Cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Toản và những ám ảnh của quá khứ

14:49 20/07/2016
Ông Toản không nhớ mình đã trở về mảnh đất này bao nhiêu lần. Mỗi lần trở về đây, ông như trở về nhà, thân thuộc từng cành cây, ngọn cỏ. Lần này, ông đi tiền trạm cho lễ giỗ chung của các cựu tù Côn Đảo vào 20 tháng 6 âm lịch mà ông là một trong những người khởi xướng.

Những ngày tháng bảy này, ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S, chúng ta cũng cảm nhận được những nỗi đau của chiến tranh, dù quá khứ đã lùi xa. Và trong những ngày tháng bảy nắng cháy ấy, tôi đã có mặt ở Côn Đảo, trò chuyện với một cựu tù Côn Đảo- một Anh hùng Lao động, người đang dành quỹ thời gian ngắn ngủi của mình ngược dòng thời gian, đi tìm lại tên tuổi cho đồng đội của mình, những người đã hy sinh ở Côn Đảo ngày  ấy. Ông là tiến sĩ, Anh hùng Lao động Bùi Văn Toản.

Chủ trì lễ giỗ chung của tù Côn Đảo

Ông đã ngoài 70 tuổi, mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, nhưng  đối với con người đã từng vào sinh ra tử ấy thì cái chết không còn quan trọng nữa. Ông tận dụng những khoảng thời gian còn lại, chạy đua với thời gian để làm nốt những công việc cuối cùng, cho Côn Đảo, cho những người đồng đội đã không trở về.

Ngay khi tôi ngồi cạnh ông, nghe ông kể những câu chuyện về đồng đội mình, tôi vẫn nhìn thấy khóe mắt ông loáng nước, giọng đôi lúc nghẹn lại.

Ông thấy mình mắc nợ với người đã khuất, một gánh nợ mà ông đã dành cả quãng đời còn lại để trả bằng những chuyến đi, những công trình nghiên cứu về Côn Đảo, bằng những ghi chép cụ thể về số phận của những tù nhân trên mảnh đất đau thương này.

Ông Toản không nhớ mình đã trở về mảnh đất này bao nhiêu lần. Mỗi lần trở về đây, ông như trở về nhà, thân thuộc từng cành cây, ngọn cỏ. Lần này, ông đi tiền trạm cho lễ giỗ chung của các cựu tù Côn Đảo vào 20 tháng 6 âm lịch mà ông là một trong những người khởi xướng.

Ông Toản ngày đêm vẫn miệt mài đọc sách, sưu tầm tài liệu về tù Côn Ðảo.

"Chúng tôi chọn ngày đám giỗ dựa trên hai tiêu chí, đó là ngày nhiều người chết nhất và nhất thiết phải là ngày âm lịch theo quan niệm của người Việt. Trong hồ sơ Pháp và Mỹ để lại, chỉ có ngày dương lịch, do đó phải quy đổi, sau khi nghiên cứu tôi thấy năm 1942 là năm nhiều người mất.

Trong 12 tháng, tháng 8 có số người chết nhiều nhất và ngày mồng một cũng có số người chết đông nhất. Từ ngày 1 tháng 8 năm 1942 quy ra ngày âm lịch ngày 20 tháng 6, chọn ngày đó làm đám giỗ chung cho những người đã nằm lại Côn Đảo".

Đây là năm thứ 4, lễ giỗ này sẽ được tổ chức trang trọng tại nghĩa trang Hàng Dương. Tôi đứng lặng bên ông trước nghĩa trang Hàng Dương giữa bạt ngàn những ngôi mộ, hàng ngàn người tù Côn Đảo đã nằm lại và rất ít người trong số họ có một cái tên, một ngày mất. Những nấm mồ vô danh.

Và ngay cả dưới mỗi tấc đất kia, có biết bao người đã hòa mình trong đất, không có nổi một nấm mồ.

Tâm nguyện của ông Toản và những người cựu tù Côn Đảo là có một ngày giỗ chung cho tất cả những người đã khuất, để họ biết rằng, đồng đội, những người may mắn sống sót năm xưa vẫn luôn nhớ đến họ, đau đáu một nỗi niềm, đi tìm lại tên tuổi, ngày mất cho họ.

Trả nợ cho người đã khuất

Tôi hỏi ông, điều gì khiến một người lính may mắn được trở về từ địa ngục trần gian như ông lại lọ mọ trên từng chặng đường, để đi tìm lại tên tuổi, tư liệu để viết nên công trình nghiên cứu về Côn Đảo, trong đó có bộ sách quý nặng hơn 10kg, ghi lại toàn bộ tên tuổi, ngày mất của hơn 3000 tù nhân Côn Đảo.

Ông lặng người: "Tôi nhớ đồng đội, những người đã mất, thầm lặng, không biết ngày mất, không còn một dòng địa chỉ.

