Cuộc chiến mới giữa Tổng thống Donald Trump và mạng xã hội
- Đồng minh phản đối ý định mời Nga trở lại G7 của ông Trump
- Tổng thống Trump điện đàm, muốn mời Putin dự họp G7 trên đất Mỹ
- Ông Trump muốn huy động quân đội "mạnh tay" với tình trạng bất ổn
Ông đã sử dụng nền tảng xã hội này để bày tỏ quan điểm của mình trong mọi vấn đề. Tuy nhiên, sau sắc lệnh mới được ký hôm 28-5, không chỉ Twitter mà tất cả các nền tảng xã hội khác đều đang có nguy cơ bị xoá sổ.
Loại bỏ "miễn dịch pháp lý"
Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nền tảng xã hội bắt đầu hôm 26-5 khi Twitter bỗng dưng kiểm tra các bài đăng của ông và dán nhãn cảnh báo thông tin sai lệch lên 2 trong số những Twitter của ông chủ Nhà Trắng về vấn đề bỏ phiếu qua thư.
Ngay lập tức, trong tối 26-5, ông Donald Trump phản ứng: "Twitter đang can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Twitter đang dập tắt hoàn toàn quyền tự do ngôn luận và tôi, với tư cách Tổng thống sẽ không cho phép điều đó xảy ra".
Quản lý chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Brad Parscale cũng cáo buộc Twitter đang cố gắng ngăn Tổng thống tiếp cận cử tri. "Twitter đang sử dụng việc dán nhãn tin đăng để cố gắng cho các chiến thuật chính trị rõ ràng một sự tín nhiệm sai.
Có nhiều lý do khiến chiến dịch của ông Trump rút tất cả quảng cáo của chúng tôi từ Twitter vài tháng trước, và sự thiên vị chính trị rõ ràng của họ là một trong số đó", ông Brad Parscale cho biết.
Đáp lại sự tức giận của người đứng đầu Chính phủ Mỹ, người phát ngôn của Twitter Katie Rosborough vẫn cố gắng bảo vệ lý lẽ rằng hai tweet của ông Donald Trump có chứa thông tin sai lệch tiềm ẩn về quy trình bỏ phiếu và đã được dán nhãn để cung cấp ngữ cảnh bổ sung xung quanh các lá phiếu gửi qua thư.
"Quyết định này phù hợp với chính sách được công ty công bố trong tháng này", Katie Rosborough khẳng định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Chẳng còn gì khác ngoài việc tôi muốn xoá bỏ tài khoản Twitter". Ảnh: Getty. |
Hai ngày sau, cuộc khẩu chiến đã leo lên nấc thang mới khi ông Trump chính thức ký sắc lệnh loại bỏ cơ chế "miễn dịch pháp lý", tăng cường quyền hạn của chính phủ trong việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội.
Theo lý giải của Tổng thống Mỹ, mạng xã hội đã lạm dụng quyền "kiểm duyệt, hạn chế, sửa đổi, định hướng, che giấu và ngăn chặn" để tạo nên những dạng thức truyền tải thông tin chưa đúng, công bằng và trung lập cho người dùng mạng xã hội.
Ngoài ra, sắc lệnh mới được ký còn chỉ đạo một cơ quan thuộc Bộ Thương mại kiến nghị Ủy ban Truyền thông liên bang làm sáng tỏ phạm vi của Mục 230 của Đạo luật Điều tiết truyền thông trong xác định lại xem liệu các nền tảng xã hội có phải chịu trách nhiệm cho các bình luận được đăng bởi người dùng hay không; thúc đẩy các cơ quan liên quan xem xét lại chi tiêu của họ dành cho quảng cáo trên truyền thông xã hội…
Lệnh này cũng cho phép Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp xem xét các khiếu nại về sự thiên vị và kiểm duyệt trên các nền tảng để xác định xem họ có chạy các hoạt động kinh doanh lừa đảo hay không.
Trước sự cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã nhanh chóng tuyên bố rằng các nền tảng truyền thông xã hội không nên kiểm tra thực tế các bài đăng của Tổng thống Mỹ.
"Tôi không nghĩ rằng các nền tảng Facebook hay Internet nói chung nên là trọng tài của sự thật. Phát biểu chính trị nên được xem xét kỹ lưỡng bởi các thực thể khác nhau trên các phương tiện truyền thông", Mark Zuckerberg nhấn mạnh.
Nhưng, Twitter thì lại "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc đối đầu với ông Donald Trump khi tiếp tục dán nhãn cảnh báo vào các bài viết mới của ông trên mạng xã hội này.
Cụ thể, hôm 29-5, Twitter đã gắn cảnh báo "cổ súy bạo lực" vào bài viết được Tổng thống Mỹ về vụ biểu tình ở Minneapolis thuộc bang Minnesota với nội dung: "Những kẻ côn đồ hung dữ đó đang phá hoại việc tưởng nhớ (nạn nhân) George Floyd và tôi sẽ không để điều đó xảy ra.
Tôi đã nói với Thống đốc Tim Walz rằng quân đội sẽ luôn đồng hành cùng ông. Dù có khó khăn gì, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát được tình hình nhưng một khi cướp bóc xảy ra, súng sẽ nổ. Cảm ơn các bạn!".
