Di sản thế giới tại Việt Nam - nguồn lực lâu dài hay "mỏ vàng" thời vụ?

08:07 07/07/2018
Cho đến nay, tại Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc) công nhận. Cũng giống như các nước có di sản thế giới, Việt Nam đang tận dụng nguồn lực này để phát triển kinh tế đồng hành với việc bảo tồn.


Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, liên tiếp nhiều vụ việc xâm hại di tích, xây dựng trái phép, phá hoại công trình... đã xảy ra. Điều đó cho thấy, chúng ta đang có những "lỗ hổng" trong việc quản lý và bảo tồn những khu di sản thế giới đã được vinh danh.

Cách đây tròn một năm, tại quần thể di tích Cố đô Huế, vụ việc lăng mộ của vợ vua Tự Đức bị san ủi để làm bãi đỗ xe vào lăng đã khiến báo chí tốn bao nhiêu giấy mực bởi sự bức xúc của người dân. Các đại diện của dòng tộc Nguyễn Phước cũng đã phải gửi kiến nghị lên cấp Trung ương cũng như Hội đồng di sản thế giới để hy vọng giữ nguyên lăng mộ này ở vị trí cũ.

Mới đây, dư luận tỏ ra vô cùng bức xúc bởi tại quần thể danh thắng Tràng An, một công trình được xây dựng và bán vé vào cửa cho du khách tham quan một cách trái phép nhưng chính quyền địa phương lại không hề biết, cho đến khi báo chí vào cuộc.

Trong kết luận về vụ việc này của UBND tỉnh Ninh Bình cho thấy, núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Tràng An không được Nhà nước giao, cho thuê, sử dụng, đã ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên núi Cái Hạ từ ngày 14-8-2017 đến ngày 13-2-2018.

Ông Michael Croft.

Chỉ từ những dẫn chứng trên đã cho thấy quy trình quản lý, bảo vệ các di sản của cơ quan có thẩm quyền đang có nhiều vấn đề. Có lẽ, vấn đề lớn nhất đó chính là sự vô trách nhiệm khi chỉ tập trung quá nhiều vào việc tận dụng nguồn lực du lịch tại các khu di sản để phát triển kinh tế, quên đi nhiệm vụ bảo tồn để hướng tới phát triển bền vững.

Thế nhưng, làm như thế nào để phát triển bền vững luôn là một "bài toán khó", không chỉ với các di sản thế giới tại Việt Nam. Mới đây, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, đại diện UNESCO tại Việt Nam để tìm lời giải cho "bài toán khó" này.

- Ông nhận thấy việc khai thác và bảo tồn di sản quốc tế ở Việt Nam đã được đồng bộ hay chưa? Cho tới nay đã ghi nhận di sản nào bị xâm hại sau khi được vinh danh?

+ Những trường hợp vi phạm ở cấp địa phương cũng không phải là điều chúng ta quá ngạc nhiên, nó có thể sẽ xảy ra. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến việc tuân thủ các cam kết, công ước quốc tế và sự bảo vệ ở cấp địa phương như thế nào.

Khi mà theo dõi việc thực hiện công ước này ở các khu di sản thế giới nói chung thì đối với UNESCO, chúng tôi quan tâm ở ba khía cạnh, ba cấp độ. Thứ nhất là những vụ việc, sự kiện gì đã xảy ra ở các khu di sản thế giới.

Quan trọng hơn, ở hai phương diện khác đó là các nhà quản lý và chính quyền làm gì để giảm thiểu mức độ gây hại và sau khi xảy ra những vụ việc như vậy thì có những biện pháp nào để theo dõi, ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra.

Trong những năm vừa qua, ở Việt Nam cũng đã ghi nhận việc nhiều trường hợp vi phạm ở một số địa phương có khu di sản. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy hành động tương đối kịp thời của các cơ quan quản lý cấp Trung ương, đặc biệt thanh tra của Bộ VH-TT & DL và sự điều phối giữa Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cùng chính quyền các cấp tỉnh để xử lý kịp thời các vi phạm đó.

