“Đất chín rồng”chờ cất cánh?
- Đầu tư 64.554 tỷ đồng xây 7 tuyến cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Ngày hội kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long
- Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
- Du lịch đồng bằng sông Cửu Long phục hồi sau dịch
- Bảo tồn, phát triển những vùng đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long
Nhưng điều rất đáng nói là dù nhiều tiềm năng, nhiều điều kiện thuận lợi nhưng dân miền Tây số đông vẫn nghèo. Có nhiều cách để lý giải điều này. Riêng ở góc độ kinh tế, nhiều chuyên gia có chung nhận xét rằng một trong những “điểm nghẽn” nhất đã làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của vùng này chính là ở hạ tầng giao thông quá thiếu.
Tài xế muốn lái ô tô từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau, gõ lên googlemaps sẽ thấy ngay kết quả: Tuyến đường nhanh nhất: Quốc lộ 1A, 302 km, 6 giờ 34 phút. Đấy là thông số trên lý thuyết, thực tế ai đã đi sẽ biết thời gian lưu thông, nhất là với xe tải, lắm khi hơn thế rất nhiều do phải qua nhiều trạm thu phí, phương tiện lưu thông nhiều trong khi mặt đường nhỏ.
Thực tế miền Tây đang có cả đường bộ, thủy nội địa, đường biển và hàng không. Nhưng hàng không dù có tới 4 sân bay thì cũng chỉ có Cảng Hàng không Phú Quốc là hoạt động khá nhộn nhịp, chứ ngay cả “niềm tự hào của người miền Tây” là Sân bay quốc tế Cần Thơ thì cũng chỉ mới khai thác được khoảng hơn 30% công suất.
Cầu Cần Thơ - cây cầu hiện đại nhất cho đến thời điểm này ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Số liệu thống kê từ ngành giao thông cho thấy hệ thống đường bộ toàn miền Tây hiện chỉ chiếm khoảng 10% cả nước với hơn 2.000 km đường quốc lộ, khoảng 4.800 km đường tỉnh, 73.000 km đường huyện và giao thông nông thôn. Nói về đường cao tốc thì lại càng là “của hiếm”, vì trong khi cả nước có tổng cộng hơn 1.000 km đường cao tốc thì riêng miền Tây chỉ có hơn 40 km là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Giao thông thủy và đường biển lẽ ra là lợi thế của vùng đất này, vì ngoài hơn 28.000 km sông, kênh rạch (trong đó có 13.000 km có khả năng khai thác vận tải, chiếm 70% chiều dài đường sông của cả nước) thì còn 740 km bờ biển. Nhưng, dù có mật độ đường sông cao nhất cả nước (đạt 0,61 km/km2) thì cũng không vì thế mà miền Tây thu được nhiều lợi ích từ đây, do các tuyến vận tải đường sông hầu hết đang khai thác theo hình thức tự nhiên. Chưa kể một số cửa biển bị bồi lấp, rồi tính kết nối giữa các phương thức đường bộ, đường biển kém. Hoạt động hàng hải với 4 luồng tàu từ biển vào các cụm cảng nằm trong nội địa vẫn đang trong tình trạng hoạt động chưa có gì ấn tượng.
Với một hiện trạng hạ tầng giao thông như thế thì khó để nói gì về sự lưu thông hàng hóa để phát triển kinh tế.
Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường tính kết nối nhằm cải thiện chuỗi giá trị hàng nông sản và thủy sản của Đồng bằng sông Cửu Long" tổ chức tại TP Cần Thơ hồi cuối tháng 4-2020 cho biết, vùng này đang đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Nhưng nghịch lý là hàng hóa của vùng này, muốn xuất khẩu thì hầu hết phải “cõng” thêm chi phí khá lớn do vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet để đến các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Cái sự nghèo rất dễ nhận ra từ hệ lụy của hạ tầng giao thông yếu kém.
Nhưng đấy là nói đến tình cảnh lâu nay, chứ bây giờ thì miền Tây đang đứng trước vận hội mới khi ít nhất là tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (dài hơn 51 km, tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng), với 4 làn ô tô, sẽ thông xe vào cuối tháng 9 này. Ngắn thôi, nhưng đây là tuyến nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Chưa hết, cầu Mỹ Thuận 2 đã được khởi công xây dựng vào ngày 19-8- 2020 (tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng, trong đó gần 3.400 tỉ đồng từ ngân sách), dự kiến hoàn thành vào năm 2023 để kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối một trục chính tuyến cao tốc dài từ TP Hồ Chí Minh đi “thủ phủ” của miền Tây là TP Cần Thơ.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km từng được báo chí nhắc đến nhiều lần do đã hơn 10 năm khởi công rồi đình hoãn, vừa rồi được thi công lại và khả năng cao là hoàn thành vào đầu năm 2021. 23 km của Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (kinh phí hơn 4.800 tỉ đồng), theo kế hoạch cũng sẽ khởi công trong năm nay.
Đấy là chưa nói đến 2 tuyến cao tốc đã được lập báo cáo nghiên cứu khả thi (tổng vốn đầu tư hơn 67.400 tỉ đồng) là Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về nguyên tắc, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Giao thông Vận tải xác định nguồn vốn giai đoạn 2021-2025. Rồi tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (dài hơn 130 km, vốn dự kiến hơn 47.000 tỉ đồng) cũng đã được cho chủ trương xây dựng bằng vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Một trục dọc tuyến cao tốc huyết mạch TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam Bộ cũng sẽ được khai thông trong tương lai, do Thủ tướng đã đồng ý chủ trương vay vốn ODA Hàn Quốc để xây dựng tuyến đường Mỹ An - Cao Lãnh (ước tổng mức đầu tư hơn 4.524 tỉ đồng) dài hơn 26 km, tạo khả năng nối cầu Cao Lãnh với cầu Vàm Cống sang Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang)...
Như vậy là miền Tây sẽ có “cú hích”, ít nhất là về giao thông vận tải đường bộ, bằng một loạt những dự án đã nêu.
Nỗ lực của Chính phủ là rất rõ, nhưng giấc mơ “hóa rồng” của “đất chín rồng” còn phải phụ thuộc vào nỗ lực của các bộ ngành chức năng cũng như lãnh đạo các tỉnh ở vùng miền Tây. Khi các nguồn vốn đã được khơi thông thì không lý do gì lại chậm tiến độ khởi công, thi công và hoàn thành của các dự án?