Đội 2 - Phòng PC50 - CATP Hà Nội: Minh oan cho Viettel

14:13 14/03/2014

Từ chỉ huy đến phần đông cán bộ chiến sỹ của Đội 2 - Phòng PC50 chính là những người đầu tiên đặt nền móng cho lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta. Nói điều này, bởi ngày 1/4/2009, ngành Công an Việt Nam lần đầu tiên thí điểm thành lập một Đội chống tội phạm công nghệ cao (Đội 14) tại Phòng CSHS - CATP Hà Nội, ra đời trước cả Cục C50 - Bộ Công an. Sau gần 4 năm hoạt động, Đội 14 đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong ký ức người dân...

Đêm 28/2/2014 có ba thanh niên bước vào một quán ăn tại xã miền núi Kỳ Lạc, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Khi rượu chưa kịp nâng thì từ bên ngoài một tốp khách khác tiến vào. Chỉ trong chớp mắt, cả ba thực khách đã bị khóa gọn trong sự ngơ ngác của tất cả mọi người. Đó là phần kết có hậu của chuyên án triệt phá ổ nhóm tội phạm giả danh Tổng đài Viettel để gây ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà Đội 2 - Phòng PC50 CA Hà Nội đã dày công theo dõi trong gần một năm qua. Hàng loạt chiến công của Đội 2 trong thời gian gần đây, là sự nối tiếp "thương hiệu" của một đơn vị từng là nỗi khiếp đảm của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao, khi còn ở phòng CSHS - CATP Hà Nội.

Lên núi bắt tội phạm mạng

Từng sát cánh bên nhau trong nhiều chuyên án trước đây, nên Thiếu tá Phạm Đức Hà - Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm mạng máy tính (Đội 2) - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) - CATP Hà Nội đã cởi mở chia sẻ với tôi: "Từ đầu năm 2013, chúng tôi đã nhận được thông tin về một nhóm đối tượng giả danh Tổng đài viễn thông gọi điện chúc mừng các chủ thuê bao đã may mắn trúng thưởng trong các chương trình do nhà mạng tổ chức, sau đó yêu cầu họ nộp trước khoản tiền nhất định để làm các thủ tục nhận thưởng, bằng cách mua thẻ cào điện thoại, nhắn mã số bí mật. Tin là thật, nhiều chủ thuê bao đã chuyển tiền và bị chiếm đoạt. Qua rà soát, biết đối tượng thường "tụ" ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhưng việc truy tìm không hề dễ dàng.

Trung tá Đặng Hồng Minh - Đội phó đội 2 chỉ đạo bắt giữ các đối tượng tại Hà Tĩnh.

Những ngày đầu năm mới 2014, qua nắm tình hình, các trinh sát Đội 2 - Phòng PC50 phát hiện nhóm tội phạm giả danh tổng đài các mạng điện thoại di động lại hoành hành. Kẻ gọi điện cho các chủ thuê bao có đủ loại giọng Bắc, Trung, Nam. Chính điều này gây khó khăn cho việc đánh giá, nhận định  đối tượng và địa bàn gây án, mặc dù địa bàn phát đi các cuộc gọi lừa đảo vẫn ở khu vực miền Trung.

Ngày 12/2/2014, Đội tiếp tục nhận được đơn của ông Nguyễn Đình Phúc (ở Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội) trình báo việc có đối tượng tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của Tổng đài Viettel gọi điện đến báo ông đã trúng thưởng với số tiền lên đến 137.000.000 đồng, trong chương trình khuyến mãi cho thương binh. Họ yêu cầu nộp trước 10.500.000 đồng để làm các thủ tục đăng ký mã nhận thưởng, nộp thuế tiền thưởng, lệ phí đăng ký xe máy trúng thưởng... Tin là thật, ông đã chuyển tiền cho chúng bằng cách mua các thẻ cào điện thoại mạng Viettel nhắn mã số bí mật cho chúng. Tiền gửi đi, đợi mãi mà không nhận được quà tặng như "Tổng đài" đã hứa, ông gọi lại thì các thuê bao đã liên lạc đều "tò te tí".

