Đẩy lùi bạo lực học đường – phải bắt đầu từ đâu?

17:20 17/04/2019
Bạo lực học đường ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập của học trò, gây tổn thương cả thể xác và tinh thần cho người học, đồng thời tạo nên sự bất ổn, thiếu trật tự, kỷ cương trong xã hội. Để giải quyết tình trạng này cần có những giải pháp và mô hình thích hợp.


Bài 2: Lan tỏa nhiều mô hình hay, nhưng còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạo lực học đường đang có diễn biến khá phức tạp. Thống kê từ các Sở Giáo dục và Đào tạo từ 2011 – 2017, có 4.000 vụ học sinh đánh nhau bị cơ quan Công an xử lý. Đây là con số nhức nhối, làm đau lòng những nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và từ đây rất có thể là mầm mống của tội phạm. 

Bạo lực học đường ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập của học trò, gây tổn thương cả thể xác và tinh thần cho người học, đồng thời tạo nên sự bất ổn, thiếu trật tự, kỷ cương trong xã hội. Để tìm hiểu những giải pháp, những mô hình, kinh nghiệm hay trong phòng, chống bạo lực học đường cho bài viết thứ 2 này, chúng tôi đã về một số địa phương.

"Phòng từ xa, phòng hơn chống"

Huyện Ân Thi (Hưng Yên) là nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc nữ sinh N.T.H.Y ở Trường THCS Phù Ủng bị đánh hội đồng dã man xảy ra vào cuối tháng 3 gây chấn động dư luận. Vụ việc đã cảnh báo sâu sắc các cơ quan chức năng, các nhà quản lý giáo dục, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cần phải “sốc” lại kịp thời các giải pháp để không tái diễn những câu chuyện đau lòng này. 

Được biết Hưng Yên hiện có 558 cơ sở giáo dục, trong đó có 188 trường mầm non, 170 trường tiểu học, 171 trường THCS và 37 trường THPT. Hưng Yên hiện có tổng số khoảng hơn 311.000 trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đang theo học (con số tính đến tháng 3/2018).

Theo Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, từ năm 2011 đến 2018, cả tỉnh xảy ra 288 vụ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật, với 309 đối tượng, 295 nạn nhân, trong đó số vụ xảy ra trong trường học là 158 vụ. Cấp học thường xảy ra bạo lực học đường và vi phạm pháp luật là cấp THPT (chiếm 46,8%) và các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục chủ yếu là học sinh. Cũng trong giai đoạn này có 26 học sinh sau khi bị bạo lực đã bị thương, 1 học sinh còn bị xâm hại tình dục.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 11/7/2017 của Chính phủ, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 2008/2017/KH-CAT để triển khai Nghị định số 80, chỉ đạo các đơn vị, Công an huyện, thành phố phối hợp với các cơ sở giáo dục trong phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, những công tác trọng tâm thường xuyên được thực hiện như: Theo dõi, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, kiểm tra các hộ kinh doanh có điều kiện xung quanh trường học; phối hợp với các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý học sinh, sinh viên thường xuyên có biểu hiện la cà hàng quán, cầm đồ, internet, quan hệ phức tạp với số đối tượng hình sự, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh, sinh viên, trong đó có bạo lực học đường. 

Đặc biệt, các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố của Hưng Yên đã có sáng tạo phối hợp với các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, đấu tranh, phòng chống tội phạm gắn với chương trình giáo dục “dạy tốt, học tốt”. Qua đó, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã cung cấp được gần 400 tin có giá trị cho lực lượng Công an trong phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm. 

Các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố còn phối hợp giáo dục, giúp đỡ 576 em học sinh chưa ngoan, có nguy cơ vi phạm pháp luật; giải quyết 288 vụ việc, hiện tượng về an ninh trật tự liên quan đến cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên xảy ra trong và ngoài cơ sở giáo dục.

Công an cơ sở tại Hưng Yên thường xuyên xuống các trường học để cùng phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em học sinh.