- Hiện tại việc quản lý di sản do Bộ VH-TT & DL phân cấp cho chính quyền địa phương và nhân dân địa phương quản lý, ông nhận xét thế nào về sự bất hợp lý trong việc phân cấp đó?

+ Với mỗi một quốc gia, Bộ VH-TT & DL luôn là cơ quan đầu tiên, trước hết chịu trách nhiệm chung trong việc hướng dẫn, giám sát, quản lý tầm vĩ mô với các khu di sản. Tuy nhiên việc quản lý và bảo vệ các khu di sản thế giới thì không thể nào chỉ dựa vào Bộ VH-TT & DL được vì họ không có mặt được ở từng khu đó và giám sát từng ngày, từng ngày.

Vấn đề đặt ra là vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc nhận thức giá trị của khu di sản và tham gia bảo vệ khu di sản này. Tuy nhiên, trách nhiệm và chức năng cho các ban quản lý các khu di sản phải rõ ràng.

Họ phải có trách nhiệm bảo vệ các khu này nhưng họ có thực sự có thẩm quyền, được trao thẩm quyền và được ra quyết định áp dụng, thực hiện biện pháp cùng các quy định của pháp luật hay không.

Chúng ta có các quy định của luật pháp và việc thực thi quy định đó mới là vấn đề. Tóm lại, tôi cho rằng cái vấn đề quan trọng nhất, điểm mấu chốt nhất là phải trao quyền đúng thẩm quyền cho Ban Quản lý các khu di sản. Vốn chúng ta giao cho họ trách nhiệm nhưng thực sự là chúng ta phải trao cho họ cả thẩm quyền nữa, để họ có thể xử lý, thực thi được quy định của pháp luật để bảo vệ di sản.

- Trong trường hợp nào một di sản quốc tế bị thu hồi danh hiệu và trên thế giới đã có trường hợp nào như vậy chưa thưa ông?

+ Tôi không nhớ chính xác ngày tháng nhưng vào khoảng những năm của thập niên 80, trường hợp thứ nhất là một vườn quốc gia với tiêu chí về đa dạng sinh học, do những biến cố về môi trường và sự thất bại của quốc gia trong việc bảo tồn đa dạng sinh học này.

Cuối cùng quốc gia này chủ động nộp đề xuất xin rút khỏi cái danh sách di sản thế giới của UNESCO vì đã thất bại trong việc bảo tồn di sản đó. Trường hợp thứ hai là liên quan đến việc xây dựng một cây cầu ở Đức, bắc ngang qua con sông mà một trong những tiêu chí của khu di sản thế giới đó là cảnh quan.

Họ đã bất chấp những cảnh báo của UNESCO và họ vẫn xây cây cầu đó. Sau khi họ xây xong, UNESCO đã ra quyết định đưa di sản này ra khỏi danh sách. Đó là hai trường hợp cho đến nay ghi nhận được là một di sản bị đưa ra khỏi danh sách của UNESCO.

Tuy nhiên, theo công ước và hướng dẫn thực hiện công ước thì một di sản ra khỏi danh sách không có nghĩa là một sớm một chiều mà có cả một quy trình và các bước rất rõ ràng. Đầu tiên, thường là những sự vụ vi phạm về quy định, luật lệ bảo tồn xảy ra nhưng quan trọng hơn như tôi đã nói lúc trước đó là các cơ quan quản lý, chính quyền có biện pháp hành động như thế nào trước vụ việc như vậy.

- Trong những năm qua, UNESCO đã giúp đỡ rất nhiều với những di sản bên bờ vực bị mất đi hoàn toàn, để làm được điều đó, UNESCO đã gặp những khó khăn gì để sát cánh cùng Việt Nam bảo tồn những di sản đó?

