Đổ hàng chục ngàn tỷ chống ngập, vẫn cứ ngập

07:55 25/05/2018
Hàng chục năm qua, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm tòi đủ mọi phương án, chi ra mấy chục ngàn tỷ đồng vào hàng loạt dự án chống ngập, nhưng cứ đến mùa mưa, người dân vẫn phải cay đắng nếm trải cảnh ngập lụt, người và xe chìm sâu trong dòng nước, cuốn đi “giấc mơ” thành phố hết ngập từ năm này qua năm khác… 




Đổ lỗi chuyện ngập là do… thiếu kinh phí(?)

Dù nói gì đi nữa thì không ai có thể phủ nhận một thực tế rất dễ nhận ra là hết năm này qua năm khác, cứ đến mùa mưa là người dân TP Hồ Chí Minh lại ám ảnh với tình trạng đường phố ngập nặng nề. Hậu quả là cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân cho rằng những dự án chống ngập của thành phố chưa mang lại hiệu quả như kế hoạch vẽ ra trên giấy.

Theo báo cáo Sơ kết hơn 2 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm Chống ngập) tổ chức vào sáng 18-5-2018, thành phố hiện đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa, gồm: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định), Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa.

Những hình ảnh ngập sau cơn mưa đầu mùa ở TP Hồ Chí Minh.

Nhưng điều đáng nói là thực tế lại khác, bởi hầu hết những cái tên trong danh sách kể trên đều là những tuyến đường ngập nghiêm trọng ngay trong những trận mưa đầu mùa. Trong đó, có thể dễ nhận thấy nhất là cơn mưa lớn chiều tối 19-5, nhiều tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (quận 7) và một số nơi khác tại quận 9, Thủ Đức, quận 12... đều ngập nặng nề khiến nhiều người dân rơi vào tình trạng quay cuồng trong dòng nước ngập. Nước ngập sâu tràn cả vào nhà dân…

Theo nhiều người dân than thở, khi nước triều cường dâng cao ngập đã đành, nhưng ngay cả mới đầu mùa mưa mấy trận đã ngập sâu, lênh láng thì quả là quá mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, chuyện đi lại của người dân. Nếu có mưa lớn kết hợp với triều cường, tình trạng ngập nước sẽ còn diễn ra phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Thế nhưng, trong cuộc họp sáng 22-5, theo số liệu thống kê mà Trung tâm Chống ngập cung cấp thì toàn thành phố chỉ có 10 điểm ngập, còn lại là “tụ nước”. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa - Trung tâm Chống ngập cho biết có 22 tuyến đường bị ngập trong mưa nhưng thời gian ngập chỉ kéo dài dưới 30 phút nên theo quy định tại Văn bản số 338/BXD-KTQH ngày 10-3-2003 của Bộ Xây dựng chỉ bị… “tụ nước” (?!)

Đặc biệt, đại diện Trung tâm Chống ngập cho hay trên địa bàn thành phố có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm, nhưng còn tới hơn 3.000 tuyến chưa có cống. Và khu vực chưa có cống đa số tập trung tại vùng ven như các quận, huyện: quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè…

Những năm qua, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng vào các công trình chống ngập trên nhiều tuyến đường, nhưng tình trạng ngập vẫn không giảm. Thậm chí có nơi càng chống càng ngập khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả của các công trình nâng đường, thay cống, chống ngập.

Thực ra vấn đề khó khăn về nguồn vốn chống ngập đã được lãnh đạo Trung tâm Chống ngập nêu rõ tại cuộc họp Sơ kết thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, cho hay do khó khăn về nguồn vốn nên việc chống ngập tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể có bước đột phá.

Nhu cầu vốn thực hiện các dự án theo Quy hoạch 752 về tổng thể thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 là gần 53.000 tỷ đồng gồm các dự án: Xây dựng 3 hồ điều tiết; Cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết ngập do mưa; Cải tạo rạch Xuyên Tâm; Xây dựng Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; Quản lý rủi ro ngập khu vực thành phố.

Tương tự, nhu cầu vốn thực hiện các dự án thuộc Quy hoạch 1547 về thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh gần 20.500 tỷ đồng gồm các dự án: Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; Cống kiểm soát triều sông Kinh; Bờ tả sông Sài Gòn; Nạo vét cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính.

Từ năm 2016 đến 2020, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu xóa ngập tại 37 tuyến đường. Nhưng đến nay, mới giải quyết được 22 tuyến đường ngập nặng. Đối với các tuyến đường ngập do triều, chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2018 sẽ giải quyết 9 tuyến đường, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành 4/9 tuyến.

Riêng dự án kiểm soát triều do ngập (giai đoạn 1) xây 6 cống kiểm soát triều, khoảng 8km đê bao do Tập đoàn Trung Nam là chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào 30-4-2018, nhưng do chưa được giải ngân, nhà đầu tư vừa tuyên bố tạm dừng thi công nên sẽ phải kéo dài tiến độ, dự kiến đến 30-4-2019.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành 7 nhà máy xử lý nước thải, các chương trình nạo vét, khơi thông luồng kênh rạch, cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước cũng được dự báo không đạt được chỉ tiêu do nguồn lực của thành phố không đủ đầu tư, việc kêu gọi xã hội hóa còn nhiều khó khăn do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính.