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Phòng PC50 - CATP Hà Nội, Đội 2 đã xác lập chuyên án trinh sát, phối hợp chặt chẽ với Phòng PA71- CATP và Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, khoanh vùng xác định đối tượng xuất hiện ở xã rẻo cao Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, gần biên giới Việt - Lào. Ngay trong đêm, một tổ công tác gồm 10 trinh sát do Trung tá Đặng Hồng Minh - Đội phó Đội 2 chỉ huy, đã xuất phát từ Hà Nội hành quân vào miền Trung rồi trực chỉ hướng biên giới để lên huyện miền núi Kỳ Anh.

Từ thành phố Hà Tĩnh lên đến huyện gần 100 cây số, đường cua tay áo gấp khúc khiến mấy chàng lính trẻ say lử đử. Trung tá Minh kể: "Xã Kỳ Lạc là vùng bán sơn địa cách trung tâm huyện 18 km, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nương rẫy nên thường xuyên vắng nhà. Khi mới lên, anh em cũng có một chút nao núng, bởi đồi rừng bạt ngàn, biết nhóm tội phạm đang ở chỗ nào mà tìm. Nhưng rồi với nhiều biện pháp, chúng tôi biết khoảng cách mỗi lúc một ngắn lại nên kiên trì lần theo vết của chúng".

Trinh sát Đội 2 bắt giữ đối tượng.

Đến tối 26/2, chân dung và thủ đoạn gây án của nhóm tội phạm đã được dựng lên khá hoàn chỉnh, chúng là Trương Văn Chỉ; Nguyễn Tuấn Anh; Trần Xuân Hùng đều ở lứa tuổi 9X, nhà ở xã Kỳ Lạc. Trong đó tên Tuấn Anh là sinh viên ngành công nghệ thông tin. Hằng ngày cả nhóm rủ nhau lên rẫy chăn bò. Trên đó chúng làm sẵn lán, mắc võng để lập "Tổng đài" thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Thủ đoạn là dùng cả mớ sim rác lắp vào điện thoại di động để gọi vào các số điện thoại bất kỳ mạng Viettel đầu số 016.. Lý do chúng chỉ chọn số thuê bao này để gọi vì chủ thuê bao 11 số thường là người sống ở nông thôn hoặc người già cả, thiếu hiểu biết nên dễ lừa. Còn chủ thuê bao 10 số thường ở thành phố, đang công tác, học tập nên khó lừa hơn. Lừa xong vụ nào, chúng vất toàn bộ số sim đã sử dụng để tránh bị phát hiện.

Qua nhiều "động tác", các trinh sát Đội 2 xác định đêm đó chúng sẽ rủ nhau đi ăn, nhưng không rõ sẽ ngồi ở đâu. Trung tá Minh kể tiếp: "Phải nói các anh ở Tổ công tác số 1- Công an huyện Kỳ Anh nắm địa bàn cực chắc, sau khi nghe chúng tôi báo tin đêm nay chúng sẽ tụ lại với nhau và đây là thời điểm "cất vó", họ nhận định ngay chúng sẽ tới quán nào vì rất hiểu đám thanh niên ở đây".

Đêm xuống, Tuấn Anh cùng đồng bọn khệnh khạng bước vào quán bà N.. gọi đĩa cổ cánh gà lai rai. Rượu chưa kịp nâng thì điện thoại một tên đổ chuông nên y rút máy ra nghe. Xác định đúng là thủ phạm, từ bên ngoài, trung tá Minh phát lệnh tấn công. Hơn chục trinh sát Đội 2 và Công an huyện Kỳ Anh cùng lúc ập vào khóa gọn cả bọn, thu giữ trên người chúng toàn bộ tang vật vụ án. Đấu tranh khai thác nóng, phát hiện kẻ chuyên tiêu thụ mã số thẻ cào lừa được cho nhóm này là Nguyễn Thị Xuân ở cùng xã. Đến 1 giờ sáng hôm sau, cả 4 tên trong ổ nhóm đã bị dẫn giải ra TP Hà Tĩnh để trở về Hà Nội.

Được biết, hiện cơ quan CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án và các bị can về tội sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 226b - Bộ luật Hình sự, đồng thời mở rộng điều tra truy tìm bị hại trong các vụ án khác do ổ nhóm này thực hiện.