Tổng thống Donald Trump từng sử dụng báo chí cho các hiệu ứng tương tự trước khi sử dụng Twitter và Facebook. Ảnh: Rex. |
Sự chia rẽ trong chính quyền
Phân tích về những động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump đối với mạng xã hội, nghị sỹ đảng Cộng hòa Florida Matt Gaetz nhận định đây là hành động cần thiết vì "Twitter đang tham gia vào cuộc can thiệp bầu cử năm 2020. Họ đang đặt ngón tay cái lên bàn cân".
Đồng quan điểm này, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đến từ bang Texas hoan nghênh quyết tâm của ông Donald Trump và mô tả mạng xã hội là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ của chúng ta và họ có thể che giấu đằng sau sự bảo vệ pháp lý đối với bài phát biểu mục tiêu mà họ không đồng ý cũng như thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị của riêng họ.
"Các mạng xã hội đang muốn định hình những gì người Mỹ nhìn thấy, nghe thấy và cuối cùng nghĩ về những vấn đề lớn mà đất nước chúng ta phải đối mặt, bao gồm cả những vấn đề nên được giải quyết và ai nên được bầu để giải quyết chúng", Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ khác lại lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ bang Oregon Ron Wyden-người ủng hộ các quyền tự do Internet thì cáo buộc ông Donald Trump đã "tuyệt vọng cố gắng tự đánh cắp sức mạnh của tòa án và Quốc hội. Tất cả vì khả năng truyền bá những lời dối trá không được lọc".
Nghị sĩ Mike Lee đến từ bang Utah thì mô tả đây là "một tiền lệ khủng khiếp, một dốc rất nguy hiểm, trơn trượt, chắc chắn sẽ bị lạm dụng bởi các chính quyền tương lai đang tìm cách điều chỉnh các bài phát biểu chính trị. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thì lưu ý rằng hành động của Tổng thống "không có tác dụng gì trong giải quyết sự thất bại hoàn toàn của các công ty Internet lớn trong việc chống lại sự lây lan bất đồng".
Một dòng tweet của ông Donald Trump. Ảnh: Getty |
Còn theo Matt Schruers, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp máy tính và truyền thông, một tổ chức có trụ sở tại Washington, đại diện cho các công ty máy tính và Internet có trụ sở tại Washington thì sắc lệnh của ông Donald Trump "có nhiều vấn đề pháp lý nghiêm trọng và khó có thể tồn tại".
Roger McNamee, người đồng sáng lập Công ty cổ phần tư nhân Elevation Partners; nhà đầu tư sớm của Facebook, Google và Amazon và tác giả cuốn sách: "Zucked: Đánh thức thảm họa Facebook" cho rằng, những gì xảy ra đang chỉ là sự đe dọa mạnh mẽ bởi ông Donald Trump "hoàn toàn phụ thuộc vào mạng xã hội và mạng xã hội cũng phụ thuộc vào ông ấy. Đó là sự cộng sinh".
"Tôi nghĩ rằng những gì Twitter đã làm ngày hôm nay thực sự rất dũng cảm. Điều đó cũng cực kỳ rõ ràng và là điều họ nên làm từ nhiều năm trước và Facebook nên làm gì đó, bởi vì nếu bạn nhìn vào khía cạnh an toàn công cộng của các điều khoản dịch vụ, thì tweet đó là một sự vi phạm rõ ràng. Và nó lại đến từ Tổng thống, có nguy cơ lớn gây tổn hại an toàn công cộng. Sự thật rằng tuyên bố của ông chủ Facebook nói lên nhiều cách tiếp cận khác nhau của hai công ty", Roger McNamee chỉ rõ.
Thực tế, từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã sử dụng Twitter để cung cấp phần lớn quan điểm và phản ứng của mình về các vấn đề chính trị.
Charlie Sykes, người sáng lập và Tổng biên tập của trang web Bulwark cảnh báo: "Tài khoản Twitter của ông ấy (Tổng thống Donald Trump-PV) là trung tâm trong nhiệm kỳ Tổng thống và ông ấy rõ ràng bị ám ảnh bởi nó. Nếu đóng cửa Twitter, rõ ràng ông ấy cũng tự tước đi một nền tảng truyền thông tốt cho mình. Nếu ông thành công trong việc thay đổi luật, điều đó sẽ gây tác dụng ngược với lợi ích của ông ấy".
Còn Viện Doanh nghiệp cạnh tranh (CEI) lại bày tỏ lo ngại rằng lệnh này có thể dẫn đến một loạt các vụ kiện phù phiếm. "Các trách nhiệm pháp lý mới sẽ kìm hãm sự đổi mới bằng cách đưa ra các rào cản không thể vượt qua của mục nhập cho những người mới nổi.Mệnh lệnh được thực hiện một cách phô trương để tăng cường bảo vệ tự do ngôn luận, thay vào đó sẽ có tác dụng ngược lại bằng cách cho phép các quan chức chính phủ xác định điều gì được chấp nhận và điều gì không", CEI bình luận.