Để hạ nhiệt những điểm nóng về đất đai

21:53 30/04/2017
Chúng ta đều biết, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt trong hoạt động kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, nuôi sống con người. Đất còn là nơi để xây dựng nhà cửa, công trình, các khu vui chơi, giải trí, trường học.

Tóm lại, đất là cơ sở để con người tồn tại và phát triển. Đời nào cũng vậy, đất luôn có giá, nhất là những năm gần đây, khi xã hội phát triển, nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng thì câu cửa miệng "tấc đất tấc vàng" càng khẳng định tính chính xác của nó.

Theo tôi biết, khá nhiều đại gia trong nước cũng như trên thế giới phất lên nhanh chóng ít nhiều liên quan đến đất (người ta còn gọi là bất động sản). Cân nhắc rồi ném tiền vào đầu tư, chờ cơ hội cùng sự may mắn, chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền họ thu về gấp nhiều lần với số vốn bỏ ra ban đầu. Cứ như thế, số tiền lãi lại được đầu tư vào những dự án bất động sản khác để rồi thu về lợi nhuận khổng lồ.

Minh họa Lê Tâm.

Đối lập với sự may mắn đó là những bi kịch từ đất. Nhiều lắm. Xin đưa ra một vài dẫn chứng. Nhà đầu tư đổ tiền vào các dự án lớn, dự án bất khả thi, thế là toàn bộ số vốn tích cóp bao nhiêu năm hoặc tiền vay ngân hàng "đóng băng"; hai gia đình cạnh nhau tranh chấp rẻo đất, ai cũng cho rằng nó thuộc quyền sở hữu của mình, thế là to tiếng rồi dùng vũ lực khiến người này bị thương, người khác tử vong; gia đình có đất hương hỏa bao đời để lại, bán đi chia cho các con, đang nghèo khó bỗng có được số tiền lớn như vậy nên sa vào cơ bạc, rượu chè, ma túy; cha mẹ già mất đi không để lại di chúc, trong nhà không thể giải quyết được, thế là kéo nhau ra tòa, từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm rồi giám đốc thẩm…

Một vị lãnh đạo ngành Tòa án tổng kết về những tranh chấp đất đai diễn ra trong thời gian qua là có dấu hiệu gia tăng và luôn tiềm ẩn những phức tạp theo đà phát triển chung của xã hội.

Còn đây là kết quả hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong quý I-2017: Qua thẩm tra, xác minh, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi 8.773 tỷ đồng và 80ha đất xuất toán; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 259 tập thể, cá nhân; ban hành 26.331 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 6.992 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 21 vụ việc, 47 đối tượng.

Trên thực tế, nhiều người cho rằng, những vi phạm về đất đai của các tổ chức, cá nhân còn lớn hơn nhiều nhưng chưa bị phát hiện, xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm khiến những khiếu nại, tố cáo ngày càng trầm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng cũng như những tranh chấp đất đai ngày càng phức tạp. Song, nguyên nhân phổ biến nhất chính là pháp luật về đất đai vừa thiếu chặt chẽ, lại sớm lạc hậu với thời thế.

Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng, văn bản này mới ban hành được một thời gian đã không còn phù hợp với thực tế. Mặt khác, những tiêu cực, tham nhũng liên quan đến đất đai rất ít khi bị xử lý một cách nghiêm túc, triệt để.

Đa số những vụ án loại này chỉ xử lý hành chính dẫn đến những mâu thuẫn giữa "quan tham" và người dân mất đất ngày càng gay gắt. Việc thanh tra, kiểm tra những tranh chấp đất đai lại chậm, thiếu khách quan làm cho những tranh chấp ngày càng nóng và phức tạp hơn.

Vậy chúng ta phải làm gì để hạ nhiệt những điểm nóng về đất đai? Một quan điểm của vị lãnh đạo Viện Khoa học Thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) đưa ra mới đây khiến nhiều người quan tâm:

Cần có quy định về sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong giải quyết khiếu nại những tranh chấp về đất đai, bởi lẽ, đây là lực lượng đại diện cho quyền lợi của các hội viên.

Các tổ chức này vừa có thể tham vấn cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết nhưng đồng thời cũng có thể đóng vai trò là “trung gian hòa giải” để hạn chế sự xung đột giữa người có đất thu hồi đi khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sự vào cuộc của các thiết chế trung gian, trước hết là các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương khiến cho các thông tin được minh bạch, rõ ràng, làm cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa cũng như lợi ích nhiều mặt của các công trình, dự án sẽ được triển khai. Trên cơ sở đó, người dân sẽ tự giác chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc và hạn chế tối đa những điểm nóng phát sinh.

Tuấn Nguyễn

Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức giao thông để phục vụ phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập và đảm bảo trật tự, chống ùn tắc tại khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục (trước tòa nhà Hàm cá mập) trong thời gian khoảng một tháng.

Chiều 5/4, Đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam đã cử một tổ công tác tập hợp trang thiết bị gồm: Nhà bạt, giường cùng vật tư y tế, thuốc và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác như mỳ tôm, lương khô, nước sạch... trao tặng người dân đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa (1.000 giường) của Thủ đô Naypyidaw của Myanmar.

Báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh về tình thu phí đậu xe ô tô dưới lòng đường vào ngày 6/3 vừa qua, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, từ tháng 12/2020 Công ty TNHH MTV DVCI Thanh niên xung phong tổ chức trông giữ xe ô tô có thu phí trên 20 tuyến đường. Trong đó địa bàn quận 1 có 12 tuyến, quận 5 có 3 tuyến, quận 10 có 5 tuyến…

Hưởng ứng chương trình của Chính phủ và chỉ đạo của Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, CLB Doanh nghiệp Cựu CAND (Hội Cựu CAND Việt Nam) đặt mục tiêu xây dựng gần 60 căn nhà mới tặng các đồng chí cựu CAND có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngay trong năm 2025.

Trưa ngày 5/4, Đoàn tàu chở CBCS quân đội từ miến Bắc vào TP Hồ Chí Minh tham gia diễu binh, diễu hành chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã dừng tại ga Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là ga tàu cuối CBCS  dừng chân để tiếp tục tập trung tại một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn TP Biên Hòa, tiếp tục tập luyện trước khi di chuyển về TP Hồ Chí Minh...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文