Đám cưới thời chiến của người lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-4

12:00 01/05/2020
Tròn 45 năm trôi qua nhưng ký ức thời khắc chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4 vẫn còn nguyên với chiến sĩ lái xe tăng Nguyễn Văn Tập. Những ký ức về đồng đội, những câu chuyện chiến tranh của người lính già vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, câu chuyện tình với cô thôn nữ sau lần nghỉ phép của ông mà ít người được biết.


Viết thư báo công với bố

Những ngày cuối tháng 4, không khí của gia đình ông Tập (hiện trú tại thôn Đại Lương, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lại rộn ràng. Bởi, cứ đến dịp này, ngôi nhà ấy như một địa chỉ quen thuộc để con cháu, bạn bè trở về chúc mừng ông, một nhân chứng sống cho chiến thắng lịch sử 30/4.

Ông Tập kể với chúng tôi những kỷ niệm thời chiến với giọng đầy hào sảng, tưởng như chuyện mới diễn ra hôm qua. Ông bảo, mình là người may mắn được tham gia, được tận mắt chứng kiến giây phút lịch sử. Đã có bao nhiêu đồng đội, đổ xương máu cho đất nước nhưng không được chứng kiến ngày đất nước độc lập.

Bốn người lính trên xe tăng 390 (từ trái qua): ông Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng trong ngày hội ngộ 30/4/2005. Ảnh: AFP   

Ngày ấy, Nguyễn Văn Tập thuộc diện không phải đi bộ đội vì trên đã có hai anh ruột đang tham gia kháng chiến chống Mỹ (ông là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em). Học hết lớp 7, Nguyễn Văn Tập được tuyển vào trường Cơ khí 2 (Bộ Công nghiệp nặng) tại Vĩnh phúc. Đến năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt nhất, đặc biệt là chiến trường miền Nam, Tập tự nhủ, việc quan trọng lúc này là giải phóng đất nước, phải tiếp nối truyền thống gia đình. Vậy là chàng thanh niên quyết định viết tâm thư gửi lãnh đạo nhà trường với mong muốn được lên đường nhập ngũ, nối gót các anh. Hai tháng sau, nguyện vọng ấy được nhà trường đồng ý.

Sau 4 tháng huấn luyện tại Triệu Sơn (Thanh Hóa), với những phẩm chất đặc biệt, Nguyễn Văn Tập được chọn vào tiểu đoàn 512, Trung đoàn 203 xe tăng. Ông Tập kể lại: “Ban đầu nhận xe tăng loại T54B, đây là loại xe mới. Đến cuối năm 1972, do nhiệm vụ nên cấp trên bàn giao chiếc xe  này cho đơn vị khác và tôi nhận loại xe tăng T59 (xe 390), đây là xe tăng của Trung Quốc đã qua sử dụng và chiếc xe này gắn bó với tôi đến lúc rời quân ngũ, phục viên”.

Ê kíp trên chiếc xe tăng ban đầu có 4 người, gồm: Quảng Đức Đán (Vĩnh Phúc) - Chính trị viên đại đội, chỉ huy xe; Lê Tiến Hùng (Phú Thọ) - pháo thủ số 1; Nguyễn Văn Tráng (Thanh Hóa) – pháo thủ số 2 và Nguyễn Văn Tập là lái xe. Khoảng năm 1973, do nhiệm vụ công tác nên có nhiều thay đổi vị trí.

Ông Tập và vợ ôn lại kỉ niệm một thời.

Đến ngày 28/4/1975, khi chuẩn bị tiến vào Dinh Độc Lập thì kíp xe tăng 390 gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội kiêm Trưởng xe; Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1; Thiếu uý Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2; Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2).

Khoảng 7h sáng 30/4/1975, Đại đội  của tôi đã chiếm lĩnh được đầu cầu Sài Gòn. Khi đến gần Dinh Độc Lập, xe 390 phát hiện xe 843 của anh Bùi Quang Thận đang tiến về hướng cổng chính Dinh Độc Lập nhưng không hiểu sao lại rẽ sang lao vào cổng phụ bên trái và khựng lại. “Thấy vậy tôi quay ra hỏi anh Toàn và anh Toàn nói: "Cứ tông thẳng vào". Nghe hiệu lệnh của chỉ huy, tôi lập tức nhấn ga, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập lao vào trong sân”.

Sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập, đến 13h30 chiều cùng ngày, xe của ông nhận được lệnh rút khỏi Dinh ra bảo vệ tân cảng Sài Gòn và khoảng 1 tuần sau khi tình hình ổn định, ông được lệnh rút về Long Bình (Đồng Nai) đóng quân. Về đến địa điểm mới, ông cùng đơn vị xây dựng lán trại, phân công nhiệm vụ và lúc này ông mới có thời gian viết thư về cho bố và người thân ở quê nhà.

