Dự báo về sự lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai ở châu Âu
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24-9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virusSARS-CoV-2trên toàn cầu là 32.054.574 ca, trong đó có 980.351 người thiệt mạng.Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại châu Âu, số ca nhiễm đã vượt 5 triệu người. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn thống kê chính thức vào lúc 18h giờ Việt Nam ngày 23-9 cho thấy châu Âu có tổng cộng 5.000.421 ca nhiễm và 227.130 ca tử vong do COVID-19.
Nhiều nước châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ 2. |
Cho đến nay, tại 10 quốc gia châu Âu, bao gồm Bỉ, Bosnia, Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hà Lan, Serbia, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha - sự khởi đầu làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 đã chính thức được ghi nhận.
Tại Bỉ, Hội đồng an ninh quốc gia ngày 23-9 đã họp và đưa ra những biện pháp hạn chế dài hạn và chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở nước này.Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès đã đặt mục tiêu xét nghiệm 70.000 người/ngày, thay vì khoảng 35.000 người/ngày hiện nay. Một trung tâm tư vấn qua điện thoại sẽ được thành lập để tập trung đầu mối thông tin và giảm tải cho các bác sĩ gia đình. Bệnh nhân cũng được khuyến khích lấy kết quả xét nghiệm trực tiếp trên Internet để giảm tải lượng người đến các cơ sở y tế.
Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết Madrid sẽ mở rộng các biện pháp phong tỏa một phần sang một số khu vực khác để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm. Madrid hiện đang là tâm dịch của loạt ca nhiễm mới tại Tây Ban Nha.
Tại Hà Lan, Viện Y tế Quốc gia đã ghi nhận thêm 2.357 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 100.597 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong tại Hà Lan hiện là 6.296 ca.
Tại Đức, theo thống kê, trong ngày 23-9, nước Đức đã ghi nhận thêm trên 1.900 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca hiện mắc COVID-19 lên gần 23.000 người, trong khi tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên gần 277.000 người.Theo nhà virus học nổi tiếng của Đức, tiến sĩ Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin, nước Đức chưa chuẩn bị đầy đủ cho giai đoạn sắp tới của đại dịch.
Theo ông, thành công trong khống chế dịch của Đức cho đến nay chỉ là Đức đã phản ứng sớm hơn các nước khác khoảng 4 tuần. Ông khẳng định đại dịch không phải là một hiện tượng khoa học, mà là một thảm họa tự nhiên, đồng thời kêu gọi cần thay đổi để có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trong những tháng tới.
Trước thực trạng số ca nhiễm mới dịch COVID-19 gia tăng mạnh ở nhiều nước châu Âu, Chính phủ Đức ngày 23-9 đã cập nhật danh sách các khu vực rủi ro cao với dịch bệnh khi bổ sung thêm các khu vực của 11 nước Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, cho đến nay Đức đã xếp các khu vực của hơn một nửa số quốc gia thành viên EU vào danh sách này.
Giới nghiên cứu dự đoán các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất sẽ đạt đỉnh sớm hơn. Ở Pháp và Na Uy, đỉnh điểm sẽ đến vào giữa đến cuối tháng 9, ở Ý vào giữa tháng 10, ở Phần Lan vào cuối tháng 10, ở Anh vào đầu tháng 11 và ở Thụy Điển vào đầu năm 2021.
Ngay cả hiện tại, tình hình dịch bệnh thực tế ở một số quốc gia đã khác với dự đoán của mô hình. Ví dụ, ở Đức, Đan Mạch và Phần Lan, số liệu thống kê về tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với dự báo. Theo các tác giả, điều này có nghĩa là nhà chức trách của các quốc gia này đang thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn dịch bệnh và các công dân đang có sự cảnh giác cao.
Giới chuyên gia cảnh báo Vương quốc Anh đang ở "thời điểm nguy cấp" trong cuộc chiến với dịch bệnh, có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong do căn bệnh này gia tăng theo cấp số nhân trong những tuần tới nếu không hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn đà lây lan nhanh trong làn sóng thứ 2 của đại dịch.
Với trên 41.000 ca tử vong, Anh hiện là nước có số người tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Âu và đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm mới ở nước này đang tăng với tốc độ ít nhất 6.000 người/ngày, cứ sau 8 ngày, số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi, và hệ thống xét nghiệm đang quá tải.
Các chuyên gia cảnh báo khoảng thời gian 6 tháng tới sẽ rất khó khăn vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - giống các loại viêm nhiễm đường hô hấp khác - sẽ hoạt động mạnh hơn trong thời tiết lạnh, trong khi đó các nghiên cứu hiện tại cho thấy mới chỉ có khoảng 8% dân số Anh đã có kháng thể với virus.
Theo kết quả mô phỏng, đỉnh của làn sóng thứ hai sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 7-2020 đến tháng 1-2021, và số lượng người nhiễm sẽ còn cao hơn đợt đầu tiên.