Nhiều người còn bị nhầm tưởng là ăn trộm, ăn cướp (ở Côn Đảo còn có tù thường phạm). Tôi thấy đau xót vô cùng. Và tôi dám chắc, linh hồn người đã khuất cũng như gia đình họ rất đau lòng vì điều đó. Tôi thấy mình mắc nợ với người đã khuất".

Ông Bùi Văn Toản từng là sinh viên trường Luật Sài Gòn, trong lần bị bắt thứ hai, ông bị địch đày ra Côn Đảo. Những năm tháng gian khổ bị giam ở trại câu lưu 6B, nhà tù Côn Đảo, ông Bùi Văn Toản  vinh dự được giao giữ nhiệm vụ biên tập, trình bày báo và một nhiệm vụ tối quan trọng khác là lập danh sách toàn trại để khi có dịp thì chuyển ra ngoài đấu tranh yêu cầu trao trả tự do. Mối duyên ghi chép, sao lục đến từ đấy, nhiệm vụ lưu giữ thông tin của những người bạn tù cũng đến từ đấy.

Có khi một mảnh giấy pơ luya vừa ghi chép xong đã phải bỏ vào miệng nhai nuốt vì sợ bị phát hiện. Có khi một bạn tù vừa rỉ tai tên tuổi, quê quán, thì ngày mai đã bị tra tấn, đánh đập đến chết.

Và cái còn lại duy nhất trên đời của họ là chút thông tin trên mảnh giấy vụn. "Tôi nghĩ đến bố mẹ, người thân của họ và thấy mình may mắn vì còn sống sót trở về. Tôi không muốn để những cuộc đời, những số phận rơi vào vô tăm tích như thế, đau lòng lắm".

Ông Toản trở thành chuyên gia về tù Côn Đảo, đó cũng là cách ông trả món nợ với người chết. Và vì món nợ đó, ngày ra tù, công tác mấy năm ông xin nghỉ hưu sớm, dành toàn bộ tâm sức cho hành trình đi tìm lại danh sách, địa chỉ của những người đã mất ở Côn Đảo.

Sau hơn 10 năm âm thầm sưu tầm, tra cứu một khối lượng tư liệu khổng lồ, gặp gỡ hàng trăm đồng đội cũ, ông đã hoàn thành bộ sách "Nhà tù Côn Đảo - Danh sách hy sinh và từ trần 1930-1975" gồm 7 tập, in chung với thông tin của 3.276 người đã mất.

Hơn 10 năm ấy ông Toản đã xử lý một lượng tài liệu khổng lồ, đã học thêm phần mềm access để xử lý số liệu, rồi để có thêm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu của mình, ông đã trở lại giảng đường, khai thác những đề tài về Côn Đảo để làm luận văn thạc sĩ và năm 2011, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học về Côn Đảo. Cũng năm đó, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhưng có lẽ vất vả nhất là việc ông xuất bản và đưa những cuốn tài liệu rất quý ấy đến tay những người cần nó. Những cuốn sách dày cả ngàn trang mang tin tức về mấy ngàn người tù Côn Đảo chẳng thể mang ra bày bán, cũng không có doanh thu.

Rời Côn Đảo trong một ngày nắng cháy, tôi bị ám ảnh bởi tiếng nói trầm đục và cái dáng liêu xiêu, bé nhỏ của ông Toản.

Và ngay cả khi tôi đang ngồi viết những dòng này thì tiếng nói và những câu chuyện của ông vẫn còn vọng bên tai, như tiếng vọng từ quá khứ dội về trong tôi, một quá khứ mà nếu không có những người như ông, chúng ta chỉ mới chạm được một phần nhỏ của sự thật.

Và chắc hẳn, những con người vô danh đã nằm lại ở mảnh đất xa xôi kia cũng ấm lòng, bởi cuộc đời họ đã không rơi vào vô tăm tích vì vẫn còn lại những cái tên, những dòng địa chỉ…

Việt Hà

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã làm rõ sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) trong việc: Khai thác quặng titan vượt nhiều lần trữ lượng, công suất theo Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp; Khai thác, xuất bán quặng titan nguyên khai không qua chế biến, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.

Như Báo CAND đưa tin, Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm do đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cầm đầu. 16 đối tượng trong băng nhóm phạm tội gì, hoạt động phạm tội cụ thể của băng nhóm này như thế nào, chúng tôi tiếp tục thông tin cùng bạn đọc...

Liên quan đến vụ việc một nhóm thanh niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn nghiêm trọng cho người tham gia giao thông tại Hà Nội, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có ý kiến chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngày 7/11, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng 141 và công tác phòng, chống tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP, chủ trì hội thảo.

Ngày 7/11, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm có kháng cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo thuộc đoàn Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, bị cáo Nguyễn Cao Trí và bị hại…

Đối tượng Phạm Đức Bình (tức Bình "Kiểm", SN 1970), trú tại Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều tiền án, tiền sự, từng cầm đầu băng nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm trước đây. Bình có bản tính lỳ lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.

Nhắc lại vụ Công ty Pharos của FLC nâng vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ trong 3 năm 2014-2016; vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu để tránh "sự đánh tráo" với các nhà đầu tư.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文