Dự thảo hạn chế xe máy ngoại tỉnh vào nội thành Hà Nội: Nhiều ý kiến chưa đồng tình
Ngay khi dự thảo này đưa ra để lấy ý kiến đã vấp phải không ít những quan điểm khác nhau. Đa số người dân cho rằng đó là một sự "phân biệt vùng miền", "Đối xử không công bằng".
Còn một số chuyên gia thì cho rằng đây là dự thảo rất khó khả thi, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, cấm xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng.
"Đó là sự không công bằng"
Gần đây, dư luận lại xôn xao về dự thảo Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố" của Sở Giao thông vận tải (GTVT).
Trong đó có đề xuất lộ trình hạn chế xe máy theo 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, tết vào năm 2020.
Nhiều ý kiến cho rằng việc cấm xe máy ngoại tỉnh là không công bằng. |
Năm 2021, dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội (biển kiểm soát ngoại tỉnh) vào khu vực nội đô Vành đai 1 từ 7 - 19 giờ hằng ngày, đồng thời mở rộng thời gian hạn chế xe máy trong khu vực phố cổ 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày.
Giai đoạn 2 dừng hoạt động đối với xe máy không đăng ký tại Hà Nội trong Vành đai 2, đồng thời mở rộng khu vực hạn chế ra khu vực phố cũ với thời gian cấm 7 ngày/tuần và 24 giờ/ngày vào năm 2023. Giai đoạn 3: đến năm 2025 mở rộng khu vực hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực trong Vành đai 3.
Khi đón nhận thông tin này, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là những người dân ngoại tỉnh đang lao động, học tập tại Hà Nội. Nhiều người cho rằng, nếu đưa ra quyết định như vậy sẽ là không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội.
Với điều kiện, đặc điểm của Thủ đô Hà Nội là các con ngõ nhỏ, cơ quan công sở, trường học, thậm chí chợ búa có thể nằm rất sâu so với trục đường lớn.
Chính vì thế, phương tiện công cộng khó lòng đáp ứng được nhu cầu này của người dân. Chị Nguyễn Thị Hà (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng: "Nếu dự thảo này đi vào thực hiện thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi.
Bản thân tôi đi từ nhà đến cơ quan cũng chỉ hơn 20km. Lộ trình cấm như thế thì những người dân các tỉnh giáp ranh với Hà Nội sẽ đi vào Thủ đô làm việc kiểu gì? Dù đi xe khách, xe bus nhưng các phương tiện ấy thực sự không thuận lợi, cơ động được".
Việc này ảnh hưởng đến những lao động công sở một thì ảnh hưởng đến người dân lao động phổ thông mười phần. Có rất nhiều người lao động nghèo đổ về Thủ đô hàng ngày để mưu sinh, như buôn bán nhỏ, xe ôm… Chính vì thế dự thảo này sẽ triệt đường sống của rất nhiều người.
Anh Nguyễn Văn Tùng (Văn Lâm, Hưng Yên) tỏ ra rất bất ngờ: "Hàng ngày tôi chở rau vào chợ đầu mối để đổ buôn, nếu như cấm xe máy vào thì làm sao tôi sống nổi. Nếu thuê xe tải nhỏ vào thì hết lãi, mỗi chuyến chỉ lãi 1 vài trăm nghìn. Tôi nghĩ cần nghiên cứu xem chứ cấm vậy chắc vợ con tôi chết đói".
Rõ ràng xe máy vẫn là phương tiện phổ biến của người dân Việt Nam, từ nay đến 2021 chỉ còn 5 năm, lượng ôtô cá nhân có tăng nhưng không đáng kể. Việc cấm một phương tiện phổ biến và không thể thiếu với người dân là chưa đúng thời điểm.
Anh Bùi Tiến Lâm (Tân Lạc, Hòa Bình) chia sẻ: "Tôi nghĩ nếu dự thảo này đi vào thực hiện thì rất dễ gây ra phản cảm, nảy sinh phân biệt vùng miền.
Tại sao không cấm tất cả các đối tượng mà chỉ nhằm những biển số ngoại tỉnh để cấm? Thời gian cấm xe quá dài, từ 7h đến 19h hằng ngày đúng vào thời điểm di chuyển của học sinh, sinh viên và người lao động. Vậy họ đi lại bằng gì?
Phương tiện giao thông công cộng kết nối từ các tỉnh vào trong nội đô Hà Nội vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các phương tiện trung chuyển cũng chưa nhiều. Nếu cấm như vậy tôi nghĩ tình cảnh chen lấn, xô đẩy tại các phương tiện công cộng sẽ xảy ra".
