Cướp lộc chùa, liều thuốc nào cho sự mê tín

22:05 07/02/2017
Hình ảnh những người đi lễ lao vào nhau để tranh giành cướp lộc vô tình đã biến nét đẹp văn hóa của người Việt trở thành một thói quen xấu xí, biến cửa chùa thanh tịnh trở thành nơi nhốn nháo, xô bồ.


Đầu năm nhiều người thường du xuân lễ chùa để cầu may mắn, mạnh khỏe, bình an cho cả một năm mới. Thế nhưng khi phú quý sinh lễ nghĩa thì đi chùa không còn đơn giản là để cầu an, xin lộc. Hình ảnh những người đi lễ lao vào nhau để tranh giành cướp lộc vô tình đã biến nét đẹp văn hóa của người Việt trở thành một thói quen xấu xí, biến cửa chùa thanh tịnh trở thành nơi nhốn nháo, xô bồ.

Chuyện tranh cướp lộc ở các đền chùa không phải bây giờ mới được nhắc đến, mà đã trở thành đề tài được bàn tán khá lâu. Thế nhưng khi hình ảnh những con người  mũ cao, áo dài, văn minh lịch sự lao vào nhau, giẫm đạp lên nhau để tranh giành cướp lộc trong lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) và đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt thì dường như mọi thứ đã bị đẩy lên đến mức đỉnh điểm.

Sáng 2-2 (tức mùng 6 Tết), lễ khai hội chùa Hương diễn ra tại chùa Thiên Trù thu hút hàng trăm tăng ni phật tử. Theo thông lệ, thầy trụ trì sẽ phát tặng lộc cho phật tử và du khách có mặt tại sân chùa ngay khi khai hội kết thúc.

Tuy nhiên, trái với việc đón nhận một cách văn minh, lịch sự, nhiều người bất chấp mọi thứ xung quanh chen lấn, xô đẩy, thậm chí giày xéo, giẫm đạp lên nhau chỉ với mong muốn cướp được một phần lộc. Những hình ảnh tưởng chừng chỉ có ở những khu chợ búa nay diễn ra ngay tại các sân chùa.

Cũng trong sáng 2-2, hàng trăm thanh niên lao vào tranh cướp hoa tre tại lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Sân đền lại chứng kiến cảnh tượng cũ. Và những người chứng kiến, những người tổ chức lễ hội thì cho rằng, “thế mới đúng là đi lễ”.

Đền Gióng “thất thủ” khi quá nhiều người tranh cướp lộc.

Không biết tự khi nào người Việt lại “sính” đi cướp lộc đến thế, chẳng phải vì đói ăn, bởi cuộc sống bây giờ đã quá đủ đầy. Trước đây, chuyện cướp lộc, xin lộc, xin dải ấn, hoa tre, quả phết… chỉ diễn ra ở các đình, đền, hoặc trong một số lễ hội dân gian. Nhà chùa không phải là nơi để người ta làm chuyện tranh cướp lộc thánh lộc thần.

Lộc của nhà chùa đơn giản đôi khi là tượng Phật, có khi là bao diêm, có khi là ít muối…Người đi lễ chùa khi về sẽ được nhà chùa tặng cho từng phần lộc và nhận quà với một tâm thế cung kính, thành tâm. Thế nhưng nhiều người tâm niệm rằng có được chút lộc đầu năm của nhà Phật trong tay là sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi, năm mới công việc hanh thông, làm ăn phát tài phát lộc, vì thế họ lao vào giành giật chẳng khác gì cướp tiền cướp của. Và hình ảnh vị sư trụ trì ở chùa Thiên Trù tung từng phần lộc như rải thức ăn cho gà, cho cá để các con nhang đệ tử lao vào giẫm đạp, cấu xé để giành giật vô tình đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có của những Phật tử đi hành hương về chốn thiền tịnh.

Đi chùa là để cái tâm thanh thản, để có một không gian thanh tịnh rũ bỏ bụi trần, nhìn nhận lại bản thân những gì đã làm và chưa làm được để sống tốt hơn, có ích hơn cho xã hội. Thế nhưng khi cuộc sống đủ đầy, phú quý sinh lễ nghĩa, người ta lại tìm đến cửa Phật để cầu tài, cầu lộc được nhiều hơn.