+ Tôi có thể nói rằng, thuận lợi nhất đối với chúng tôi khi làm việc trong lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam, đó là tính chủ động của các đối tác của Việt Nam trong quá trình hợp tác với UNESCO. Có một điểm rất là hay đó là Việt Nam là đối tác có sự chia sẻ trong tầm nhìn văn hóa. Tuy nhiên nói về thách thức, chúng ta có thể thấy hai vấn đề thách thức lớn nhất trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Công trình vi phạm tại quần thể danh thắng Tràng An.

Vì vậy viện trợ phát triển chính thức giảm dần đều, vì vậy các hỗ trợ quốc tế đối với Việt Nam nói chung và lĩnh vực văn hóa nói riêng sẽ ngày càng giảm đi. Trong bối cảnh này ở Việt Nam, những nguồn thu được từ phát triển các ngành văn hóa, đặc biệt là du lịch văn hóa chưa được tái đầu tư lại một cách thích đáng cho chính những nguồn lực đó.

Thế nên càng phát triển, chúng ta càng tạo được nhiều nguồn lực hơn nhưng để giải quyết được nghịch lý là chúng ta không đầu tư lại thích đáng thì sẽ đến lúc chúng ta khai thác nó một cách quá mức. Việc này sẽ làm nghèo đi nguồn vốn văn hóa cho phát triển.

- Nhiều khu di sản phi vật thể và vật thể Việt Nam sau khi được UNESCO công nhận thì đã có thể phát huy giá trị của mình thông qua phát triển du lịch, vậy đây có phải là hướng đi đúng đắn nên tiếp tục hay không? Liệu việc phát triển du lịch có ảnh hưởng đến tính nguyên dạng của di sản văn hóa không?

+ Chúng ta thấy rõ là không còn những câu trả lời nào khác cho việc này là sẽ phải sử dụng và dựa trên những nguồn lực như thế để phát triển, nhưng mà phải phát triển với tầm nhìn bền vững. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tương đối là nhanh, thậm chí là tương đối nóng như ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều trường hợp mà người ta tập trung quá nhiều vào phát triển kinh tế mà bỏ qua những mối quan tâm lo ngại của cộng đồng địa phương và những yếu tố phát triển bền vững khác. Với hướng đi như vậy, nó sẽ có nguy cơ nghiêng về việc khai thác, thậm chí khai thác quá mức.

Chúng ta thấy rõ văn hóa nói chung và các khu di sản được UNESCO công nhận nói riêng có vai trò, chỗ đứng quan trọng và với tư cách là nguồn lực cho phát triển như thế. Ở đây, có lẽ chúng ta thường hay nói bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn, nhưng mà trong bối cảnh này cần định vị lại, đó là bảo tồn cho phát triển bền vững và phát triển bền vững để bảo tồn tốt hơn.

Trong thời gian tới, UNESCO vẫn xác định sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác phía Việt Nam đặc biệt là Bộ VH-TT & DL và các cơ quan chính quyền nói chung. Làm thế nào để đặt vấn đề phát triển bền vững những khu di sản này trong bối cảnh phát triển tổng thể, để hướng đến sự phát triển bền vững và mối quan hệ này cần là một mối quan hệ WIN-WIN, không thể nào quá nghiêng yếu tố khai thác được.

Trâm Phong

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

Bà Hồ Ngọc Bích T. (ngụ TP Cần Thơ) thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính, do ghen tuông, tức giận, nóng vội nên đưa lên những hình ảnh nhạy cảm và nói khống đã 5 lần bắt gặp chồng và nữ nhân viên ngân hàng có mối quan hệ bất chính để mọi người xung quanh đồng tình, đứng về phía mình.

Gói thầu số 06, “Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc Dự án cầu và đường từ bản Uôn đi bản Páng, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá” có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thầu, cả 3 công ty đều bị chủ đầu tư phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文