Tại huyện Kim Động (nơi có 3 trường THPT với hơn 2.700 học sinh), đã có một số giải pháp mà huyện thực hiện khá hiệu quả trong phòng, chống bạo lực học đường. Với phương châm “phòng hơn chống”, “phòng từ xa”, Công an huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế đã tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường. 

Từ đây, nhiều mô hình sáng tạo đã được thành lập như: Mô hình “Chi đoàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội” tại Trường THPT Kim Động; “Đoàn thanh niên tự phòng, tự quản” tại Trường THCS Đức Hợp; “Đội xung kích đảm bảo trật tự an toàn giao thông” tại Trường THCS Lương Bằng; “Tổ quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội về tệ nạn xã hội” tại Trường THPT Nghĩa Dân. 

Các mô hình này sau khi thành lập đã phát huy tốt vai trò của mình, lan tỏa sang nhiều cơ sở giáo dục khác. Hiện 100% các cơ sở giáo dục của huyện đã đăng ký và thực hiện nghiêm Thông tư số 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

Lãnh đạo Công an xã Hiệp Cường, huyện Kim Động (nơi có hơn 9.200 nhân khẩu và 2.632 hộ gia đình) cho biết, để phòng ngừa bạo lực học đường hiệu quả, Công an xã phải phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu các trường học trên địa bàn, trong đó Công an xã phải là “nòng cốt” trong phong trào này; cùng với các cơ sở giáo dục xây dựng được nội quy, quy chế bảo vệ nhà trường, quản lý, giáo dục học sinh.

Còn đại diện Trường THCS Thị trấn Lương Bằng cho hay, “việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh phòng, chống bạo lực học đường phải được đặt lên là công tác trọng tâm, hàng đầu đối với mỗi nhà trường. 

Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với Công an thị trấn tổ chức nhiều buổi ngoại khóa, mời cán bộ Công an đến tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đồng thời, ngăn chặn những sự việc tiềm ẩn như các đối tượng bên ngoài đến bắt nạt học sinh hay gây gổ đánh nhau.

Vẫn còn tình trạng muốn "che giấu" sự việc

Tại một địa phương vốn được coi là khá yên ả như Thái Bình, những số liệu mà Công an tỉnh cung cấp cho chúng tôi cũng đã gợi nhiều suy nghĩ. Trong năm 2018 và quý I/2019, các lực lượng Công an tỉnh cũng đã tiếp nhận, thụ lý điều tra giải quyết 8 vụ việc với 31 đối tượng có liên quan đến bạo lực học đường (đạt 100%), trong đó đã xử lý hành chính 8 vụ, 24 đối tượng, cảnh cáo nhắc nhở 7 đối tượng. 

Các vụ việc này đa số xuất phát từ mâu thuẫn giữa các em học sinh trong trường học với nhau, sau đó, gọi hội đến đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn. Phần lớn các vụ xảy ra ở lứa tuổi học sinh THPT và có đến 3 vụ các đối tượng đã sử dụng đến hung khí như dao, tuýp sắt gây thương tích cho nhau. 

Cá biệt nhất là vụ việc xảy ra khoảng 10h ngày 2-8-2018, tại trục đường thuộc khu đô thị Tây, thị trấn Đông Hưng, có cả phụ huynh của học sinh cùng tham gia… đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn học đường. Nguyên nhân của vụ việc bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa 2 học sinh cùng lớp 10A4 của Trường THPT Đông Quan là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Tuấn. 

Nhà trường đã mời hai gia đình lên làm việc. Tuy nhiên, sau khi ra về thì hai học sinh này gọi hội đến đánh nhau. Thậm chí, bố của Minh là Nguyễn Văn Phú cũng “sát cánh” với nhóm con trai trong vụ ẩu đả này. Hậu quả là cả hai nhóm đều có người bị thương, một người bị gãy tay phải, một người bị thương ở vùng đầu, hai người bị thương nhẹ.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, nhìn chung, công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong cơ sở giáo dục những năm gần đây đã được quan tâm, đầu tư hơn; các ngành, địa phương trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong cơ sở giáo dục; sự phối hợp giữa hai ngành Công an và Giáo dục thường xuyên, hiệu quả hơn. 