Chẳng thế mà nhiều năm trở lại đây, các chùa lớn ở miền Bắc lúc nào cũng nườm nượp người đi lễ. Ôtô, xe máy, xe biển xanh dập dìu đi trảy hội. Thậm chí nhiều trường học xung quanh phải cho học sinh nghỉ học để trưng dụng làm nơi gửi xe, để tránh cảnh tắc đường, nhốn nháo…

Đầu năm đi xin lộc, cuối năm đi tạ lễ, điều đó đã trở thành quy luật của những tăng ni phật tử mê muội tin rằng, chính việc năng đi lễ chùa, xin lộc đã giúp họ có được cuộc sống no đủ. Và khi càng đủ đầy, họ càng tìm đến cửa Phật như một chỗ dựa tâm linh vững chãi hi vọng sẽ có được tài lộc bền vững.

Thế nhưng kinh Phật đã dạy rằng: “Ta không ban phước, không giáng họa cho ai hết mà chính các người lãnh cái quả do mình gây ra”, nghĩa là: Mọi hành động của con người đều có nhân - quả. Người tạo nhân tốt lành, thường xuyên làm việc thiện thì quả tốt lành đương nhiên sẽ đến với họ mà thôi”.

Một người bị ngất xỉu ở Chùa Hương vì đi xin lộc đầu xuân.

Nhiều người đi lễ Phật sẵn sàng chi cả chục triệu để sắm sửa lễ vật cúng tiến, sẵn sàng công đức cả trăm triệu, thế nhưng với người nhà, anh em, họ hàng với những người nghèo khó thì lại không bao giờ bỏ ra lấy một đồng thì liệu đi lễ Phật có ích gì. Phật là ở tại tâm, có tâm làm việc thiện, có tâm làm điều tốt thì ắt hẳn sẽ được hưởng lộc.

Năm nào cảnh tượng cướp lộc cũng diễn ra ở các lễ hội lớn, thậm chí ở cả các hội nhỏ khi mà người ta đã quá mù quáng tin rằng cướp được chút lộc đầu năm sẽ may mắn, thuận lợi trong cả năm. Nói mãi nhưng cũng chẳng ai rút được kinh nghiệm khi mà những suy nghĩ mê tín ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Trước đây mỗi lần chờ đợi khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng ngoài chùa, tôi lại thấy những cảnh tượng giành giật từng ngọn cây, cái lá, nén hương của những người đi lễ. Bằng mọi giá họ phải lấy được một chút lộc mang về nhà mừng năm mới và khi đã ai về nhà nấy thì sân chùa cũng tan hoang khi cây cối đổ rạp, rác ngập sân chùa.

Nhiều năm nay tôi không còn thói quen đi lễ Phật ở những nơi được coi là linh thiêng, xin gì được nấy như nhiều người vẫn ca tụng. Nhìn cảnh nhốn nháo, người người chen lấn xô đẩy, nhét tiền vào tay tượng Phật, hay ném tiền một cách vô ý thức vào các ban tôi lại chạnh lòng.

Tôi thường lui tới những ngôi chùa nhỏ ở gần nhà hay chùa ở quê để được thong dong, tự tại trong không gian thanh bình, tĩnh lặng theo đúng quan niệm đi chùa để cầu an. Nếu cầu tài cầu lộc ở chốn cửa Phật được như ý muốn thì có lẽ cả xã hội này đã chẳng còn có người nghèo khó, ốm đau, bệnh tật.

Người dân tranh nhau xin lộc Chùa Hương.

Tôi có quen một người bạn mê tín đến nỗi, đi đâu làm gì, chị cũng đến nhờ sư thầy xem giúp. Con cái đi học hành, ốm đau, hay bệnh tật chị cũng nhờ xem chuẩn giờ, chuẩn ngày mới được đi, về… Bận rộn công việc làm ăn nhưng tháng nào chị cũng đi lễ hơn chục lần. Có lộc làm ăn cũng lễ, ốm đau cũng đi lễ, làm ăn không thuận lợi cũng lễ, con cái thi cử, xin việc cũng lễ… không việc gì là không viện đến lễ Phật. Còn chuyện cướp lộc thì như “cơm bữa”. Có lần đi lễ cùng, chị còn dặn tôi đứng ngay hàng đầu để khi sư thầy phát lộc là lấy được ngay không bị tranh cướp, tôi chỉ cười.

