này còn mang đến những cảm giác sáng tạo thú vị đối với các em nhỏ trong dịp Tết Nguyên đán. Các hoạt động như tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian; đố vui về tranh dân gian… sẽ giúp các bé được  trực tiếp tham gia vào những hoạt động chuẩn bị cho một không gian văn hóa Tết đậm đà bản sắc dân tộc.

Dự án với sự tham gia của các họa sĩ đồ họa cũng sẽ giúp các em nhỏ làm nên những sản phẩm đậm chất đương đại như thiệp chúc Tết,  bao lì xì năm mới hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian… Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng, trong sự “đứt gãy” của những giá trị văn hóa truyền thống, những dự án nghệ thuật như thế này có thể xem như nỗ lực của các nghệ sĩ tạo hình nhằm đưa các giá trị văn hóa dân gian trở về và sống trong lòng văn hóa đương đại. 

Với vai trò là diễn giả, trong khuôn khổ chương trình, TS Trang Thanh Hiền  sẽ có một buổi trò chuyện về ý nghĩa và giá trị của tranh Tết dân gian. Những bức tranh qua quá trình lịch sử đã trở thành một thành tố không thể thiếu của đời sống Việt, mang đậm hồn Việt. Sự khác biệt của các dòng tranh dân gian Việt cũng sẽ được chia sẻ trong buổi nói chuyện này.

Không chỉ tạo ra sân chơi cho các bé, dự án cũng là hoạt động tiếp tục hướng đến  mục tiêu thiện nguyện, kêu gọi tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Các bé tham gia sự kiện đồng thời đã đóng góp một phần kinh phí giúp các bạn nhỏ vùng cao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vượt mùa đông giá rét, đón cái Tết cổ truyền bên gia đình.

Một thành viên của dự án đang chuẩn bị làm khuôn cho ngày diễn ra sự kiện.

Dự án cũng tổ chức hoạt động bán tranh dân gian cùng tác phẩm của một số họa sĩ tham dự chương trình nhằm gây quỹ thiện nguyện, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có được một cái Tết ấm áp yêu thương.

Dự án chính thức được triển khai vào ngày 17/1 tới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết” được tổ chức với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các câu lạc bộ mỹ thuật ở Hà Nội như: Trung tâm nghệ thuật Xanh Green Art, Rainbow Art, Vừngs Friend Club, Creative Colour, cliptretho.com…

Sau buổi khai mạc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoạt động này sẽ được tiếp tục triển khai tại số 5 Đào Duy Từ, trong khuôn khổ triển lãm “Nét Xuân”, dự kiến sẽ triển khai vào những ngày gần Tết Âm lịch. Toàn bộ kinh phí thu được từ chương trình sẽ được Ban Tổ chức gửi tặng các bé ở các điểm trường xã Yên Lạc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đây là dự án thứ 2 của nhóm “Cùng bé sáng tạo” sau dự án đầu tiên là “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” vào mùa Trung thu vừa qua. Hạt nhân của dự án là TS Trang Thanh Hiền cùng giảng viên, sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam – những người nặng lòng với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Khơi gợi tiềm thức đối với văn hóa dân tộc

PV: Đây không phải là dự án khơi gợi lại giá trị truyền thống đầu tiên của cả nhóm. Văn hóa cổ truyền hẳn là một kho tàng vô tận, thưa chị?

TS Trang Thanh hiền (TS TTH): Tôi cho rằng, còn rất nhiều, rất nhiều những kho tàng nghệ thuật dân gian hiện nay chưa thực sự được khai thác trong giáo dục nghệ thuật. Nếu nói là vô tận thì cũng không sai, nếu ta biết tiếp cận kho tàng đó bằng những cách khác nhau.

Một bức tranh thuộc dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

PV: Bây giờ người ta chạy theo những xu hướng tân thời là chính, việc nhóm dự án đi ngược “mốt xã hội” ấy có già nua, lạc hậu quá không?

TS TTH: Tôi cho là không. Cách làm của chúng tôi là cách làm đã được nhiều các nước châu Á đưa vào dạy trong cách trường phổ thông.

PV: Sau dự án đầu tiên là “Cùng vẽ mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu”, kết quả thu được lớn nhất theo chị là gì? Việc thay đổi nhận thức của trẻ em thông qua những câu chuyện thế hệ như thế mang lại một tác động tích cực nào không?

TS TTH: Niềm vui lớn nhất đối với tôi sau dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt vui Tết Trung thu” có lẽ là dự án đã khơi gợi lên một tiềm thức đối với văn hóa dân tộc và sự sẻ chia giữa các thế hệ. Dự án là một sự kết nối trên nhiều mặt, giữa văn hóa đương đại và văn hóa truyền thống. Không chỉ các bé được tham dự vào cuộc chơi mà chính các vị phụ huynh đã đồng hành với con mình khám phá lại văn hóa, mỹ thuật Việt. Có nhiều phụ huynh sau dự án nói với tôi rằng, khi xem, khi cầm một chiếc mặt nạ giấy bồi thấy bình thường và hầu như chẳng có suy nghĩ gì, nhưng khi được bắt tay vào bồi, rồi cùng con vẽ, sáng tạo nên chúng mới thấy thật kỳ công; hay: những chiếc mặt nạ tưởng chừng như chỉ là đồ chơi trẻ con, không ngờ lại mang nhiều ngữ nghĩa văn hóa. Tôi cho rằng, sự thành công của dự án không chỉ là ý tưởng, cách tiếp cận mới, mà còn là do chúng tôi đã khơi được tình yêu đối với văn hóa Việt của những bậc làm cha mẹ. Họ đóng vai trò quan trọng để định hướng và làm giàu những hiểu biết cho con em mình.

Mục đích của dự án là mang đến cho các em thiếu nhi một không gian văn hóa khác biệt.

PV: Trước cơn bão kinh tế thị trường trùm lấp và tưởng chừng có thể nghiền nát những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, nỗ lực tìm về những giá trị cũ mà nhóm đang thực hiện có phải là một khát vọng nhằm thay đổi tình hình?

TS TTH: Sau dự án đầu tiên rất tốt đẹp, chúng tôi lên ý tưởng khởi động dự án thứ 2, lại được mọi người ủng hộ rất nhiệt thành. Tôi cho rằng, nếu ta biết cách chia sẻ văn hóa truyền thống một cách hấp dẫn nhất thì văn hóa truyền thống sẽ có một chỗ đứng rất vững vàng. Đơn giản là văn hóa luôn năng động trong sự cộng nhập và tiếp biến, do đó chúng tôi thực sự lạc quan khi khơi lại những nét đẹp của cha ông. Trong dự án lần này, bên cạnh việc giới thiệu những cách thức in, vẽ tranh Tết của các dòng tranh dân gian, chúng tôi còn mở ra một không gian cho các con trải nghiệm tiếp cận với nghệ thuật đồ họa hiện đại từ di sản của cha ông.

PV: Vì sao đối tượng hướng đến luôn luôn là trẻ em?

TS TTH: Đơn giản là nếu khơi nguồn hướng về truyền thống cho các em từ tấm bé thì đó sẽ là hành trang cho các em trong tuổi trưởng thành sau này. Một hành trang cần thiết nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa Việt.

Đậu Dung

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文