Ngoài ra, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú) nhằm thay thế cầu cũ nhưng vì nhiều lý do cầu mới vẫn chưa hoàn thành. Dự án này chậm tiến độ đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thoát nước quanh khu vực mỗi khi mưa lớn.

Tương tự, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa xong việc giải phóng mặt bằng. Dự án này có tổng nguồn vốn lên tới 8.000 tỷ đồng, giải quyết ngập úng nhiều tuyến đường tại khu vực quận 12, Tân Phú, Gò Vấp…

“Để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của thành phố giai đoạn 2016 - 2018, cần kinh phí 73.379 tỷ đồng, nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách thành phố, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa… mới có được 26.852 tỷ, còn cần huy động 46.527 tỷ đồng. Các dự án đều đã sẵn sàng, vấn đề chỉ là kinh phí”, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay.

Cần một "nhạc trưởng" để điều hành chống ngập

Có lẽ vấn đề kinh phí cho các dự án chống ngập là vấn đề muôn thuở. Theo một số liệu trong báo cáo của Trung tâm Chống ngập gửi UBND TP Hồ Chí Minh vào năm 2016, trong 10 năm (tính đến 2016), thành phố đã chi tới 870 triệu USD để cải tạo, nạo vét kênh rạch nhưng mới chỉ được 1,2% khối lượng theo quy hoạch.

Theo Trung tâm Chống ngập, để giải quyết vấn đề thoát nước, thành phố đã xây dựng các quy hoạch tổng thể và được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai những dự án này còn chậm do phải có nguồn lực lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng và đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực.

Có một thực tế là ngoài vấn đề nguồn vốn khó khăn thì ngay cả công tác chống ngập ở TP Hồ Chí Minh cũng chưa “quy về một mối”, dù thành phố đã thành lập hẳn một Trung tâm Chống ngập trực thuộc UBND thành phố.

Theo các chuyên gia, việc các công trình chống ngập bị chậm trễ, không phát huy hiệu quả là một phần nguyên nhân làm cho tình trạng ngập thêm nặng nề hiện nay. Đó là chưa kể, việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, chống ngập chạy theo hiện trạng “ngập đâu chống đó” khiến các công trình không được đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả.

Dự án cống ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng đã hoàn thành 70%, nhưng phải kéo dài tiến độ sau 1 năm.

Cụ thể, nhiều dự án hạ tầng xây dựng các công trình chống ngập không phải do trung tâm triển khai. Thậm chí, có hàng ngàn tuyến đường hẻm, đường nhỏ nội bộ (nhưng dài hàng cây số) bị ngập nước lại do các địa phương quận, huyện quản lý, thực hiện. Thế nên, ngay cả khi các dự án chống ngập tại các “điểm ngập” được hoàn thành, vẫn còn rất nhiều tuyến đường bị ngập nhưng không thuộc quản lý của trung tâm.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, chuyên gia về quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các dự án chống ngập hiện nay ở TP Hồ Chí Minh khá manh mún và ngay cả khi được hoàn thành đồng loạt, hiệu quả chưa chắc đã như mong muốn. Vấn đề chống ngập của thành phố không phải chỉ là thiếu tiền mà cần có bộ máy điều hành chương trình chống ngập thật sự phù hợp, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng chạy theo dự án riêng lẻ, không kết nối đồng bộ.

Ý kiến này của vị chuyên gia cũng giống như chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra tại cuộc họp Sơ kết 2,5 năm thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc chống ngập phải có một “nhạc trưởng” để điều hành, chứ không thể làm lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm, nhất là trong việc nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã đặt ra mục tiêu chống ngập với 5 nhóm giải pháp: nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; giải quyết tình trạng ngăn dòng chảy; các công trình chống ngập; ứng dụng khoa học công nghệ và vận động nhân dân, giám sát cộng đồng.

Trong khi đó, tình trạng dân số cơ học ngày càng lớn tác động đến hạ tầng đô thị, thu hẹp diện tích bề mặt khiến tình trạng ngập nước ngày càng lớn. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm Chống ngập cùng các sở, ngành phải bám sát các giải pháp để đánh giá lại hiệu quả chống ngập trong nửa nhiệm kỳ qua.

Đồng thời, Trung tâm Chống ngập phải hệ thống lại mục tiêu cụ thể trong những năm tới về quy hoạch, thu hút nguồn lực, khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân trong công tác chống ngập. Thành phố cần mở rộng không gian trữ nước, xây dựng các hồ điều tiết để giảm ngập ở các tuyến đường nội đô.

Dù vậy, từ hàng chục năm qua, đã có nhiều dự án được thành phố đầu tư khởi công, thực hiện trên nhiều lĩnh vực như ngăn triều, thoát nước, hệ thống cống… Tuy nhiên, thực tế việc chống ngập vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Và dĩ nhiên, câu hỏi bao giờ người dân TP Hồ Chí Minh thoát khỏi cảnh phải “chung sống” với ngập nước chắc chắn sẽ khó có lời giải!?

Ánh Xuân

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文