Ông Tập còn nhớ như in dòng thư mình viết về cho gia đình, ông đọc vanh vách đoạn thư cho chúng tôi: “Con đã hoàn thành nhiệm vụ và xe tăng 390 do con lái húc đổ cổng Dinh Độc Lập đầu tiên…”.  “Khi nhận được thư của tôi và biết được chiếc xe tăng của tôi húc đổ cổng Dinh Độc Lập, bố tôi cùng người thân vui lắm, đi kể với mọi người trong làng, ngoài xã”, ông Tập xúc động kể lại.

Ông Tập cùng đồng đội trên chiếc xe tăng số hiệu 390 huyền thoại.    

Ngày đó, Ban tuyên truyền của xã còn vẽ hình ông Tập đứng bên chiếc xe tăng 390 lên tấm cót, sau đó đi trong xã để cổ động. Tuy nhiên, sau 20 năm (1995) không ai nhắc đến nữa, có thể do yếu tố lịch sử và cũng một phần bận lo toan với cuộc sống nên câu chuyện ấy gần như chỉ còn là ký ức.

Mãi đến ngày 8/3/1995, nữ nhà báo Pháp Phrăngxoa Đơ Mun-đơ cùng anh Phạm Công Dũng (Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao) và lãnh đạo các cấp về gia đình để xác minh tìm sự thật thì chiếc xe tăng 390 cùng 3 đồng đội của ông Tập thì mọi người mới được biết đến.

Được bố tìm, hỏi vợ 

Sau giải phóng, ông Tập ấp ủ mong muốn trở lại trường cũ để tiếp tục theo học, tuy nhiên vì nhiều lý do mà việc học của ông phải dở dang. Về quê, ông tham gia công tác ở hợp tác xã, có thời điểm ông làm Phó Chủ nhiệm HTX. Tiếp đó, ông làm bưu tá (đưa thư) cho UBND xã Hoàng Diệu.

Sau khi chương trình “Huyền thoại chiếc xe tăng 390” được phát sóng trên VTV năm 2004, mến mộ những chiến sĩ trên xe tăng 390 huyền thoại, PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty sơn Kova nhận ông Vũ Đăng Toàn (xã Yết Kiêu, cùng huyện Gia Lộc, Hải Dương) và ông Tập vào làm việc. Đến Tết 2020, ông Tập xin nghỉ sau 16 năm gắn bó với công việc  lái xe nâng kiêm thủ kho.

Nhắc đến chuyện tình yêu, ông Tập không tránh được vẻ ngượng ngập, ông bảo: “Tình yêu thời lính ấy mà”. Năm 1974, ông được đơn vị cho về phép, người thân trong gia đình giục lấy vợ. Thấy bố nói đến chuyện vợ con, Nguyễn Văn Tập không khỏi ngỡ ngàng bởi cho tới lúc ấy chưa có “mảnh tình vắt vai”, nói gì đến chuyện cưới hỏi. Chưa kịp hỏi lại thì bố ông đã nói: “Cái đó để bố lo…”. Ngay sau đó, bố ông đã nhờ người thân trong họ đi tìm vợ cho con mình.

Những ký ức về giây phút lịch sử húc đổ cổng Dinh Độc Lập vẫn còn nguyên vẹn với người lính già.

Ông Tập kể: “Ngày ấy, bố tôi kể tên nhiều cô gái trong làng tuổi đôi mươi chưa xây dựng gia đình. Khi nói đến cô nào, bố tôi kể vanh vách về tính cách cũng như gia đình cô gái đó, trong đó có vợ tôi bây giờ. Sau khi “chấm” được vợ tôi bây giờ, bố tôi nhờ người làm mối, đánh tiếng để tôi đến tìm hiểu và khi vợ tôi đồng ý thì gia đình có cơi trầu đến nói chuyện. Sau đó, lễ cưới của vợ chồng tôi diễn ra đúng ngày mùng 4 Tết Ất Mão năm 1975. Lễ cưới ngày đó đơn giản lắm nhưng vui, cỗ bàn có khoảng chục mâm, còn quà tặng chủ yếu là vật phẩm như: thau, chậu. Nếu tính từ khi tôi về phép, cưới vợ xong và quay trở lại chiến trường khoảng 1 tháng”.

Ngồi cạnh bên chồng, bà Tiến (vợ ông Tập) rưng rưng nhớ lại, năm 16 tuổi bố đẻ của bà mất trong một lần bị bom bi của Mỹ thả ngoài đồng, trong khi bà là chị cả trong nhà có 7 người con.

Cuộc sống khó khăn trăm bề, các em còn nhỏ nên bà chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng dù cũng có nhiều người tìm hiểu. Thế nhưng, khi được mai mối với ông Tập thì bà đã xiêu lòng bởi tính thật thà, chất phác của người lính. Bà đã đồng ý nên duyên chồng vợ với ông Tập mà đến giờ bà Tiến không hiểu tại sao mọi thứ diễn ra nhanh đến thế. “Có lẽ cũng là do duyên số nên tôi với ông ấy đến được với nhau. Chúng tôi có với nhau 3 mặt con, chúng nó đã lớn khôn, công việc, con cái ổn định cả rồi”, bà Tiến kể.

Phong Anh

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文