Không những vậy, nhiều người lo ngại việc cấm này cũng chỉ là hình thức. Người ngoại tỉnh cần đi lại sẽ có nhiều cách lách luật bằng cách nhờ người thân có hộ khẩu tại Hà Nội đăng ký biển số xe. Như vậy vô hình trung sẽ tạo ra nhiều tiêu cực, áp lực cho các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Thủ đô.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng,cấm xe máy cũng phải hạn chế ôtô. |
Anh Nguyễn Văn Khuê (Cẩm Giàng, Hải Dương) thẳng thắn: "Đó là những quy định, đề xuất thiếu khoa học và cứng nhắc. Thay vì cấm đoán, tôi nghĩ nên chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nội đô, phát triển giao thông công cộng.
Nếu thuận tiện cho việc đi lại thì người dân tự khắc không đi xe máy quá nhiều, cũng không ai muốn đi xe máy vì nguy hiểm và khói bụi. Mọi người cũng vì mưu sinh, vì công việc mà phải chen nhau, nhích từng mét để đi vào nội thành.
Mỗi sáng lên cơ quan với tôi là một cực hình, nhà chỉ cách cơ quan có 7km nhưng phải đi hơn 1 tiếng. Tôi nghĩ nên mở rộng hơn nữa, cơ quan hành chính sự nghiệp cần được đưa về khu vực ngoại thành để giảm áp lực giao thông mới là thượng sách vào lúc này".
Khó khả thi
Không chỉ người dân có những ý kiến trái chiều mà các chuyên gia cũng có những đóng góp hết sức thẳng thắn. Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, nếu cấm phương tiện cá nhân của người dân thì phải trả lời được câu hỏi: Người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì? Không những vậy, chúng ta còn chưa có chế tài xử phạt việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô.
Đất nước ta còn nghèo, xe máy là tài sản của người dân có thu nhập trung bình, còn ôtô là phương tiện của người dân thu nhập trên trung bình, nó an toàn và văn minh hơn. Do đó để hài hòa và công bằng thì cấm xe máy cũng phải hạn chế ô tô.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Làm gì thì làm cũng cần phải dựa vào dân, không nên hạn chế quyền đi lại của nhân dân. |
Cấm được xe máy chỉ khi người dân tự nguyện từ bỏ và chấp nhận đi phương tiện giao thông công cộng. Muốn vậy chất lượng giao thông công cộng phải tốt, giá thành rẻ.
Ông Liên phân tích thêm: "Người các địa phương khác lên Hà Nội học tập, sinh sống phải có phương tiện đi lại. Có cấm cũng chưa chắc đã hạn chế được, họ sẽ mua xe biển Hà Nội để đi. Thế rồi, cấm xe máy biển ngoại tỉnh đi vào nội đô từ vành đai 1 thì người dân lấy chỗ nào mà gửi xe?
Như ở các nước Singapore, mỗi sáng có hàng vạn người Malaysia sang làm việc thì có bãi xe rộng như sân vận động. Ở mình, ra như thế là không khả thi".
Nhiều người cho rằng, thay vì cấm đoán thì nên phát triển cở sở hạ tầng, giao thông công cộng. |
Trao đổi với báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng tán đồng quan điểm việc này là khó khả thi. Ông phân tích, cấm xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng.
Khi người dân đang sở hữu xe máy, trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng được mà cấm là rất không hợp lý.
Rõ ràng giao thông là huyết mạch nuôi nền kinh tế, nếu như bị chặn đứng thì chẳng khác nào kìm hãm, giết chết nền kinh tế đang phát triển. Việc phương tiện xe máy tăng chóng mặt một phần có lỗi của cơ quan chức năng để hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp với nhu cầu của người dân.
Ông Thủy cho biết thêm: "Nếu đưa ra chính sách như vậy, người dân sẽ có đối sách để họ có xe đi làm ăn. Rất không nên để người dân phản ứng như thế, gây bức xúc khó khăn cho người dân thêm. Làm gì thì làm cũng phải dựa vào dân, đảm bảo cuộc sống bình thường, không nên hạn chế quyền đi lại của người dân".
Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị tư vấn thực hiện đề án cho Sở GTVT Hà Nội) khẳng định chưa có kiến nghị chính thức về việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô Hà Nội. Trong lộ trình quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, đơn vị có đề xuất một giải pháp là hạn chế phương tiện ngoại tỉnh với sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025 đến 2030. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang trong thời gian xin ý kiến. Theo Viện Chiến lược và Phát trển GTVT, đây là hai đối tượng dễ quản lý nhất và dễ chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhất. Vì tần suất nhu cầu sử dụng đều, không đổi, ít phát sinh. |