Hạnh phúc, tài lộc không phải do đi tranh cướp mà do tự mình tạo ra. Nếu hỏi những người từng đi cướp lộc, rằng năm đó họ có may mắn, thuận lợi không, người bảo có, người sẽ lắc đầu nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, hầu hết họ đều nói của nhà chùa nhiều may mắn tội gì không đi tranh cướp.

Dường như họ đã quên mất một điều, chốn của Phật là chốn thanh tịnh, việc tranh cướp như ngoài chợ ngay chốn cửa thiền đã biến họ thành những con người xấu xí và vô tình khiến cửa Phật trở thành nơi nhốn nháo, lộn xộn. Thế nên việc tổ chức các lễ hội cũng cần hết sức thận trọng, cần phải quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm cẩn hơn, tuyệt đối tránh việc phát lộc, phát lễ kiểu người có người không, dễ kích động lòng tham, nảy sinh tranh cướp.

Cổ nhân đã dạy “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Hãy làm những điều tốt, điều thiện cho chính người thân trong gia đình, bạn bè, những người khó khăn xung quanh thì ắt những điều tốt đẹp sẽ đến. Không phải cứ ai năng đi lễ chùa, năng rải tiền, xin lộc là có được tài lộc, may mắn quanh năm. Cuộc đời có nhân có quả, gieo nhân nào gặt quả nấy. Gieo mầm thiện ắt gặp điều hay. 

Đi lễ chùa chỉ để tâm thanh thản, để tự răn mình làm nhiều việc thiện hơn. Người đi lễ chùa đâu cần phô trương, tiêu tốn tiền bạc một cách lãng phí. Đôi khi chỉ là nhành hoa, trái cây, thẻ hương hay một chút tiền nhỏ công đức cho nhà chùa để duy tu, sửa chữa. Giữ gìn được nét đẹp văn hóa khi hành hương về cõi Phật đó mới là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Mai Ngọc

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại TP Hồ Chí Minh - một lần nữa khẳng định ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Điện Biên, ngày 30/4, lực lượng chức năng phòng chống ma túy tỉnh Điện Biên vừa triệt phá thành công một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô lớn, xuyên quốc gia, bắt giữ ba đối tượng cùng 50 bánh hồng phiến.

Với doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh lãi suất, tài sản bảo đảm là cản trở lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn ngân hàng: doanh nghiệp thiếu tài sản, ngân hàng sợ rủi ro. Tình trạng này không mới, nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng, cần những giải pháp đột phá để giải quyết mâu thuẫn này.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, đây là một trong các vụ án ma túy có số lượng bị can bị khởi tố trong cùng 1 vụ án lớn nhất cả nước từ trước đến nay, với 73 bị can. Tính từ khi vụ án được khởi tố và chuyên án được xác lập trong thời gian khoảng 10 tháng, khối lượng công việc các thành viên phải thực hiện rất lớn. Quá trình đấu tranh, mở rộng vụ án, đồng thời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thông tin về đối tượng cần điều tra, mở rộng truy bắt ít, rất khó xác định được nhân thân… 

Đúng ở thời điểm nổi tiếng nhất, Hoàng Vũ Samson lại gắn liền với nhiều tai tiếng. Đúng ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, Samson lại không nhận được tín hiệu từ ĐT Việt Nam. Và khi "Những chiến binh sao Vàng" mở cửa với các cầu thủ nhập tịch gốc nước ngoài, Samson lại ở sườn dốc bên kia sự nghiệp. 

Sau bài viết “Tái diễn thu mua, chế biến gỗ trái phép ở Thanh Hoá”, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản ánh, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn ra tình trạng tương tự… Dường như, mọi chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá và chính quyền các huyện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước nối liền một dải, Việt Nam hiện lên trong mắt truyền thông quốc tế là một quốc gia vững vàng, độc lập, không ngừng phát triển và hội nhập, người Việt Nam tử tế và hiếu khách. Đại lễ 30/4/2025 không chỉ là dấu mốc lịch sử, mà còn lan tỏa niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc tới bạn bè năm châu. 

Để thu hút doanh nghiệp, các địa phương đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung với hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc đầu tư này thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện nhưng vẫn tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy, nhất là về môi trường.

Trong báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội mới đây cho biết, hiện cả nước có khoảng 2,21 triệu người lao động không được khai thác hết tiềm năng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và thân nhân các gia đình có người được đặc xá tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.