Thiện chiến trên "sân khấu" mới

Từ chỉ huy đến phần đông cán bộ chiến sỹ của Đội 2 - Phòng PC50 chính là những người đầu tiên đặt nền móng cho lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta. Nói điều này, bởi ngày 1/4/2009, ngành Công an Việt Nam lần đầu tiên thí điểm thành lập một Đội chống tội phạm công nghệ cao (Đội 14) tại Phòng CSHS - CATP Hà Nội, ra đời trước cả Cục C50 - Bộ Công an. Sau gần 4 năm hoạt động, Đội 14 đã để lại những dấu ấn không phai mờ trong ký ức người dân, với thành tích khám phá hàng chục ổ nhóm tội phạm, bắt hàng trăm đối tượng trong tổ chức lừa đảo quốc tế gây án bằng thẻ tín dụng giả, các đường dây làm bằng giả, hack nick, sử dụng CC "chùa" mua bán hàng hóa, vé máy bay, gian lận trong thương mại điện tử... Điển hình như triệt phá ổ nhóm đối tượng lừa đảo tại Công ty MB 24 chấn động dư luận cả nước.

Trong những chiến công đó, có phần quan trọng công sức của Thiếu tá Phạm Đức Hà với vai trò Đội phó khi đó. Sẵn có kinh nghiệm của một điều tra viên nhiều năm công tác ở Đội điều tra trọng án, khi bước sang lĩnh vực đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, anh đã không ngừng học hỏi nâng cao trình độ về công nghệ, tìm tòi sáng tạo cách đánh mới gắn với đặc điểm của loại tội phạm này.

Với những thành tích đã lập, anh đã giành trọn sự tin tưởng của đồng đội và lãnh đạo các cấp của CATP Hà Nội. Trở thành Đội trưởng Đội 2 - Phòng PC50, Thiếu tá Hà có điều kiện phát huy tối đa sở trường và hoàn thiện chiến thuật điều tra tội phạm công nghệ cao. Giúp việc cho anh còn có Đội phó Dư Đình Hiếu, trinh sát Nông Thị Lệ Giang... là những "tay công" chủ lực trước đây. Thành thử, họ có khả năng "nảy số" (hiểu việc và tư duy cách làm) rất nhanh với loại tội phạm này, dù chúng diễn ra "muôn hình vạn trạng".

Còn nhớ trước tết 2014 không lâu, hàng chục ổ nhóm tội phạm mạng đã bị Đội 2 khám phá, bắt giữ. Trong một chuyên án, Đội đã phối hợp với Phòng CSHS CATP Hà Nội triệt phá ổ nhóm tội phạm sử dụng CC "chùa" - (mã số thẻ tín dụng trộm cắp được của người khác) để đặt thuê phòng khách sạn, rồi cấu kết với nhân viên khách sạn rút tiền của chủ thẻ. Ổ nhóm này do tên Nguyễn Hoàng - thạc sỹ tại ĐH kỹ thuật LB Nga cầm đầu. Để tìm ra và khám phá thành công một vụ sử dụng CC "chùa" trong thương mại điện tử, họ đã bao đêm không ngủ để lần theo những dấu vết mờ ảo nhất trong xa lộ hàng tỷ thông tin trên mạng Internet.

Trước đó, nhiều ổ nhóm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng Internet của Bùi Mạnh Tuấn, Hoàng Văn Hữu; Phùng Thanh Sơn; Lương Văn Toàn; Nguyễn Minh Đức lần lượt sa lưới Đội 2. Trong những ngày Tết nguyên đán  2014, nhóm phản động do tên Nguyễn Doãn K. cầm đầu chuẩn bị một số hoạt động gây tiếng vang tại Hà Nội. Thực hiện chỉ thị trực tiếp của Giám đốc CATP, Đội 2 đã vào cuộc khẩn trương, phối hợp với các đơn vị chức năng kịp thời bắt giữ, xử lý các đối tượng theo pháp luật.

Nhận xét về Đội 2, Thượng tá Ngô Minh An - Phó trưởng phòng PC50 cho biết: "Mặc dù là đơn vị mới thành lập, nhưng cán bộ chiến sỹ Đội 2 đã đoàn kết, chủ động sáng tạo trong chiến đấu. Đội đã lập được một số chiến công, đóng góp quan trọng vào thành tích của đơn vị, được cấp trên biểu dương, khen ngợi".

Đào Trung Hiếu

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文