Doanh nghiệp xuất khẩu lao động khốn đốn vì COVID-19

16:26 04/03/2020
Những tháng đầu năm 2020, xuất khẩu lao động Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, kế hoạch đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. 

Doanh nghiệp vỡ kế hoạch vì dịch bệnh

Nếu như những năm trước, thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan…  luôn sôi động từ những tháng đầu năm thì từ đầu năm 2020 tới nay, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong thời gian dịch. 

Ông Trần Minh Hải, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Truyền thông quốc tế, cho biết sau khi nhận được văn bản của Cục Quản lý lao động ngoài nước về tình hình dịch bệnh, Công ty gửi công văn  cho các đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm dịch bệnh do COVID-19 gây ra.

Vì ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn đầu tư và Xây dựng TMDS cũng đã phải tạm hoãn xuất cảnh lao động trong tháng 2 vì sự an toàn của người lao động. 

Công ty TMDS hiện đang có 1 hợp đồng đưa 14 lao động sang thị trường Đài Loan, sau khi trao đổi lại, phía đối tác đã đồng ý lùi ngày tiếp nhận lao động sang đầu tháng 3. Tuy nhiên, đại diện Công ty cho biết, trước diễn biến của dịch những ngày qua, hợp đồng xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan và Singapore trong tháng 3 chắc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Còn ông Nguyễn Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) thì cho hay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển dụng, đào tạo, xuất cảnh lao động sang các thị trường.  Theo ông Nam, từ đầu năm đến nay, Công ty chưa có đợt xuất cảnh nào. 

“Nhưng theo phản hồi từ các đối tác, nhất là các đối tác ở châu Âu, họ đang lo ngại và cân nhắc thời điểm đưa lao động Việt Nam sang. Nếu tới đây dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong trường hợp có đợt xuất cảnh, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến”, ông Nam chia sẻ.

Hiện có trên 48.000 lao động Việt Nam làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc.

Lên kịch bản đưa lao động Việt Nam tại vùng dịch về nước

Việt Nam hiện đang có khoảng 650.000 lao động đang làm việc theo hợp đồng ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, có một số vùng mà lao động Việt Nam tập trung khá đông như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có chỉ đạo khẩn đến các đơn vị thuộc Bộ trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại một số quốc gia có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc. 

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ chủ trì xây dựng kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. 

Cục cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực. Đồng thời, nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đơn vị này đã cử một nhóm tham gia Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp và có văn bản gửi các địa phương để cảnh báo và khuyến cáo về tình hình dịch và việc di chuyển của lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết tại Hàn Quốc hiện có hơn 48.000 lao động Việt Nam làm việc hợp pháp và khoảng 11.000 lao động người Việt cư trú, làm việc bất hợp pháp. 

Theo báo cáo nhanh của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có hơn 4.000 lao động Việt Nam ở 2 vùng dịch lớn là TP. Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Trong đó, Daegu có hơn 1.000 lao động, Gyeongbuk có 3.007 lao động.

Hiện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Tư pháp Hàn Quốc) có thông báo chính thức: công dân nước ngoài đang cư trú trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu có các biểu hiện liên quan đến dịch COVID-19 khi đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế công cộng sẽ không bị truy cứu về tình trạng cư trú bất hợp pháp và không bị trục xuất. Hàn Quốc cũng khuyến khích người này đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị nếu tiếp xúc với người nhiễm virus COVID-19 hoặc nghi ngờ bị lây nhiễm.

Tại Nhật Bản, hiện có trên 220.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Khi dịch bệnh xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) và có trường hợp nhiễm bệnh tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản chỉ đạo Ban quản lý lao động Việt Nam tại 2 quốc gia này phải đeo bám, nắm tình hình và có hướng dẫn người lao động. 

Đặc biệt, những ngày gần đây khi Hàn Quốc, Nhật Bản bùng phát số người nhiễm bệnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục có chỉ đạo các Ban quản lý lao động. Trước mắt, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm thông tin về lao động Việt Nam, có những hướng dẫn để người lao động yên tâm, chủ động cách phòng chống dịch theo quy định…

Dũng Hiếu

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文