Qua đó, tình trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các trường học, cơ sở giáo dục đã giảm so với thời gian trước; các vụ việc bạo lực học đường xảy ra đều được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật, giúp cán bộ giáo viên, học sinh ổn định tâm lý, yên tâm công tác, học tập.

Việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh cần phải được các nhà trường đẩy mạnh, trong đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm cần đặc biệt coi trọng.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, qua điều tra giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, lực lượng Công an còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là phần lớn các đối tượng và nạn nhân đều là học sinh, nhận thức chưa đầy đủ, và bị ảnh hưởng không nhỏ từ game online, truyện tranh, trò chơi điện tử, phim ảnh với nhiều hình ảnh bạo lực, xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống, học tập dẫn đến hành vi xô xát đánh nhau hoặc tụ tập trả thù, để lại hậu quả nghiêm trọng. 

Bệnh thành tích vẫn tồn tại trong một số nhà trường nên nhiều vụ việc xảy ra nhà trường không báo cáo hoặc giấu vụ việc; công tác đảm bảo an ninh trường học, cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, đa số bố trí bảo vệ là những người già, không được đào tạo bài bản về công tác bảo vệ; khi xảy ra vụ việc lúng túng trong xử lý. 

Bên cạnh đó do người bị hại (các em học sinh) thường có tâm lý sợ bị trả thù nên không báo cáo nhà trường, trình báo lên cơ quan Công an hoặc từ chối giám định thương tích khi bị đánh nên việc xử lý đối với các đối tượng trên chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, giáo dục nên chưa thực sự có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung.

Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, Đại tá Nguyễn Đình Trung cho biết, Công an tỉnh Thái Bình đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các gia đình, nhà trường, địa phương tổ chức quản lý, tuyên truyền, giáo dục con em học sinh, xây dựng các mô hình "cổng trường an toàn", "lớp học an toàn", "câu lạc bộ thanh niên với pháp luật" để phòng ngừa bạo lực học đường; đồng thời tiếp tục duy trì đường dây nóng tiếp nhận các vụ việc, phản ánh về bạo lực học đường; tăng cường công tác quản lý vũ khí vật liệu nổ hạn chế trôi nổi ngoài xã hội, thường xuyên kiểm tra tại các nhà trường không để học sinh, sinh viên sử dụng làm hung khí gây thương tích; tập trung điều tra giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc xảy ra, không để ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh. 

Đánh giá về công tác phối hợp trong phòng, chống bạo lực học đường, Công an tỉnh Hưng Yên cho hay, sự phối hợp liên ngành Công an và Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cơ bản có hiệu quả, nhưng việc phối hợp một số nơi có lúc còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, chưa tranh thủ được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; việc lồng ghép phong trào phòng, chống tội phạm với các chương trình, phong trào thi đua ở một số cơ sở giáo dục chưa thực sự được quan tâm, công tác tuyên truyền còn chung chung, tài liệu chưa đáp ứng được yêu cầu nên kết quả còn hạn chế. Đặc biệt, ở một số cơ sở giáo dục chưa chú trọng nắm tình hình an ninh trật tự, tâm tư nguyện vọng của học sinh, sinh viên. Nhiều cơ sở giáo dục, do nhận thức sai lệch đã quan niệm công tác phòng, chống tội phạm trường học là nhiệm vụ của ngành Công an.


Thu Phương - Thu Hòa

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Một cây cầu nối hai tiểu bang ở phía Bắc và Đông Bắc Brazil đã bị sập ngày 22/12 (giờ địa phương) khi các phương tiện đang băng qua, khiến ít nhất một người tử vong và làm đổ axit sunfuric vào sông Tocantins.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文